Chỉ một tuần nữa là đến lễ Giáng Sinh. Đây là lần thứ ba
mình sẽ đón Giáng Sinh tại Bangkok trong 8 cái Giáng Sinh trên đất Thái. Cũng
đã nhiều năm rồi mình không được đón Giáng Sinh ở Mỹ và cũng đã gần 15 rồi mình
không được vui Noel bên cạnh những người thân trong gia đình. Những ngày qua,
nhiều bạn trẻ hỏi mình “Noel này cha có về quê không?”. Ý của các bạn là muốn
biết mình có đi đón Noel ở Việt Nam không. Mình trả lời là không vì bận các
sinh hoạt và mục vụ lễ Giáng Sinh tại Thái Lan nên không đi được.
Nếu đi mừng lễ Giáng Sinh ở Việt Nam không được thì mừng lễ
Giáng Sinh ở Hoa Kỳ bên cạnh bố mẹ và các anh chị lại càng không thể vì khoảng
cách cũng như quy luật của hội dòng về việc về thăm nhà không cho phép. Ba năm
một lần, mình được phép về thăm gia đình, nhưng không dễ gì sắp xếp chuyến đi
cho trùng với dịp lễ. Nhiều khi vì trách nhiệm và bổn phận mà phải sắp xếp những
kỳ nghỉ cho trùng với thời “thấp điểm” trong năm mà mình rảnh rỗi nhất. Và thường
thì những dịp lễ lại là thời điểm bận rộn của một linh mục hoặc tu sĩ.
Sáng nay, khi ngồi ăn sáng với các tu huynh và các seour,
mình hỏi thầy Simon là bề trên cộng đoàn dòng San Gabriel ở đây rằng, lần cuối
cùng thầy đón lễ Giáng Sinh ở Pháp quê hương của thầy là lúc nào. Thầy Simon
nhìn lên cười và nói, “Lần cuối cùng tôi đón Noel ở Pháp là năm 1941.” Mọi người
trong bàn ăn đều bật cười vì ở đó đều toàn là những người tuổi trẻ hơn nhiều.
Vào năm 1941 thì chưa có ai sinh ra.
Thầy Simon kể, năm 1941 đang xảy ra chiến tranh tại Âu Châu
nên mùa Noel đó cũng khá ảm đảm. Từ đó đến giờ thì đa số các mùa Giáng Sinh thầy
đều đón ở trên đất Thái. Năm này cũng thế. Thầy sẽ dùng thời điểm rảnh rổi
trong những ngày nghỉ lễ để chấm bài thi cuối kỳ của các sinh viên.
Mình chỉ mới có 8 mùa Noel trên đất Thái, xa quê hương, xa
gia đình. Thoạt đầu xem có vẻ lâu. Nhưng sau khi nghe thầy Simon chia sẻ, mình
cảm thấy thời gian mình ở đây thật còn ít ỏi. Thầy Simon đã nhắc nhở mình rằng
việc dấn thân với ơn gọi truyền giáo là phải chấp nhận “từ bỏ” cha mẹ, anh em,
bạn bè, và những thứ mà mình yêu thích, cho dù đó là những điều tốt lành.
Tốt lành lắm chứ việc quay quần bên gia đình và bạn bè trong
ngày lễ. Tốt lành lắm chứ được đùa giởn với những đứa cháu và nghe chúng kể về
công việc học hành của chúng. Tốt lành lắm chứ được ngồi trước cây thông mở những
món quà mà người thân yêu mua tặng mình. Và tốt lành lắm chứ khi cùng gia đình
đi lễ mừng Chúa giáng sinh, cùng nhau hát những bài thánh ca bất hửu ca ngợi
tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng nhân loại. Thế nhưng từ bỏ có nghĩa là chọn và
làm điều cần thiết hơn. Và hy sinh là dấn thân với điều sẽ mang lại bổ ích cho
người khác đồng thời đặt Chúa và nhu cầu của người khác trước nhu cầu cá nhân.
Khi nói về tinh thần mùa Giáng Sinh, trong tiếng Anh người
ta hay nhắc đến một từ ngắn gọn là “JOY”. “Joy” có nghĩa là niềm vui, niềm hoan
lạc, niềm phấn khởi. Nhưng cũng có người đã phân tích rằng để có được “JOY” thì
phải xem chữ này như một chữ viết tắt “J.O.Y”.
“J” là Jesus. “O” là Others (Người khác). Và “Y” là You. Như vậy, để có
được “Joy” thì ta phải đặt Chúa Giê-su và người khác trước chính mình. Sự quan
tâm đến người khác trước chính mình sẽ là điều mang lại niềm vui và niềm hoan lạc
thật sự cho mỗi người trong mùa Giáng Sinh. Thiết nghĩ Thiên Chúa là một Đấng chất
chứa niềm vui và sự hoan lạc vì không có sự hy sinh nào vĩ đại hơn việc Ngôi
Hai nhập thể làm người và ở cùng nhân loại như một con người thấp hèn để cứu
chuộc loài người khỏi xiềng xích tội lỗi và một tương lai đen tối. Nếu ai đó
đang cảm thấy buồn sầu và thất vọng, đang đau khổ và nặng trỉu trong lòng bởi
những yếu đuối và thử thách trong cuộc sống, mùa Giáng Sinh này, hãy nhìn về
hang đá Bê-lem để tìm thấy sự bình yên và niềm hoan lạc chỉ tìm thấy được nơi Đấng
là nguồn mạch sự bình an và niềm hoan lạc, ở nơi Thiên Chúa mang hình hài một
trẻ thơ đơn sơ, bé nhỏ đang nằm trong máng cỏ khó nghèo. Ở đó là Đấng Emmanuel,
Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ở đó là niềm vui, niềm hoan lạc và niềm hy vọng cho
mỗi người chúng ta.
Bangkok, ngày 17.12.2014
No comments:
Post a Comment