Từ chối một cơ hội

Cách đây vài hôm, anh Thirasak nhân viên văn phòng giáo phận gọi điện thoại cho mình nói là có chương trình truyền hình kênh 9 chuyên về làm phóng sự về nhưng người nước ngoài đến làm việc tại Thái Lan để giúp cho xã hội Thái được phát triển. Trước đây chương trình này đã từng làm phóng sự về cha Shea, một linh mục người Mỹ đã mở trung tâm chăm sóc các trẻ em bị nhiễm HIV và nhưng em mồ côi tại tỉnh Nong Khai. Nhân viên văn phòng giáo phận nói muốn cho chương trình này thực hiện chuyên đề về mình, và nếu mình đồng ý họ sẽ gởi thông tin về mình đến đài truyền hình để họ có thể bắt đầu quá trình làm chương trình.

Sau khi nghe anh Thirasak nói xong, mình trả lơi với anh rằng, mình không nghĩ rằng mình phù hợp cho chương trình này. Thứ nhất những việc mình làm chưa có to tác gì đến nỗi xứng đáng để được đưa lên truyền hình. Thứ hai mình không muốn câu chuyện của các em bị nhiễm HIV bị khai thác trên truyền hình, mà nếu có làm chương trình về mình thì chắc chắn đó sẽ là một phần của các câu chuyện sẽ được đề cập đến. Ngoài ra, một trong những mục vụ mà mình tâm huyết đó là mục vụ lao động di dân. Nhưng việc đưa câu chuyện này lên đài truyền hình thì dường như không thể được vì tính bất hợp pháp của các bạn trẻ lao động di dân tại Thái Lan. Và người Thái nói chung sẽ không xem việc này là việc bổ ích cho xã hội Thái, và nếu công bố trên truyền hình thì mình có nguy cơ sẽ bị lên án hơn là được đồng tình.

Vì thế mình đã từ chối một cơ hội để quảng bá về công việc của mình, nhưng mình tin chắc đó là điều tốt nhất. Và sau này nếu mình cảm thấy mình đã thực sự cống hiến gì đó cho xã hội Thái, và việc phổ biến đó có ích lợi cho Giáo hội thì mình sẽ làm. Còn bây giờ thì thực sự chưa đến lúc.

Nong Bua Lamphu, ngày 28.2.2010

Chuyện của Kai


Hôm qua mình và hai bạn trẻ trong cộng đoàn đến bệnh viện để thăm Kai, một bệnh nhân HIV từng được chăm sóc ở trung tâm ĐMHCG. Với bệnh tình của Kai thì có lẽ vài ngày nữa thôi, anh ta sẽ không còn nữa. Mình không hiểu rõ bệnh của anh là gì, nhưng nghe nói có những vế lỡ trên người như ung thư mà bác sĩ không còn chữa được nữa.

Anh Kai là một người đồng tính. Anh đến trung tâm cách đây khoảng hai năm. Khi mới đến thì anh đang bệnh nặng, bị ho lao và tóc chỉ còn vài sợi. Nhìn anh tôi nghĩ sẽ không qua khỏi. Nhưng nhờ vào thuốc men, dinh dưỡng và sự nâng đỡ về tinh thần nên anh đã hồi phục rất tốt. Thời gian sau anh khỏe mạnh và trông như một người bình thường.

Khi đã hồi phục hoàn toàn anh đã rời trung tâm và kiếm việc làm ở tỉnh Udon Thani, trong một quán ăn trong phố. Thỉnh thoảng anh cũng ghé qua thăm trung tâm và ở lại một hai hôm. Trông anh cũng khỏe mạnh như thường. Lần cuối cùng mình gặp anh là ngày 1 tháng 12 vừa qua, nhân dịp ngày AIDS Thế giới. Anh ta đến tham dự chương trình diễu hành của TT trên đường phố của tỉnh.

Nhưng trước khi mình đi Úc thì nhận được tin là anh ta đang nằm bệnh viện với bệnh tình rất nặng. Hôm qua, nhân viên TT đến báo cho mình biết là có lẽ sẽ không khỏi. Mình đến bệnh viên thăm anh thì chứng kiến một thân hình tàn tạ, yếu đuối, nói không ra tiếng, và bốc mui khai vì vết thương trên người của anh. Mặc dầu anh nhận ra mình, nhưng khi nhân viên TT đến thăm thì họ nói anh ta không nhớ họ.

Hôm nay trong buổi sinh hoạt hàng tuần với các bệnh nhân, Pam chia sẻ rằng, đáng ra anh Kai còn sống lâu hơn thế này nữa. Nhưng lý do anh ta đến nông nỗi này là vì có nhiều hành vi bất cẩn khi sống trong xã hội trong thời gian qua. Anh đã nhiều lần quan hệ tình dục một cách bừa bãi với những người khác cùng nhiễm HIV. Và điều đó làm cho virút HIV trong người của anh càng ngày càng đột biến nên thuốc chống virút trở nên vô hiệu quả. Vì thế sức khỏe bị ảnh hưởng một cách nhanh chóng, và rốt cuộc, giờ đây anh đang đối diện với một cái chết đau đơn và cô độc, bênh cạnh không có một người thân nào quan tâm đến.

Trong buổi sinh hoạt với các bệnh nhân hôm nay cũng có chia tay với một người đàn ông, sau khi hồi phục, sẽ trở về với gia đình và tìm kiếm việc làm nuôi bản thân. Anh ta rất vui tươi và tràn đầy hy vọng sau khi sức khỏe đã tốt hơn rất nhiều so với khi mới đến trung tâm. Câu chuyện của Kai cũng là một bài học và một lời nhắc nhở đối với anh là phải biết giữ gìn sức khỏe khi không còn những người sống bên cạnh để nhắc nhở và chăm sóc cho mình như khi còn ở TT. Để duy trì đời sống lành mạnh hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và sự quyết chí của mình khi xung quanh mình luôn luôn có những cám dỗ làm cho mình dễ buông thả.

Nong Bua Lamphu, ngày 23.2.2012

Nhật ký trên máy bay



Mình đang ngồi trên chuyến bay trở về Bangkok từ Úc sau những ngày tham dự cuộc hội nghị của Dòng. Những ngày họp thật dài và bàn luận về nhiều vấn đề liên quan đến công việc truyền giáo của Hội dòng. Tuy mệt và đôi khi còn căng thẳng, nhưng mình cảm thấy rất vui khi có phần trong những cuộc bàn luận đó để góp phần định hướng cho những hoạt động của hội dòng trong tương lai.

Qua việc tham dự họp tổng nghị, mình đã hiểu hơn rất nhiều về những công việc mà các anh em trong dòng đang thực hiện ở nhiều nơi trên tỉnh dòng rộng lớn này, và mình cũng thấy rõ hơn những thách đố mà hội dòng đang phải đối phó trong vấn đề nhân lực, tái chánh cũng như những yếu tố khách quan nằm bên ngoài tầm tay của hội dòng có thể kiểm soát.

Nhưng một điều mình đă cảm nhận rất sâu xa, đó là các nhà truyền giáo Ngôi Lời, bất kể thuộc thế hệ già hay trẻ, bất cứ người Á châu hay người Tây phương, tất cả đều có khắc khoải phục vụ Chúa và Giáo hội để xây dựng nước Chúa ngày càng lớn mạnh hơn. Và có dịp gặp gỡ để chia sẻ, trao đổi và nâng đỡ khích lệ nhau mọi người như nhận được một sức sống mới để tiếp tục phấn đấu trong công việc của mình ở nhưng nơi góc trời xa xôi mà minh đã đươc sai đến.

Mình trở lại Thái Lan lần này cũng phải nhảy vào nhiều sinh hoạt cả mục vụ lẫn xã hội. Chỉ vài ngày nữa là Mùa Chay bắt đầu. Bên canh đó mùa hè của Thái Lan cũng đang đến. Minh phải chuẩn bị cho nhiều sinh hoạt, nhưng minh không nôn nao, ngược lái thấy vui khi mình có những công việc đang chờ mình. Mình đang đóng góp trong sứ mệnh của hội dòng và trong việc xây dựng nươc Chúa. Đó la một điều phải la,f cho mình cảm thấy hạnh phúc và phấn khởi.

Ngày 18.2.2012

Tình huynh đệ

Mình đang ngồi ở bến phà đợi xe ra đón về. Hôm nay hội dòng tổ chức cho tất cả các thanh viên trong dòng đi du thuyền trên cảng Sydney, vừa ngắm cảnh độc đáo của cảng vừa có thời gian thư giãn trò chuyện với nhau trên tàu. Một ý tưởng tuyệt vời của bề trên để cho thanh viên trong dòng nghỉ ngơi sau những ngày họp dài bàn luận nhiều vấn đề liên quan đến hoạt đông truyền giáo của hội dòng và vạch ra đường hướng cho tương lai. Mình cảm thấy thật hạnh phúc khi được ở gần nhưng người anh em trong dòng cả thế hệ đi trước lẫn nhưng người anh em đi sau. Nhưng người anh em của mình, đủ màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, nhưng sao thân thiện và cởi mở với nhau quá. Dương như không có cách biệt vì mọi người đều chung một chí hương phục vụ giáo hội và tha nhân. Ai cũng muốn tìm hiểu về mục vụ của nhau và muốn cho hoạt động truyền giáo của dòng ngày càng phát triển.

Những cuộc gặp gỡ như thế này thực sự hiếm, chỉ sáu năm một lần. Mình muốn tận hưởng cáo không khí ấm áp đoàn kết này, để có thêm nghị lực cho mình khi quay trở lại cộng đoàn nhỏ bé và công việc đơn độc cũa mình tại Thái Lan. Để rồi mình sẽ luôn nhớ rằng mình là một phần của một gia đình truyền giáo thật to lớn, trong một Giáo hội hoàn vũ, và đang đóng góp trong một sứ mệnh thật cao cả. Mình sẽ không bao giờ cô độc, lẻ loi vì mình luôn có nhưng người anh em thật dễ thương, họ cũng đang phấn đấu như mình để làm nươc Chúa ngày thêm sáng ngời hơn.

Sydney, ngày 14.2.2012

Nhà mẹ SVD tại Úc





Quang cảnh nhà mẹ Dòng Ngôi ở Úc không hoành tráng nhưng yên tĩnh và thiên nhiên. Trong khuôn viên có rất nhiều cây xanh, đặc biệt là những cây bạch đàn cao to. Và hay có tiếng chim két kêu thật lớn, đôi khi nghe cũng hơi khó chịu. Ban đêm thường có những con thỏ vào vườn để ăn cỏ. Những chú thỏ này thì may là vào ăn cỏ nhà dòng nên chẳng bao giờ bị làm hại.

Epping, ngày 12.2.2012

Xây dựng tinh thần huynh đệ






Những ngày R&R của các anh em SVD U45 thật bổ ích và vui vẻ đối với mọi người. Sau những ngày làm việc mệt nhọc, mỗi người mỗi hướng trên cánh đồng truyền giáo bao la của tỉnh dòng Úc (gồm có Úc, Thái Lan, và New Zealand), các anh em SVD cảm thấy vô cùng thư giãn và khi quay quần bên nhau trò chuyện, trao đổi, chia sẻ, và dã ngoại nữa.

Budgewoi, ngày 11.2.2012

Thách đố trong việc truyền giáo



Sáng nay mình ngồi nói chuyện với thầy Jay, một người anh em đang phục vụ tại Alice Spring, thuộc miền trung nước Úc. Ở đây công việc của thầy là giúp những người thổ dân. Jay chia sẻ với mình công việc phục vụ người thổ dân thật vất vả và nhiều khi làm cho anh nản chí. Jay nói: - Mình tìm đủ mọi cách để tiếp cận với người thổ dân, nhưng sự lơ là của họ đối với những việc mình muốn làm cho họ nhiều khi làm mình phải đặt vấn đề, ‘Việc này tôi làm cho tôi hay là tôi làm cho họ.’ Làm cho họ mà nhiều khi cứ như là tôi làm cho tôi, vì họ không mấy quan tâm hoặc hứng thú với những điều đó. Nếu muốn người ta làm gì thì phải đi đón rước và đốc thúc họ mới đi, còn không thì chẳng ai đến. Có khi đưa sinh hoạt đến tận nơi họ ở mà họ cũng rất bàng quang. Điều mà họ quan tâm là uống rượu và say xỉnh hằng ngày làm cho họ không thể nào thoát khỏi cảnh nghèo đói và tệ nạn.

Nghe thầy Jay kể về thách đố trong công việc mình cũng cảm thấy rất đồng cảm với anh vì ít nhiều trong công việc truyền giáo của mình, mình cũng đã từng đối diện với thái độ thờ ơ và bàng quang của những người mà mình phục vụ. Mình cũng đã từng đặt vấn đề, “Tôi làm việc này để lấy thành tích hay đây thực sự là những điều mà họ muốn nhận được từ nơi tôi? Và nếu đây quả là điều họ cần thì tại sao họ không nhận ra giá trị của những gì tôi và người khác đang làm? Tại sao mọi việc cần phải được kêu gọi, khuyến khích, thúc đẩy, và nhiều khi còn như phải năn nỉ thì mới nhận được sự đáp ứng?”

Trong công việc truyền giáo có lẽ không thể tranh khỏi sự bị từ chối vì người ta không phải lúc nào cũng nhận ra điều họ cần. Hoặc không phải lúc nào người ta cũng có những hành động phải có để đạt được điều mà họ nói là muốn có. Vì thế tình trạng tệ hại cứ tiếp diễn, tình thế không thay đổi bao nhiêu, và sự cải tiến tiếp tục là một mục tiêu khó đạt tới. Nghĩ tới cũng dễ làm cho một nhà truyền giáo cảm thấy nản chí. Nhưng rồi cũng không thể bỏ cuộc. Nhà truyền giáo phải tiếp tục mày mò, thử nghiệm và cầu nguyện xin Chúa soi sáng để làm những gì đúng với thánh ý của Ngài. Và cuối cùng nhà truyền giáo cũng chỉ có thể thừa nhận là dù sao đi nữa thì sứ vụ này là thuộc về Chúa. Mình chỉ có thể làm một chút gì đó để góp phần vào sứ vụ lớn lao của Ngài. Và như thế có lẽ là đủ.

Budgewoi, NSW, AUS, ngày 10.2.2012

Nhật ký từ Úc

Từ ngày mình qua nhận bài sai truyền giáo tại Thái Lan, đây là lần thứ hai mình qua Úc để tham dự các cuộc họp liên quan đến tỉnh dòng. Mặc dầu mình làm việc tại Thái Lan, nhưng vì là một phần của tỉnh dòng Úc nên cũng có những cuộc họp mà mình hoặc các thành viên trong dòng tại Thái Lan phải đi tham dự.

Cuộc họp mà mình và toàn thể các anh em SVD trong tỉnh dòng Úc từ Thái Lan, Úc, và New Zealand đến để tham dự trong tuần tới này là cuộc hội nghị mỗi ba năm một lần để chia sẻ, thảo luận, và vạch ra những đường hướng mới trong công tác truyền giáo của tỉnh dòng. Đây là một trong những cuộc họp quan trọng nhất của hội dòng mà nhiều vấn đề sẽ được đưa lên bàn thảo luận và mổ xẻ. Nhưng ngoài việc đó, đây cũng là một dịp rất tốt để cho các anh em trong hội dòng được gặp gỡ và chia sẻ với nhau trong tinh thần huynh đệ.

Đặc biệt ngày mai mình sẽ đi tham dự cuộc họp mặt các thành viên trong dòng thuộc lớp "trẻ", có nghĩa là từ 45 tuổi trở xuống. Hội đồng bề trên đã quyết định tổ chức cuộc họp mặt này để cho thành phần trẻ trong tỉnh dòng có dịp để gặp gỡ, chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau, cũng như trao đổi những kinh nghiệm trong đời sống truyền giáo của mình. Mình nghe nói chương trình sẽ bắt đầu từ ngày thứ năm cho đến ngày Chúa Nhật. Mình tin chắc đây sẽ là những ngày vừa vui vẻ vừa bổ ích cho những người đến tham dự.

Bây giờ đã hơn 12 giờ khuya, nếu tính theo giờ địa phương. Nhưng nếu tính theo giờ ở Thái Lan thì mới chỉ gần 8 giờ rưỡi tối. Mình chưa thấy buồn ngủ tí nào cả. Nhưng mình cũng sẽ phải cố gắng ngủ để mau thích nghi với giờ giấc tại đây. Trời ở đây đang vào mùa hè, nhưng lại thấy mát mẻ lắm, thật ra hơi lạnh so với ở Thái Lan. Mình hy vọng trời mát mẻ như thế, mình sẽ có được một giấc ngủ tốt.

Sydney, ngày 8.2.2012

Dạy tiếng Anh

Thế là tuần này mình cũng đã dạy xong lớp Tiếng Anh giao tiếp căn bản cho những người có nhu cầu xử dụng tiếng Anh trong công việc của mình, như những người làm việc tại các cơ quan nhà nước, các chủ tiệm kinh doanh, hoặc là nhân viên công ty. Ngày nay, người nước ngoài đến sinh sống ở các tỉnh thành của Thái Lan ngày càng đông, nên việc biết tiếng Anh để xử dụng trong công việc rất cần thiết.

Có rất nhiều người đến để ghi danh học lớp này, nhưng một vấn đề đã xảy ra y như mình phỏng đoán trong ngày đầu tiên đứng lớp. Đó là vào ngày cuối cùng, chỉ còn khoảng một nửa số người so với ngày đầu tiên, và thực sự đã xảy ra như thế. Đây là thực trạng của các lớp học ngoại ngữ tại Thái Lan. Số người muốn nói tiếng Anh thì nhiều, nhưng số người chịu khó đầu tư thời giờ để đi học, làm bài tập, và tự trau dồi thêm thì ít. Khi nói đến học thì ai cũng thích, nhưng rồi sau đó, hàng loạt lý do hiện lên để chi phối họ: không có thời giờ, bận đi họp, bận đi công tác, bận đi chơi, v.v. và v.v. Nhưng chung quy lại là thiếu sự kiên trì và phấn đấu để được điều mình muốn có. Người Thái cũng nhận ra bản tính này nơi con người của họ, nhưng họ chưa sửa được.

Dù sao đi nữa, sau khi có quá nhiều người ghi danh học thì cuối cùng, số học viên trong lớp đã được cân bằng ở một con số vừa phải và thuận lợi cho một lớp ngoại ngữ. Sau khi xong lớp căn bản, nhiều người đã chia sẻ rằng, giờ đây cảm thấy ít e ngại hơn khi gặp người ngoại quốc. Trước đây, thấy người nước ngoài là tránh vì sợ giao tiếp với họ không được. Nhưng bây giờ cảm thấy tự tin hơn và lại thích tìm đến họ để nói chuyện và thực tập. Vào ngày cuối cùng của lớp, như một phần trong bài thi, mình yêu cầu mỗi người phải đứng lên để nói trước lớp về một đề tài gì đó trong vòng ba phút. Đa số đã làm được ở mức độ chấp nhận được. Một điều mình cảm thấy vui là những người đến học môn này đã thực sự cố gắng nói tiếng Anh, ít nhất là trong giờ học, làm cho mình cảm thấy vui hơn với việc dạy. Điều này càng đáng mừng, đặc biệt người Thái rất mắc cở khi phải nói tiếng Anh trước nhiều người.

Mình sắp phải đi Úc để họp trong vòng hai tuần. Sau khi trở lại Thái Lan thì cũng sẽ trở lại với việc dạy tiếng Anh. Lớp thứ II với những đề tài giao tiếp khó hơn sẽ được bắt đầu ngay sau khi mình trở về. Có lẽ sẽ hơi mệt, nhưng công việc dạy học cũng là một điều rất vui đối với mình.

Nong Bua Lamphu, ngày 2.2.2012