Thái Lan bị lụt
Mấy tuần qua Thái Lan bị lụt to, đặc biệt ở các tỉnh thành ở vùng miền bắc nước Thái. Và nước lũ đã chảy xuống vùng thành phố thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận gây nhiều thiệt hại về mùa màng, của cải, cũng như mạng sống. Hàng trăm người đã mất mạng sống và nhà cửa của hàng trăm ngìn hộ dân bị hư hại nặng nề. Chính phủ cố gắng tìm cách không cho nước chảy vào trung tâm thành phố Bangkok vì sợ sẽ gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế, nhưng chuyện gì phải đến thì cũng đã đến. Khắp thành phố Bangkok, việc nước lũ vào chỉ lạ vấn đề sớm hay muộn chứ dường như không thể tránh nỗi. Cơn lũ lớn nhất trong vòng 100 năm đã làm cho các lãnh đạo thiếu kinh nghiệm của Thái Lan phải choáng váng vì không biết tìm cách nào để khắc phục vấn đề.
Cách đây vài ngày, chuyến bay của mình từ Bangkok trở lại NBL cũng đã bị hủy vì sân bay nội địa đã bị ngập nước và không thể tiếp tục hoạt động. Giờ đây chỉ còn sân bay quốc tế thì có thể hoạt động được và số lượng khách gia tăng đột biến do có quá nhiều người tìm cách trốn lũ bằng cách rời khỏi thành phố để đi tạm trú tại các tỉnh khác không gặp phải hoạn nạn. Cũng may là tỉnh NBL của mình nằm trong vùng không phải đương đầu với nước lũ này.
Nói về việc làm ăn thì ai cũng bị ảnh hưởng. Giờ đây các lao động di dân Việt Nam mà mình quen biết tại Bangkok cũng đã lần lượt trở về quê vì không còn việc để làm. Các nhà hàng, quán xá đóng cửa chờ lúc nào nước xuống thì chỉ có nước trở về quê. Chứ còn ở lại Bangkok không có việc làm, không có thức ăn thức uống, và không có tiền thì rất khó khăn. Mới hôm nay đã có ba bạn ghé qua chỗ mình trên đường trở về Hà Tỉnh. Còn có những đứa khác tại BKK cũng đã nói với mình, "Nếu lũ đến thì con sẽ lên chỗ cha để trốn." Tụi nó nói đùa nhưng e rằng cũng có thể trở thành sự thật. Ở Bangkok không có việc làm, ở tầng dưới thì ngập nước tới đầu, ở tầng trên thì không có thức ăn và nước uống. Đường nào cũng nguy cả.
Ở đây mình không bị nước ngập, nhưng chắc chắn mùa màng bị thiệt hại trầm trọng thì giá cả thức ăn thức uống sẽ phải gia tăng làm cho chi phí sẽ lên cao hơn, đặc biệt là giá gạo và hoa quả. Cũng đành phải chịu. Giờ đây mọi người chỉ biết nói chuyện về lũ lụt. Xem tin tức cũng chỉ thấy họ nói về vấn đề này. Vào xe taxi cũng chỉ nghe radio về nó. Và dĩ nhiên đề tài đang chiếm hết tâm trí của người dân cũng chỉ là thế. Nghe đâu nước sẽ tồn tại tới một tháng trời. Thời gian sắp tới, người dân Thái Lan, đặc biệt ở Bangkok và các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ ăn, ngủ, và nói chuyện về sự kiện to lớn này.
Nong Bua Lamphu, ngày 29.10.2011
Họp trại giới trẻ Việt Nam tại Thái lần thứ I
Đức Khâm Sứ đến thăm nhà thờ mình
Ngày 19 tháng 10 vừa qua Đức Khâm Sứ Giovanni Daniello, trong chuyến đi thăm chính thức giáo phận Udon Thani đã đến thăm nhà thờ của mình cũng như làm quen với các giáo dân ở đây. Hôm nay mình đã nhận được hình ảnh mà một giáo dân chụp. Xem hình ảnh cũng cảm thấy rất tự hào về những gì giáo dân của mình ở đây đã làm được trong dịp đặc biệt này. Trong lời phát biểu của ngài, ngài đã tỏ ra rất ấn tượng với những gì ngài nghe và thấy được tại đây và ngài khuyến khích mọi người hãy đắc lực hơn nữa trong việc phục vụ giáo hội và tha nhân.
Nong Bua Lamphu, ngày 24.10.2011
Mình làm M.C.
Hôm qua mình nhận được chương trình của tiệc, bao gồm những phần phát biểu và một số mục trình diễn đến từ các trường học trong Giáo phận. Mình nghĩ cũng đơn giản. Để nói tiếng Anh thì cũng không gì quá khó. Mình còn viết thêm một lời chào mừng Đức Khâm Sứ bằng tiếng Anh để nói lúc đầu tiệc. Mình nghĩ thế là xong.
Chiều hôm nay, sau khi làm chương trình về Phá thai cho các trại sinh của trại hè giới trẻ Công giáo Thái Lan xong, mình đem chương trình ra xem lại thì mới phát hiện ra mình phải nói cả hai thứ tiếng. Mà những từ tiếng Thái thật là dài và khó đọc vì nó dùng toàn những từ cao siêu, đặc biệt là từ Đức Khâm Sứ, nói mỏi cả lưỡi cũng không xuông được. Rồi mình phát hiện ra mình phải có những lời cảm ơn các ĐGM và các quan khách bằng hai thứ tiếng. Thế là mình bắt đầu ngồi chuẩn bị các lời phát biểu và giới thiệu bằng hai thứ tiếng. May là chiều hôm nay có các thầy đại chủng viện đến giúp chương trình trại giới trẻ giúp mình viết, không thôi cũng nguy.
Chuẩn bị xong các lời phát biểu, mình lái xe hơn 100 km từ tỉnh Khon Kaen đến khách sạn Jarern Hotel tại tỉnh Udon để chuẩn bị cho bữa tiệc. Mình là người đến khách sạn đầu tiên. Mình tìm một góc trong khách sạn để đánh vào cái máy Ipad những lời phát biểu bằng hai ngôn ngữ đến xử dụng trong buổi tiệc. Thế là xong. Buổi tiếc bắt đầu sau khi tất cả các ĐGM và quan khách đã đến. Mình cảm thấy rất hồi hộp vì phải đọc mấy cái chữ dài dẳng bằng tiếng Thái. Cha Kung, cha xứ nhà thờ chánh tòa thấy mình căng thăng nên tới trấn an nói, "Đừng có căng thẳng. Không phải lo gì đâu." Cha Thau, tổng quản lý tới nhắc mình ăn đi, không cần phải đứng chuẩn bị. Ngài hỏi mình có muốn uống rượu chát không? Mình nói có. Cha cho nhân viên mang tới cho mình một ly rượu chát. Mình uống thật nhanh rồi sau đó đến xem lại những lời phát biểu. Thật ra mình không sợ mấy cái lời phát biểu mà mình đã soạn. Chỉ cần phải đọc, dù có vấp tí xíu cũng chẳng sao. Cái sợ nhất mà mình mới được cho hay trong lúc tiệc bắt đầu là mình phải thông dịch bài phát biểu của ĐGM và Đức Khâm Sứ từ tiếng Anh qua tiếng Thái.
- Cái gì? Phải dịch bài phát biểu à? - Mình hỏi cha thư ký.
- Cha dịch vắn tắt cũng được. Không cần dịch nguyên văn đâu. - Cha thư ký trả lời.
Mình lật đật xem bài phát biểu của ĐGM và ĐKS mới vừa trao cho mình. Được rồi, dịch vắn tắt chắc không đến nỗi. Nhưng chỉ có bài của ĐGM Udon Thani thì mình được dịch vắn tắt. Còn khi ĐKS lên thì Ngài lại cho mình dịch từng ý một của Ngài. Mà Ngài không chỉ nói những gì trong tờ giấy đưa cho mình, mà còn nói thêm những lời không soạn trước nữa. May là có hai ly rượu chát, nên lúc đó cũng đã đỡ hồi hộp. Bình tĩnh hơn và làm được trách nhiệm của mình tương đối ổn.
Sau tiệc mình nhận được nhiều lời khen, "Cha dịch giỏi quá". Mình chỉ biết cám ơn lia lịa, vừa mừng vừa nhẹ người. Trên đường về nhà, mình vừa lái xe vừa cảm tạ Chúa. Thật là nhờ có sự hỗ trợ của Ngài mình mới làm được việc này. Đứng ra làm M.C. và thông dịch viên trước các quan khách của giáo phận không phải là một chuyện đơn giản, đặc biệt là khi phải nói hai thứ tiếng. Có lẽ mình cũng đã làm tốt, vì trên đường về, mình lại nhận được điện thoại từ cha thư ký nói rằng, "ĐGM mới vừa nói là nói cha tối thứ năm, mời cha đến tham dự tiệc tiễn ĐKS. Vì trong tiệc này cũng phải cần có thông dịch viên." Chắc đây là một sự khởi đầu cho một đường hướng mới chăng?
Nong Bua Lamphu, ngày 18.10.2011
Niềm hạnh phúc của người bị nhiễm HIV
Cứ mỗi chiều thứ năm mình có một chương trình sinh hoạt với các bệnh nhân AIDS trong trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trong hai tiếng đồng hồ, mình hướng dẫn các bệnh nhân trong khía cạnh đời sống tâm linh và tinh thần, và tạo điều kiện cho họ chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ, và khó khăn trong cuộc sống hầu mọi người có thể nâng đỡ và dìu dắt nhau vượt qua những gian nan trong đời sống.
Chiều nay các bệnh nhân lại có dịp nhìn lại chặng đường 1 tuần qua trong đời sống của họ. Có người cảm thấy hạnh phúc vì đã có một ngày về thăm gia đình, được ăn cơm với bố mẹ trong ngôi nhà của mình, và cảm nhận được tình yêu của bố mẹ mà trước đây anh ta từng nghỉ rằng bố mẹ không còn thương mình nữa. Một người đàn ông ở tuổi ngoài bốn mươi cảm thấy hạnh phúc vì tuần qua ông ta đã có thể bắt đầu bước đi vài bước mà không cần cái gậy. Đây là một sự tiến bộ rất lớn so với chỉ vài tuần trước đây, ông ta phải ngồi xe lăn vì căn bệnh AIDS đã làm cho ông không còn sức để đi đứng nữa. Một người khác lại cảm thấy hạnh phúc vì ông ta có cơ hội để làm những việc khác nhau trong trung tâm như làm vườn, quét dọn, cắt cỏ. Việc ông ta có thể làm những công việc này có nghĩa là ông ta có đủ sức khỏe để rời trung tâm và có thể tìm công việc để nuôi bản thân và đứa con trai của ông ở nhà.
Tuy nhiên cũng có những người khác đang lo lắng và đau đớn vì chân tay không được mạnh khỏe. Có người bị đau đầu. Có người mắt cảm thấy mờ đi. Những triệu chứng đau đớn và yếu dần về thể lý làm cho một số bệnh nhân bất an và lo lắng cho mạng sống của mình.
Trong chương trình sinh hoạt hôm nay, mình đã cho họ xem video về chàng trai người Úc tên Nick Vujicic, một chàng trai không có tay chân bẩm sinh, nhưng đã vượt qua mọi cản trở để sống một cuộc sống tích cực, hạnh phúc và bổ ích. Anh ta đi khắp thế giới để nói chuyện cho hàng triệu khán giả lắng nghe. Và anh ta làm được rất nhiều điều mà bao nhiêu người khác có đầy đủ chân tay đều không làm được.
Sau khi xem xong video clip về Nick Vujicic thì các bệnh nhân đã cảm thấy rất ấn tượng và đã có một cái nhìn tích cực hơn về hoàn cảnh của mình. Những bệnh nhân này sau khi nhìn Nick xong thì không còn nói về chính mình một cách tiêu cực nữa, mà lại xem mình như những người có đầy đủ chân tay hoàn chỉnh. Bổng nhiên họ không còn cảm giác mặc cảm, tự ti, mà lại thấy rằng hóa ra họ còn may mắn hơn anh chàng Nick trong video rất nhiều.
Trong chương trình sinh hoạt hàng tuần với các bệnh nhân, ngoài việc bồi dưỡng tâm linh, mình luôn giới thiệu cho họ một lối suy nghĩ nghiêm túc về bệnh tình của mình và yêu cầu mỗi người phải tự chủ trong việc đem lại sức khỏe, bình an và hạnh phúc cho chính mình. Chủ đề của buổi sinh hoạt hôm nay là "hạnh phúc đến từ trong tôi". Không ai có thể định đoạt sự hạnh phúc của mình. Chính mình quyết định mình sẽ hạnh phúc hay đau khổ, sống tích cực hay sống tiêu cực, chất chứa niềm hy vọng hay là sống trong sự thất vọng. Mình tin rằng, sau mỗi lần sinh hoạt và chia sẽ, các bệnh nhân lại có một vài điều mới để suy gẫm và cố gắp áp dụng trong hành trình hồi phục của họ.
Nong Bua Lamphu, ngày 13.10.2011
Chuyện tối thứ sáu
Cứ mỗi tối thứ sáu, nhóm giới trẻ Việt Nam lại tụ tập ở nhà thờ để sinh hoạt và cầu nguyện. Nhóm không đông, chỉ chừng mười mấy người, đa số là bên giáo. Có một vài người bên lương. Mấy đứa đang theo học giáo lý để vào đạo. Có đứa chỉ đến tham dự vì thấy vui.
Vài tuần nữa mình sẽ tổ chức họp trại giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan. Ước lượng sẽ có số người đến tham dự không ít mà cũng không đông. Đây là lần đầu tiên tổ chức cắm trại đặc biệt cho các bạn trẻ Việt Nam. Mình không biết sẽ thành công hay không, nhưng cũng muốn thử một lần cho biết. Trong dịp này sẽ có cha Nam, là một người bạn cùng dòng SVD với mình qua để giảng thuyết trong ba ngày trại.
Nghĩ tới việc tổ chức cắm trại cũng thấy phức tạp. Đôi khi mình tự hỏi, "Tại sao mình lại cứ nghĩ ra mấy cái này để làm chi rồi phải suy nghĩ. Không làm không phải dễ hơn sao?" Nói như vậy mà rồi cũng cứ làm, không cái này thì cái khác. Tính mình ngồi yên một chỗ không chịu nỗi. Làm nhiều mệt nhiều, nhưng cũng vui nhiều. Còn không làm thì không mệt, không phải suy nghĩ, nhưng cuộc đời truyền giáo thật là nhạt nhẻo.
Nong Bua Lamphu, ngày 7.10.2011
Dạy giáo lý hôn nhân
Nong Bua Lamphu, ngày 4.10.2011
Đi hội thảo
Hôm nay mình đến trường đại học Northeastern ở tỉnh Khon Kaen để có một bài nói chuyện với chủ đề “Phát triển giới trẻ một cách toàn diện” như một khách mời của trường đại học trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Quản lý giáo dục để phát triển chất lượng đời sống trong thời kỳ khủng hoảng quốc gia”. Những thành viên tham gia là các hiệu trưởng trường học đang học khoa tiến sĩ ngành quản lý giáo dục tại trường đại học, cũng như một số sinh viên bằng thạc sĩ khoa quản lý giáo dục. Ngoài ra còn có một số vị sư Phật giáo, khoang trên 10 người đến tham dự cuộc hội thảo. Mình không hiểu các vị sư này có nằm trong chương trình học hay không, hoặc là khách mời của trường đại học.
Trong bài nói chuyện của mình, mình đã trình bày về hoàn cảnh của giới trẻ Á Châu trong thời đại mới, và nhu cầu phát triển giới trẻ một cách toàn diện để được sự lành mạnh trong các lĩnh vực thể chất, tinh thần, xã hội và tâm linh. Mình cũng đưa ra một số phương cách trong việc phát triển giới trẻ và đề nghị về thái độ mà người làm công việc phát triển giới trẻ nên có. Bài nói chuyện thứ hai được trình bày bởi ông Wiboon Shamsheun, là phó trưởng Bộ giáo dục. Ông ta nói về những nhu cầu trong ngành giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa và thời kỳ xây dựng cộng đồng ASEAN. Buổi chiều là những trình bày và thảo luận của những sinh viên tiến sĩ về các đề tài liên quan đến giáo dục.
Một điều khá lạ là mình đã được mời đến để trình bày trong cuộc hội thảo hôm nay như một khách mời đặc biệt, trong khi mình nhỏ tuổi hơn dường như tất cả mọi người trong cuộc hội thảo, ngoại trừ các sinh viên thạc sĩ. Điều khác biệt khác nữa là mình là người Công giáo duy nhất trong cuộc hội thảo, chưa nói đến việc mình là một linh mục Công giáo. Mình tin chắc trường hợp có một vị linh mục Công giáo được mời để trình bày một đề tài trong một không gian và môi trường như thế này thực sự hiếm hoi.
Tuy nhiên, bài nói chuyện của mình đã được đón nhận rất tốt. Và nhiều người, kể cả các vị giáo sư lớn tuổi đã chia sẻ với mình rằng quan điểm mình đưa ra rất quan trọng và đáng cho các nhà quản lý giáo dục phải suy nghĩ tới. Hôm nay mình còn đã làm thêm một điều nữa là mình đã chia sẻ với những người khác tôn giáo về ý nghĩa của “nhà truyền giáo” là gì, và công việc của một nhà truyền giáo mang tính chất như thế nào. Và quan trọng hơn nữa, mình đã một cách thẳng thắn khẳng định rằng tôn giáo nên có và phải có vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người và thiết yếu trong việc phát triển giới trẻ để trở nên những con người lành mạnh một cách toàn diện.
Nong Bua Lamphu, ngày 1.10.2011