Nhức đầu với bọn teen
Tuần qua các nhân viên trong nhà dành cho các bạn teen bị nhiễm HIV thật nhức đầu vì gặp nhiều vấn đề với bọn teen. Nào là tụi nó trốn học, lười biếng, hút thuốc, đánh lộn, còn có đứa bị nghiện ngập nữa. Có hai thằng nhận từ hai trung tâm khác đều là nghiện ma túy, nên tụi nó rủ rê nhau đi mua benzene để ngửi. Bọn học sinh ở đây là vậy. Tụi nó không có tiền để mua ma túy nên tụi nó đi hít keo hít benzene để tạo nên cơn phê. Trong trường học lắm học sinh như vậy. Trong TT cũng có hai đứa như vậy. Cô Fốn nói với mình, thật ra ở đây chúng ta nuôi teen bị nhiễm HIV chứ chúng ta không điều trị cho teen bị nghiện ma túy, nên vấn đề này thật khó giải quyết. Chắc phải đưa tụi nó đi đến trung tâm cai nghiện thì đúng hơn.
Cách đây vài ngày, có ba thằng trong TT trốn học, mãi tới 7 giờ tối mới về. Khi bước vào nhà thì tỏ ra tĩnh bơ không hề sợ hãi hay rụt rè. Nhân viên TT hỏi tại sao trốn học thì tụi nó trả lời muốn đi chơi. Hỏi tại sao lại đi chơi thì tụi nó không trả lời, đứa nào đứa nấy bơ bơ như không hề thấy rằng mình làm điều gì sai trái. Cuối cùng tụi nó nói là không muốn ở TT nữa, muốn về nhà. Nhân viên nói nếu vậy thì sẽ liên lạc với bà con để tới đón. Ba đứa đi xếp áo quần để chờ người tới đón, nhưng đến bây giờ thì vẫn chưa có ai tới đón. Thằng Omo còn bố thì hẹn vài tuần nữa. Thằng Man và Um thì cũng đang chờ người tới đưa về với bà con vì cả hai đứa không còn cha mẹ gì cả. Nhưng trên thực tế thì bà con cũng chẳng có ai muốn đưa tụi nó về nhà ở. Đó là lý do mà tại sao tụi nó phải vào trung tâm để sống.
Nhưng đối với tụi nó như có thái độ là trung tâm cần tụi nó sống ở đó. Nó muốn hút thuốc, không cho thì tụi nó nói là không muốn ở đây nữa. Nó muốn dùng điện thoại di động, không cho thì tụi nó lại nói là muốn đi ở chỗ khác. Chung quy lại tụi nó không hề nghĩ rằng những quy luật của trung tâm là vì muốn tốt co tụi nó. Sống trong trung tâm, tụi nó được chăm sóc đàng hoàng, có nơi ăn, nơi ở, còn có cơ hội đi học, tiến thân, nhưng tụi nó không hề thấy giá trị của những điều mà người khác muốn làm cho tụi nó. Thế rồi tụi nó phạm quy luật, khuyên bảo nhiều lần không nghe, cuối cùng là tụi nó trốn đi hoặc là bị trả về cho gia đình hoặc đưa vào một nơi khác. Có đứa trốn đi bụi, sau vài tháng lại xuất hiện, thân hình tàn tạ vì không uống thuốc điều trị. Trung tâm cho cơ hội, nhưng rồi sau vài tháng thì chứng nào tật nấy. Sống đàng hoàng không chịu, chỉ thích tự do nên cuối cùng cũng không sống được.
Quả thật nuôi và giáo dục teen đã là một công việc rất khó khăn, nhưng nuôi và giáo dục teen bị nhiễm HIV còn khó khăn hơn rất nhiều. Những vấn đề mà TT đang gặp phải cho thấy điều đó.
Nong Bua Lamphu, ngày 27.8.2011
Đắp gừng
Tuần trước seour Mary Paul nói với mình rằng, nếu lấy gừng, xay ra thật nhuyển, rồi đổ nước vào nấu như cháo, để cho nguội, vắt chanh vào, rồi lấy đem đắp lên người, nơi nhức mỏi thì sẽ hết nhức mỏi. Mình làm theo ý seour và thấy quả thật là hiệu quả cho triệu chứng đau vai của mình. Chỉ cái để làm như thế này thì hơi mất thời giờ, và việc đắp gừng lên vai/lưng cũng không phải là dễ dàng. Nếu có ai giúp làm thì không khó, còn tự làm thì cũng hơi luộm thuộm. Thỉnh thoảng mình nhờ thằng Thắng giúp, nhưng khi không có nó thì tự làm.
Khi đắp gừng lên người, thoạt đầu thì thấy bình thường. Nhưng khoảng 10 phút sau là có một cảm giác rất nóng trên da, như là bôi dầu nóng vậy. Tuy nhiên, dầu nóng thì chỉ nóng trong khoảng 15 phút tới 30 phút thì hết. Nhưng đối với gừng thì chứng nào còn có gừng thì còn nóng. Mà điều lạ là cảm giác nóng đến rát da xảy ra không phải khi có gừng trên da, mà là khi mình lấy gừng đi và da tiếp xúc với không khí. Khi ấy có cảm giác như da mình sẽ bốc cháy. Sau đó, cảm giác nóng sẽ tiếp tục khoảng 15-30 phút nữa. Trong khi đắp gừng và sau đó thì tất cảm cảm giác nhức mỏi nơi cơ bắp sẽ tan biến, không còn đau nữa. Trong người cảm thấy rất nhẹ nhỏm.
Mình nghe nói uống nước gừng cũng có tác dụng giúp giảm đau trong cơ bắp. Vì vậy nên mỗi khi mình nấu gường thì mình cũng đổ nước ra để uống với mật ong. Người ta nói uống nước gừng dảm đau mà không có những tác động phụ như các loại thuốc tây. Vì vậy nên những ngày này mình cũng uống nước gừng thường xuyên để giúp thuyên giảm triệu chứng đau vai.
Nong Bua Lamphu, ngày 26.8.2011
Khoảng trống
Hơn một tuần rồi, mình bị cảm không lành. Mình ở nhà nhiều, không đi dạy, để dưỡng sức. Nhưng có lẽ ở nhà nhiều quá cũng không tốt. Mình cảm thấy có cảm giác chán chán. Đời sống bổng nhiên không mấy hứng thú. Mình có một số suy nghĩ tiêu cực, muốn cho thời gian trôi qua mau để mình rời khỏi nơi đây, đi tìm cái mới, tìm công việc mới. Thời gian gần bốn năm là cha xứ ở nhà thờ này, bổng nhiên cảm thấy thật nhàm. Giờ đây đang chuẩn bị cho lễ quan thầy, diễn ra trong vòng một tháng nữa, nhưng mình không cảm thấy hứng thú. Mình không biết chuyện gi đang xảy ra với mình. Mình đang mất nguồn cảm hứng để làm việc, để phục vụ. Mình cảm thấy buồn. Mình cảm thấy trống vắng. Một cảm giác thật khó diễn tả. Làm thế nào bây giờ? Không biết chia sẻ với ai cả. Chỉ biết chia sẻ với Chúa, nói với Chúa là con buồn, con cảm thấy chán. Con không biết làm gì cho công việc của con tốt hơn bây giờ. Con thấy mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể xác. Con cần một lời khuyến khích, nâng đỡ, nhưng ai sẽ cho con lời đó?
Nong bua lamphu, ngày 23.8.2011
Nong bua lamphu, ngày 23.8.2011
Tạm biệt thầy Bernd
Mình đi Bangkok về thì hôm sau bị cảm, người mệt, có triệu chứng sốt và ho. Có lẽ do những ngày qua đi nhiều nơi rồi ngủ ít nên khả năng đề kháng bị giảm xuống. Vả lại dạo này thời tiết cũng kỳ lạ, khi mưa khi nắng. Năm này trời mưa nhiều hơn năm trước. Cả ngay này mình cũng chỉ đứng lên ngồi xuống là chính chứ cũng không làm gì nhiều, vì không có tin thần để tập trung vào bất cứ một công việc gì.
Tối nay TT ĐMHCG tổ chức tiệc chia tay thầy Bernd. Mình sẽ đi tham dự. Cả ngày hôm nay thấy họ chuẩn bị, chắc cũng làm lớn để cho thầy vui. Chúa Nhật vừa rồi nhà thờ cũng đã tổ chức chia tay thầy, và cảm ơn thấy vì những đóng góp mà thầy đã làm trong thời gian vừa qua.
Thầy Bernd đi rồi ở đây sẽ có một chút gì vắng vẻ hơn. Có thầy ở trong giáo xứ và trung tâm, thầy góp thêm ý kiến cho những việc truyền giáo. Những ý kiến của thầy thường rất tích cức, cũng như thách đố người nghe. Có người chấp nhận được. Có người không chịu chấp nhận. Nhưng mình quý thầy vì thầy luôn nhẹ nhàng và có lý luận rõ ràng. Mình hy vọng rằng sau khi thầy khán trọn đời sẽ trở lại Thái Lan để tiếp tục công việc truyền giáo mà thầy đã bắt đầu ở đây, cũng như công tác trong các sinh hoạt của hội dòng tại Thái Lan này.
Nong Bua Lamphu, ngày 16.8.2011
Nỗi ngậm ngùi trong ngày mừng các bà mẹ
Sau những ngày đi Bangkok để tham dự lễ và làm một số việc, về lại giáo xứ từ tối hôm qua, mình cảm thấy khá mệt. Đêm nay chắc chắn phải đi ngủ sớm, vì đã nhiều ngày không ngủ sớm. Tối thứ năm họp với nhóm Jesus Youth ở trường đại học Assumption xong, về tới nhà cũng hơn 2 giờ sáng.
Sáng nay cuối lễ nhà thờ mình tổ chức mừng các bà mẹ, vì ngày 12 tháng 8 là ngày các bà mẹ ở Thái Lan, trùng hợp với ngày sinh nhật của hoàng hậu. Mặc dầu bây giờ đã ngày 14, nhưng vẫn nằm trong móc thời gian của ngày lễ cho nên trong nhà thờ tổ chức cho các em thiếu nhi mừng các bà mẹ, trong đó có các seour chăm sóc các trẻ mồ côi.
Trong chương trình ngoài việc hát và tặng hoa cho các bà mẹ, còn có một bạn trẻ lên đọc một bài văn nói về mẹ. Em Pern đã được chọn làm việc này. Pern là một bạn trẻ đang ở trong TT dành cho các bạn teen bị nhiễm HIV. Mẹ của Pern cũng đã qua đời vì căn bệnh. Những lời văn mà Pern đọc lên phát xuất từ tâm trạng của em nên em đọc thật cảm đọc, vừa đọc vừa khóc làm cho nhiều người nghe cũng khóc theo. Từ người lớn tới con nít ai cũng cảm động. Ngày cả mấy thằng con trai cũng không cầm được nước mắt. Trong ngày mừng các bà mẹ, có lễ không ai hiểu hết tâm trạng của các em mồ côi như thế nào, đặc biệt là các em mồ côi vì mẹ mình đã chết do AIDS. Không ai hiểu nỗi cảm giác nhớ nhung, xót xa, hoặc đau khổ của các em này như thế nào.
Ở Thái Lan người ta tặng hoa lài cho các bà mẹ trong ngày lễ này. Mặc dầu số người mẹ hiện diện trong thánh lễ hôm nay không nhiều, nhưng với tâm tình mà các em đã thể hiện, sáng nay thực sự vô cùng cảm động và quý giá.
Nong Bua Lamphu, ngày 14.8.2011
Giới trẻ giáo xứ thăm viếng người già neo đơn
Một trong những sinh hoạt của giáo xứ mà mình cho là rất quan trọng là giáo dục cho giới trẻ có ý thức về vai trò của mình trong xã hội và trong giáo hội. Vì thế mình thường xuyên tạo cơ hội cho giới trẻ tham gia những sinh hoạt nhằm khơi dậy tinh thần phục vụ, đặc biệt là phục vụ những người nghèo khó, kém may mắn. Mặc dầu giới trẻ trong giáo xứ là những người thuộc về thành phần nghèo khó và kém may mắn, nhưng mình luôn muốn cho các bạn ý thức được rằng, còn nhiều người thiếu thốn và đau khổ hơn chính mình nữa. Vì thế cho dù mình như thế nào đi nữa thì mình cũng có thể giúp đỡ người khác.
Hôm nay, sau lễ Chúa Nhật mình đã đưa nhóm giới trẻ giáo xứ (khoảng 30 em) đi vào một ngôi làng trong tỉnh để thăm viếng những người già neo đơn, cũng như làm công tác từ thiện, đó là làm vệ sinh nhà của cho những người già. Các bạn trẻ rất hăng hái đối với sinh hoạt này. Nhiều khi sinh hoạt học tập, các bạn tỏ ra biếng nhác. Nhưng khi làm công tác từ thiện thì đa số các em rất có tinh thần. Mặc dầu làm có mệt, nhưng ai nấy đều vui.
Hôm nay trong nhóm có thêm hai chủng sinh Ngôi Lời là Sergio và Peter cũng đi tham gia. Peter và Sergio là chủng sinh ở Hoa Kỳ, nhưng đến Thái Lan để tìm hiểu thêm về đời sống truyền giáo trong dịp hè. Ngoài ra còn có hai người Tây tên là Sandra và Valerie. Hai người này hiện đang làm tình nguyện viên trong nhà trẻ mồ côi. Hôm nay họ cũng xin đi theo khi biết có sinh hoạt từ thiện. Hai bà làm việc rất hăng hái và họ rất vui khi có cơ hội để tham gia công tác từ thiện. Họ nói, có cơ hội như thế này thì mới biết về đời sống thật của nhiều người dân ở đây. Chứ đi du lịch không không thì cũng chẳng biết được gì nhiều.
Sinh hoạt hôm nay thật vui và thành công. Mình rất thích tổ chức những sinh hoạt như thế này cho các bạn trẻ vì mình nghĩ rằng đây là những kinh nghiệm và những bài học rất quý giá giúp chúng ta mở rộng tâm hồn, đón nhận những người khác, và biết quý trọng những gì mình có được trong cuộc sống.
Nong Bua Lamphu, ngày 7.8.2011
Giới trẻ thật khó chinh phục
Mình làm mục vụ giới trẻ cũng đã rất nhiều, nhưng có khi cảm thấy thật bất lực trước sự cứng đầu của các bạn trẻ. Mình đồng hành với các bạn trẻ cũng đã nhiều. Chúng nó cũng kính nể mình, nhưng sự kính nể đó nhiều khi không chuyển qua những hành động phản ảnh sự cảm nghiệm những điều mình dạy bảo. Chúng nó vẫn đi lễ, đi sinh hoạt, đi tham dự những chương trình này nọ mà mình tổ chức cho chúng nó. Nhưng rồi, chúng no lại lười biếng, lại bài bạc, lại ham chơi, lại nói dối, thậm chí còn ăn cắp ăn trộm. Mình không biết phải làm như thế nào mới cảm hóa chúng nó được. Chúng nó chưa có kinh nghiệm sâu sắc về Chúa, nên sự đạo đức chỉ ở mức độ nông cạn.
Nong Bua Lamphu, ngày 7.8.2011
Nong Bua Lamphu, ngày 7.8.2011
Mưa nhiều ngày
Gần một tuần rồi trời mưa liên tục, mưa không to nhưng kéo dài nhiều giờ. Trời mưa làm cho một số sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Đáng ra ngày Chúa Nhật vừa qua, nhóm giới trẻ trong giáo xứ đi làm công tác từ thiện, làm vệ sinh nhà cửa cho những người già neo đơn trong làng. Nhưng cuối cùng cũng phải hủy vì không đi được. Trời mưa cũng làm cho một số người không đến nhà thờ vì sợt ướt, đặc biệt là những ai phải đi xe máy hoặc đi xe đạp đến nhà thờ. Ở VN người ta cũng đi xe máy và đi xe đạp, nhưng dường như ai cũng chuẩn bị áo mưa sẵn. Và cho dù có mưa người ta cũng vẫn đi vì người ta cho rằng việc đó là đương nhiên. Nhưng ở Thái Lan này, thật ra rất ít người chuẩn bị áo mưa. Và các cửa tiệm cũng rất ít bán áo mưa. Ở Việt Nam mỗi lần trời đổ mưa là thấy người ta dừng lại lấy áo mưa từ cốp xe ra để mặc, hoặc là mua áo mưa bán dọc đường để mang vào. Nhưng ở Thái Lan này thì dường như không bao giờ thấy người làm việc đó, không mang cũng không mua. Mà có mua thì không có bán dọc đường để mua.
Trời mưa cũng làm cho không khí mát ra nhiều. Con suối phía sau nhà bây giờ nước cũng đã dâng cao gần đến bờ. Nếu một vài ngày nữa mà mưa không dứt thì e rằng cũng tràn. Nhiều ruộng lúa bây giờ cũng bị ngập, nhưng cũng chưa đến nỗi làm hại mùa màng. Để xem thời tiết những ngày tới như thế nào.
Sáng nay mặc dầu trời như thế nhưng ông Nicholas và cô Ning cũng đến để học giáo lý hôn nhân. Đây là một trường hợp mà mình chưa bao giờ gặp trong mục vụ của mình. O. Nicholas là người Thụy Điển, nói được tiếng Anh rất thông thạo. Cô Ning là người Thái, ăn học không được bao. Cô ta không nói được tiếng Anh, cũng như chẳng biết gì tiếng Thụy Điển. Ngược lại ông Nicholas cũng không nói được tiếng Thái. Tuy thế, hai người dự định sẽ làm đám cưới, và nhờ mình dạy giáo lý cho họ. Quả thật là một vấn đề phức tạp. Mình phải dạy bằng hai thứ tiếng để cả hai đều hiểu. Thêm một việc nữa là cô Ning theo đạo Phật. Cô ta không hề có ý định theo đạo Công giáo, nhưng phải đến để học vì là điều kiện bắt buộc.
Khi gặp mình, dạy giáo lý thì ít mà mình làm trổng tài cho hai người giải quyết những khúc mắc, những xung đột, không hiểu nhau do khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, v.v. thì nhiều. Không thể tránh nỗi được khi họ xuất phát từ hai quốc gia, văn hóa, hoàn cảnh khác nhau. Mà lại bất đồng ngôn ngữ nữa thì mọi sự khó khăn trở nên nhân đôi. Mình không biết họ sẽ sống với nhau như thế nào. Nhưng bây giờ, họ đang nương tựa vào những bạn bè, người quen biết để nói chuyện với nhau. Ngoài ra, họ cũng cố gắng trao đổi với nhau bằng cách dùng từ điển để tra từ vựng, có lẽ dùng tay chấn và ánh mắt rất nhiều. Và họ vẫn đang có ý định sẽ xây dựng một gia đình với nhau.
Nong Bua Lamphu, ngày 3.8.2011
Subscribe to:
Posts (Atom)