Theo đạo Công giáo nhưng phải vào chùa đi tu


Hôm qua, Joe một thanh niên người Thái gọi điện thoại tới để xin mình tham vấn. Anh Joe là một người đạo theo và rất sùng đào. Anh đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và lần chuổi mỗi ngày. Anh đã tự mình theo đạo mặc dầu trong gia đình đã phản đối rất nhiều.

Anh kể trước đây, nhiều khi đi nhà thờ về bị bố mẹ mắng. Gia đình anh là người Thái gốc Hoa. Mẹ anh đặc biệt sùng Phật và mỗi ngày đểu cúng vái.

Ở Thái Lan có một truyền thống rất đặc biệt, là người con trai trong gia đình sau khi đã lên 21 tuổi phải đi tu một thời gian để báo hiếu cho bố mẹ. Nếu người nào đã đến tuổi trưởng thành mà chưa vào chùa thì người đó chưa được xem như một người lớn thực sự. Và nghi thức xuống tóc rồi mặc áo cà sa là một nghi thức khá long trọng. Tuy vậy, có người chỉ đi tu một tuần, hai tuần, hoặc một tháng. Nếu lâu hơn thì vài tháng hoặc một năm. Nhưng việc đi tu này chỉ mang tính tạm thời không giống như các vị sư tu suốt đời trong chùa.

Joe đang gặp phải chuyện vô cùng khó giải quyết vì mẹ của Joe rất muốn cho anh ta phải vào chùa để tu và trải qua nghi thức nói trên. Ngược lại thì Joe không muốn, đặc biệt là vì anh đã trở nên một người Công giáo chính thức từ lâu và anh rất sùng đạo.

Sau khi nghe Joe trình bày thì mình cũng không biết giúp giải quyết như thế nào. Một phần là mình không thể khẳng định nghi thức xuống tóc trong chùa là không ngược với đạo Kitô giáo. Nhưng mình lại không muốn cho gia đình của Joe cảm thấy rằng việc anh theo Kitô giáo là quay lưng lại với phong tục tập quán của người Thái và của gia đình. Mình khuyên anh nên tìm những cách để trình bày cho cha mẹ biết rằng anh ta luôn là người con hiếu thảo trong gia đình, và luôn luôn nhớ đến bố mẹ trong kinh nguyện. Nhưng Joe nghĩ rằng như thế vẫn chưa đủ. Mẹ Joe rất cần nhìn thấy anh ta chịu nghi thức xuống tóc và mặc áo cà sa.

Vấn đế của Joe thực ra là một vấn đề khá phổ biến với nhiều bạn trẻ muốn theo đạo Công giáo nhưng bị cản trở bởi gia đình và phong tục tập quán xuất phát từ Phật giáo. Có nhiều người buộc phải làm nghi thức này xong rồi mới chịu phép rửa tội để gia đình khỏi phải phản đối. Có người đã rửa tội rồi, nhưng vì bị gia đình áp lực nên cũng đành phải vào chùa xuống tóc một tuần để làm tròn bổn phận. Có người quyết định không làm thì bị gia đình chỉ trích mạnh mẽ.

Mình nghĩ rằng trường hợp này là lý do tại sao chúng ta rất cần đến những nỗ lực đối thoại liên tôn để các tôn giáo xích lại gần nhau hơn và thông cảm với nhau hơn. Nhiều người vẫn nói rằng, "đạo nào cũng tốt." Nhưng trên thực tế, khi họ phải chọn lựa thì họ không chịu chọn lựa. Và nhiều khi họ lại cấm cản người khác được chọn lựa theo ý của mình.

Do sự thiếu hiểu biết giữa các tôn giáo mà ngày nay, nhiều người Thái vẫn cho rằng việc theo đạo Kitô giáo là quay lưng với gia đình và truyền thống. Người Việt Nam cũng thế. Nhiều người vẫn nghĩ rằng theo Công giáo là bỏ quên ông bà tổ tiên, trong khi sự thực thì chẳng phải như thế tí nào. Những ấn tượng thời xưa vẫn chưa hết phai nhòa trong tâm trí của nhiều người dẫn đến những nhận định thiếu chính xác. Chính vì thế mà việc đối thoại liên tôn cần được phát triển nhiều hơn, để chúng ta có thể hạn chế những hiểu lầm lẫn nhau. Để rồi nếu ai đó có những lựa chọn cho niềm tin của mình thì để cho họ có sự tự do lựa chọn mà không bị chỉ trích hay cản trở.

Nong Bua Lamphu, ngày 18.6.2010

No comments: