Tai nạn


Sáng hôm qua mình phải đi phòng cấp cứu vì bị tai nạn khá nặng. Ở địa điểm đang sửa sang làm nhà tình thương, thơ xây nhà mời mình đến xem máy bơm nước. Ông ta nói máy bơm không được nhiều nước. Có lẽ nước dưới giếng không nhiều. Ông sơ không đủ để cho nhiều người dùng.

Máy bơm nước bỏ bên ngoài cũng dễ bị ăn cắp. Vì vậy ông ta xây một cái lồng bằng sắt để bỏ nó vào. Trên đó ông bỏ một tấm tôn để che lại. Mình đang ngồi để kiểm tra máy bơm nước với ông thờ. Mình thắc mắc gì đó, định vào sát máy để xem thì không để ý nên va vào tấm tôn. Máu chảy khủng khiếp. Không ngờ trên đầu mình có nhiều máu như thế. Chảy đẩm cả áo quần, tay và tóc. Ông thợ đưa mình lên xe để đi bệnh viện cấp cứu. Máu chảy ra trên ghế xe của ông.

May là nơi bị tai nạn gần bệnh viện nên đến thật nhanh. Họ cho mình lên xe đẩy nằm và đưa vào bên trong ngay. Y tá bịt vết thương cho ngừng chảy máu. Người y tá đó cũng chính là người đã từng học trong khóa tiếng Anh mà mình dạy ở bệnh viện.

Y tá nói vết thương khá dài, ở chỗ chân tóc. Một lát sau thì cô Mèm đến. Cô ta đi làm việc với nhân viên bệnh viện để giảm giá cho mình vì mình là linh mục và bị thương do làm việc từ thiện. Thầy Bernd cũng đến. Thầy lấy máy điện thoại ra chụp hình để gởi làm tin cho thầy Ron đang ở Bangkok.

Y tá may vết thương cho mình, mất hết 8 múi. Rồi sau đó băng lai. Họ chích cho mình một mũi thuốc chống tetanus, cho kháng sinh, và cho thuốc giảm đau đem về nhà uống.

Từ trong phòng cấp cứu bước ra thấy trên người mình áo sống đẩm máu làm nhiều người chú ý. Có lẽ mình mới trải qua một tai nạn xe cộ hay một vụ cướp giật gì ghê gớm lắm. Thầy Bernd đưa mình về lại nhà thờ để nghỉ ngơi.

Hôm nay mình đi đến nhà Tình Thương để xem công trình sửa sang. Bây giờ đã gần xong. Tiếp theo phải trang trí nhà và đưa vào xử dụng. Hy vọng rằng công việc này sẽ thành công và đúng vớ ý Chúa.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.6.2010

Nhìn lại ngày Chúa Nhật


Những giây phút yên tĩnh vào tối Chúa Nhật như một món quà tặng vô giá mà mình nhận được sau mỗi cuối tuần đầy những sinh hoạt nhà thờ. Hôm nay mình dâng lễ sáng Chúa Nhật như thương lệ. Bọn trẻ hôm nay đọc kinh to hơn vì cô Mèm dạy cho nó đọc kinh, và giáo dân cùng đọc chung những câu thánh vịnh. Mình hôm nay cũng giảng dài hơn bình thường một tí vì các bài đọc hôm nay quả thực là phong phú. Bài đọc tuy ngắn, nhưng ý nghĩa thì thật là sâu sắc, nên muốn giảng ngắn cũng khó.

Trong lễ, thằng Thưởng nó bị gục. Không biết có liên quan gì đến việc mình giảng dài hơn bình thường một tí không? Nó bị cảm cúm mấy ngày nay vẫn chưa khỏi. Hai tuần nay nhiều người bị cúm. Bọn teen ở nhà Mẹ Maria dường như đứa nào cũng bệnh. Nhân viên ở đó cũng bị bệnh theo. Tuần trước thầy Damien chở cả nhóm đi dã ngoại, cuối cùng cũng mắc bệnh. Thầy tuổi lớn rồi nên khó hồi phục hơn tụi nó. Thầy bệnh nặng phải đi bệnh viện điều trị hai ngày. Các bạn trẻ Việt Nam cũng có thằng không khỏe. Mấy ngày nay thằng Tăng xin mình thuốc để uống. Hôm nay thằng Thưởng lại ngã.

Mình làm lễ xong thì sinh hoạt với giới trẻ và phụ thầy Bernd dạy lớp Kỹ Năng Sống thế Thồn, là người dạy chung với thầy Bernd. Hôm nay Thồn có việc nên phải vắng mặt. Đề tài của lớp hôm nay là kỹ năng lắng nghe.

Dạy xong thì mình đưa thằng Thưởng đến bệnh viên để khám. Họ khám trong phòng cấp cứu. Nó sốt 37 độ C. Họ cho nó thuốc uống, kháng sinh, và thuốc cảm, cũng như thuốc ho, và thuốc nâng đề kháng. Sau đó mình đưa nó về nhà xứ, cho nó nghỉ trong phòng ngủ của mình. Mình ăn cơm xong cũng nghỉ một lúc.

Hai giờ mình ra khỏi phòng và giúp thằng Thắng và thằng Hùng lựa áo quần cũ mà người ta cúng. Mình có dự định sẽ bán đồ cũ để gây quỹ cho việc từ thiện của giáo xứ. Bây giờ đang có công trình nhà tình thương, nhưng ngân quỹ thì hơi thiếu.

Khoảng 3 giờ thì cha Pan và thầy Prasert đến. Ngài muốn quay video mình nói cảm tưởng về ĐGM George Phimpisan. Video sẽ chiếu vào tối thứ 5 trong dịp tiệc đề bày tỏ lòng biết ơn với ngài sau khi ngài đã về hưu. Mình cũng giúp cha Pan quay video của các seour dòng Mẹ Têrêxa phát biểu cảm tưởng.

Sau khi cha Pan về thì mình bắt đầu dạy lớp tiếng Anh cho bọn trẻ. Dạo này mình mở lớp dạy tiếng Anh cho các em lớp 6-7 vào mỗi chiều thứ bảy và Chúa Nhật, mỗi ngày hai giờ đồng hồ. Dạy tiếng Anh xong khoảng 5 giờ chiều. Lúc đó mình đã khan hết cổ họng và không muốn nói gì nữa.

Sau một ngày như thế thì những giây phút yên tĩnh như bây giờ thật là quý giá.

Nong Bua Lamphu, ngày 20.6.2010

Theo đạo Công giáo nhưng phải vào chùa đi tu


Hôm qua, Joe một thanh niên người Thái gọi điện thoại tới để xin mình tham vấn. Anh Joe là một người đạo theo và rất sùng đào. Anh đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và lần chuổi mỗi ngày. Anh đã tự mình theo đạo mặc dầu trong gia đình đã phản đối rất nhiều.

Anh kể trước đây, nhiều khi đi nhà thờ về bị bố mẹ mắng. Gia đình anh là người Thái gốc Hoa. Mẹ anh đặc biệt sùng Phật và mỗi ngày đểu cúng vái.

Ở Thái Lan có một truyền thống rất đặc biệt, là người con trai trong gia đình sau khi đã lên 21 tuổi phải đi tu một thời gian để báo hiếu cho bố mẹ. Nếu người nào đã đến tuổi trưởng thành mà chưa vào chùa thì người đó chưa được xem như một người lớn thực sự. Và nghi thức xuống tóc rồi mặc áo cà sa là một nghi thức khá long trọng. Tuy vậy, có người chỉ đi tu một tuần, hai tuần, hoặc một tháng. Nếu lâu hơn thì vài tháng hoặc một năm. Nhưng việc đi tu này chỉ mang tính tạm thời không giống như các vị sư tu suốt đời trong chùa.

Joe đang gặp phải chuyện vô cùng khó giải quyết vì mẹ của Joe rất muốn cho anh ta phải vào chùa để tu và trải qua nghi thức nói trên. Ngược lại thì Joe không muốn, đặc biệt là vì anh đã trở nên một người Công giáo chính thức từ lâu và anh rất sùng đạo.

Sau khi nghe Joe trình bày thì mình cũng không biết giúp giải quyết như thế nào. Một phần là mình không thể khẳng định nghi thức xuống tóc trong chùa là không ngược với đạo Kitô giáo. Nhưng mình lại không muốn cho gia đình của Joe cảm thấy rằng việc anh theo Kitô giáo là quay lưng lại với phong tục tập quán của người Thái và của gia đình. Mình khuyên anh nên tìm những cách để trình bày cho cha mẹ biết rằng anh ta luôn là người con hiếu thảo trong gia đình, và luôn luôn nhớ đến bố mẹ trong kinh nguyện. Nhưng Joe nghĩ rằng như thế vẫn chưa đủ. Mẹ Joe rất cần nhìn thấy anh ta chịu nghi thức xuống tóc và mặc áo cà sa.

Vấn đế của Joe thực ra là một vấn đề khá phổ biến với nhiều bạn trẻ muốn theo đạo Công giáo nhưng bị cản trở bởi gia đình và phong tục tập quán xuất phát từ Phật giáo. Có nhiều người buộc phải làm nghi thức này xong rồi mới chịu phép rửa tội để gia đình khỏi phải phản đối. Có người đã rửa tội rồi, nhưng vì bị gia đình áp lực nên cũng đành phải vào chùa xuống tóc một tuần để làm tròn bổn phận. Có người quyết định không làm thì bị gia đình chỉ trích mạnh mẽ.

Mình nghĩ rằng trường hợp này là lý do tại sao chúng ta rất cần đến những nỗ lực đối thoại liên tôn để các tôn giáo xích lại gần nhau hơn và thông cảm với nhau hơn. Nhiều người vẫn nói rằng, "đạo nào cũng tốt." Nhưng trên thực tế, khi họ phải chọn lựa thì họ không chịu chọn lựa. Và nhiều khi họ lại cấm cản người khác được chọn lựa theo ý của mình.

Do sự thiếu hiểu biết giữa các tôn giáo mà ngày nay, nhiều người Thái vẫn cho rằng việc theo đạo Kitô giáo là quay lưng với gia đình và truyền thống. Người Việt Nam cũng thế. Nhiều người vẫn nghĩ rằng theo Công giáo là bỏ quên ông bà tổ tiên, trong khi sự thực thì chẳng phải như thế tí nào. Những ấn tượng thời xưa vẫn chưa hết phai nhòa trong tâm trí của nhiều người dẫn đến những nhận định thiếu chính xác. Chính vì thế mà việc đối thoại liên tôn cần được phát triển nhiều hơn, để chúng ta có thể hạn chế những hiểu lầm lẫn nhau. Để rồi nếu ai đó có những lựa chọn cho niềm tin của mình thì để cho họ có sự tự do lựa chọn mà không bị chỉ trích hay cản trở.

Nong Bua Lamphu, ngày 18.6.2010

Xây dựng

Thời gian này mình "sài tiền" thật nhiều. Không phải sài cho chính mình, mà sài cho công việc truyền giáo. Nào là xây dựng chòi sinh hoạt phía sau nhà thờ. Nào là sửa sang căn nhà ở chân núi để làm nhà tình thương. Rồi sắp tới là xây tượng đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Đó là chưa tính các chương trình mục vụ như lớp dạy kỹ năng sống và tiền lương cho hai nhân viên giúp việc giáo xứ. May là mình cũng có một vài mạnh thường quân giúp đỡ một phần chi phí, cũng như trước đây mình đã dành giụm được một số tiền mà người thân quen biếu tặng trong chuyến đi Hoa Kỳ năm ngóai. Nếu không có số tiền này thì cũng chẳng làm gì được.

Hình như sài tiền nó cũng bị ghiền hay sao ấy. Mình thấy vừa xong công trình này thì đã nhảy sang công trình khác, mà công trình nào cũng nhiều tiến. Cái chòi sinh hoạt mất hết hơn 3000 USD. Tượng đài Đức Mẹ mình chưa biết sẽ mất hết bao nhiêu.

Hôm nay vừa mới "khánh thành" cái chòi mà tiếng Thái gọi là "sala". Nó được làm bằng gỗ, nhưng mái thì bằng tranh. Lý do làm bằng tranh là tại vì mình thích tính chất "thiên nhiên" của nó. Nó nằm giữa những bụi chuối bên cạnh con suối sau nhà thờ. Nhìn nó mộc mạc và dễ thương. Thế mà cũng mất cả tháng trời mới xây xong cài "chòi" này. Nó không đơn giản như mình nghĩ. Nào là phải xây nền, rồi xây cái khung. Rồi công trình bào gỗ, đóng ván cũng mất nhiều ngày.

Chiều hôm nay mình đã dùng nó cho việc dạy tiếng Anh cho bọn trẻ. Nhà thờ mình không có nơi nào dạy gì được. Cái văn phòng thì bây giờ quá chật hẹp và nóng nực. Vào đó là việc đã thấy khó chịu. Dạy học trong đó càng khó chịu hơn. Mà ban ngày thì văn phòng có nhân viên nhà thờ làm việc. Mình vào đó dạy giáo lý cũng không được. Nếu chỉ dạy số học sinh 5-10 người thì cái chòi cũng rất lý tưởng. Ở ngoài thiên nhiên thì dễ chịu hơn, chỉ tội nó gần cái khe nên cũng hay bị muổi. Không biết tại sao cái khe này có nước mà không thấy nó chảy. Nước cứ ứ lại như vậy, rồi rong rêu mọc lên, rồi sau đó là sinh ra muổi. Ban đêm ngồi hóng gió trước nhà xứ mà phải thủ cái nhang muổi thì may ra mới ngồi lâu được một chút. Không thì thì ngồi mà cứ xua tay lia lịa. Thế mà một lúc vào nhà thì cũng ít nhất vài cái mận trên tay chân.

Nói chung bây giờ có một cái gì đó là "dấu ấn" của mình tại ngôi nhà thờ này cũng làm cho mình phấn khởi. Dù sao đi nữa thì mình đến đây cũng muốn giúp cho nó phát triển, không chỉ về mặt mục vụ mà còn cả vấn đề "cơ sở hạ tầng". Có lẽ cái chòi và tượng đài Đức Mẹ sẽ là hai cái duy nhất mà mình làm được, vì đất nhà thờ nhỏ xíu. Làm hơn nữa thì cũng chẳng biết làm ở nơi nào. Còn việc đập nhà thờ xuống và xây lên lại cái khác thì không bao giờ dám nghĩ tới. Mình thật sự phục các cha ở Việt Nam làm thế nào mà quyên góp xây được những cái nhà thờ to đùng như thế. Mình chỉ làm vài việc nho nhỏ mà cũng đã thấy phê rồi. Có lẽ xây dựng không phải là thế mạnh của mình. Mình chỉ mong sao phát triển trong các công tác mục vụ. Thế là đã mừng lắm rồi.

Nong Bua Lamphu, ngày 13.6.2010

Khó khăn trong mục vụ


Có khi ai cũng muốn làm điều mà mình cho là tốt trong cương vị của mình. Mình làm cha xứ thì mình thấy có những điều mà mình có thể làm được cho giáo dân, đặc biệt là cho giới trẻ. Các seour chăm sóc những đứa trẻ mồ côi thì các seour cũng có phương pháp và đường hướng làm việc của các seour. Thầy Damien chăm sóc các bệnh nhân SIDA và các bạn tuổi teen bị HIV cũng có phương thức của thầy. Ai cũng muốn làm điều tốt. Ai cũng phải hy sinh thật nhiều để thực hiện điều mà mình cho là đúng và cần thiết.

Nhưng nhiều khi mình cũng tự vấn tại sao chúng ta lại không hiểu được thiện chí lẫn nhau. Tại sao nhiều khi mình chỉ thấy việc mình làm là tốt mà không nghĩ rằng cách khác cũng tốt không kém. Mình làm cha xứ mình cho rằng làm như thế này là tốt. Thầy Damien quản lý các bạn trẻ bị HIV lại cho rằng chúng không cần làm cái này, vì chúng đã làm những cái khác. Đối với những đứa trẻ của các seour cũng thế.

Đã nhiều lần mình cảm thấy thật buồn và bức xúc vì những sinh hoạt mình tạo ra cho giáo dân, người lớn có, giới trẻ có, thiếu nhi có, lại không nhận được sự ủng hộ từ thầy hoặc các seour. Mình bức xúc vì nghĩ rằng các ngài không nhận ra giá trị của việc mình đang làm cho những con em mà họ đang quản lý. Mình bức xúc vì mình nghĩ rằng mình đang đáp ứng một nhu cầu cần thiết cho chúng mà lại bị cản trở.

Thế nhưng có lẽ các ngài lại không nghĩ như thế. Không phải các ngài muốn cản trở mình, mà các ngài chỉ thấy rằng các ngài có những phương cách khác, và những gì mình đưa ra không phải là điều thiết yếu. Đôi khi thấy oan thật, Đôi khi mình cũng thấy oan, thấy thất vọng vì mình nghĩ mình sẽ đuợc ủng hộ bởi những người hiểu biết nhất. Có khi thấy bức xúc vì dường như phải năn nỉ để cho mình làm việc tốt. Có khi thật bất ngờ vì mình hành nghề làm dâu trăm họ, mà muốn phục vụ những họ đó cũng thật là vất vả.

Nong Bua Lamphu, ngày 7.6.2010

Một đám cưới buồn tẻ của lao động di dân tại Thái Lan


Tuần này một trong những lý do mình phải đi Bangkok là để làm đám cưới cho một đôi bạn trẻ người Nghệ An đang lao động tại Việt Nam. Hai bạn còn rất trẻ những lại cần đám cưới gấp vì lý do "ăn cơm trước kẻng" và rốt cuộc người bạn gái đã mang thai. Nay đã gần bảy tháng.

Tháng trước mình cũng có đi Bangkok để làm hai cái đám cưới. Và thêm lần nữa một trong hai đôi cũng rơi vào trước hợp mang thai ngoài hôn nhân. Thế là trong ba đôi đã hai đôi rơi vào tình trạng phải đám cưới gấp hơn dự định. Các tình huống như những đôi bạn trẻ trên dạo này quá phổ biến, đặc biệt là trong thành phần giới trẻ lao động di dân đang sống ngoài hệ thống gia đình và xóm làng.

Đám cưới của hai em Q. và H. thật tội nghiệp. Trong nhà nguyện của dòng Chúa Cứu Thế tại Minh Buri, Bangkok, hai em chỉ có bạn bè đến tham dự không tới 10 người. Số người còn lại là các seour và bác Trọng. Bây giờ các thầy DCCT đến du học ở Thái Lan cũng đã về lại Việt Nam nên thật buồn tẻ.

Việc làm cho đám cưới thêm buồn là vì chú rể vừa phát hiện ra bị sỏi thận nên đang phải điều trị và trải qua những cơn đau. Cô dâu thì mang bầu, và là tân tòng nên cũng chưa hiểu lắm về các nghi thức. Đến lúc phải cầm tay nhau để thề hứa với nhau thì cô dâu mắc cở không dám nói. Mình phải nhắc hai anh chị đây là một nghi thức tôn giáo và phải nghiêm túc nếu muốn cho bí tích hôn phối được thành.

Sau khi lễ đã làm xong thì mọi người đi ra một quán buffet gần đó để ăn mừng. Quán buffet chỉ là một quán ăn bình dần mà khách đến chọn những món thức ăn sống đem tới nướng và nấu ở bàn của mình. Bàn "tiệc cưới" có hơn 10 người đến chung vui.

Mình ở lại với các bạn khoảng 1 giờ đồng hồ rồi ra về vì có hẹn trong thành phố. Thầy hoàn cảnh của hai em cũng đáng thương, nhưng rồi cũng đáng trách. Nếu hai em biết cẩn thận hơn, biết dữ mình hơn, biết xiêng năng phấn đấu để làm việc hơn, thay vì rơi vào chuyện yêu đương một cách thiếu suy nghĩ, thì có lẽ ngày cưới của hai em sẽ không buồn tẻ như thế này. Đây là một điều mà các bạn đang lao động tại Việt Nam nên nhìn vào để suy nghĩ và quyết định cho tương lai của mình.

Nong bua Lamphu, ngày 5.6.2010

Em Hum bị từ chối vào trường


Thứ hai vừa rồi mình bước vào TT ĐMHCG thì cô Fốn, nhân viên của TT nói với mình cô mới đi cải tay đôi với hiệu trưởng của trường trung học Nong Bua Withayayon về. Mình hỏi cô: - Ủa, chị cải tay đôi về chuyện gì?

- Thưa cha, về chuyện em Hum (một bạn trẻ mới đến TT Mẹ Maria để sống).
- Nó ra sao?
- Thưa cha, tôi đưa nó đến xin nhập học ở trường. Người ta nói là còn một chỗ nữa và nhận nó vào. Sau đó đi đến gặp hiệu trưởng, ông mở hồ sơ nó ra, thấy nó bị nhiễm HIV, nên ông nói không nhận nữa.
- Như vậy đâu được.
- Thưa cha, không được. Tôi cũng nói với ông như vậy. Điều này trái với luật bảo vệ nhân quền của trẻ em và người bị nhiễm HIV.
- Chị có nói vậy với ông không?
- Thưa cha có. Ông nói đừng đem luật ra để nói với ông.
- Việc này đâu để yên được.
- Tôi không để yên đâu. Tôi có nói với ông là tôi sẽ kiện lên văn phòng tỉnh nếu ông không nhận Hum.
- Đúng vậy. Ông này không biết ông đang làm gì.

Sau khi nói chuyện với cô Fốn xong, mình phải đi ra sân bay để đi Bangkok, hôm nay mới trở về. Trong khi ăn tối, mình nói chuyện với thầy Bernd thì được biết là hôm qua, đã có một cuộc họp ở văn phòng của ngài trưởng tỉnh Nong Bua Lamphu. Trong cuộc họp có thầy hiệu trưởng và một số người của trường học. Bên này thì có cô Fốn và một số đại diện của các tổ chức về HIV.

Thầy Bernd cho hay trong cuộc họp, phía trường học đã nêu lên lý do là trường bây giờ có quá nhiều học sinh, và không thể nhận thêm. Nhưng cô Fốn đã không chấp nhận sự biện hộ này vì trước đây, họ đã nhận em Hum. Thầy hiệu trưởng chỉ rút lại lời nhận sau khi phát hiện ra em bị nhiễm HIV. Và ông ta cũng đã thừa nhận là ông làm việc này trong ngày đầu tiên nói chuyện với Fốn.

Cuối cùng thì đã có sự thỏa thuận phải tiếp nhận Hum vào trường, và việc từ chối em là điều trái luật pháp. Phía thầy hiệu trưởng phải trực tiếp xin lỗi em Hum vì đã có những hành động và lới nói xúc phạm đến con người của em.

Thế đấy, đến bây giờ mà vẫn còn rất nhiều người, ngay cả những người có ăn học và có trách nhiệm lớn có những suy nghĩ hẹp hòi và thiếu ý thúc. Việc bảo vệ nhân quyền của người bị nhiễm HIV vẫn là một công việc phải làm thường xuyên vì cộng đồng vẫn tiếp tục xua đuổi và có những nghi kỵ đối với người bị nhiễm HIV.

Dầu sao đi nữa thì một điều tốt đã xảy ra sau sự kiện này, là trường học Withyayon đã đồng ý tổ chức chương trình dạy về HIV và giới tính cho học sinh, mà người đảm trách việc này chính là nhân viên của TT ĐMHCG, trong đó có cô Fốn.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.6.2010