Giáng sinh đến
Bây giờ sáng 24 rồi. Tối nay chương trình lễ và sinh hoạt Noel sẽ diễn ra. Bao nhiều ngày chuẩn bị trang hoàng nhà thờ bên trong lẫn bên ngoài, tập hát, tập hoạt cảnh, chuẩn bị những món quà để phát và bóc thăm, cũng như chuẩn bị thức ăn cho bữa tiệc sẽ kết thúc vào tối hôm nay.
Năm nay chương trình chuẩn bị chu đáo hơn năm ngoái vì mình có sự phối hợp chặt chẻ hơn với hội đồng giáo xứ. Sinh hoạt cũng phong phú hơn. Hy vọng số người đến tham dự sẽ đông như năm ngoái hoặc nhiều hơn.
Sáng nay mình dậy sớm. Mà thực ra thời gian qua mình đều dậy sớm vì đi ngủ sớm. Có khi 9h30 tối đã lên giường rồi. Mình xem lại những phần của lễ và "dợt" lại bài giảng. Giảng bằng tiếng Thái nên phải chịu khó xem đi xem lại nội dung một tí để thuyết giảng cho trau chuốt. Là ngôn ngữ thứ ba nên phải cố gắng hơn một tí. Lễ đông giáo dân và là lễ trọng thì cũng phải nói năng cho xuôi chảy một tí thì mới hay.
Năm nay là năm thứ hai mình mừng Giáng Sinh trong vai trò một ông cha xứ. Và là Giáng Sinh thứ tư mình xa Mỹ, xa cái cảnh giá băng của một Giáng Sinh tại xứ lạnh. Mình không thích lạnh, không thích cái cảm giác như gió cắn vào tai khi đi trên đường, không thích phải bước thật thận trọng khi đi ngang một đống băng trên đường. Ở đông bắc Thái Lan vào lúc này thời tiết dịu hẳn, không oi bức, không ngột ngạt, rất dễ chịu. Đối với mình như vậy là đủ. Trước nhà thờ mình treo một ngôi sao thật lớn, trên những thanh cây dừa mình lấy đèn trằng quấn vòng. Dọc hàng rao mình cũng giăng đèn trắng. Trước nhà thờ mình chưng một cây thông giả với những đồ trang trí của mẹ mình từ bên Mỹ. Tuần qua thầy Damien đi mua những chậu hoa poinsettas về chưng trong nhà thờ và làm hang đá. Không khí Giáng sinh trong nhà thờ không thua gì những nơi khác ở Mỹ.
Nhưng dừng lại ở đó thôi. Đừng ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Vì ra khỏi rồi thì chẳng còn thấy Giáng sinh đâu nữa. Ngoài kia người ta chẳng có quan niệm Giáng sinh. Họ chẳng trang trí cũng chẳng nghĩ đến việc ăn mừng Giáng sinh. Họ không biết đến Chúa Hài Đồng. Cũng chưa có ai nói cho họ biết. Không biết mình sẽ có cơ hội để nói cho họ biết về Ngài không?
Nong Bua Lamphu, ngày 24.12.2009
Những nụ cười Giáng Sinh
Những ngày qua nhóm giới trẻ giáo xứ đi thăm viếng và hát những bài hát Noel cho các cụ già trong làng nghe. Có lẻ đây là lần đầu tiên mà các cụ già này được nghe những bài hát thánh ca của đạo Công giáo. Họ rất thích. Có lẽ họ cũng không hiểu gì ý nghĩa của những bài hát. Các cụ chỉ thấy vui khi thấy các bạn trẻ đến quay quần xung quanh họ, hát cho họ nghe, và nhờ họ dạy cho cách đan vải.
Vào những dịp lễ lớn thì sau khi người trẻ chúc người già thì người già lại chúc lành cho người trẻ.
Chiều nay các bạn trẻ đến viện dưỡng lão của giáo phận để chia sẻ niềm vui với các cụ già đang hưu dưỡng ở đó. Các cụ đã thật hạnh phúc khi chứng kiến sức sống trẻ xung quanh mình. Cha John, vị linh hướng của nhà dưỡng lão đã khen các bạn trẻ đến từ Nong Bua Lamphu thật đông.
Sau khi rời khỏi nhà hưu dưỡng thì nhóm đến nhà thờ chánh tòa để viếng thăm Đức Giám Mục George Phimphisan. Ngài năm nay 76 tuổi, đang chuẩn bị về hưu. Đây có lẽ là lần đầu và là lần cuối mà nhóm giới trẻ có cơ hội hát chúc mừng Giáng Sinh ngài.
Hát xong ĐGM chúc lành và tặng cho mỗi người một "chiếc xe máy". Đó là xe làm từ giây thép. Ngài nói người làm là người khuyết tật. Sau đó ngài chúc lành và dẫn đi tour nhà thờ chánh tòa vừa mới trang trí Noel xong. Nhóm giới trẻ rất thích thú với những trang trí trong nhà thờ. Trước khi ra về, ĐGM lại tặng thêm tiền để đải cho nhóm giới trẻ một bữa ăn thật no nê. Mình dẫn cả nhóm đi ăn BBQ buffet. Bạn nào cũng nói chuyến đi hôm nay vừa vui, vừa có ý nghĩa, mà vừa có "lời" nữa!
Tổ chức Giáng Sinh cho học sinh tiểu học
Chương trình sinh hoạt Noel tại trường học là một ý tưởng thật tốt. Mình đã mang niềm vui Giáng Sinh đến với các em, kể cho các em nghe câu chuyện Chúa Sinh ra, và giúp các em hiểu ý nghĩa của lễ Giáng sinh là gì.
Phần các em thì tiếp nhận rất cởi mở, và mình còn cảm phục thầy hiệu trưởng khi ông ta đã tỏ ra rất đón tiếp mình và rất ủng hộ có sinh hoạt như thế trong trường của ông.
Nong Bua Lamphu, ngày 18.12.2009
Phái đoàn ĐHY Phạm Minh Mẫn dâng lễ cho lao động di dân Việt Nam tại Bangkok
Một đệ tử dòng Mân Côi hát đáp cá.
ĐGM Bùi Văn Đọc chia sẻ lời Chúa.
Cuối thánh lễ mình đại diện cho cộng đoàn cám ơn ĐHY, ĐGM và linh mục đoàn. Mình phát biểu như sau:
Trọng kính ĐHY Phạm Minh Mẫn, Trọng kính ĐGM Bùi Văn Đọc. Kính thưa các cha, các tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, quả là một hồng ân bao la đối với cộng đoàn nhỏ bé chúng con khi ngày hôm nay được đón tiếp ĐHY, ĐGM và toàn thể phái đoàn đến dâng thánh lễ với chúng con trong không khí ấm cúng của Mùa Vọng khi toàn thể Giáo hội đang chuẩn bị mừng ngày Chúa Giáng trần.
Trong chuyến đi Thái Lan lần này, phái đoàn đã chứng kiến kết quả của lòng đạo đức mà người CGVN đã thể hiện trên đất Thái mà qua hàng trăm năm truyền thống đó vẫn tồn tại như một chứng cứ về niềm tin bất khuất kiên cường của người Công giáo VN, cụ thể người Việt Nam di dân, qua bao nhiêu biến cố thăm trầm trong cuộc sống.
Hôm nay phái đoàn cũng đến để chia sẻ và nâng đỡ chúng con những người CGVN trẻ tuổi đang lưu lạc trên đất Thái Lan và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sống đức tin trong thời đại mới. Chúng con rất cảm động vì sự quan tâm và ưu ái mà ĐHY, ĐGM và toàn thể phái đoàn dành cho chúng con.
Trước biến cố mừng lễ Giáng Sinh sắp đến, có lẻ niềm an ủi lớn nhất cho chúng con là khi Thiên Chúa giáng thế, Ngài đã chọn một nơi rất đơn sơ để sinh ra và những người đầu tiên được thấy Ngài cũng là những con người rất tầm thường bé nhỏ.
Vì thế mà sự hiện diện của ĐHY, ĐGM, và phái đoàn trong thánh lễ hôm nay nói lên một cách rất sâu xa tình thương mà TC dành cho những người con của Ngài. Cộng đoàn chúng con xin chân thành cám ơn ĐHY, ĐGM và toàn thể phái đoàn. Xin Chúa Hài đồng Giêsu, Đấng đang đến và sẽ đến ban muôn ơn lành trên ĐHY, ĐGM, và các cha. Xin Ngài ban cho quí vị sự bình an và sức khỏe phần hồn cũng như phần xác để chu toàn bổn phận dẫn dắt đoàn chiên của Chúa và phục vụ giáo hội.
Mọi người "nhào vào" chụp hình với ĐHY và các cha.
Bangkok, ngày 13.12.209
Ngày đại lễ kỷ niệm 300 năm cộng đoàn Kitô giáo tại Chanthapburi
Phái đoàn ĐHY Phạm Minh Mẫn đến Bangkok
Khi phái đoàn đến nơi thì chứng kiến một nhà thờ chánh tòa tràn ngập trong không khí lễ hội. Những sinh hoạt mừng lễ đã bắt đầu từ ngày mồng 7 và sẽ kết thúc ngày mai với Thánh lễ đại trào với sự hiện diện của nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Đây sẽ là một trong những chương trình lễ lớn nhất trong giáo hội Công giáo Thái Lan năm nay. Được biết giáo phận đã bỏ ra 70 triệu baht để trùng tu nhà thờ chánh tòa cho dịp trọng đại này.
Khi xe của phái đoàn đến nơi thì giáo dân xếp hàng để chào đón. Sau đó mọi người được mời ngồi vào ghế để xem các đội múa trình diễn những màn múa để chào đón quan khách. Nghi thức chào đón xong, phái đoàn được mời đi dùng cơm tối.
Mình chỉ đi theo phái đoàn chứ không phải thuộc về phái đoàn nên mình không tham gia vào những cái “danh dự” của phái đoàn như chụp hình hoặc nhận vòng hoa. Vừa ăn tối xong thì trong nhà thờ có thánh lễ nên mình tách ra khỏi nhóm để đi dự lễ đồng tế có đông đảo các giám mục và linh mục. Trong nhà thờ giáo dân ngồi kín mít. Mình cũng gặp được một vài linh mục quen biết nên cũng không thấy xa lạ. Mình cũng bất ngờ khi phát hiện ra một số giáo dân trong giáo phận Udon của mình cũng đã đến để tham dự lễ. Cuối tuần này ở tiểu chủng viện cũng có lễ mừng hàng năm của TCV, nên việc họ đã đi thật xa để tham dự nói lên phần nào tầm quan trọng của dịp lễ này.
Trong thánh lễ ĐGM chủ tế là người Thái gốc Việt đã nhiều lần nhắc lại cho giáo dân về nguồn gốc Việt Nam và niềm tin Kitô giáo của mình. Khi mới đến chính họ đã xây dựng một ngôi nhà thờ đơn sơ để thờ phượng trong khi đó ở vùng này chỉ là một vùng hẻo lánh với những khu rừng rậm rạp. Trong giờ rước lễ mình lại thấy rất nhiều tà áo dài mà người mặc thì bây giờ không còn nói được tiếng Việt nữa. Nhưng họ chọn áo dài để mặc trong dịp lễ này để biểu dương nguồn gốc văn hóa và tôn giáo mà họ đã lãnh nhận được từ bậc ông bà tổ tiên của họ.
Một hình ảnh khác hơi bất ngờ là cuối thánh lễ khi đi kiệu Đức Mẹ xung quanh nhà thờ thì thấy một đoàn đàn ông đứng dọc đường kiệu với những nón cối trên đầu và mặc những áo màu xanh rêu trông thật giống….Việt Cộng. Một vị linh mục đi ngang qua thấy đoàn trong bộ đồng phục lạ thường nên quở một cách hài hước: Việt cộng, Việt cộng. Vị linh mục này là người Thái gốc Việt. Nhưng rồi dường như hầu hết các cha đến từ giáo phận này đều là dòng máu Việt. Và các nữ tu cũng thế.
Sau khi kiệu Đức Mẹ xong (tượng Đức Mẹ mới hoàn tất với giá 10 triệu baht), mình đi vào những phòng triển lãm để tìm hiểu. Ở đây mình biết thêm về nguồn gốc của giáo phận. Mình gặp những giáo dân còn biết nói tiếng Việt. Cô dạy giáo lý nói được khá nhiều. Cô nói trước đây cô từng đi giúp những người tị nạn Việt nam đến Thái lan. Chính vì thế mà cô biết nói. Những người khác thì chỉ nói bập bẹ. Mình nói mình muốn nói chuyện với người già. Chị bảo ngày mai sẽ cho gặp mẹ của cô.
Khi các giáo dân biết mình là linh mục người Việt họ rất niềm nở và xúm lại để nghe mình hỏi chuyện. Mình hứa là sẽ tìm dịp đến đây để tìm hiểu thêm về lịch sử của cộng đồng, một cộng đồng mà bây giờ đã bị hổn hợp qua việc cưới hỏi giữa các dân tộc với nhau: Việt-Siêm, Việt-Thái, Việt-Hoa, Thái-Hoa, Thái-Siêm, và Hoa-Siêm. Giờ đây ít có ai 100% dòng máu Việt. Giới trẻ bây giờ đều mang những dòng máu hổn hợp. Nhưng dòng máu Việt vẫn là một tính chất rất đặc biệt đối với những người ở đây.
10 giờ tối mình về khách sạn nghỉ ngơi. Phái đoàn đã về từ khi dùng cơm tối xong. Nhưng mình đi dự lễ nên “bị bỏ lại”. Một thần dòng Lasan đưa cho mình chìa khóa phòng khách sạn và nhờ người chở mình đến nơi nghỉ đêm.
Phái đoàn đến từ Việt Nam được đón tiếp rất nồng hậu ở mọi nơi. Việc đi lại, ăn ở đều được lo chu đáo bởi các seour dòng Lasan và giáo phận Chanthapburi. Hai ngày qua, trước khi đến Chanthapburi, phái đoàn đã có dịp đi tham quan nhà dòng Camilian, TT Mục Vụ giáo phận Bangkok, đi Ayudhya, đi thăm ĐGM mới của GP Bangkok, và đi thăm tòa khâm sứ tại BKK. Có thể nói phái đoàn như VIP trong những ngày này. Tối nay mình được cho một phòng ngủ tại khách sạn nơi phái đoàn đang nghỉ cũng chỉ vì được “ăn ké”.
Chanthapburi, ngày 11.12.2009