Cuộc đời là những cuộc gặp gỡ giữa người này với người khác. Những cuộc gặp gỡ lớn bé đó tạo nên những câu chuyện trong đời sống của từng người. Chính vì thế nên cuộc sống mục vụ truyền giáo của mình cũng chỉ là câu chuyện như thế.
Hôm qua mình đi bệnh viện để điều trị vì cổ của mình tuần này thật khó chịu. Không thể ngồi ở computer hơn vài phút vì rất đau và mỏi. Không ngồi ở computer mà cũng cảm thấy khó chịu.
Tại bệnh viện mình nói chuyện với các y tá, trong đó có những ý ta là người mình dạy tiếng Anh vào mỗi chiều thứ sáu. Bác sĩ trưởng khoa hồi phục thân thể là chồng của cô y tá Supraporn, cũng là học sinh của mình. Khi điều trị xong, bác sĩ viết toa thuốc cho mình và không tính tiền. Bác sĩ đưa mình đến phòng thư viện để chờ lấy thuốc và nói chuyện. Mình chia sẻ về dự định tổ chức chương trình giúp người già neo đơn của giáo xứ. Bác sĩ nói nếu vậy thì bệnh viện cũng có thể giúp những người già trong chương trình của giáo xứ.
Mình chia tay bác sĩ về lại xứ. Lúc ấy thằng Đoàn và Thồn đang chuận bị những lá cờ để treo vào ngày lễ lớn hàng năm của giáo xứ. Mình kêu Thồn đi chung với mình đi đưa thiệp mời cho một số người trong phố.
Người đầu tiên là chú Hòa, một người Việt kiều. Ngày trước chú đã không tính tiền mình khi đi mua những ống nhựa để làm cây treo cờ dọc hàng rào nhà thờ. Chú nói muốn đóng góp cho lễ của giáo xứ. Chú là người không theo đạo Kitô giáo.
Sau đó là đi gặp ông Natapong. Ông Natapong cũng là một Việt kiều. Gia đình ông là một trong những gia đình giàu nhất tỉnh. Ông có một cửa tiệm bán xe hơi và nhiều cửa tiệm bán xe Honda, và một khách sạn. Tất cả đều do ông và những người con quản lý. Ông có đạo những không đi nhà thờ. Mình ngồi nói chuyện với ông Natapong một giờ đồng hồ (bằng tiếng Việt). Câu chuyện xoay quanh việc ông đang tham gia vào một hiệp hội doanh nhân Việt Kiều mà thành viên đến từ các nước trên thế giới. Ông sẽ đi Hà nội họp vào đúng ngày lễ ở giáo xứ nên sẽ không đến tham dự được. Ông nói sẽ báo cho gia đình đi.
Sau đó mình và Thồn đến cửa tiệm bán nhạc cụ cũ của anh Wat. Mình trước đây có mua một cây guitar ở cửa tiệm này. Anh Wat không theo đạo Công giáo. Nhưng anh nói đang tò mò muốn tìm hiểu. Anh nói sẽ đến nhà thờ dự lễ để tìm hiểu. Anh cũng hỏi nhiều điều về niềm tin Kitô giáo. Anh nói cảm thấy bất mãn với các nhà sư Phật giáo. Anh Wat bảo lúc nào cần người giúp sửa chữa về điện đóm hoặc ống nước thì hãy gọi cho anh. Anh sẽ giúp không tính tiền. Về vấn đề máy móc âm thanh cũng vậy. Anh nói anh sẽ đến giúp gắn máy trong dịp lễ. Mình mời anh đem đàn tới hát trong bữa tiệc sau lễ. Anh đồng ý sẽ giúp. Anh thích hát những bài hát quốc tế thời xưa. Mình nghĩ thể loại này sẽ phù hợp với các cha và giáo dân.
Anh Wat có vợ hai con, nhưng ly dị rồi. Nhưng anh nói trước đây anh có rất nhiều vợ bé. Anh không ngần ngại nói rằng anh đã từng dẫn họ đi phá thai khi lỡ có bầu. Giờ đây anh không chơi bời nữa. Bây giờ chỉ muốn làm một người tốt. Anh Wat là một đối tượng tốt để theo đạo Kitô giáo nếu anh được hướng dẫn vào đạo một cách nghiêm túc. Anh hiểu nhiều về tội và anh đang tìm một lối sống tích cực. Nói chuyện với anh Wat mình nhận thấy anh ấy rất cởi mở và chân thật, không kiểu cách, có sao nói vậy. Anh ấy có tính rất nghệ sỹ.
Hôm nay mình không đi đưa thiệp mời dự lễ mà đi thăm người già. Người đầu tiên là cụ Chu Sa-ngà. Hai tuần nay không thấy ông đi lễ nên mình lo. Đến thăm thì mới biết ông bị té xe máy nên không đi lại được. Ngày nọ ông đang chạy xe đi chợ thì bất chợt có một con chó chạy ngang trước mặt xe. Ông né không kịp, lao xuống và bị thương trên người. Vì vậy ông phải hồi phục ở nhà.
Sau đó mình ghé qua nhà cụ Bunsong. Cụ Bunsong ở trong một cái chòi rất sơ xác. Nhưng khi đến nơi thì thấy "cửa" đóng. Chủ không có ở nhà. Vì vậy nên ghé qua thăm một bà cự trong xóm. Cụ này mình mới gặp đầu tiên. Đây là một cụ già mà Thồn biết được khi đi liên lạc với trưởng làng để tìm đến những người neo đơn.
Bà cụ ở một mình trong một căn nhà nhỏ với hai cây nhãn thật to. Cây nào cũng đầy trái những không thấy hái bán hoặc hái ăn. Chỉ để vậy. Bà cụ mới đi mổ mắt cách đây không lâu. Bà nói nhiều nhưng mình hiểu ít vì bà nói tiếng địa phương. Nhiều khi mình ngúc đầu mà trên thực tế chẳng hiểu bà nói gì cả. Nhưng khi mình nói tiếng phổ thông với cụ thì cụ hiểu. Chỉ cái cụ không nói được tiếng phổ thông mà phải nói tiếng địa phương. Bất đồng ngôn ngữ là thế đó. Ở đây khi giao tiếp với người địa phương, đặc biệt là người già, 50% những gì họ nói mình như mù. 40% là đoán. Còn 10% là hiểu chắc chắn.
Sau khi đi thăm những người già xong thì ghé qua một tiệm tạp hóa để mua rượu trắng. Lý do mua rượu trắng là để đem về ngâm. Lần trước lên thăm từ Bangkok, cha Tiến Đức có tặng cho một gói đủ thứ thảo dược để ngâm rượu. Thồn bảo hãy đi mua rượu đem về ngâm, khoảng vài tuần sau uống được. Mình cũng nghe theo lời nó. Nó mua 5 chai rượu hết 500 baht.
Tối nay là tối giới trẻ đến nhà thờ tập hát. Có một số đứa không đến được vì bị cảm cúm, nhưng không phải bệnh cúm heo. Cũng may là tụi nó không bị. Ở trường học tụi nó đã có đứa bị mắc rồi. Trường phải đóng của cả tuần khi phát hiện ra có học sinh trong trườmg mắc bệnh H5N1.
Những đứa bị cúm không đến tập hát. Những đứa còn lại đến tập hát không bị cúm nhưng bị HIV. Tối nay toàn là các bạn trẻ bị HIV đến tập hát. Tụi nó tập hát mấy bài sẽ hát trong lễ lớn. Thồn tập hát cho tụi nó. Chỉ có một hai đứa hát được. Con Rất lớn nhất và thông minh nhất trong nhóm thì hát giọng bị ngang. Có đưa đọc chữ chưa thạo. Thằng Thom thì hình như đang bể giọng vì tuổi 14 là tuổi dậy thì.
Giờ này không còn gặp ai nữa. Mình đang ngồi trong phòng ngủ trong sự yên tỉnh. Ngày mai visa một năm của mình hết hạn. Giấy tờ để làm visa mới đang trên đường gởi đến. Năm này visa đến sát ngày. Nếu chậm chút nữa có lẽ phải làm một chuyến đi Lào.
Chuyện gặp gỡ hai hôm nay như thế đó. Gặp đủ thành phần. Giàu có, nghèo có. Khỏe mạnh có, bệnh tật có. Già có, trẻ có. Đời sống truyền giáo được xây dựng trên những cuộc gặp gỡ này. Không có chúng nó thì coi như không có làm truyền giáo.
Nong Bua Lamphu, ngày 15.7.2009
No comments:
Post a Comment