Có sinh có tử
Sáng nay thầy Damien mời mình qua TT họp để bàn về những bước đầu cho dự án mới của TT, đó là việc xây một trung tâm giúp đỡ những người bị nhiễm HIV còn khỏe mạnh có điều kiện để học nghề, tìm việc làm, và tự trang trải cho bản thân sau khi rời khỏi TT. Ngân quỷ có việc xây TT được ủng hộ bởi một người Công giáo bên Hoa Kỳ.
Dự án chỉ còn nằm trong giải đoạn khởi xướng và bàn thảo, trong đó có vấn đề đặt ra là nên tìm đất để xây TT ở đâu. Mình cũng nêu lên những ý kiến và quan điểm của mình về dự án. Nói chung là mình rất ủng hộ dự án này vì nó giúp cho những người bị nhiễm HIV một cách rất thiết thực. Mình cũng sẽ sẵn sàng hợp tác với TT trong việc thực hiện dự án nếu TT cần đến sự đóng góp của mình.
Họp xong thì mình về lại nhà xứ. Mình vừa mở email ra đọc thì nhận được điện thoại của cô Fốn. Cô nhờ mình qua cầu nguyện cho một bệnh nhân đang hấp hối. Mình đem sách và chuổi tràng hạt qua để cầu nguyện. Trong phòng ICU chỉ có cô Pattawan đang chăm sóc bệnh nhân. Cô không phải là Công giáo. Mình mở sách ra đọc kinh. Cô Pattawan thinh lặng đứng bên cạnh. Mình lần chuổi 5 sự vui.
Một lát sau cô Fốn vào đọc kinh với mình. Cô Fốn có đạo. Lần xong 5 sự vui thì mình bước ra ngoài để cho con Pattawan ở lại chăm sóc bệnh nhân một mình. Bệnh nhân là một người đàn ông ngoài 40 tuổi. Chỉ mới vào trung tâm vài ngày, nhưng bệnh tình rất nghiêm trọng. Cơn đau làm cho ông rên rỉ liên tục. Có lẻ ông cũng sẽ ra đi trong hôm nay thôi. Chết rồi thì mang vào nhà xác, rồi đem đi thiêu. Mọi chuyện cũng rất đơn giản. Người ta sinh ra sống rồi lại chết. Cả đời không biết sống như thế nào. Gần giờ chết chỉ biết cầu xin Chúa Mẹ khoan dung tha thứ.
Nong Bua Lamphu, ngày 30.10.2008
Happy birthday to me
Thêm một bệnh nhân SIDA đã ra đi
Sáng nay mình qua trung tâm để thăm các bệnh nhân. Cô A nói là chiều qua, sau khi mình đi khoảng 10 phút thì cô Ùn đã tắt thở. Nhân viên TT đã đưa xác của cô đến phòng ướp xác ở bệnh viện và chiều nay thì đã thiêu hỏa ở chùa. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chưa tới một ngày.
Mình hỏi cô Pattawan là gia đình có đến không? Cô nói:
- Người nhà bảo là họ nhờ TT lo việc thiêu hỏa. Sau khi mọi chuyện xong xuôi thì họ sẽ đến nhận tro.
Thật đáng tội nghiệp cho cô Ùn khi trong giây phút cuối của cuộc đời không có một người thân nào bên cạnh để an ủi. Và khi chết rồi thì cũng chẳng có ai để tiễn đưa. Nghĩ tới hoàn cảnh của cô mới thấy công việc của TT thật có ý nghĩa. Nếu không có TT thì không biết những bệnh nhân HIV bị gia đình ruồng bỏ sẽ sống những ngày cuối đời của họ như thế nào.
Sáng nay mình nói chuyện một lúc với cô È. È là một cô gái còn trẻ, từng là một thành viên của đoàn múa trong một ban nhạc trong vùng. Cô cũng chỉ mới rời khỏi đoàn từ tháng tư này.
Thân hình của È bây giờ rất ốm, đi đứng không được. È nói là muốn đi xem lễ nhưng chưa có đủ sức để đi. È không phải là Công giáo, nhưng thời học sinh có làm quen với một nhóm Tin Lành nên cũng biết đôi chút về Kitô giáo.
Sáng nay mình chia sẻ với È vế niềm tin Kitô giáo, niềm tin vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa và những cơ hội mà Ngài ban tặng cho chúng ta nếu chúng ta sẵn sàng nhìn nhận những yếu đuối của mình và có lòng hối cải.
Mình nói chuyện với È một lúc thì đi theo cô Fốn đến nơi TT đang tổ chức chương trình huấn luyện các tình nguyện viên để hoạt động trong lĩnh vực HIV. Đa số những người đến tham dự chương trình huấn luyện 3 ngày 2 đêm là các bạn trẻ trong huyện trung tâm của tỉnh Nong Bua Lamphu, và cũng là các bạn trong giới đồng tính. Đây là dự án mới nhất của TT để giúp cho những thành phần dễ bị nhiễm HIV biết cách thay đổi thái độ và hành vi để tránh việc bị lây nhiễm HIV và các bệnh bị lây qua đường tình dục, trong đó có giới trẻ trong cộng đồng đồng tính luyến ái.
Mình không có vai trò gì trong chương trình huấn luyện vì đã có nhóm tổ chức phụ trách toàn diện. Trách nhiệm duy nhất của mình trong ngày hôm nay là nói lời phát biểu khai mạc chương trình. Nói xong mình ngồi quan sát các sinh hoạt bắt đầu.
Mặc dầu mình không phụ trách TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhưng đời sống mục vụ của mình vẫn gắn bó với những sinh hoạt của TT, cho dù đó là thời giờ ngồi chia sẻ với bệnh nhân, hay giúp cho giáo dân bên ngoài có cái nhìn cảm thông và bác ái hơn đối với những người mắc bệnh AIDS. HIV không gì đáng sợ hãi chỉ có sự thiếu cảm thông của con người đối với nhau mới thực sự đáng sợ hãi.
Nong Bua Lamphu, ngày 27.10.2008
Lời kinh tha thiết
Chiều nay mình đang chuẩn bị bài hát cho thánh lễ tiếng Việt tại Udon Thani tối nay thì bổng nhiên nghe tiếng chuông cửa vang lên. Mình ra mở thì thấy bà giúp việc của TT ĐMHCG đang đứng ở đó.
- Con chào bác. Có chuyện gì không bác? - Mình hỏi.
- Thưa cha, cô Fốn nhờ bác qua mời cha qua TT để cầu nguyện cho một bệnh nhân sắp chết.
- Vâng, con qua liền.
Mình vào lại nhà xứ, thay áo quần rồi ra phòng học giáo lý nói với bọn trẻ trong lớp giáo lý thêm sức cùng đi với mình để cầu nguyện. Khi bước vào phòng của các bệnh nhân SIDA thì thấy cô Ùn đang nắm trên giường, miệng rên rỉ liên tục vì cơn đau đang hành hạ thân thể. Ông Bùnklang, một nhân viên trong TT nói là cô ta không còn nhiều thời gian nữa. Bác sĩ cũng đã chê rồi, bảo cứ cho cô sống những giây phút cuối cùng ở TT. Trong người cô các bộ phận cũng đã hết làm việc và không còn giúp gì được nữa.
Cô Ùn nằm dưới một cái chăn. Nhưng nhìn cũng biết thân hình cô giờ chỉ còn da với xương. Ánh mắt của cô vẫn mở nhưng không thấy gì. Tai cũng không còn nghe được nữa. Cô thở thoi thóp, và tiếng rên thì cứ phát ra đều đặn.
Mình yêu cầu cô dạy giáo lý bắt kinh. Cô Koi bắt kinh cầu xin Chúa thương xót bệnh nhân trong giờ hấp hối, và lần chuổi. Những kinh Kính Mừng Maria làm cho mình thực sự xúc động. Chưa bao giờ câu kinh "cầu cho chúng con là kẻ có tôi khi này và trong giờ lâm tử" có ý nghĩa như lúc ấy. Cứ lập đi lập lại kinh Kính Mừng, lời van xin cùng Mẹ dường như càng khẩn trương và tha thiết hơn. Mình chợt chảy nước mắt. Mới đầu chỉ là một vài giọt, rồi tự nhiên tuôn ra thành dòng. Mình không thể chận lại dòng nước mắt ấy. Mình đang cầu nguyện cho một con người ngoại đạo, xin Mẹ thương cứu giúp. Mình không được rửa tội cho họ nên những lời cầu xin lúc đó là cơ hội cuối cùng cho con người bất hạnh đang nằm co queo trên giường bệnh.
Chiều nay mình phải đi làm lễ ở Udon Thani và chỉ mới về nhà cách đây 30 phút. Mình không biết cô Ùn đã tắt thở chưa. Khi dâng lễ mình vẫn nhớ đến cô. Mình đã cầu nguyện cho cô. Mình hy vọng rằng lời nguyện cầu tha thiết của mình cho cô sẽ được Chúa và Mẹ nhậm lời. Mình vẫn tin vào tình yêu bao la vô bờ bến của Chúa mà mình vẫn chia sẻ với giáo dân trong nhiều bài giảng ngày Chúa Nhật.
Nong Bua Lamphu, ngày 26.10.2008
Đi dã ngoại
Ngày vui
Hôm nay giáo xứ mừng lễ quan thầy. Số giáo dân đến đông hơn thường lệ, trong đó có cả những người thân của những người Công giáo. Tuy nhiên, nhiều người Công giáo gốc lại không đến. Có lẽ vì chỉ mừng lễ quan thầy nội bộ, không mời Đức Giám Mục và các giáo xứ khác đến tham dự nên có người không quan tâm.
Khách mời đặc biệt duy nhất là cha Prasong, một linh mục dòng OMI. Cha giảng dài nhưng hay, giáo dân tỏ ra thích thú với lời chia sẻ của ngài. Chỉ tội nghiệp cho mấy người nước ngoài không hiểu ngài nói gì.
Giáo dân cũng mang đến rất nhiều thức ăn. Đặc biệt năm nay có thức ăn đến từ các nước khác nhau như Việt Nam, Thái, Lào, Nhật, Phi Luật Tân, và Tây. Ngòai ra còn nhiều loại đồ ăn tráng miệng như bánh ngọt, kem....
Thức ăn thì nhiều nhưng mình không được ăn vì bận gặp gỡ trò chuyện với giáo dân, chụp hình, và sau đó là điều khiển chương trình sinh hoạt cho bọn trẻ. Bọn trẻ rất thích thú với những trò chơi mà mình đặt ra. Ai nấy đều vui.
Mặc dầu trong bụng đau vì cả ngày không có gì lọt vào bao tử nhưng lại rất vui khi thấy thánh lễ diễn ra tốt đẹp, trong thánh lễ cũng như buổi tiệc sau đó thật vui vẻ, thân tình và ấm cúng. Điều làm cho mình vui nhất là thấy bọn trẻ thích thú với những trò chơi.
Mọi sinh hoạt kết thúc lúc 3 giờ chiều, nhưng bây giờ đã 8 giờ tối rồi mà vẫn còn vài đứa trong nhóm giới trẻ đang ngồi lại nhà xứ để chơi. Các bạn trẻ Việt Nam cũng mới vừa ra về sau khi ăn tối tại nhà xứ xong.
Trong đời sống mục vụ và truyền giáo thì có vui buồn lẫn lộn. Mình ngày càng nhận ra những mối quan hệ với nhau trong giới linh mục khá phức tạp. Và mình ngày cang nghe nhiều những lời khen chê đến từ những người khác nhau. Điều này có lẽ không tránh được. Có khi thấy mình bị hiểu lầm cũng buồn, nhưng mình cố gắng tìm sự an ủi trong những niềm vui mà công việc mục vụ mang lại cho mình.
Có lẽ những tiếng cười của các trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV và của các bạn trong nhóm giới trẻ, sự nhiệt tình của một số giáo dân và những lời khuyến khích đến từ những người thân quen sẽ là điểm tựa để cho mình tiếp tục tiến bước trên con đường mục vụ và truyền giáo ở trong giáo xứ nhỏ bé này.
Nong Bua Lamphu, ngày 19.10.2008
Nhiều chuyện
Có những ngày muốn viết nhật ký mà không biết viết về chuyện gì. Mình tự hỏi phải chăng mình không có gì để viết là vì mình không có làm gì? Rồi mình tự nghi vấn bản thân phải chăng mình đang ù lì trong việc truyền giáo?
Chuyện vui
- Sáng nay một bệnh nhân trong trung tâm chăm sóc HIV trở về lại với gia đình ở Udon Thani. Trước khi rời TT, bà qua gõ cửa nhà xứ xin được ban phép lành trước khi lên đường. Mình ban phép lành cho bà rồi chúc bà lên đường bình an. Bà không phải là một người Công giáo.
Chuyện buồn
- Tuần trước mình mua 200 baht tiền cá về để nuôi trong hai cái chậu đặt trước nhà xứ. Mỗi chậu có hai cây hoa sen. Một cây có hoa màu tím, một cây có hoa màu trắng. Từ khi nuôi cá đến giờ chưa đầy một tuần đã tiễn ba em về bên kia thế giới.
Chuyện không vui không buồn
- Từ thứ bảy đến giờ, Đìm (Dream) một đệ tử trong dòng Chúa Cứu Thế đến nhà xứ ở và giúp việc cho mình. Đìm là con trai của một giáo dân trong họ đạo. Nó mới 15 tuổi mà cao 1m75. Nó đọc Sách Thánh nhanh như chớp. Chúa Nhật vừa rồi cho nó lên đọc bài đọc một. Không ai nghe kịp.
Chuyện tức cười
- Sáng nay mình sai thằng Đìm đi chùi cái cửa kiếng trước nhà xứ. Mình nói với nó chùi sao cho đừng bị vết loang. Mình không hiểu tại sao bên TT bà giúp việc lau kiếng sạch boong mà ở đây thằng Bình lau cứ bị vết loang. Thằng Đìm lau xong vào báo cáo là nó không cách nào làm cho những vết loang biến đi. Dùng vải lau cũng vậy, dùng giấy lau cũng thế. Mình quyết định đưa cái chai thuốc chùi kiếng ra "nghiên cứu". Thuốc này có màu xanh như thuốc Windex. Thầy Damien trước đây mua một chai thiệt to để dùng được lâu. Mình nói thằng Binh đó là thuốc chùi kiếng. Bốn năm tháng qua nó toàn chùi kiếng bằng thuốc này. Hôm nay mình xem lại, quyết định đọc mấy cái chữ nói về sản phẩm ngoài chai bằng tiếng Thái. Hóa ra cái nước xanh xanh trong bình đó là thuốc giết vi khuẩn dành cho nhà vệ sinh và những nơi tương tự!! Thế thì làm sao đem đi chùi kiếng mà không bị vết loang được?
"Chuyện" hay "truyện"
- Tuần qua mình dạy cho mấy bạn trẻ lao động Việt Nam cách đọc các kinh và lời thưa trong Thánh Lễ bằng tiếng Thái. Mình phải phiên âm ra kiểu tiếng Việt để tụi nó đọc được. Tụi nó không đọc được âm "p" như trong chữ "people" vì tiếng Việt không có âm "p", mà chỉ có âm "ph" như "phở". Tụi nó đọc chữ "nghìn" (pằn) thành chữ "cái răng" (phằn).
Chuyện phương xa
- Hôm qua mình nhận được 3 cuốn báo Hiệp Nhất từ California do anh Cao Tấn Tỉnh gởi tặng. Trong hai số báo anh có viết bài rất sâu sắc mang tựa đề "Vì Tôi Là Linh Mục". Mình hân hạnh là một trong 4 vị linh mục mà anh biệt tặng khi viết bài này.
Chuyện nhà
- Mấy ngày hôm nay mình chuẩn bị cho việc mừng lễ quan thầy của giáo xứ vào Chúa Nhật tới. Mình chuẩn bị bằng cách đi đặt hoa, giặt khăn trải bàn thánh, liên lạc một số người để chuẩn bị thức ăn, chuẩn bị những trò chơi thể thao và thi đua cho giới trẻ, và đi mua quà để treo giải thưởng. Ngoài ra còn làm một số việc linh tinh khác. Giáo xứ nhỏ, năm này lại tổ chức mừng quan thầy "nội bộ", nên việc chuẩn bị cũng khá đơn giản.
Chuyện cuối
- Hôm nay mình nhờ thợ hàn làm cho hai cái cột treo lưới bóng chuyền và cầu lông. Đặc điểm của cột này là di chuyển được. Cột được làm như sau:
1) Lấy hai cái lốp bánh xe đã hết xử dụng, rồi đặt những cây sắt chéo ở giữa.
2) Cặm vào một cây sặt dọc có đường kính lớn.
3) Lấy xi-măng và cát đổ vào lốp xe để tạo độ nặng cũng như giữ cây sắt cho vững.
4) Lấy một cây sắt khác, hàn vào đó những chấu để giăng lưới. Có nhiều chấu khác nhau tùy theo muốn giăng lưới bóng chuyền hoặc lưới cầu lông. Bóng chuyền thì dùng cái móc ở trên còn cầu lông thì dùng cái thấp hơn
5) Sau đó xỏ cây sắt này vào cây sắt trên lốp xe có đường kính lớn hơn.
6) Cuối cùng là đặt hai cột sắt đó ở mức độ xa gần tùy nhu cầu để treo lưới và có một cuộc thi đấu thể thao tuyệt vời....đó là trường hợp có đủ cầu thủ để chơi.
Nong Bua Lamphu, ngày 14.10.2008
Giáo dân mới
Lễ Chúa Nhật hôm nay, nhà thờ có thêm một giáo dân mới. Nói là giáo dân mới, nhưng tuổi thì cũng đã gần đất xa trời. Đó là cụ Bunswan. Cụ cũng đã 75 tuổi. Thứ hai vừa rồi, cụ đến nhà thờ tìm cha xứ. Cụ nói cụ là một người Công giáo gốc, nhà ở cũng cách nhà thờ không xa. Cụ ở một mình, con cái thì mỗi người mỗi ngã.
Cụ chia sẻ là nhiều năm qua cụ không đi nhà thờ và cũng không đi xưng tội. Nay cụ muốn đến nhà thờ. Mình tiếp đón và ngồi nói chuyện với cụ. Mình nói là rất vui khi cụ đến tìm mình, và mình hy vọng rằng cụ sẽ đến nhà thờ xem lễ thường xuyên. Cụ nói là sẽ đến và sẽ cố gắng đến mỗi tuần. Cụ còn nói là khi nào cụ sẵn sàng thì cụ sẽ xin được xưng tội.
Sáng nay cụ đã đến nhà thờ như cụ đã hứa. Cuối lễ mình giới thiệu cụ với cộng đoàn. Sau lễ cụ khen mình còn trẻ nhưng lãnh đạo cộng đoàn rất tốt. Cụ nói mỗi lần mình ra đường nếu cứ mặc áo dòng như thế này thì chắc chắn sẽ được sự tôn trọng hơn nữa. Mình cám ơn những lời khen của cụ.
Mình không biết lý do gì khiến cụ trở về với việc lễ lạt trong lúc này. Nhưng có lẽ khi người ta già rồi, biết rằng mình không còn bao nhiêu ngày nữa, thì đó cũng là dịp tốt để suy nghĩ về đời sống mai sau.
Còn khi còn trẻ thì quá nhiều người tỏ ra thờ ơ với vấn đề đạo đức. Tối hôm qua mình cũng đi thăm một bà cụ ở Nong Sắng, cách nhà thờ khoảng 25 cây số. Bình thường cụ chỉ đến nhà thờ khi có người con trai chở đến hoặc là gia đình anh Arnold cho quá giang. Cụ cũng có mấy đứa con, ai nấy đều có gia đình riêng. Nhưng không ai màng đến việc đạo đức, lễ lạt.
Mình đến thăm cụ tưởng rằng sẽ được gặp con cái cháu chắt ở bên cạnh, nhưng hóa ra không có ai cả. Chỉ có người con trai và đứa cháu thỉnh thoảng đến nhà thờ với cụ. Ngồi nói chuyện một lúc thì mình, Đìm (một bạn trẻ trong giáo xứ), anh Arnold, và bà cụ quyết định đọc kinh để cầu nguyện cho gia đình. Bà đem ra một cây thánh giá đặt trên bàn và thắp một cây nến. Mình dẫn mọi người trong việc lần chuổi để cầu nguyện cho gia đình.
Đọc kinh ở nhà cụ xong, mình đi qua nhà anh Arnold. Anh Arnold là người Phi Luật Tân đang dạy học tại Thái Lan. Vợ anh là người Thái đạo theo. Hai vợ chồng đi lễ thường xuyên và tích cực trong sinh hoạt giáo xứ. Nhưng khi bước vào nhà mình bất ngờ khi thấy có bàn thờ Công giáo, nhưng còn có thêm một bàn thờ Phật giáo, và nhất nhiều tranh ảnh các nhà sư và Đức Phật. Mình chưa hỏi lý do tại sao có cả hai bàn thờ. Có lẻ vì đứa con riêng của người vợ không theo đạo nên nó đòi có những tranh ảnh Phật giáo chăng?
Hai vợ chồng mới xây nhà xong gần đây, nên anh Arnold nhờ mình làm phép nhà. Họ nghĩ là mình chỉ rắc nước thánh ở trong phòng khách thôi. Nhưng trên thực tế, mình nói là sẽ làm phép nguyên cả nhà - bắt đầu từ cửa chính, cho đến phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, ngay cả phòng tắm. Đi đến đâu thì mình đọc lời nguyện lên quan đến phòng đó. Họ vừa thích, vừa ngại vì các căn phòng ấy chưa được dọn dẹp. Tuy nhiên, mình không quan tâm. Mình chỉ muốn cho họ thấy rằng việc làm phép nhà và tất cả các phòng là điều quan trọng.
À, hình như đây là lần đầu tiên mình đi làm phép nhà ở một tư gia đấy.
Nong Bua Lamphu, ngày 12.10.2008
Đi chơi
Lạnh nhạt
Sáng nay mình lên trường có chút việc. Nhưng mình đến sớm và vì đang trong kỳ nghỉ nên trường còn vắng hoen. Mình quyết định ghé quà nhà ông Natapong để thăm. Ông Natapong là một trong những đại gia của tỉnh Nong Bua Lamphu và cũng là một người Công giáo có dòng máu Việt. Tuy nhiên từ ngày mình đến NBL thì chưa hề thấy ai trong gia đình ông bước vào nhà thờ ngoại trừ tháng trước khi gia đình xin lễ giỗ 1 năm cho ông Hữu là anh trai của ông thì bà con họ hàng đến nhà thờ đông lắm. Nhưng lần đó mình cũng không được chứng kiến sự kiện hiếm có này vì mình phải đi giảng lễ ở
Mình lái xe băng qua cửa hàng bán xe hơi Isuzu của gia đình và đi vào sân của ngôi biệt thự to lớn. Mình đậu xe trong sân, nhìn vào thấy ông đang ngồi ăn sáng với một người con trai và mấy đứa cháu. Họ ngồi ăn trước hiên nhà, vừa ăn sáng vừa xem TV.
Mình bước vào chào ông. Mới đầu ông hơi bất ngờ nhưng chỉ trong tích tắc đã nhận ra mình. Ông kêu người ở dọn bàn và rót nước. Ông mời mình ngồi. Vợ ông ra múc cho mình tô cháo. Mình nói là mình ăn sáng rồi. Bà hỏi mình có uống cà phê không? Mình nhận lời. Bà chủ đi vào trong pha cà phê. Mình ngồi ở bàn với ông Natapong.
Ông Natapong tiếp tục ngồi xem tin tức ban sáng về vụ người dân biểu tình ở
Vài phút sau mình hỏi ông Natapong có bao nhiêu người cháu. Ông nói là 13 đứa. Mình khen ông có nhiều cháu thật. Ông mỉm cười, rồi tiếp tục nhìn lên cái TV đang treo trên tường. Mình cũng nhìn cùng hướng với ông.
Một lát sau, cà phê ra. Mình ngồi uống cà phê, vừa uống vừa xem tin tức chính trị. Người đưa tin kể về chuyện xung đột vừa xảy ra trong cuộc biểu tình có người bị thương. Mình hỏi có ai chết không? Bà vợ nói là không có ai chết, nhưng có người bị gãy chân. Cả hai vợ chồng cùng ngồi xem tin tức, thỉnh thoảng bình luận về những gì trên TV bằng tiếng địa phương. Mình cũng ngồi xem TV theo.
Thoạt đầu mình nghĩ có lẽ vì tin tức chính trị đang rất xôn xao nên ai cũng quan tâm, đặc biệt là khi ở Bangkok vừa đang có chuyện bạo động xảy ra. Nhưng rồi tin tức giờ sáng chấm dứt. Mục quảng cáo bắt đầu. Nhưng mắt của hai vợ chồng không hề rời khỏi màn ảnh TV.
Mình liếc xem đồng hồ thấy đã 8:45 sáng. Mình đứng lên chào hai ông bà ra về để đi gặp thầy giáo ở trường trung học. Hai vợ chồng đáp lời chào mình với một nụ cười. Họ vẫn ngồi ở chỗ cũ.
Mình ra xe nổ máy và lái qua cổng nhà biệt thự để ra con đường chính. Trong đầu bổng xuất hiện đoạn Phúc Âm của thánh Luca khi Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ trước khi các ông đi rao giảng:
“Đã vào nhà nào, thì hãy lưu lại nhà ấy cho đến lúc ra khỏi nơi ấy. Phàm những ai không đón nhận các ngươi, thì hãy ra khỏi thành ấy, và rủ bụi chân để khỏi làm chứng cáo tội họ.” (9,4-5)
Hạnh phúc đơn sơ
Sau ba ngày liền bận rộn với những sinh hoạt ở trại tiếng Anh thì hôm nay mình được hạnh phúc với sự yên tỉnh trong căn nhà xứ. Thứ bảy tuần này, mấy đứa học sinh nghỉ học kỳ nên không đến học tiếng Anh. Các bạn trẻ Việt Nam cũng đi làm giấy tờ nên không ai ghé qua thăm. Chỉ có lúc sáng mấy em ở bên nhà mồ côi qua tập đàn và mượn đồ tập thể dục ra chơi.
Sáng ngủ dậy mình chạy xe ra chợ sáng để mua một ít thức ăn và hoa cắm nhà thờ. Đi chợ xong, mình làm một số việc lặt vặt, viết bài báo cho Dân Chúa Úc Châu, rồi đi làm đồ ăn trưa.
Buổi ăn trưa rất đơn giản nhưng lại là hạnh phúc lớn nhất của mình trong ngày. Chúa Nhật tuần trước khi đi làm lễ ở Udon Thani, mấy bác có cho mình một bó rau khoai lang. Cả tuần này vì bận việc nên chưa đem ra luộc. Hôm nay thấy thong thả nên đem rau ra lặt và nấu nước sôi luộc chắm nước mắm.
Mình bắt một nồi cơm vừa đủ cho một mình ăn, bỏ thêm hai quả trứng vào luộc. Lúc sáng đi chợ có mua một bó rau muống nữa nên luôn tiện lấy ra xào tỏi.
Thế là mình có một bữa ăn trưa bao gồm rau muống xào tỏi, rau lang luộc, và trứng luộc. Bữa ăn tuy đơn giản nhưng lại rất ngon miệng. Có thể nói đây là cái niềm "hạnh phúc đơn sơ" với những thứ rất bình thường nhưng cũng rất có giá trị. Mình không nhớ lần cuối cùng ăn rau lang là lúc nào nữa, chắc phải cách đây 20 năm hoặc là lâu hơn.
Ở Thái Lan này mình tha hồ ăn rau muống. Thời còn ở Chicago rau muống rất mắc vì đó là xứ lạnh. Một ký rau muống trong siêu thị người ta tính đến 5 đô. Thế mà mỗi lần đến phiên mình nấu ăn cho anh em trong dòng mình cũng mua để đem về xào. Giờ ở đây một bó rau muống to đùng chỉ mất 10 baht, mà phải ăn mấy lần mới xong.
Tối nay mình lại đem rau khoai lang luộc ra ăn tiếp vì lúc trưa ăn chưa hết. Có lẽ ngày mai sẽ còn ăn nữa vì rau nhiều quá. Đôi khi hạnh phúc là thế đó, được ở nhà một ngày trong sự yên tỉnh, nghỉ ngơi sau những ngày sôi động, và có thời giờ thưởng thức một bữa cơm với món rau luộc và hai quả trứng chắm nước mắm.
Nong Bua Lamphu, ngày 5.10.2008