Mưa hồng ân



Hôm nay mình đã kết thúc chương trình một tuần lễ đến thăm giáo xứ Ban Dung và ở với cha Wichai. Một tuần thật thong thả, thoải mái và bổ ích để cho mình làm lễ, gặp gỡ người dân trong làng, và thu góp những kinh nghiệm giản dị nhưng rất có giá trị để giúp mình hiểu được đời sống hằng ngày của những người quê Thái Lan.

Tối qua mình và cha Wichai qua giáo xứ Pônsúng ăn tối sau khi làm lễ tối thứ bảy xong. Đến nơi thì các seour Salesian đã ăn xong và trở lại với công việc trang trí nhà thờ cho sự kiện lớn trong giáo xứ hôm nay đó là mừng lễ quan thầy của giáo xứ. Theo lối ăn rất phổ biến của người Thái, trên sàn nhà trong mái hiên có những chiếc chiếu được trải ra. Sau đó đặt lên những lò than và những cái chảo làm được hai chức năng, đó là nấu lẩu và nướng thịt ở phần nhô lên ở chính giữa.

Cả tuần nay thời tiết bất thường, trời giá buốt và mưa nhiều. Mưa lúc to lúc nhỏ, nhưng không có ngày nào không mưa. Đạc biệt hôm qua, trời lâm râm suốt ngày. Cha Thau, cha xứ của giáo xứ Pônsúng bảo là hiện tượng thế giới nóng đã ảnh hưởng đến thời tiết trên cả thế giới và ở địa phương. Ở Trung Hoa, những ngày qua tuyết rơi thật nhiều, ngay cả những nơi bình thường có khí hậu ấm người ta cũng thấy tuyết. Thời tiết lạ thường ở Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến tình hình ở Thái Lan, làm cho những ngày qua giá lạnh và mưa nhiều, không chỉ có những trận “Mưa hoa xoài” mà người ở đây thường chứng kiến vào thời gian này. “Mưa hoa xoài” là những trận mưa xảy ra trong tháng này giúp cho cây xoài trổ hoa để xoài được mùa.

Vì thời tiết giá buốt nên ngồi quanh những lò than ăn lẩu và thịt nướng thì có thể nói là “trên cả tuyệt vời”. Lúc mình và cha Wichai cùng hai em đệ tử thực tập làm mục vụ cuối tuần tại Ban Dung đến thì chỉ còn cha Thau, 3 cô giáo ở trường tiểu học Pônsúng, và thêm vài em đệ tử thực tập cuối tuần ở đây. Cha Thau rót cho mình một ly whiskey, pha thêm một ít soda, và vài viên đá lạnh theo yêu cầu của mình. Cách uống của mình rất khác với cách uống của người Thái. Ở đây uống whiskey, họ cho một ít rượu vào ly lớn, bỏ rất nhiều đá và thêm soda đầy ly, đến nổi khi uống vào thì dường như không thấy vị whiskey còn lại bao nhiêu. Nhưng họ uống nhạt không phải vì họ uống ít. Trong bữa nhậu, một người uống nửa chai whiskey 750ml (và thêm nhiều chai nước soda) cũng là chuyện bình thường. Phong làm việc tại 1 quán bar ở Bangkok cho hay, trong quán thích bán whiskey hơn bán bia vì whiskey lời rất nhiều. Lời không phải nằm ở rượu nhưng ở nước pha. Một chai whiskey mua một thì bán hai, nhưng chai nước soda hay nước đá thì mua một bán 7. Rượu mạnh được ưa chuộng nhất trên toàn nước Thái là whiskey, còn người nhà quê thì có thêm những loại rượu đế khác nhau nấu từ các loại gạo. Khẩu vị của người Thái khác với người Việt Nam ở chỗ thích whiskey, chứ không ai uống cognac như mình.

Cha Thau và cha Wichai đều là con của làng Pônsúng là một vùng đất đỏ, nơi đây có đến 3 ngàn giáo dân Công giáo. Mình đùa với cha Thau rằng cha sinh ra lớn lên ở đây, giờ lại làm cha xứ nhà thờ Pônsúng, có vẻ như cha không tiến xa được bao nhiêu. Ngài cười đáp: - Ừm, nếu như tôi qua được Ban Dung (cách Pônsúng 4 cây số) thì đỡ biết mấy. Ở đó tôi không có bà con họ hàng gì hết. Còn ở Pônsúng thì chú bác, dì dượng đầy.

Nhưng làm việc ở quê thì dĩ nhiên tình người nồng thắm hơn bất cứ nơi nào khác. Tối qua, khi đến nhà xứ, mình thấy trước hiên nhà có hàng trăm bao gạo. Mình hỏi cha Thau: - Tại sao cha có nhiều gạo thế?

- Ồ, đây là gạo mà người dân mang đến cúng biếu trong dịp mừng lễ quan thầy. Giáo xứ sẽ đem phân phát cho nhà đệ tử cũng như các nhà dòng kín để họ dùng. – Cha Thau cho hay.

Để chuẩn bị cho ngày lễ thì tối qua nhiều gia đình trong làng đã chuẩn bị những món ăn để đem tới góp vào buổi tiệc hôm nay. Ngay cả cha Wichai sáng hôm qua cũng đến “trại” chăn nuôi của cha để làm thịt một con heo nặng hơn 200 ký. Sau khi ăn sáng mình thấy cha đem ra một bao vải chứa đứng mười mấy con dao. Mình hỏi cha làm gì có nhiều dao thế. Cha bảo đi giết heo cho giáo xứ Pônsúng. Mình hỏi cha giết heo bằng cách nào. Cha trả lời sẽ kêu cảnh sát tới bắn. Vụ giết heo giết ca này mình không liên quan, cũng không muốn chứng kiến cảnh chết chóc nên không dám xin đi theo. Cha Wichai có lẽ cũng hiểu nên không kêu mình đi theo.

Sáng Chúa Nhật đến rồi nhưng ngoài trời mưa lại bắt đầu rơi tiếp. Có lẽ trong ngày lễ hôm nay sẽ không được khô ráo. Không biết mấy ngàn giáo dân Pônsúng và giáo dân đến từ nơi khác sẽ đứng đâu để tham dự thánh lễ.

Mình thì vẫn đang còn trên giường, trời lạnh nên không muốn bước ra khỏi chăn. Nhưng tối qua cha Wichai đã bảo: Sáng mai cha cứ yên lòng ngủ. Lễ 7h30 sáng để tôi làm vì cha làm lễ tối nay rồi.

Trời lạnh thật nhưng trong lòng mình giờ đây thấy ấm cúng lạ thường. Không phải chỉ ấm do mặc hai ba lớp áo, quần dài và thêm cặp vớ dưới chân, mà ấm cúng vì mình đã có những ngày thật bổ ích, có những cuộc gặp gỡ thật vui vẻ, và có thêm những mối quan hệ rất tốt đẹp. Tối qua, cha Wichai chia sẻ với mình:

- Tôi đã từng qua Mỹ để làm việc thời gian bốn năm, nên tôi hiểu được tâm trạng của người mới đến xứ lạ như thế nào. Chính vì vậy mà tôi đã mời cha đến ở với tôi để giúp cha có thêm kinh nghiệm và sự tự tin khi làm việc trong môi trường mới. Khi nào cha muốn trở lại Ban Dung thì ở đây đều hân hoan đón tiếp. Đồ đạc của cha nếu có gì muốn để lại thì cứ để. Coi như đây là nơi cha có thể đi đi về về lúc nào cũng được.

Ngồi suy nghĩ về những ngày ngắn ngủi vừa qua tại Ban Dung, mình nhận ra những cơn mưa nhè nhẹ rơi xuống mỗi ngày ở trên vùng quê này chính là những cơn mưa hồng ân trong đời sống mới của mình, là dấu hiệu của sự quan phòng của Chúa đến với mình để giúp mình tìm ra một lối đi, có một cách nhìn lạc quan về những gì trước mắt, và mang một tâm trạng biết tin cậy và phó thác hoàn toàn vào sự soi sáng và quan phòng của Chúa đối với người tôi tớ hèn mọn của Ngài.

Ban Dung, ngày 3.2.2008

No comments: