(Trong giáo xứ đa số là người lớn và trẻ con. Giới trẻ đã đi ra khỏ làng để học và tìm việc làm. Đây là hiện tượng chứng kiến ở nhiều vùng thôn quê không chỉ ở đất Thái mà nhiều quốc gia đang phát triển.)
Là người mới đến giáo phận này, cách đón tiếp và cách làm việc của các vị lãnh đạo giáo phận đôi khi làm mình đặt câu hỏi: - Ở đây họ có cần mình hay không? Họ nghĩ như thế nào về mình? Họ có chương trình gì muốn mời mình cộng tác hay không?
Mình cố gắng nhìn kỹ vào thái độ để đoán xem những người trong giáo phận nghĩ như thế nào về mình, nhưng cũng rất khó để khẳng định được các ngài nghì gì? Mình đến Udon Thani với suy nghĩ rằng mình sẽ được sắp đặt để làm việc này việc nọ để thực tập trong thời gian đầu gia nhập giáo phận, nhưng thực tế hoàn toàn khác với những gì mình suy nghĩ. Không có một chương trình cụ thể để giúp mình hội nhập giáo phận. Mình chỉ gặp Đức Giám Mục ở mỗi buổi ăn, mà phần lớn thì ngài nói chuyện với cha xứ. Nếu ngày nào không có cha xứ thì ngài sẽ nói chuyện với cha phó. Không có cha phó thì ngài mới nói chuyện với mình, theo thứ tự như thế. Mình cũng không rõ lắm Đức Cha có ý định muốn đưa mình vào công việc gì trong địa phận hay không, hay là ngài đang chờ mình tự vặt ra con đường mình muốn đi rồi đến tham khảo ý kiến của ngài.
Cũng may mình là một người có tính tình tương đối năng động, không chịu ngồi yên để chờ người khác chỉ dẫn rồi mới làm. Vì thế khi thấy tình hình ở nhà thờ chánh tóa có vẻ trống trải, mình đã quyết định tự đặt ra cho mình một chương trình thăm viếng các nhà thờ trong địa phận để “hội nhập văn hóa” cũng như “làm quen với công việc của địa phận”. Luôn tiện, mình cũng có dịp gặp gỡ và trao đổi với các cha về những nguyện vọng của mình khi bước chân đến phục vụ ở đây.
Các ngài tỏ ra thông cảm, đặc biệt cha Sốm Nức nghĩ rằng giáo phận nên có một chương trình rõ ràng hơn đối với các linh mục mới đến để sử dụng nhân tài một cách có bổ ích cho giáo phận. Riêng cha Sốm Nức chia sẻ rằng ngài rất đang cần người cộng tác với ngài trong công việc giáo xứ, đặc biệt vấn đề mục vụ giới trẻ mà chính mình cũng đã chia sẻ với ngài rằng mình rất muốn làm việc mục vụ ấy. Vì thế, ngài sẽ rất mừng nếu mình quyết định đến Huây Sườm để làm việc với ngài trong vai trò cha phó.
Lời mời của cha Sốm Nức diễn ra trưa nay khi ngài đưa mình và cha S. đến ăn trưa ở một quán ăn dọc sông Mekong. Quán ăn bình dân, giờ trưa không mấy khách, nhưng cảnh vật thật tuyệt vời. Trước quán ăn, dòng sông Mekong chảy yên bình trong mùa cạn nước. Bờ bên này sông một bãi cát trắng xóa hiện lên trước mắt, không có người chơi, chỉ một vài chiếc ghe đánh cá nhỏ của người dân đang cắm ở đó. Bên kia sông là một dãy núi dài vô tận, thuộc về ranh giới nước Lào. Hình ảnh sông núi thơ mộng và quyến rũ trước mắt làm cho mình chợt nghĩ, phải chăng ở miền xa xôi này chính là điểm dừng chân của mình trong cuộc hành trình truyền giáo trên đất Thái?
Mình hứa với cha Sốm Nức sẽ suy nghĩ thêm và sẽ trả lời ngài sau khi mình đi thăm dò thêm một thời gian ngắn nữa. Ngồi nghĩ lại, mình thấy con đường mục vụ rất thênh thang, có nhiều hướng để đi. Nhưng lối đi đó đôi khi không ai mở ra cho để mình tiến bước. Nhiều khi phải tự mày mò để rồi dần dần nắm được một điểm khởi đầu cho công việc mục vụ. Mình cũng không bất ngờ lắm khi đang gặp phải kinh nghiệm như thế này. Mình đã từng trải qua những kinh nghiệm như thế khi cố gắng vạch cho mình con đường mục vụ. Cuối cùng thì mình cũng đã làm được những gì phù hợp với khả năng và sở thích của mình, mặc dầu điểm khởi đầu hoàn toàn không những gì mình dự trước.
Có lẽ lời mời của cha Sốm Nức đến cộng tác với ngài ở đây là điểm mở đầu đó, hoàn toàn nằm ngoài dự định, hoàn toàn khác với những gì mình hình dung trong đầu trước đây, nhưng có lẽ đó chính là điểm khởi đầu cần thiết cho đời sống truyền giáo của mình trên đất Thái.
Huây Sườm, ngày 21.2.2008