Ngày mưa


Trong hai ngày gần đây, trời đã có mưa nhẹ, khiến không khí trở nên se lạnh và ẩm ướt. Với thời tiết u ám như vậy, mình đã quyết định ở trong nhà và tập trung vào công việc của mình tại bàn làm việc trong phòng ngủ. Bàn làm việc của mình đối diện với cửa kính sát vách với khu vườn sau nhà, cho phép mình quan sát những giọt mưa bay bổng rơi xuống từ trên cao. Từ những giọt mưa nhẹ trên những cành cây lá phong đến những nụ hoa rực rỡ mùa xuân nở rộ ven bờ tường, tất cả được hiện lên trước mắt mình. Thỉnh thoảng, mình ngừng công việc để nhìn ra bên ngoài, nghe những âm thanh thánh thót của mưa chạm vào kính. Không gian xung quanh tràn ngập bình yên, chỉ có tiếng mưa rơi làm cho không khí càng trở nên thanh tịnh hơn.

Mặc dù trong căn nhà mà mình đang ở có nhiều phòng, nhưng mình chỉ tập trung sử dụng ba không gian chính. Phòng ngủ được dùng để ngủ nghỉ và làm việc. Phòng này cũng là nơi mình tập thể dục vào buổi chiều sau khi mình nghỉ làm việc. Nhà nguyện là nơi mình dành thời gian để dâng lễ và cầu nguyện mỗi ngày. Thường mình dâng lễ vào ban chiều trước khi mình dùng bữa tối. Trong khi đó, nhà bếp được sử dụng cho việc ăn uống, chủ yếu với những thực phẩm nấu sẵn được mua về từ siêu thị. Mình không bỏ ra nhiều thời giờ trong gian phòng này. Vì chỉ có một mình mình ở trong căn nhà lớn này nên tất cả các sinh hoạt mình đều làm một mình.

Từ chiều trở đi, mưa ngừng và bầu trời trở nên trong sáng, do đó sau bữa tối, mình đã chuẩn bị ba lô và đạp xe đến tiệm McDonald's tại ga tàu điện để thay đổi không khí. Một mình trong nhà suốt cả ngày, khi đến McDonald's nơi đông đúc với nhiều khách hàng ra vào, mình cảm thấy như được hòa mình vào nhịp sống của xã hội, với những người bản xứ. Dù mình chỉ ngồi làm việc trên máy tính ở một góc của quán, không trò chuyện với ai, nhưng mình có thể nghe thấy tiếng nói và tiếng cười của những người khác, đặc biệt của các bạn trẻ lứa tuổi sinh viên, khiến mình cảm thấy phấn khởi và vui vẻ hơn. Mình rất yêu sự yên tĩnh để tập trung hoàn thành dự án viết sách của mình, tuy nhiên, đôi khi mình cũng cần phải sống trong cộng đồng và giao tiếp với những người khác, dù chỉ là những người phục vụ trong quán cà phê hoặc nhà hàng. Tối nay, mình đã ở trong quán McDonald's khoảng hai giờ trước khi ghé qua chợ để mua đồ ăn trên đường về.

Đêm đã buông xuống. Mình cảm tạ Chúa vì đã có một ngày tốt lành với sự tiến bộ trong công việc. Hôm nay, mình đã bắt đầu chỉnh sửa chương 2 của tập sách về tôn giáo và môi trường mà mình đang viết. Đề tài của chương này liên quan đến cách nhìn của Nho giáo về con người và cách để cải thiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Hoàn thành chương này đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu và suy tư, nhưng mình rất may mắn vì được tạo điều kiện để dành thời gian và không gian để viết về đề tài mà mình đã ấp ủ từ lâu.

Kobe, ngày 26.4.2023

Nghe nhạc cổ điển khi đêm về


Sau một ngày dài làm việc chăm chỉ, tham dự nhiều cuộc họp trực tuyến và biên tập các bài viết cho số tạp chí sắp được phát hành trong hơn một tháng nữa, tới 9 giờ tối, tôi thay vào bộ quần áo thoải mái và khoác lên mình chiếc áo len được tìm thấy tại một cửa hàng quần áo cũ khi tôi mới đến Kobe. Tôi bước ra khỏi nhà để đi đến siêu thị gần ga tàu điện Hankyu để mua thực phẩm cho ngày mai. Tôi chọn giờ đi muộn vì tôi thích rảo bước trên đường không quá đông người. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm siêu thị sắp đóng cửa và những món ăn cũng được giảm giá đáng kể, giúp tôi tiết kiệm được chi phí.

Khi đến chợ, tôi tìm đến quầy thức ăn đã nấu sẵn để xem liệu có món gì phù hợp để mua về. Nhưng vì thời điểm gần đóng cửa, phần lớn thực phẩm đã được khách hàng mua trước đó, chỉ còn lại một vài hộp gà nướng và sushi. Tuy nhiên, đó cũng là những món tôi ưa thích. Tôi chọn cho mình 2 hộp thịt gà và 1 hộp sushi – tất cả đều được giảm giá 40%.

Trên đường trở về nhà, tôi tiến vào căn phòng của mình, mở nhạc cổ điển trên kênh YouTube và kết nối với chiếc loa Bluetooth nhỏ Bose - món quà mà tôi đã nhận được từ người thân trong dịp Giáng Sinh vừa qua. Khi tới Nhật Bản, tôi đã mang nó theo bởi tôi yêu thích nghe nhạc nhẹ nhàng khi đang làm việc, giúp tôi cảm thấy thư giãn và dễ tập trung vào công việc hơn.

Trở về căn phòng giữa đêm tối, không gian xung quanh im lặng và tĩnh lặng, chỉ có tiếng nhạc cổ điển không lời vang lên từ chiếc loa Bose. Âm nhạc như một luồng gió nhẹ nhàng thổi qua, đưa tôi đến một thế giới khác, nơi tâm trí được giải tỏa khỏi những lo toan và áp lực hàng ngày.

Tôi nghe những giai điệu trong trạng thái trầm mặc, lắng nghe và cảm nhận mỗi nốt nhạc, như thể tôi đang hòa mình vào từng nhịp điệu, khiến tâm hồn cảm thấy lâng lâng, khó tả. Giai điệu cổ điển của các nhạc sĩ lừng danh như Beethoven, Mozart, Chopin... có sức mạnh kỳ diệu, đưa tôi đến một thế giới khác, nơi tôi có thể thăng hoa, tận hưởng sự yên bình và tìm thấy bình an trong cô độc.

Một mình nghe nhạc, tôi cảm thấy không còn đơn độc. Âm nhạc là người bạn đồng hành của tôi giữa một không gian thanh vắng. Xung quanh không có người thân, không có đồng nghiệp, không có ai quen biết hoặc nói được ngôn ngữ tôi hiểu. Tôi vừa nghe nhạc, vừa thưởng thức tách trà xanh mà tôi mới pha để uống cho ấm bụng trước khi đi ngủ. Mỗi nốt nhạc, mỗi giai điệu đưa tôi đến một thế giới khác, giúp tôi tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Trong không gian im lặng của đêm tối, tôi tiếp tục lắng nghe những giai điệu du dương và tận hưởng khoảnh khắc yên bình, tràn đầy cảm xúc.

Kobe, ngày 24.4.2023

Gió


Những ngày qua, tôi thường đi bộ lên đồi Rokko để tập thể dục và thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng trên máy tính. Trên đồi, không khí rất trong lành với những cơn gió xuân thường xuyên thổi qua, mang đến cho tôi những cảm xúc đặc biệt và lạ thường. Vì thời tiết vẫn tương đối lạnh, nên khi lên đồi, tôi phải mặc áo ấm.

Gió là một hiện tượng đầy ấn tượng, luôn đem đến cho chúng ta cảm giác sức mạnh vô hình của nó, từ hơi thở lạnh lẽo của mùa đông cho đến sự nồng nhiệt của mùa hè. Khả năng thổi bay các vật nhẹ như chiếc lá lượn lờ, nhánh cây xao động hay cả những vật nặng hơn như những tấm mái che, biển quảng cáo, thậm chí một chiếc ô tô... mọi thứ đều chao đảo trước sức mạnh bất tận của ngọn gió.

Dù mạnh hay yếu, gió vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Khi thoang thoảng thổi qua, nó mang lại cho chúng ta cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế và sảng khoái, tạo nên một không gian yên bình để ta thư giãn. Tuy nhiên, khi thổi mạnh, nó có thể thay đổi hoàn toàn cảnh vật của một vùng đất, thay đổi toàn bộ tình trạng của cuộc sống con người.

Trong Kinh Thánh, hình ảnh ngọn gió được sử dụng để nói về Chúa Thánh Thần vì có nhiều điểm tương đồng. Chúa Thánh Thần tự do và linh hoạt, không ai có thể kiểm soát hay hạn chế được ý chỉ của Người, giống như cơn gió luôn thổi theo hướng mà nó muốn. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện và hoạt động một cách sáng tạo ở mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian hoặc thời gian, giống như cơn gió có thể thổi qua mọi nơi trên trái đất, không bị ngăn cản bởi ranh giới quốc gia, văn hóa, hệ thống kinh tế, chính trị hay xã hội. Tương tự như sức mạnh của gió, điều quan trọng là ta biết tận dụng nguồn lực của Người để vận hành cuộc sống và biến đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Kobe, ngày 23.4.2023

Dâng lễ tại Yao, Nhật bản

Vào chiều Chủ Nhật thứ 2 của Mùa Phục Sinh, mình được mời đến dâng lễ cho một cộng đoàn Việt Nam nhỏ ở thành phố Yao, cách Kobe khoảng 40km. Đây là một trong những lễ tiếng Việt được tổ chức mỗi tháng một lần, với sự tham gia chủ yếu của các bạn trẻ đến từ Việt Nam sống và làm việc tại Nhật Bản, và một vài người Việt đã định cư ở đây từ lâu. Trong Thánh lễ đó, mình cũng được phép rửa tội cho một em bé của đôi vợ chồng trẻ đến từ Nam Định.

Bình thường Thánh lễ này được phụ trách bởi cha Hải cũng thuộc Tgp Osaka. Nhưng vì hôm qua ngài bận công việc, luôn tiện mình đang ở đây nên được mời dâng Thánh lễ thế.

So với các nhóm người Việt tại Thái Lan, nhóm tại Yao cũng có nhiều điểm chung. Ở Thái Lan, các nhóm chỉ có Thánh lễ mỗi tháng một lần, và hầu hết các thành viên đều là những người nhập cư. Tuy nhiên, tại Thái Lan không có sự tham gia của người Việt Kiều vì hầu hết họ tham dự các Thánh lễ bằng tiếng Thái.

Trong thời gian ở Nhật Bản, cha Thuần sẽ sắp xếp cho mình được dâng lễ cho một số nhóm tại đây để có cơ hội làm quen và giao lưu. Dù không phải là mục đích chính khi đến Nhật Bản, mình thấy rất tốt và bổ ích khi có cơ hội giao lưu và dâng lễ cùng với các anh chị em di dân tại đây vào các ngày cuối tuần.

Một trong những điều mà mình ưu tư từ lâu là làm thế nào để các di dân Công giáo Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có thể học tập, làm việc và kiếm tiền, mà còn có thể học hỏi và đóng góp cho Giáo hội địa phương dưới vai trò là những Ki-tô hữu. Bởi vì ơn gọi môn đệ của Chúa thông qua bí tích rửa tội luôn tồn tại cho dù ta ở đâu, làm gì, hay sống trong bối cảnh xã hội nào. Điều này cần được các di dân nhận thức và thúc đẩy để sống ơn gọi của mình một cách tích cực.

Mùa Phục Sinh là dịp để chúng ta nhớ lại tính chất của ơn gọi và trách nhiệm của mỗi tín hữu trong việc thực hiện sứ vụ của mình, với ý thức, thái độ và phương cách phù hợp với ý nghĩa thực sự của biến cố Phục Sinh. Điều này đặc biệt quan trọng trong những ngày này khi Giáo hội trên toàn thế giới đang sống lại sự kiện Phục Sinh.

Kobe, ngày 16.4.2023

Tham quan

 
Trong vài ngày qua, mình đã có dịp đi tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại Nhật Bản cùng với một nhóm các anh chị đến từ Hoa Kỳ. Đáng chú ý nhất là Công viên Nara, một thành phố lịch sử nằm cách Osaka khoảng 40km. Với không gian rộng lớn, rất nhiều cây xanh và nhiều ngôi chùa và đền lịch sử trên 1000 năm, Công viên Nara thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngoài ra, điểm đặc biệt của Công viên Nara là nơi nổi tiếng với rất nhiều con hươu hoang dã tự do lang thang trong khu vực công viên và quanh các địa danh lân cận. Người ta tin rằng hươu Sika ở công viên Nara đã được thần tài Kasuga của đền Kasuga Taisha bảo vệ từ lâu đời và trở thành biểu tượng của sự linh thiêng và bình an. Do đó, nhiều du khách đến công viên Nara để thưởng thức cảnh quan và tương tác với những chú hươu thân thiện ở đó. Ở đó du khách có thể mua một loại bánh cho chúng ăn nên các chú hươu luôn tìm tới người để xin ăn.

Ngày mình đi tham quan Công viên Nara, tôi thấy có rất nhiều học sinh cũng được trường tổ chức cho đi dã ngoại để tham quan công viên và các chùa chiền. Số lượng học sinh này lên đến hàng nghìn, nhưng họ được các thầy cô hướng dẫn và chỉ thể hiện sự hồn nhiên của tuổi trẻ trong khuôn khổ cho phép. Vì vậy, mặc dù có đông người, nhưng công viên không hổn loạn và ồn ào.
So với các địa điểm du lịch ở các nước khác, mình nhận thấy bầu không khí du lịch ở Nhật Bản trật tự hơn đáng kể. Khi du khách đến Nhật, họ ít nhiều hiểu về lối sống của người Nhật và tự mình kiểm soát hành vi để phù hợp với bối cảnh văn hoá và xã hội nơi họ đang sống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách cư xử đúng mực khi đi tham quan công viên. Hôm qua, nhóm của mình đã tới công viên ở thành cổ Osaka để ngắm những cây hoa anh đào cuối cùng của mùa. Dù số lượng hoa không còn nhiều nhưng vẫn đủ để thu hút sự chú ý của du khách đến chụp ảnh. Hầu hết mọi người biết cách thể hiện sự tôn trọng và văn minh khi ở trong khu vực công cộng. Tuy nhiên, có một số người không chỉ giơ nhành cây để tạo dáng mà còn vô ý làm rụng hoa để tạo cảnh cánh hoa bay trong bức ảnh. Họ chẳng hề nhận ra rằng hành động đó là thiếu ý thức và ích kỷ, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sự đẹp của cây mà còn làm giảm trải nghiệm thú vị của những người đến sau. Họ chỉ tập trung vào nhu cầu của bản thân mà không suy nghĩ đến lợi ích chung. Đáng lưu ý, hành vi này không chỉ thấy ở những du khách trẻ mà còn thấy ở những người lớn tuổi.

Những ngày qua, mặc dù cha Thuần rất bận rộn với công việc, ngài vẫn cố gắng tìm thời gian để đồng hành cùng nhóm trong các chuyến du lịch. Nhờ ngài mà mọi người được tìm hiểu thêm về văn hoá Nhật Bản, Giáo hội Công giáo ở đây, cũng như cuộc sống thường nhật của người dân địa phương. Mình đã học được rất nhiều điều từ những địa điểm tham quan trong chuyến đi này.
Những nơi mình thích đi nhất là những nơi thiên nhiên, đặc biệt là núi đồi, công viên, vườn hoa hoặc những địa điểm văn hóa. Việc đến những nơi này không chỉ giúp mình thư giãn mà còn mang lại cho mình nhiều cảm hứng trong công việc nghiên cứu và giảng dạy. Cuộc sống hiện đại ngày nay đang bị kiểm soát quá mức bởi công nghệ và các dụng cụ máy móc. Đi đến thiên nhiên, mình có cơ hội để "giải độc kỹ thuật số", trở về với bản chất của con người và hòa mình với tự nhiên trong tình liên kết.

Mình ước gì rằng các trường học, nhà thờ…tổ chức nhiều hơn những chuyến dã ngoại cho các học sinh và giáo dân để họ có thể đi đến những nơi thiên nhiên để tận hưởng không gian trong lành, hài hoà và đẹp đẽ thay vì đắm mình trong màn hình điện thoại thông minh. Mặc dụ các thiết bị máy móc thì thông mình, nhưng sử dụng thiết bị này ngày càng nhiều dường như làm cho tư duy của con người dễ trở nên đần độn hơn.

Kobe, ngày 15.4.2023

Gặp người Việt trong nhà thờ Nhật

Tại nhà thờ Rokko nơi mình đã tham dự các nghi thức Tam Nhật Thánh, trong một nhà thờ hầu hết là người Nhật thì có một vài người nước ngoài. Người nước ngoài có da trắng, da đen thì dễ phát hiện. Nhưng mình cũng có phát hiện ra một giáo dân người Việt, là một thanh niên trẻ. Mình đoán đó là người Việt vì không chỉ nét mặt giống người Việt, mà vì người Việt có một thói quen đặc trưng trong nhà thờ, đó là khoăn tay khi đứng hoặc đi rước lễ.

Cuối Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, cha chủ tế có giới thiệu mình cho cộng đoàn và nói là người Việt đang phục vụ tại Thái Lan. Sau lễ, người bạn trẻ đó đã đến chào mình. Cả hai tay bắt mặt mừng vì gặp người đồng hương giữa một đám đông toàn người Nhật. Vì thế mình đã xác định rằng mình đã đoán đúng. Người bạn trẻ nói gặp cha con vui quá vì con đang nghĩ ngày mai là lễ Phục Sinh không biết làm gì để mừng lễ.

Người bạn trẻ đang sinh sống với vợ con tại Nhật Bản và đang làm việc cho một công ty Nhật. Anh quê Miền Tây, còn vợ quê Sài Gòn. Hai người gặp nhau khi cả hai còn là du học sinh tại Nhật và đã kết hôn với nhau sau đó. Nhưng dịp này, vợ con về Việt Nam vài tuần để thăm gia đình. Ở một mình, anh ấy vẫn không bỏ bất cứ nghi thức nào trong Tuần Thánh. Sau khi tan sở, anh lên tàu đến nhà thờ để tham dự lễ.

Mình nói với bạn ấy, “Giỏi quá ha. Không có vợ con ở đây mà vẫn siêng đi lễ thế này.” Bạn ấy trả lời, “Người Công giáo thì phải đi lễ chứ cha.” Một sự thật hiển nhiên như thế đó. Nhưng không phải ai cũng ngộ ra, đặc biệt là các bạn trẻ đang sinh sống tại nước ngoài. Mình vẫn nhớ hoài một lần nọ, có một bạn trẻ ở Bangkok nói với mình là “quên” đi lễ Phục Sinh vì không ai đánh thức dậy đi lễ nên ngủ quên. Còn vào một Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa, mình hỏi một bạn trẻ đang tổ chức nhậu trong phòng trọ với bạn bè tại sao không đi lễ thì nhận được câu trả lời: “Cha cũng biết con qua đây là để đi làm kiếm tiền.” Một lần khác, một bạn trẻ cho hay, vì đa số các nhân viên trong một quán nhậu là người Công giáo, nên họ không thể đi lễ Vọng Giáng Sinh vì như vậy quán sẽ thiếu người làm và không thể hoạt động được, mặc dù lễ tiếng Việt chỉ mất vài tiếng đồng hồ và cách nơi làm việc chỉ 2km. Hoá ra cái quy tắc “người Công giáo thì phải đi lễ Chúa Nhật và các lễ trọng” ngày càng vô hiệu lực trong tâm trí của một số người Công giáo vì nhiều lý do khác nhau.

Kobe, ngày 9.4.2023

Tham dự Tuần Thánh ở Nhật Bản

Trong Tuần Thánh, mình tham dự toàn bộ các Thánh Lễ Truyền Dầu và Tam Nhật Thánh bằng tiếng Nhật tại nhà thờ chánh toà Tgp Osaka và một giáo xứ ở Rokko trong vùng Kobe. Vì mình không hiểu tiếng Nhật, không thể tham gia trong nghi thức qua tiếng nói và lời hát nên mình có nhiều thời giờ để quan sát các nghi thức, một phần để theo dõi tiến trình của các nghi thức để tham dự một cách tốt nhất và một phần để tìm thấy những đặc điểm trong cách người Công giáo tại Nhật Bản cử hành nghi thức phụng vụ. Mình đã có những quan sát và cảm nhận sau về trải nghiệm của mình:


- Mặc dù đây là lần đầu tiên mình tham dự Tuần Thánh bằng ngôn ngữ mà mình không hiểu biết, nhưng mình không cảm thấy nghi thức dài và mệt mỏi. Người Nhật tổ chức các nghi thức một cách gọn gàng, không kèm theo nhiều lời dẫn, thông báo… Và đặc biệt là tất cả các bài giảng đều ngắn, không quá 10 phút.

- Phong cách ‘tối giản’ của người Nhật có thể thấy trong nghi thức cũng như thiết kế nhà thờ và trang trí trong nhà thờ. Nếu như ở Thái Lan, các nhờ thờ luôn có nhiều hoa vào ngày Chủ Nhật và nhiều hoa hơn nữa vào các dịp lễ lớn, đặc biệt Phục Sinh, Giáng Sinh, và lễ mừng quan thầy giáo xứ, thì ở Nhật, người ta chỉ đặt một bình hoa vừa vừa ở trước bàn thờ để mừng lễ Phục Sinh.

- Nhà thờ của Nhật có một đồng điểm với ở Thái Lan là lượng âm thanh trong nhà thờ luôn chỉ vừa nghe. Nếu phải so sánh thì có thể nói lượng âm thanh chỉ bằng một nửa của lượng âm thanh ở Việt Nam.

- Ở cả hai nhà thờ mình tham dự đều không có ca đoàn, nhưng có ca trưởng để hát solo hoặc dẫn cộng đoàn hát.

- Trong các hàng ghế giáo dân hầu hết là những người trung niên và cao niên, có rất ít người trẻ hoặc thiếu nhi.

- Ở nhà thờ Rokko, có một người đàn bà ngồi xe lăn khoảng 70 tuổi. Bà luôn là người cuối cùng lên rước lễ. Bà tự lăn xe lên và xuống. Không ai giúp bà lăn và linh mục cũng không xuống dưới để trao Mình Thánh Chúa cho bà. Ngày thứ sáu Tuần Thánh, trong nghi thức hôn Thánh giá, giáo dân xếp hàng ngang mỗi hàng 4 người để cúi đầu trước Thánh giá (không hôn). Bà cụ cũng là người cuối cùng lên cúi đầu trước Thánh giá.

- Ở Nhà thờ Rokko, cha chủ tế, đồng tế, nhóm giúp lễ và các thừa tác viên Thánh thể cầu nguyện trước Thánh lễ khoảng 10 phút. Sau đó các thừa tác viên ra khỏi phòng áo để tiếp tục chuẩn bị cho Thánh lễ. Những người còn lại đứng trong thinh lặng cho tới đến giờ bước ra khỏi phòng áo để bắt đầu Thánh lễ.

Kobe, Nhật Bản, ngày 9.4.2023

Đi sắm đồ cũ tại Nhật

Khi mình xếp áo quần vào vali cho chuyến đi qua Việt Nam và Nhật Bản tiếp theo đó, mình đã chọn những áo quần nhẹ để không choán nhiều chỗ trong vali. Mình cũng nghĩ rằng ở Nhật Bản vào tháng tư thời tiết có lẽ mát chứ không lạnh. Vì thế mình chỉ mang một chiếc áo len mỏng mà mình từng mua tại tiệm Uniqlo ở Thái Lan. Chiếc áo len này đã từng đồng hành với mình tại Âu châu, Úc châu, cũng như Hoa Kỳ, và bây giờ thì tới Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi tới đến thành phố Kobe thì mình phát hiện ra thời tiết còn tương đối lạnh. Nơi mình ở cũng nằm trên đồi nên nhiệt độ ban đêm thấp hơn phía dưới. Từ chiều thứ tư đến nay trời lại mưa nên trong nhà càng cảm thấy lạnh hơn. Những ngày qua, mình phải mặc ao len cả trong nhà lẫn khi đi ra ngoài. Nhưng với chỉ một chiếc áo len phải mặc suốt ngày thấy không ổn, nên hôm nay mình lên Google Maps để xem gần nơi mình ở có tiệm bán áo quần nào không để đi mua thêm áo mặc trong thời gian thời tiết ở đây còn lạnh.

Google chỉ cho mình một tiệm áo quần cũ (second hand) cách mình ở khoảng 1,5 km. Sau khi mình ăn và nghỉ trưa xong, mình sách ba-lô đội ô tìm tới tiệm áo quần cũ có tên Orange Thrifty. Nhờ có định vị dẫn đường mình cũng đã đến đúng chỗ. Bên trong có rất nhiều áo quần thời trang cũ, phần lớn dành cho phái nữ. Tuy nhiên, thời trang dành cho phái nam cũng được khoảng 20% của tiệm.Trong tiệm có cả thời trang đường phố và thời trang công sở.

Mình tới chỗ có treo những chiếc áo ấm danh cho nam giới. Có những chiếc áo jacket giá 6000 yen (>1500 THB), 3000 yen (>750 THB), và cũng có những chiếc áo với giả chỉ 1000, 800, 500 yen (130 THB). Những chiếc áo trong tiệm mặc dù không mới, nhưng đều trong tình trạng tốt và đều là hàng hiệu chất lượng cao. Mới đầu mình nghĩ rằng sẽ chỉ mua một chiếc áo ấm, nhưng thấy giá quá rẻ nên quyết định chọn bốn cái, 2 cái giá 500 yen, và 2 cái giá 800 yen. Thế là mình tậu được 4 cái áo ấm đẹp và chất lượng để thay qua thay lại mà chỉ mất 2,600 yen (675 THB/20 USD).

Thanh toán tiền xong, mình bước ra khỏi tiệm, lấy luôn một cái ra để mặc đi bộ về nhà vì sau 6 ngày liên tục mặc chiếu áo len kia thì cũng đã đến lúc phải thay áo vì nhiều lý do.

Trải nghiệm này cho thấy ở Nhật Bản không phải cái gì cũng đắt đỏ. Quan trọng là mình biết cách tìm, và quan trọng hơn nữa là may mắn.

Kobe, Nhật Bản, ngày 7.4.2023

Đi tàu, đi chợ


Hôm nay, sau khi Thánh lễ truyền dầu kết thúc, mình, Sr Thảo và cha Thuần được hai giáo dân người Nhật mời đi ăn trưa ở một nhà hàng trong thành phố Osaka. Hai bà là giáo dân của giáo xứ mà cha Thuần từng làm việc trước khi được thuyên chuyển qua giáo xứ mà ngài đảm trách hiện nay. Hai bà tỏ ra rất vui vẻ, cởi mở và quý cha Thuần. Không ai nói được tiếng Anh nên mình chỉ nói chuyện với họ một chút qua sự phiên dịch của Sr Thảo. Nhưng qua nét mặt, cử chỉ và giọng nói thì họ tỏ ra vô cùng cởi mở và thân thiện. Hôm nay lại là ngày sinh nhật của một trong hai người.

Ăn xong, mình, Sr Thảo và cha Thuần ra ga tàu điện để về - cha Thuần về giáo xứ của ngài để lo cho Tam Nhật Thánh; Sr Thảo về nhà dòng của sơ; còn mình thì về Trung tâm “Nhà Hy Vọng” ở Kobe. Tuy nhiên, Sr Thảo cũng đã rất chu đáo đưa mình lên đúng tuyến tàu (trước đó có đi nhầm tuyến) trước khi sơ về nhà dòng. Trước đó Sr Thảo định đưa mình về tới TT rồi mới lên tàu về nhà dòng, nhưng mình nhất định không đồng ý. Mình bảo Sr Thảo cứ để mình tự đi về nhà để tập làm quen với đường. Mình cũng đã từng qua Nhật và từng đi nhiều nơi nên mình không sợ nếu bị lạc đường vì mình mang quan điểm “Đường nằm nơi cái miệng.” Biết là người Nhật ít biết (hoặc ít dám) nói tiếng Anh, nhưng chắc chắn mình sẽ tìm được người giúp đỡ nếu thực sự cần thiết.

Sau khi đã lên đúng tuyến tàu thì mọi việc rất trôi chảy. Toa tàu mình đi từ Osaka tới Kobe có rất ít hành khách. Là tuyến tàu chạy chậm (dừng lại tất cả các ga) nên mất thời gian hơi lâu. Tuy nhiên, mình không có gì gấp rút nên không cần phải đi tàu nhanh. Về tới ga Rokkomichi, mình ra ngoài, bật lên định vị để xem hướng đi bộ về nhà. Thời buổi này có GPS hỗ trợ nên việc định hướng không là vấn đề.

Quãng đường từ ga tàu điện tới nhà hơn 1km đi lên dốc, nhưng không quá cao. Buổi chiều trời chưa quá lạnh nên đi bộ ngoài đường cảm thấy mát mẻ và sảng khoái. Mình bước đi chậm để quan sát mọi thứ xung quanh. Những ngày qua, mình đi lại với cha Thuần, hai người vừa đi vừa nói chuyện nên mình không thể tập trung ngắm nhìn những cảnh vật hai bên lối đi. Hôm nay mình đi một mình nên không có gì để chi phối. Thế là mình nhìn hết những cây xanh, cây hoa mà người ta trồng trên đường hoặc trong vườn nhà. Mình xem những quán xá mà người ta kinh doanh trong khu vực. Và dĩ nhiên mình ngắm nhìn những người đang đi trên đường phố - cách đi đứng, ăn mặc….

Đi được nửa đường, mình ghé qua một siêu thị để mua đồ về ăn tối. Mình vốn thích đậu hủ non nên mình tìm tới kệ đặt thực phẩm này. Qua Nhật mới thấy người ta có rất nhiều hiệu đậu hủ non khác nhau. Mình cũng không biết nên chọn loại nào nên chọn cái mà mình thấy có giá cả phải chăng. Về chất lượng thì mình nghĩ trong siêu thị Nhật cái gì cũng khá tốt nên mình không mấy băn khoăn về vấn đề này. Để ăn với đậu hủ mình mua mì udon. Thế là mình đã có một bữa ăn tối bao gồm mì udon với đậu hủ. Ở trong TT có đầy đủ những dụng cụ cần thiết để nấu ăn nên mình đã tự túc trong khâu này. Trong ba tháng lưu lại ở Nhật, ngoài những lúc đi ra ngoài ăn, hoặc có việc đi xa thì mình cũng sẽ tự nấu những món ăn đơn giản cho bản thân. Mình không biết nấu ăn nên chỉ sẽ nấu những gì “nhanh, gọn, lẹ” nhưng cũng đảm bảo dinh dưỡng. Thực ra mình là người dường như không biết nấu ăn nên có muốn cầu kỳ mình cũng không biết đường nào để làm. Nhưng dù sao thì mình vẫn thích cái lối đơn giản và nhanh gọn, đặc biệt khi mình nấu và ăn một mình.

Kobe, ngày 5.4.2023

Ngày thứ hai tại Kobe


 Hôm nay là ngày thứ hai tại Kobe. Mình đã làm quen với căn phòng ngủ của mình và đã sắp xếp những đồ đạc dùng hằng ngày vào những vị trí thuận tiện để xử dụng. Trong phòng ngủ có nhiều tủ áo, nhưng mình không cần đến vì áo quần mình mang đi không nhiều. Đây cũng là một thiếu sót vì hoá ra tháng tư thời tiết ở đây vẫn có tương đối lạnh, nhưng mình chỉ có một chiếc áo len mỏng. Có lẽ mình sẽ phải tìm mua thêm một chiếc áo ấm để thay qua thay lại trong thời gian trời còn rét.

Sáng nay, như thường lệ mình chỉ uống cà phê đen không đường sau khi thức dậy. Trong lúc uống cà phê, mình và và cha Thuần ngồi nói chuyện chia sẻ với nhau về những đề tài khác nhau mà cả hai quan tâm. Mình và cha Thuần đã quen nhau khá lâu và cũng đã từng cộng tác với nhau trong một số công việc nên có nhiều đồng điểm trong cách đặt và nhìn vấn đề. Nói cách khác là khi nói chuyện với nhau dường như cả hai bắt được tầng sóng trong tư tưởng nên dễ dẫn đến sự đồng cảm.

Mình nói chuyện với cha Thuần một hồi thì trở về phòng làm việc. Đến gần 10g00 sáng thì có Sơ Thảo tới làm việc tại trung tâm nêm mình ra chào và làm quen với sơ. Sơ Thảo là một tu sĩ trẻ thuộc một dòng nữ tu của Tgp Osaka. Mặc dù nhỏ con, nhưng sơ tỏ ra lanh lẹ, hoạt bát và vui vẻ. Cha Thuần trao đổi với sơ về những gì mình sẽ làm trong thời gian lưu lại Kobe để sơ nắm bắt được chương trình của mình.

Sau khi nói chuyện với Sr Thảo xong, mình và cha Thuần đi dâng lễ trong nhà nguyện. Còn Sr Thảo thì liên lạc với cha xứ của giáo xứ gần TT để mình và cha Thuần qua chào. Tuy nhiên, cha quản xứ không có ở nhà, mà chỉ có cha phụ tá. Ngài là một linh mục dòng Tên đã có tuổi ngoài 70 với cặp tai to như tai Đức Phật. Ngài vui vẻ và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Mới đầu ngài chỉ nói chuyện bằng tiếng Nhật với cha Thuần và với Sr Thảo. Nhưng sau một lúc mình hỏi ngài bằng tiếng Anh thì ngài trả lời khá tốt và từ đó mình bắt đầu nói chuyện trực tiếp với ngài thay vì qua lời phiên dịch của cha Thuần.

Trong những ngày Tam Nhật Thánh, mình sẽ đến tham dự các nghi thức tại nhà thờ này. Ở đây chỉ có lễ bằng tiếng Nhật. Đó sẽ là trải nghiệm mới cho mình khi tham dự các nghi thức bằng ngôn ngữ mà mình không biết. Tuy nhiên, mình sẽ theo dõi nội dung bằng tiếng Anh qua ứng dụng phụng vụ mà mình có trên điện thoại để tham dự các nghi thức một cách trọn vẹn hơn.

Trở lại TT sau buổi gặp cha xứ người Nhật, mình, cha Thuần và Sr Thảo dùng buổi trưa, món mì xào măng chính Sr Thảo tự nấu. Một bữa ăn giản dị nhưng ngon vì mình không ăn sáng nên đến giờ đó cũng đã khá đói bụng. Ăn xong, mình nghỉ trưa rồi dậy làm việc cho tới hơn 5g chiều.

Một lát sau mình và cha Thuần đi ra ngoài ăn tối và tiếp tục cuộc nói chuyện từ sáng, cũng là những đề tài về mục vụ, về hoàn cảnh di dân, về Giáo hội và xã hội…. Mình và cha Thuần ngồi nói chuyên và dùng những món ăn truyền thống của Nhật trong một quán hẹp với chỉ vài cái ghế nhỏ. Ở Nhật các loại quán nho nhỏ này rất nhiều. Cha Thuần nói. Đó là phong cách của Nhật – nhỏ, gọn, nhẹ. Mình cũng thấy vậy.

Những ngày lưu lại ở Nhật, mình cũng sẽ học hỏi và bắt chước cái phong cách tối giản đó trong cuộc sống nhằm xây dựng một lối sống “đơn giản” nhưng “không đơn điệu”.

Kobe, ngày 4.4.2023

Chuyện trong tiệm hớt tóc


 

Trước khi rời Việt Nam, mình đã tìm đến một tiệm hớt tóc trên đường Pasteur để tân trang lại đầu tóc trước khi bay qua Nhật. Mặc dù mình mới cắt tóc ở Thái Lan chưa tới 2 tuần, nhưng mình thấy ở Việt Nam cắt tóc giá rẻ, qua Nhật không biết đi cắt tóc có dễ dàng hay không, nên quyết định cắt ở Việt Nam trước khi lên đường.


Như bao nhiêu vấn đề khác trong thế giới ngày nay, mình tìm ra tiệm hớt tóc dựa theo giới thiệu của Google với những phản hồi của các khách hàng đã từng dùng dịch vụ ở đây. Mình thấy tiệm hớt tóc cũng không quá xa, cách mình ở chỉ 950 mét, có thể đi bộ được.

Khi tới nơi, cô nhân viên tiếp tân hỏi mình muốn cắt tóc giáo 90k hay giá 130k. Mình nói cắt giá 130k. Cô hỏi có yêu cầu thợ nào không? Mình nói thợ nào cũng được vì đây là lần đầu tiên mình tới tiệm. Thế là mình được giao cho một thợ hớt tóc trẻ, tầm 20 tuổi. Anh thợ hỏi mình muốn cắt kiểu gì? Mình nói cắt như cũ, rẽ mái qua một bên. Anh ta hỏi phía dưới muốn cắt sát bao nhiêu? Mình trả lời 1,5 – đừng sát quá. Thế là anh ta bắt đầu gọt đầu của mình từ dưới lên trên.

Khi đã bắt đầu cắt một vài phút, anh thợ trẻ tự giới thiệu về mình. Nói rằng anh ta theo đạo Hồi giáo. Mình cũng bất ngờ vì thường trong tiệm hớt tóc người ta không nói nhiều về các vấn đề tâm linh. Mà ở Việt Nam thì cũng không mấy khi gặp ai người Hồi giáo, hoặc tự giới thiệu mình theo đạo Hồi giáo. Mình hỏi ở Sài Gòn người Việt theo đạo Hồi giáo nhiều không thì được cho biết là cũng khá nhiều. Bạn ấy đến từ một tỉnh miền Nam, ở đó có nhiều người theo Hồi giáo.

Mình hỏi anh thợ đi hớt tóc như vậy có cầu nguyện mỗi ngày 5 đợt như luật đạo không, thì anh ấy trả lời chỉ cầu nguyện khi ở nhà, vì trong tiệm không có không gian thuận tiện cho việc tâm linh. Mặc dù đạo hồi đang trong mùa chay Ramadan, nhưng người bạn trẻ cũng không thể giữ chay khi đi làm, mà chỉ giữ chay vào ngày nghỉ. Khi ở nhà thì sẽ ăn chay, cầu nguyện ngày 5 lần và tới đền thờ Hồi giáo gần nhà ở quận 8.

Người thợ hớt tóc chia sẻ một số điều về cộng đồng người Hồi giáo tại Sài Gòn cho mình nghe. Anh ta cũng không hỏi mình theo đạo gì, mà mình cũng không nói cho anh ấy biết. Sau khi về tới nhà mình mới tự vấn sao không nói cho người thợ hớt tóc trẻ biết mình là linh mục xem bạn sẽ có những suy nghĩ hay câu hỏi gì cho mình. Anh ấy đã rất sẵn sàng tự chia sẻ với mình rằng anh ta theo đạo Hồi giáo trong khi trước đó mình không hề hỏi han gì về tín ngưỡng của anh ta. Đáng ra mình cũng phải đáp trả sự cởi mở này bằng việc tiết lộ về chính mình.

Trong mối tương quan giữa các tôn giáo hiện nay, người ta thường nói về các hình thức đối thoại liên tôn. Trong các hình thức khác nhau, hình thức đầu tiên và căn bản nhất là đối thoại trong cuộc sống hằng ngày giữa những con người trong xã hội. Mỗi ngày chúng ta có thời gian để gặp gỡ, chia sẻ, và trao đổi với những người khác tôn giáo trong những tình huống cũng như hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống. Sự đối thoại này có thể diễn ra bất cứ nơi nào – nơi làm việc, trước sân nhà, hoặc như trong trường hợp hôm nay, trong một tiệm hớt tóc nam.

Hôm đó mình đã bỏ lỡ cơ hội để thực sự thực hiện đối thoại liên tôn bằng hình thức đối thoại trong cuộc sống thường nhật. Người thợ hớt tóc trẻ đã mở ra cho mình một cơ hội, nhưng mình đã không nắm lấy. Và đây là một điều rất đáng tiếc vì không dễ gì mà một linh mục gặp một thanh niên Hồi giáo trong một tiệm hớt tóc tại Sài Gòn. Là một người đã không ít lần viết và thuyết trình về đề tài đối thoại liên tôn trên lý thuyết, nhưng không phải lúc nào mình cũng đem ra thực hành một cách có ý thức trong bối cảnh thực tế. Đây cũng là bài học nhắc nhở mình phải ý thức và tận dụng những cơ hội, cho dù là những tình huống rất bình thường để đối thoại, ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, và với bất cứ ai có thiện tâm thiện chí để đối thoại và chia sẻ.

Sài Gòn, ngày 4.4.2023

Ngôi nhà hy vọng

Tối hôm qua, chuyến bay Vietjet xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 1g sáng đã đáp ở Sân bay Osaka, Nhật Bản lúc 8g30 sáng. Mình rời Việt Nam sau khi đã hoàn tất 3 chương trình hội thảo tại Nghệ An và Sài Gòn về các đề tài truyền giáo, mạng xã hội, và môi sinh. Chương trình cuối cùng diễn ra ngày hôm qua tại Trung tâm Linh đạo Đắc Lộ thuộc Dòng Tên ở Quận 3, Sài Gòn.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, mình ra ngoài và được cha bạn là cha Nguyễn Quốc Thuần đang chờ đón. Cha Thuần hiện đang quản xứ trong Tgp Osaka, đồng thời làm mục vụ di dân Việt Nam. Ngài từng cộng tác với mình để biên tập cuốn sách chủ đề “Di dân Việt Nam tại Á châu” được phát hành năm 2020.

Từ sân bay, mình và cha Thuần đi bằng tàu điện để tới thành phố Kobe. Nơi đây có một trung tâm mục vụ cho di dân Việt Nam gọi là “Nhà Hy Vọng” do cha Thuần phụ trách. Toà nhà này thuộc Dòng Tên sở hữu, nhưng chuyển nhượng lại cho mục vụ Việt Nam. Toà nhà 2 tầng khá rộng với nhiều phỏng ngủ, phòng ăn, phòng khách, và phòng sinh hoạt.

Đây là nơi mà mình sẽ ở trong thời gian lưu lại Nhật Bản cho tới tháng 7. Chuyến đi này nằm trong khuôn khổ của một chương trình gọi là “sabbatical” mà mình được Hội dòng cho phép thực hiện trong năm nay. “Sabbatical” là thời gian mà các tổ chức tôn giáo cũng như xã hội cho phép thành viên của mình được phép nghỉ làm việc để có thể theo đuổi sở thích của mình, như đi du lịch, viết lách, nghiên cứu, tình nguyện hoặc các hoạt động khác (hoặc thậm chí nghỉ ngơi). Trong thời gian đó, nhân viên vẫn được tuyển dụng tại tổ chức của họ, nhưng họ không cần thực hiện nhiệm vụ bình thường hoặc báo cáo công việc.
 
Đối với Dòng Ngôi Lời, tỉnh Dòng Úc mà mình trực thuộc thì một thành viên có thể xin phép thực hiện sabbatical sau 15 năm khấn trọn hoặc chịu chức linh mục. Theo dự tính thì mình sẽ đi sabbatical vào năm 2022, nhưng vì khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19, nên mình đã hoản lại tới năm nay.

Mình sẽ làm gì trong thời gian sabbatical? Đó là mình sẽ đầu tư một khoản thời gian đáng kể để soạn bản thảo cho một tập sách tiếng Anh với đề tài tạm dịch là “Sự tu dưỡng bản thân theo phương cách tôn giáo với sự thúc đẩy một nền sinh thái toàn diện”. Đây là tập sách mà mình đã ấp ủ viết trong thời gian nhiều năm qua và cũng đã thực hiện một số bài viết có liên quan đến chủ đề này. Tuy nhiên, những bài viết trước đây chỉ là những mảnh ghép khác nhau xoay quanh đề tài, nhưng chưa bàn thảo hết mọi vấn đề mà mình cần phải khai thác. Chính vì thế mà trong kỳ nghỉ phép này, mình sẽ tận dụng thời gian để biên soạn lại những gì đã từng viết, tiếp cận những khía cạnh của đề tài chưa được đề cập tới, và thực hiện một bản thảo nháp từ đầu tới cuối theo thứ tự của mục lục mà mình đã soạn.
 
Mình không kỳ vọng sẽ hoàn tất mọi thứ trong thời gian sabbatical, nhưng với sự nỗ lực thì mình nghĩ rằng sẽ có một bản thảo tương đối đầy đủ để có thể tiếp tục hoàn thiện sau đó. Mình có động cơ lớn phải hoàn tất bản thảo trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 vì vào tháng 6, 2024, mình được một học viện Thần học tại thành phố Chicago dạy môn học về tôn giáo và môi trường. Mình sẽ lấy bản thảo của mình làm tài liệu cho môn học để các sinh viên tham dự lớp học không phải đọc các tài liệu khác. Mình cũng sẽ xây dựng những bài thuyết trình cho môn học dựa trên tài liệu này để làm rõ những nội dung trong tài liệu cũng như củng cố thêm kiến thức cho người học.
 
Thường thì thời gian sabbatical người ta không phải làm những trách nhiệm bình thường. Nhưng trên thực tế thì mình không thể bỏ hết những việc bình thường để đầu tư toàn thời gian vào việc viết lách được. Đó là vì ngay cả khi đang ở Nhật, mình sẽ vẫn phải tiếp tục làm nhưng công việc biên tập tạp chí, họp hành, thuyết trình trong một số chương trình hội thảo online, và thực hiện những bài viết khác mà mình đã chấp nhận thực hiện cho các dự án sách báo khác. Tuy nhiên, khi ở đây, mình sẽ có thêm thời giờ để suy tư và làm việc khi không phải đảm trách những công việc hoặc tham gia các sinh hoạt như khi ở nhà tại Thái Lan.

Mình đến Nhật lần này không phải với mục đích để đi du lịch, không phải để đi nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống của người Nhật (vốn rất ấn tượng và thú vị), nhưng là để tìm một không gian lý tưởng để thực hiện dự án sách quan trọng này. Dĩ nhiên mình sẽ có những cuộc gặp gỡ và tham gia một số sinh hoạt trong thời gian lưu lại Nhật Bản. Nhưng tất cả những thứ đó là thứ yếu đối với việc mình cần phải thực hiện tập sách cho kịp để sử dụng nó vào năm tới.

Mình rất may mắn khi cha Thuần đã tạo điều kiện cho mình tới ở trong căn nhà này trong thời gian ba tháng. Mình tin rằng với phong cảnh yên bình ở đây, với điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, mình sẽ ít nhiều đạt được những mục tiêu mà mình đã vạch ra khi chọn nơi này để thực hiện chương trình sabbatical chính thức bắt đầu từ hôm nay. Mình bắt đầu chương trình này trong Tuần Thánh cũng là thời gian quan trọng để mình suy tư, cầu nguyện và nhận ra rằng tất cả mọi việc mình làm đều là để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương một cách vô bờ bến, đặc biệt qua việc chịu khổ hình, cái chết và sự sống lại trong vinh quang của Chúa Giê-su.
 
Kobe, Nhật Bản, ngày 3.4.2023