Nhật ký từ Hàn Quốc (số 2)

 


Tối nay là tối duy nhất trong những ngày hội nghị mà chương trình kết thúc tương đối sớm. Khoảng 7g tối mình đã dùng bữa xong và có thời gian để nghỉ ngơi. Những ngày qua, chương trình hội nghị dày đặc với những phần tham quan, hội thảo, Thánh lễ v.v. từ sáng tới khoảng 10g tối mới xong. Về phần mình thì sáng hôm qua mình đã hoàn tất trách nhiệm thuyết trình đề tài đã chuẩn bị nên sự áp lực cũng đã không còn nữa. Mình may mắn được xếp lịch thuyết trình trong buổi hội thảo chuyên đề 1 “Cô đơn trong thế giới siêu nối kết”. Sau khi Tổng trưởng Thánh bộ về truyền thông của Vatican phát biểu bài nói chuyện chính thì mình là người tiếp theo ngài Paolo Ruffini. Tiếp theo mình còn có 3 học giả và thêm 2 người được mời để đưa ra lời nhận xét, bình luận. Cả thảy trong mỗi chuyên đề có 7 người tham gia phát biểu. Mỗi ngày có 2 chuyên đề với hình thức tương tự.

Vì số lượng người phát biểu nhiều nên thời gian dành cho phần phát biểu khá dài. Rất tiếc vì điều này nên giờ để thảo luận dường như không có. Đây có thể nói là khuyết điểm lớn nhất của chương trình hội nghị khi ban tổ chức quá “tham lam” về nội dung mà bỏ qua sự thiết yếu của việc trao đổi, tranh luận từ những gì được trình bày. Không chỉ riêng mình mà nhiều tham dự viên khác cũng bày tỏ cảm nghĩ tương tự. Nhiều người chia sẻ họ có những câu hỏi hoặc phản hồi với những bài nói chuyện nhưng dường như không có cơ hội. Cũng may là còn có những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị tron giờ ăn, giờ giải lao để các tham dự viên có thể bàn luận và chia sẻ với nhau về những đề tài trong chương trình.

Điển hình hôm qua, trong giờ ăn trưa, ông Michael Uncland thuộc tổ chức Cameco ở Đức đã ngồi nói chuyện với mình suốt cả giờ ăn (và giờ uống cà phê tiếp theo) về những ý tưởng trong bài thuyết trình của mình. Mình cũng đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ các tham dự viên khác khiến cho mình cảm thấy vui vì đã hoàn tất trách nhiệm tốt đẹp. Mặc dù thời gian cho mỗi bài thuyết trình khá ít nên không thể khai thác các ý tưởng một các chi tiết, nhưng mình cũng đã nêu lên và phác họa những điểm chính một cách có hệ thống khiến cho người ngheo dễ theo dõi và nắm được dòng tư tưởng.

Mình cũng công nhận một điều là từ hôm qua đến nay đã có những bài nói chuyện và tiết mục trong hội nghị vô cùng giá trị, điển hình là bài phỏng vấn và nói chuyện của nhà báo Nga Dmitry Muratov, người đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm trước, hay là bài nói chuyện rất sâu sắc của Tiến sĩ Paolo Ruffini và giáo sư Natasa Govekar từ Thánh bộ Truyền thông Vatican. Cuộc phỏng vấn đạo diễn và diễn viên chính của bộ phim sắp phát hành về cha thánh tử đạo Hàn Quốc An-rê Kim cũng rất thú vị. Nói chung về mặt nội dung thì những ngày qua đã mang lại cho mình thật nhiều món ăn ngon.

Tối hôm nay mình “thư giãn” bằng cách sách ba-lô ra một quán cà phê trong phố cách trường đại học Sogang khoảng 15 phút đi bộ để làm việc. Vì những ngày qua mình bận rộn với chương trình đi lại và hội thảo nên dường như mình không làm được việc gì. Tối nay, mình bỏ ra một ít thời gian để trả lời một số email và làm một chút công tác biên tập cho tạp chí của mình. Mình ở quán cà phê đến hơn 10g tối thì anh chàng nhân viên bắt đầu tắt các đèn trong quán nên mình và hai khách hang còn lại buộc phải đứng dậy ra về. Hai ngày qua thời tiết mát mẻ, trời có nhiều mây nhưng không mưa nên thời gian đi bộ từ quán cà phê về nơi mình nghỉ bên trong trường đại học Sogang rất thoải mái. Ở đây việc đi bộ không giống như ở Thái Lan vì không phải tránh né đủ thứ ‘chướng ngại vật’ trên lề đường như xe cộ, người bán thức ăn đường phố hoặc các món đồ khác. Đến các ngã tư có đèn đỏ thì mọi người tuân theo luật giao thông, chỉ băng qua đường khi có dấu hiệu cho phép. Về phần xe ô-tô cũng luôn tôn trọng người đi bộ và không bao giờ cua xe ngay trước mặt người đang đi qua đường. Lề đường tương đối rộng rải, chỉ mỗi việc người Hàn Quốc hút thuốc khá nhiều và hay quăng tàn thuốc trên đường phố nên phần nào làm giảm đi vẽ đẹp của cảnh vật cũng như tính văn minh của người Hàn.

Ngoại trừ Nhật Bản, ở Hàn Quốc là nơi thứ hai mình thấy dường như tất cả những người làm nghề lái xe taxi là tuổi U60 trở lên. Có lẽ người trẻ không mấy hứng thú với những công việc vất vả như vậy nên chỉ còn người cao tuổi vẫn cần mưu sinh kiếm sống mới chịu làm. Mà cũng vì hầu hết người lái taxi là người cao tuổi nên dường như không ai biết nói tiếng Anh. Khi lên xe muốn đi tới một nơi nào đó cũng không dễ gì truyền đạt cho họ hiểu đích điểm. Ngay cả khi đưa cho họ xem điện thoại có địa điểm viết bằng chữ cái Latinh thì họ cũng không đọc được vì họ chỉ đọc được chữ Hàn. Chính vì thế mà mình đã mấy lần phải chấp nhận cuốc bộ 30-40 phút để đi lại vì không thể nào nói cho tài xế hiểu nơi mình muốn đi. Tuy nhiên, đối với những người hiểu được và nhận cuốc đi thì họ luôn dùng định vị để hỗ trợ. Điều này hoàn toàn ngược với tài xế taxi tại Thái Lan, họ hầu hết không dùng định vị và chủ yếu dựa vào trí nhớ để tìm đường.

Giờ mình đã trở lại phòng và có thêm một chút thời giờ để viết vài dòng nhật ký để ôn lại một số trải nghiệm trong những ngày qua. Ngày mai chương trình hội nghị lại tiếp tục và còn hứa hẹn nhiều thứ sẽ làm cho mình phải quan tâm lắng nghe cũng như suy tư, học hỏi.

Seoul, ngày 17.8.2022

No comments: