Chuyện ở tiệm hớt tóc



Hôm nay mình trở lại tiệm hớt tóc quen thuộc có tên Cozy Cutz bên trạm xe điện đại học Kasetsart để cắt tóc chuẩn bị cho chuyến đi xa nhiều ngày. Như mọi khi, người cắt tóc cho mình là anh chủ tiệm tên Jak. Anh Jak là một người vui vẻ, điềm tính và hoạt bát, luôn luôn vừa hớt tóc vừa trò chuyện với khách. Tiệm tóc của anh được trang trí theo phong cách hoài niệm (vintage) với những hình ảnh và nội thất từ những thập niên 70/80/90. Mặc dù mang âm hưởng thời trước, nhưng đối tượng khách hàng tới cắt tóc có cả người đứng tuổi cũng như các sinh viên đại học của trường Kasetsart.

Từ trước đến nay cắt tóc mình chưa gặp thợ cắt tóc nào say xưa nói chuyện như anh Jak. Tuy nhiên, anh cũng rất để ý đến chi tiết khi cắt tóc nên một đầu tóc cũng mất không dưới 45 phút mới xong. Lần trước cuộc trò chuyện xoay quanh những vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của công nghệ thông tin kỹ thuật số trên đời sống người trẻ và gia đình. Anh có một đứa con gái ở tuổi teen nên anh rất quan tâm về những gì mình chia sẽ với anh trong vấn đề này.

Hôm nay mình chia sẻ với anh Jak về sự khác biệt giữa Công giáo và Tin Lành. Vì Thái Lan là một đất nước mà người theo đạo Phật giáo chiếm khoảng 90% nên người dân thường không hiểu rõ về sự khác biệt giữa các phái giáo Ki-tô giáo. Vì thế mà nhiều người Thái thường dùng những thuật ngữ nói về phái giáo Tin Lành khi đề cập đến Công giáo. Mình cũng nói cho anh Jak biết về một số biểu tượng quan trọng trong đạo Công giáo, đặc biệt là tràng hạt Mân Côi. Anh Jak nói đã từng thấy tràng hạt trong phim ảnh, nhưng chưa hiểu rõ về ý nghĩa và mục đích của nó.

Sáng nay, cha Hùng nói với mình sắp tới sẽ có linh mục người Việt thuộc dòng Phan-xi-cô khó nghèo đến Thái Lan tham quan và muốn tìm hiểu về công cuộc đối thoại liên tôn tại Thái Lan. Dĩ nhiên ở đây cũng có nhiều tổ chức được thành lập để thực hiện việc đối thoại liên tôn ở cấp các lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng. Tuy nhiên, đối thoại liên tôn không phải chỉ là một hoạt động dành cho giới chuyên môn, mà một điều có thể làm ở trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống. Đối thoại liên tôn có thể diễn ra ở nơi làm việc, ở trên sân bóng đá, ở trong tiệm hớt tóc…

Quan trọng là chúng ta tìm những cơ hội để chia sẻ về niềm tin tôn giáo của mình cũng như những thông tin về tôn giáo để giúp người khác có thêm hiểu biết và nhìn nhận chính xác hơn về tôn giáo của mình. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự cảm thông và tinh thần hòa hợp giữa các tôn giáo, hơn thế nữa, giữa các tín đồ với nhau. Tuy nhiên, một điều quan trọng là khi nói chuyện với người khác tôn giáo, chúng ta cần phải tuyệt đối không nói xấu về một tôn giáo thứ ba như

là một cách để gây thiện cảm giữa chính mình với người đối phương. Thực sự không bổ ích gì khi yếu tố mà hai người hoặc hai tôn giáo xích lại gần với nhau chỉ vì cả hai đều có ác cảm với một người/tôn giáo thứ ba. Điều này hoàn toàn phản tác dụng cho công cuộc xây dựng hòa bình và sự hòa hợp giữa các dân tộc và tôn giáo. Trong xã hội, người ta trở nên đồng minh vì họ chống lại cùng một kẻ thù. Mục đích của đối thoại nói chung, cách riêng đối thoại liên tôn, là để cho mọi người có thể trở nên đồng minh (anh em) với nhau.

Bangkok, ngày 11.8.2022


No comments: