“Hồng Ân” Mùa Covid-19



 Mặc dầu biết rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều tác hại lớn lao trên xã hội và đời sống của con người trên khắp thế giới, nhưng khi suy tư về đời sống cá nhân trong những tháng qua, mình cũng nhận ra một số điều tốt lành xảy đến với mình “nhờ” Cô Vy mà mới có được. 

1- Vì 95% thời gian của mình là ở nhà nên mình sống khá giản dị, đúng với tinh thần “khó nghèo” của một tu sĩ. Mình không đi mua sắm hay ăn uống bên ngoài nên chi phí sinh hoạt ít hơn nhiều so với thời gian trước đây. Hai tháng qua mình chỉ đổ xăng trong xe một lần cho việc đi lại. Mình cũng không có bất cứ chuyến đi nước ngoài nào bằng máy bay. Điều này không chỉ tiết kiệm tiền mà còn có tác dụng tốt cho môi trường vì nếu ít đi lại thì sẽ giảm góp phần vào việc làm hại đến môi trường thiên nhiên.

2- Vì một phần lớn trong công việc của mình mang tính học thuật: nghiên cứu tài liệu, viết bài tham luận, biên soạn tạp chí, soạn giáo án cho việc dạy học…nên thời gian này mình lại làm việc rất hiệu quả vì không có nhiều sinh hoạt khác để chi phối đầu óc. Bình thường không dễ để có thời gian thuận tiện để làm những công việc này vì tính chất của việc đòi hỏi sự yên tỉnh và sự tập trung lớn.

3- Vì thời khóa biểu mỗi ngày tương đối rõ ràng nên mình có thể sắp xếp thời gian để tập thể dục đều đặn. Bên cạnh việc ăn uống có phần bài bản hơn thì việc tập thể dục 4-5 lần/tuần cũng đang giúp mình tiến tới mục tiêu về sức khỏe về thể lý cũng như tâm lý.

4- Vì việc giao tiếp với người khác bị hạn chế rất nhiều do tình trạng dịch, nên mỗi lần mình có cơ hội để gặp gỡ ai đó đều là những cuộc gặp gỡ ý nghĩa và mang lại nhiều niềm vui cho mình. Thậm chí khi mình đi ra ngoài mua đồ dùng cá nhân hay cho cộng đoàn, những cuộc gặp gỡ với những người bán hàng cũng rất ấm cúng và có tình người hơn mọi khi.

5- Mình có thêm thời gian để cầu nguyện nên mình nhớ tới nhiều người và cầu nguyện cho nhiều người hơn trước đây. Dĩ nhiên mình luôn cầu nguyện cho cả thế giới mau vượt qua cơn đại dịch này.

Không sớm thì muộn, cơn dịch cũng sẽ qua đi. Mình hy vọng rằng cho dù trong hoàn cảnh nào thì mình luôn biết nhận ra và tận dụng những cơ hội mà mình nhận được trong cuộc sống. Cho dù là trong đại dịch hay trong thời an bình, mỗi giây phút được sống và hoạt động là một món quá lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Vì thế, mỗi tối khi đọc ‘Kinh Cám Ơn,’ mình luôn cảm nhận sâu xa ý nghĩa của lời kinh với lòng cảm tạ tri ân:

Con cám ơn Đức Chúa trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con hằng che chở con, lại cho ngôi hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cũng chịu nhiều ơn nhiều phép hội thánh nữa, và đã cho phần xác con ngày hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào thì con cùng hợp cùng các thánh mà dâng chúa con cùng cám ơn như vậy, Amen.

Bangkok, ngày 25.5.2020

Ăn ngủ với Cô Vy



Mình vẫn tiếp tục giữ khoảng cách xã hội để đóng góp vào nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên thế giới và cụ thể tại Thái Lan. Ba ngày qua số ca mới tại xứ chùa vàng tăng mạnh, mỗi ngày đều trên 100 người. Cao nhất là 188 ca mới trong một ngày. Trước tình trạng khủng hoảng, các lao động Việt Nam tại Thái Lan đang ồ ạt tìm cách hồi hương mặc dầu khi trở về Việt Nam phải đi cách ly tập trung 14 ngày trước khi được về nhà. Người Thái Lan tại Bangkok cũng đang đua nhau về quê ở các tỉnh bất chấp Bộ Y tế khuyến cáo không nên về vì có thể mang bệnh đến những vùng quê vốn chưa có nhiều người bị nhiễm. Và điều đó cũng đã xảy ra. Hôm nay thời sự đưa tin một thanh niên làm việc tại quán bar ở khu phố Thong Lor của Bangkok đã bị phát hiện dương tính với Covid-19 sau khi trở về quê tại Chiangrai ngày 21 tháng 3. Người Việt Nam thì về quê vì nhiều lý do khác nhau. Họ bị thất việc do các nhà hàng quán ăn bị buộc phải đóng cửa. Nhiều người cũng sợ tình trạng lây lan tại Thái Lan ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc Thái Lan và các quốc gia lân cận đóng cửa biên giới sẽ dẫn đến tình trạng visa hết hạn mà lại không thể đi đóng dấu hàng tháng được.

Mình thì suốt 13 ngày qua chủ yếu ở nhà và chỉ một vài lần đi ra ngoài khi có công việc lặt vặt. Mình vội đi và cũng vội về, tránh chỗ có đông người. Hôm nay mình qua trung tâm The Mall Ngamwongwan để đi ngân hàng. So với mọi khi, khu phố hôm nay thật trống trải như một dịp nghỉ lễ dài ngày. Trong trung tâm mua sắm, các cửa tiệm đều đóng cửa ngoại trừ khu vực siêu thị, các quầy bán thức ăn mang đi và các ngân hàng ở trên tầng 5. Khi vào trung tâm có hai nhân viên đứng để kiểm tra thân nhiệt cũng như xịt gel rửa tay cho khách. Từ ngày mốt trở đi lệnh khẩn cấp toàn quốc và giờ giới nghiêm sẽ bắt đầu được áp dụng nên chắc chắn không khí trong thành phố thủ đô này sẽ càng ảm đạm hơn nữa.

Trong những ngày này, mình dường như ăn ngủ với Covid-19. Mặc dầu mình có rất nhiều việc khác để làm, nhưng đầu óc khó tập trung khi chuyện Covid-19 đang khiến cuộc sống của toàn thể người Thái và người nước ngoài đang sinh sống tại Thái Lan bị đảo lộn. Từ sáng đến khuya, mình liên tục cập nhật các thông tin để phổ biến cho cộng đồng di dân Việt Nam tại Thái Lan. Có thông tin lấy từ các nguồn truyền thông Thái. Có thông tin nhận được từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Có thông tin đến từ các cá nhân ở nơi này nơi kia, người Thái có, người Việt có.

Ngoài việc thu thập, sàn lọc và phổ biến thông tin, mình cũng trả lời các câu hỏi của nhiều người gởi đến qua tin nhắn hoặc qua điện thoại. Có những câu hỏi mình trả lời được. Có những câu hỏi mình không biết cách để trả lời. Và có những câu hỏi mình không muốn trả lời vì mình đã đăng thông tin trên Facebook, chỉ cần mở ra đọc là biết. Nhiều khi câu hỏi đến nhiều quá khiến mình nổi cáu, đặc biệt có người giữa đêm khuya khi mình đang ngủ cũng gọi điện thoại tới xin lời khuyên. Nhiều bạn trẻ Việt Nam làm đêm ngủ ngày nên họ quên rằng các linh mục thì làm việc ban ngày và ngủ ban đêm.

Những ngày này thật khó để có thể giữ một nhịp sống bình thường, nhưng mình đang cố gắng ăn ngủ điều độ và tập thể dục để duy trì sức khỏe. Trong mùa Chay Thánh, tình trạng đại dịch cũng làm cho mình suy tư hơn về sự mong manh của cuộc sống, về những giá trị đích thực mà mỗi cá nhân phải hướng tới, và những điều cần làm để cho những giây phút trên trần thế thực sự có ý nghĩa. Trong Thánh Lễ và kinh nguyện hằng ngày, mình cảm thấy việc cầu nguyện cho “chúng con và toàn thế giới” “khi này và trong giờ lâm tử” thiết thực và cấp bách hơn bao giờ hết. Chính vì thế mà bên cạnh việc đăng các thông tin về đại dịch cho các bạn trẻ nắm được tình hình về Covid-19, mình cũng kèm theo những lời nhắc nhở về những gì là ưu tiên trong cuộc sống, đó là đặt tâm trí vào việc sống đạo và giữ đạo (ngay cả ở nơi cách ly tập trung) và việc cư xử với người khác bằng tấm lòng bác ái, cảm thông và vị tha.

Không biết thời gian phải ăn ngủ với Covid-19 sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Nhưng có lẽ đây sẽ là một Mùa Chay đáng nhớ nhất trong đời, một Mùa Chay mà qua biến cố đại dịch lan tràn khắp thế giới, nhắc nhở mỗi người “hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro.”

Bangkok, ngày 24.3.2020

Cách ly xã hội trong thời kỳ Covid-19



Hôm nay đã là ngày thứ 9 từ khi mình quyết định giữ khoảng cách xã hội để thực hiện trách nhiệm trong việc đẩy lùi sự lây lan của cơn đại dịch Covid-19. Sau khi mình hoàn tất chương trình hội thảo quốc tế tại trường đại học St. Louis, Bangkok xong vào tối 11.3, mình đã trở về nhà cộng đoàn dòng Ngôi Lời Bangkok và từ đó cho đến nay thì hầu như chỉ ở nhà. Mình có một buổi chiều đi công việc tại trung tâm mua sắm gần nhà và một vài lần đạp xe ra chợ để mua ít thức ăn. Ngoài ra mình không đi đâu.

Cũng may là thời gian này tại Đại chủng viện đang nghỉ hè sau khi đã kết thúc năm học, nên mình cũng không phải đi dạy học như những tháng trước đây. Những ngày qua, mình có một thời khóa biểu tương đối đều đặn. Sáng sớm thức dậy, mình làm vệ sinh cá nhân rồi guyện kinh riêng. Sau đó mình ra nhà bếp pha một ly cà phê đen (không đường) để uống. Mình thường vừa uống cà phê vừa đi dạo trong vườn của nhà để ngắm những cây cảnh và thở không khi trong lành vào buổi sáng. Sau khi uống cà phê xong, mình chuẩn bị dâng lễ với anh em ở trong nhà. Những ngày này, trong mỗi Thánh lễ đều cầu nguyện đặc biệt cho tình trạng đại dịch đang xảy ra trên thế giới.

Dâng lễ xong, mình bắt đầu làm việc. Những ngày này, công việc của mình chủ yếu liên quan đến việc chấm bài thi của các thầy tại đại chủng viện, thực hiện một số bài nghiên cứu cho những chương trình hội thảo mà mình sẽ tham dự trong năm nay, và biên soạn những bài tham luận cho một tạp chí chuyên môn mà mình là chủ bút.  Vì là việc dùng đầu óc nên lúc nào mình cũng dán mắt vào sách vở hoặc máy vi tính.

Sau khi đã làm được một số việc, mình “giải lao” bằng cách theo dõi các thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 tại Thái Lan và đăng lên trang Facebook của mình hầu giúp các anh chị em lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan nắm bắt được tình hình để có những quyết định phù hợp cho chính mình trong thời gian khó khăn này. Những ngày qua có rất nhiều biến động trong tình hình tại Thái Lan nên nhiều  người đang hoang mang muốn rời khỏi đây. Tuy nhiên, việc rời khỏi Thái Lan trong lúc này lại gặp nhiều cản trở vì Lào đã quyết định đóng biên giới không cho người Việt Nam nhập cảnh trong khi nhiều chuyến bay từ Bangkok về Việt Nam cũng đã bị các hãng hàng không hủy bỏ. Sự việc đã bế tắc lại còn thêm một khó khăn nữa là Vương quốc Campuchia đưa ra quyết định không cho người Việt Nam nhập cảnh từ ngày 21.3 khiến cho việc đi gia hạn hộ chiếu mỗi tháng không thể tiếp tục làm được. Trong thời gian này, điều các bạn Việt Nam cần là những thông tin kịp thời và chính xác, nên mình cố gắng thanh lọc các thông tin quan trọng để phổ biến cho các bạn được biết để có thể đối phó với tình hình.

Buổi chiều của mình bắt đầu sau giờ nghỉ trưa. Mình thường bỏ ra 1 tới 1 tiếng rưỡi đồng hồ để tập thể dục. Cũng may là ở nhà có một số dụng cụ để tập nên mình không phải đi tới các câu lạc bộ. Điều này tiết kiệm được tiền cũng như thời gian đi lại. Thường thì khi đang tập thể dục, mình mở Youtube để xem các chương trình thời sự hoặc là video học tiếng Nhật (vì mình đang tự học tiếng Nhật). Sau khi tập thể dục xong, mình làm một ít việc nhỏ như chăm vườn hoặc việc lặt vặt cá nhân.

Buổi tối của mình thường dành cho việc đọc sách, làm các việc trên máy vi tính, theo dõi tình hình về Covid-19 tại Thái Lan cũng như ở các nước trên thế giới. Tối nay, mình bỏ ra một ít thời giờ để viết những dòng nhật ký này để ghi lại về cuộc sống trong những ngày “cách ly xã hội” trong thời kỳ Covid-19.

Mình “cách ly xã hội” bằng cách không đi lại, không giao tiếp với nhiều người. Nhưng trong những ngày này, tâm trạng của mình luôn hướng về xã hội, về những người thân và những con người khắp nơi trên thế giới đang chống chọi với cơn đại dịch. Trong những lúc khó khăn, mỗi nơi đều cần có những nơi là chỗ dựa cho những người đang gặp khó khăn, lo âu và hoang mang. Tại Thái Lan anh chị em Việt Nam không có nhiều chỗ dựa vì họ là một cộng đồng lao động di dân bất hợp pháp. Họ không có nhiều quyền lợi, bị hạn chế trong ngôn ngữ và kiến thức, và dễ bị rối loạn bởi nhiều nguồn thông tin trái chiều. Những ngày này, mặc dầu mình cách ly xã hội, nhưng qua mạng xã hội, mình vẫn có thể đến với những anh chị em di dân Việt Nam. Có người đã hồi hương và đang bị cách ly tại các địa điểm cách ly tập trung tại Việt Nam. Có người đang chuẩn bị về trên những chuyến bay chưa bị hủy để rời khỏi vùng dịch Thái Lan. Có người sẽ trụ lại Thái Lan với niềm hy vọng sẽ vượt qua những ngày sóng gió của cơn đại dịch.

Mình cũng sẽ trụ tại đây vì mình không biết nơi nào khác để đi trong lúc này. Hôm qua, cha J. thuộc dòng Augustine người Úc chia sẻ trong tin nhắn rằng, bề trên của ngài tại Úc cho hay, nếu ngài muốn về lại Úc thì phải về trong lúc này. Nhưng nếu đã trở về Úc thì sẽ rất lâu mới có thể quay lại Thái Lan. Còn không thì cứ tiếp tục ở lại Thái Lan và đối phó với bất cứ tình huống gì sẽ xảy đến. Cha J. đã quyết định tiếp tục ở lại Thái Lan mà không trở về Úc. Ngài chỉ nói một câu ngắn gọn, “Tôi quyết định tiếp tục ở lại Thái Lan vì sứ vụ của tôi ở đây.”

Tâm trạng của mình cũng như của cha J. vậy. Trong những ngày này, Giáo hội Thái Lan cũng đang phải đối phó với sự gia tăng trong đại dịch bằng cách tạm thời hủy các Thánh lễ và các sinh hoạt giáo xứ. Tại nhà dòng tất cả các sinh hoạt mùa chay Thánh và Tuần Thánh cũng sẽ bị hủy. Trong những ngày tới đây, mỗi ngày mình cũng sẽ ở nhà làm những công việc hằng ngày của mình. Mình may mắn khi cho dù không bước ra bên ngoài nhiều tháng thì mình vẫn không hết việc để làm. Và mình vẫn có thể sống được với sự trợ giúp của hội dòng. Vì thế mình không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền để nuôi bản thân. Nhưng không phải ai cũng được như mình. Ngoài kia rất nhiều người đang hoang mang không biết rồi sẽ sống như thế nào khi không có việc làm, khi quán xá phải đóng cửa, khi quán mở không có khách. Vì thế điều mình có thể làm được là trở nên một chỗ dựa và là một chút an ủi nho nhỏ cho những ai tìm đến với mình trong thời gian này.

Bangkok, ngày 20.3.2020

Hội thảo thời Covid-19


Hôm nay chương trình hội thảo quốc tế chủ đề “Tôn giáo trong thế giới kỹ thuật số” mà mình đã bỏ công sức thời gian qua để tổ chức cũng đã chính thức khai mạc. Mặc dầu Thái Lan đang đối diện với tình trạng ngày càng có thêm người bị nhiễm covid-19 và có nhiều người không dám đến Thái Lan, nhưng mình cũng đã quyết định không hủy chương trình nhưng vẫn thực hiện theo dự định.

Dĩ nhiên, thực trạng covid-19 đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng trên chương trình hội thảo.

- Mỗi người đến tham dự trước khi bước vào bên trong sảnh và phòng hội thảo phải được đo nhiệt độ xem có bị sốt hay không.

- Nhiều người ngồi trong phòng hội thảo đeo khẩu trang để tự bảo vệ bản thân.

- Một số chuyên gia nước ngoài vắng mặt vì họ không được cấp trên cho phép đến tham dự.

- Một số chuyên gia nước ngoài vắng mặt vì nếu họ đến Thái Lan, khi trở lại sẽ bị cách ly 14 ngày để bảo đảm không bị bệnh.

- Một số chuyên gia nước ngoài do không thể đến tham dự nên đã tham dự qua mạng. Có người đã thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình online.

- Có người không thê trực tiếp thuyết trình nên đã gửi video bài thuyết trình của mình để mở ra cho cá tham dự viên cùng xem và thảo luận.

Ngày hội thảo đầu tiên đã kết thúc tốt đẹp. Mặc dầu có nhiều điều bất cập gây ra bởi tình hình hiện tại, nhưng mình cũng đã cố gắng tổ chức sao cho cuộc hội thảo được phong phú và ý nghĩa.

Đầu ngày hội thảo, mọi người cũng đã có phút thinh lặng để cầu nguyện cho thế giới trong lúc covid-19 đang hoành hành khắp mọi nơi. Mình cũng đặc biệt cầu nguyện cho chương trình được tốt đẹp và mọi người được bình an và khỏe mạnh. Để tổ chức sự kiện trong thời buổi covid-19 có thật nhiều điều phải băn khoăn. Ngày mai chương trình hội thảo sẽ tiếp tục thêm một ngày dài từ sáng đến tối.

Bangkok, 10.3.2020

Nhật ký: Đi U về


Chiều nay mình đã trở lại Bangkok từ Udon Thani trên chuyến bay của hãng Thai Lion lúc 5g10. Vì máy bay không đầy khách nên chuyến bay khởi hành không chỉ không chậm trể mà còn trước giờ ấn định nữa. Khi xuống máy bay, xe buýt sân bay đón tất cả các khách một lượt rồi đưa thẳng vào nhà ga. Vì ga đến nội địa gần đường Vibhavadi nên mình đi bộ ra ngoài đường để bắt taxi về nhà. Tài xế taxi, một người đàn ông trung niên, khi mình vừa lên xe thì ông ấy lấy khẩu trang đeo vào vì sợ khách sẽ ngại nếu tài xế không có đeo khẩu trang.

Khi xe đang chạy trên đường Vibhavadi thì ông tài xế nói: - Bình thường giờ này là đường kẹt cứng cả hai chiều. Nhưng bây giờ có thể chạy đều đều như thế này là do cái con vi-rút nó gây ra.

Đúng thế. Dường như vì cơn dịch mà trong thành phố nhìn nhẹ nhàng và thông thoáng hơn, mặc dầu đi đâu cũng thấy người đeo khẩu trang kín mặt. Giờ đây chỉ những người có công việc cần đi ra ngoài thì mới đi, còn nếu không cần thiết thì nhiều người cũng ở nhà cho lành.

Bản thân mình sau khi về tới nhà, rửa tay và mặt xong cũng cảm thấy nhẹ người hơn. Mặc dầu vì công việc mình luôn sẵn sàng đi ra ngoài, ngay cả chương trình hội thảo mình cũng không hủy bỏ mà vẫn tổ chức theo kế hoạch, nhưng những ngày này, có lẽ không gì dễ chịu hơn là ở nhà, dâng lễ misa, kinh nguyện, làm những công việc chăm sóc nhà, chăm sóc vườn, đọc sách, đọc tài liệu nghiên cứu và tập thể dục hằng ngày. Đó là những sinh hoạt lý tưởng của một ngày yên bình. Tuy nhiên, trên thực tế thì cuộc sống và trách nhiệm của một linh mục truyền giáo thì không chỉ mãi thanh thản như thế được.

Bangkok, ngày 5.3.2020

Bị "cách ly" trên máy bay


Chiều qua mình ra sân bay Don Muang để đi Udon Thani họp việc nhà dòng tại miền đông bắc Thái Lan. Khi lên máy bay mình cũng như các hành khách khác ai nấy đều đeo khẩu trang. Khi máy bay chuẩn bị di chuyển mình phát hiện ra các hàng ghế trước, sau và một bên mình đều không có ai ngồi. Thế nên mình quyết định tháo khẩu trang ra cho thoải mái hơn.

Nong bua lamphu, 5.3.2020

Chuyện trong ngày

Hôm nay việc thi cử đã diễn ra cho cả ba môn do mình đảm nhiệm tại Đại Chủng Viên Lux Mundi. Một phần mình cho thi trong lớp, một phần mình cho viết ở nhà rồi gửi bài vào qua email. Mình cho tới nửa đêm là hạn chót để các thầy gửi bài vào. Với việc thi cử hôm nay thì cũng có nghĩa mình đã kết thúc năm thứ tư giảng dạy tại Đại chủng viện quốc gia Thái Lan. 4 năm thì cũng chưa phải dài lắm. Trong ĐCV có cha Patrick người Á nhỉ lan đã dạy 12 năm. Nhưng năm nay ngài cũng đã quyết định rời Thái Lan để trở về Á nhi lan để phục vụ. Còn mình thì chưa biết sẽ còn tiếp tục giảng dạy tại đây cho đến khi nào.

Thi cử xong thì mình phải bỏ thời giờ ra để chấm bài. Tuy nhiên, trong lúc này thì mình chưa có thời giờ và cũng chưa có tâm trí để chấm bài thi vì tuần tới mình còn phải tổ chức hội thảo quốc tế tại Bangkok. Chương trình đã được chuẩn bị gần 2 năm, nhưng tới gần ngày diễn ra sự kiện thì bị “Cô Vy” gây rắc rối đủ điều. Nào là tham dự viên từ một số quốc gia không dám tới Thái Lan vì sợ tình hình tại đây bất ổn. Nào là Thái Lan không dám tiếp nhận một số tham dự viên đến từ các quốc gia có nhiều người bị nhiễm. Đó là chưa nói đến sự quan ngại tổ chức cuộc họp có nhiều người tham dự cùng một lúc. Vì thế nên tối hôm qua ban tổ chức đã quyết định hủy chương trình khai mạc có mời các quan khách đến tham dự. Ngoài ra, trong chương trình cũng hủy phần đưa tham dự viên đi tham quan chùa chiền tại Bangkok cũng như đi ăn ở nhà hàng nơi có đông người. Thật đáng tiếc khi bao nhiêu công lao bỏ ra để tổ chức sự kiện nhưng lại gặp nhiều trắc trở. Dù sao đi nữa thì mình vẫn sẽ phải tiến tới với công việc và phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa. 

Bangkok, 3.3.2020

Thánh lễ an táng ông cố Phê-rô




Hôm qua mình đã tham dự lễ an táng của ông cố Phê-rô là thân phụ của cha Linh, người anh em trong dòng đang phục vụ tại Thái Lan. Thánh lễ được chủ tế bởi ĐGM GP Phan Thiết là ĐGM Giu-se Đỗ Mạnh Hùng và đồng tế bởi khoảng 150 linh mục triều lẫn dòng từ khắp nơi về. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều nữ tu đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho cụ. Trong ngôi nhà thờ không mấy lớn tại huyện Lagi, tỉnh Bình thuận, dường như linh mục và tu sĩ chiếm phần lớn chỗ ngồi. Lý do có đông đảo linh mục tu sĩ đến tham dự lễ an táng là vì ông cố có 4 người con đã được dâng cho chúa bao gồm 2 linh mục và hai nữ tu.

Trong số các linh mục đến dự lễ có nhiều thành viên dòng Ngôi Lời. Trong dịp này mình đã gặp lại một số anh em mà mình thân quen từ trước, nhưng đã không có cơ hội gặp gỡ nhiều năm nay. Mình còn tình cờ gặp thêm một vài người đã từng qua du lịch/hành hương Thái Lan. Những cuộc gặp gỡ này dù vắn tắt nhưng cũng mang lại cho mình nhiều niềm vui, và làm cho chuyến đi thêm ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm mà cơn dịch COVID-19 làm cho nhiều người thu mình lại và sợ ra ngoài giao tiếp với người khác.

Sài Gòn, 28.2.2020

Mai đi

Hôm qua bề trên gọi điện thoại hỏi mình có thể đi Việt Nam để tham dự lễ tang ông cố của cha Linh vừa mới qua đời không. Cha Linh hiện đang phục vụ tại Thái Lan nhưng đã về nhà khi nghe tin bố mất. Bề trên muốn có người anh em đại diện cộng đoàn Ngôi Lời tại Thái Lan đi tham dự để phân ưu với gia đình ông cố.

Trước yêu cầu của bề trên mình chợt tự hỏi không biết tình hình virus corona tại Việt Nam có ổn không vì thấy thông tin về diễn biến bên đó cũng có nhiều điều đáng e ngại. Nhưng rồi mình lại nghĩ, có lẽ điều mình đang mường tượng về Việt Nam cũng giống như những gì người ở các nơi khác đang suy đoán về tình hình tại Thái Lan. Thường thì người ta luôn cảm thấy an tâm với những gì họ quen thuộc và có thể làm chủ được. Còn khi đi tới một nơi xa lạ thì người ta cảm thấy lo sợ hơn. Đó là lý do tại sao đã có những người ở Ấn độ đã đăng ký tham dự chương trình hội thảo quốc tế mình tổ chức tháng tới, nhưng đã rút lui vì quan ngại tình hình dịch tại Thái Lan.

Vì thế mình đã quyết định sắp xếp thời giờ để đi tham dự lễ tang. Ngày mai sau khi dạy học xong, mình sẽ về nhà dòng dâng lễ tro, rồi sau đó ra sân bay đi Việt Nam. Mặc dầu vẫn tự tin để đi, nhưng chiều hôm nay mình đã tới nhà thuốc gần Đại chủng viện để mua khẩu trang mang theo. Nhưng rất tiếc nhà thuốc chỉ còn mỗi hai cái khẩu trang y tế. Nhà thuốc bên cạnh thì cũng đã sạch hàng.

Bangkok, ngày 25.2.2020

Tổ chức sự kiện trong thời buổi dịch Corona




Tổ chức sự kiện trong thời buổi dịch Corona

Trên thế giới hàng ngày có vô số sự kiện được lên kế hoạch và thực hiện. Cho dù là sự kiện to hay nhỏ thì ai cũng muốn những chương trình mình tổ chức được thành công tốt đẹp. Mình cũng không ngoại lệ. Hơn một năm qua, mình làm việc chuẩn bị cho một chương trình hội thảo quốc tế về tôn giáo và truyền thông tại Bangkok với những tham dự viên là các chuyên gia đến từ các nước trong vùng Châu Á. Chương trình dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9-12 tháng 3 tại trường đại học St. Louis.

Để chuẩn bị cho chương trình hội thảo, mình cùng với các thành viên khác trong ban quản trị TT nghiên cứu Á châu về tôn giáo và truyền thông xã hội đã cật lực kêu gọi các chuyên gia đóng góp những bài tham luận chuyên môn theo chủ đề của chương trình. Ngoài ra ban quản trị cũng liên lạc với trường đại học tại Bangkok để tổ chức sự kiện, đồng thời tìm nguồn ngân sách để trang trải các chi phí liên quan.

Mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp thì đột nhiên tình hình dịch virus Corona bùng nổ tại Trung Quốc rồi lây lan qua các quốc gia láng giềng. Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi cơn dịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch mà lượng khách Trung Quốc là một phần to lớn trong thu nhập của ngành.

Mặc dầu Thái Lan hiện không phải là ổ dịch và trong số 35 người bị phát hiện nhiễm virus thì chưa có ai tử vong và 17 người đã hồi phục, nhưng Thái Lan vẫn gây quan ngại đến một số nước khác. Ví dụ Israel đã ra quy định là ai có mặt ở Thái Lan 14 ngày trước khi đến Israel sẽ bị từ chối cho nhập cảnh. Có người từ Ấn độ cho hay chính quyền Ấn độ cũng đã quy định phải cách ly những người đến từ vùng Đông Nam Á trên 20 ngày khi họ nhập cảnh để phòng ngừa lây lan virus.

Vì những quan ngại này mà có nhiều tham dự viên từ Ấn độ đã xin rút tên khỏi danh sách tham dự hoặc xin được tham dự online. Một chuyên gia ở Ấn độ nói rằng, “Không phải tội sợ bị nhiễm virus khi đến Thái Lan, nhưng vì chính sách của Ấn độ quá nghiêm khắc. Tôi không thể bỏ ra 20 ngày để cách ly trong khi cơ quan của tôi chỉ cho tôi 12 ngày nghỉ phép trong một năm.”

Vì có thay đổi đột ngột nên những ngày qua mình phải liên lạc các chuyên gia khác để thay thế vào chỗ trống. Ngoài ra mình cũng làm việc với trường đại học để yêu cầu họ hỗ trợ về mặt kỹ thuật để cho một số người có thể tham dự hội thảo qua mạng thay vì có mặt trực tiếp như dự định.

Mặc dầu có những khó khăn trong khâu tổ chức do tình hình dịch, nhưng mình đã quyết định phải tiến hành với sự kiện đã được lên chương trình hai năm qua. Cơn dịch virus Corona không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm nghiên cứu mình điều hành mà còn rất nhiều nhiều cá nhân và tổ chức khác nữa. Trong vài tháng nữa còn có những sự kiện vô cùng to lớn, điển hình là Thế vận hội mùa hè tại Tokyo. Chắc chắn ban tổ chức các sự kiện này đang rất hồi hộp và lo lắng về những gì phía trước.  

Trong thời buổi khó khăn ai cũng phải thích nghi bằng cách này hay cách khác. Nhưng điều tốt nhất là mọi người tiếp tục tiến tới với những gì mình có thể, cho dầu phải thận trọng hơn, cũng như phải chấp nhận những điều khó khăn và bất tiện. Cá nhân mình nghĩ rằng việc thích ứng với thực trạng không phải là để cho mọi thứ trở nên tê liệt hay là mang thái độ hoang mang quá đáng. Đó là lý do tại sao mình sẽ không hủy chương trình hội thảo. Và mình còn tin rằng nó sẽ là một sự kiện ý nghĩa và tốt đẹp như mình mong muốn.

Bangkok, ngày 24.2.2020


Đi nhà thờ trong thời kỳ dịch COVID-19



Hôm nay mình đi tham dự lễ mừng quan thầy Ngai tòa thánh Phê-rô tại Bangkok, đồng thời kỷ niệm 130 năm ngày thành lập giáo xứ. Vì là dịp trọng đại nên giáo xứ đã tổ chức rất long trọng với nhiều giáo dân đến tham dự. Chủ sự ngày lễ là ĐHY Phan-xi-cô Xavier, giám mục của TGP Bangkok. Mặc dầu thế giới đang đối diện với tình hình dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trầm trọng đến ngành dụ lịch tại Thái Lan, nhưng sinh hoạt tại các nhà thờ dường như không mấy bị ảnh hưởng. Những tuần qua, mình đã đến tham dự thánh lễ mừng quan thầy tại các nhà thờ khác nhau, nhưng nơi nào cũng có đông đảo giáo dân đến tham dự Thánh lễ. Có một số ít giáo dân đeo khẩu trang khi dự lễ, nhưng đó chỉ là một số rất nhỏ.

Những gì thấy được trong nhà thờ cũng phản ảnh tình hình chung tại Thái Lan. Truyền thông Thái Lan cho hay đến thời điểm này trên cả nước có tổng cộng 35 ca bị nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, trong số đó đã có 17 người hồi phục và đã xuất viện. Theo các nhà chức trách thì tình hình tại Thái Lan đang trong mức độ kiểm soát được. Có lẽ vì thế mà khi đi lại, mặc dầu có một số người Thái đeo khẩu trang, nhưng đa số người dân khá vô tư trước cơn dịch vi-rút Corona. Ngay cả khi đi lại trong trung tâm mua sắm rất sầm uất nhưng nhiều người không thấy bận tâm. Nhà hàng buffet vẫn đông khách vào ngày cuối tuần như không có vấn đề gì.

Trong thời điểm mà dịch COVID-19 đang làm dự luận xôn xao thì cá nhân mình cũng phải tế nhị hơn rất nhiều khi dâng lễ trong nhà thờ. Cách đây vài tuần, khi đang dâng lễ đồng tế ở nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức, mình bổng nhiên lên cơn ho vì các chú giúp lễ hơi mạnh tay với hương khói trong nghi thức. Mặc dầu mình rất muốn ho, nhưng mình cố gắng nén lại để không làm cho giáo dân cảm thấy hoang mang khi thấy linh mục ho thành tiếng trên cung thánh. Bình thường việc ai đó ho cũng không có gì phải e ngại, nhưng trong thời kỳ vi-rút Corona đang hoành hành tại nhiều quốc gia thì mọi thứ trở nên nhạy cảm hơn.

Bên cạnh hạn chế những tiếng ho trong khi cử hành Thánh lễ, mình cũng cẩn thận hơn khi trao Mình Thánh Chúa. Bình thường khi trao Mình Thánh Chúa mình rất dễ chạm vào bàn tay của người nhận. Nhưng để bảo đảm việc cho rước lễ không trở nên hành động vô tình làm lây lan vi-rút (nếu có), mình đặt Mình Thánh vào lòng bàn tay của người nhận một cách thận trọng hơn, cố gắng không chạm vào tay hoặc môi của người rước lễ.   

Không biết tình hình dịch sẽ còn tiếp tục bao lâu nữa, nhưng trong thời buổi khủng hoảng toàn cầu như hiện nay, sự tế nhị và thận trọng là điều cần thiết để mọi người mang lại cho nhau sự bình an trong tâm hồn cũng như sức khỏe trong thể xác.

Bangkok, ngày 23.2.2020

Cụ bà nhặt ve chai trong xóm


Có một cụ bà nhặt ve chai ở trong xóm phía sau nhà cộng đoàn Dòng Ngôi Lời tại Bangkok. Mặc dầu không phải là người Công giáo, nhưng từ ngày đưa Đức Mẹ về, mỗi sáng cụ đi ngang qua nhà vẫn dừng lại bái tượng (wai) từ ngoài đường rồi đi tiếp. Cụ chỉ vào bên trong khi quý cha có ve chai để cho cụ mang đi.

Thời gian gần đây cụ lại mỗi tuần mua một vòng hoặc bó hoa nhỏ để dâng cho Đức Mẹ. Cụ luôn treo hoa ở cổng trước nhà chứ không vào bên trong. Mới đầu quý cha thấy hoa treo trước nhà mà không biết từ đâu đến. Sau này mới phát hiện ra là của cụ mua và âm thầm treo ở cổng. Sáng nay ngày thứ bảy lại thấy có một vòng hoa mới được treo trước cổng như mọi khi.

Hôm qua có mấy bạn trẻ Việt Nam đến sinh hoạt tại nhà dòng. Mình kể cho nghe về cụ già. Một bạn trẻ nghe câu chuyện xong thì nói rằng “Mình là người Công giáo và cũng hay đến nhà dòng mà mình chưa bao giờ mua hoa dâng Đức Mẹ.”

Bangkok, ngày 22.2.2020

Thập niên của tôi (2018)



Năm 2018 là năm của thật nhiều chuyến đi xa. Có lẽ vì ngay từ những ngày đầu năm mình đã thực hiện chuyến đi xa nên trong năm cứ tiếp tục như thế. Chuyến đi dài nhất là đi Rô-ma hơn một tháng để họp tổng tu nghị của hội dòng. Đây cũng là một thời gian đáng nhớ vì mình đã có cơ hội đi hành hương đến những nơi thật linh thiêng như các vương cung thánh đường và thành Assisi, quê hương của thánh Phanxico. Trong thời gian họp, các thành viên cũng có cơ hội được diện kiến ĐTC Phanxico và lắng nghe những huấn từ của ngài cũng như được bắt tay ngài. Đó là niềm vui lớn cho mọi người trong dịp tổng tu nghị.

Bangkok, 2.1.2020