Chết bởi Whatsapp



Báo chí tại Ấn độ đưa tin có hai chàng thanh niên đi du lịch bằng xe ô-tô. Họ lái vào một làng nhỏ. Ở đó, họ gặp thấy một số trẻ em nên muốn chụp hình lưu niệm với chúng. Để lấy lòng các em nhỏ, họ cho các em những viên kẹo mà họ có mang theo. Tình cờ, có một người trong làng nhìn thấy hai người thanh niên lạ mặt cho kẹo các trẻ nên chụp ảnh sự việc và gửi vào Whatsapp của những người khác trong làng kèm theo thông tin, “Trẻ em làng đang bị người lạ mặt dùng thủ đoạn để bắt cóc!” Thế là trong chốc lát, thông tin đó được truyền đi khắp làng. Mọi người ùa nhau đến nơi đang xảy ra sự cố. Họ túm lấy hai chàng thanh niên và đánh tơi bời khiến cả hai đã tử vong. Báo chí đưa tin đã đặt tít cho sự việc nói trên là, “Chết bởi Whatsapp”.

Trong thời kỳ kỹ thuật số, những sự cố tai hại xảy ra cho xã hội không khác gì một thảm họa cháy rừng. Khi lửa đã bén, có gió mạnh thì những ngọn lửa lan nhanh và bùng phát dữ dội mà không ai có thể kiềm chế được. Đến khi vụ cháy đã được khắc phục thì đã có thiệt hại vô cùng nặng nề về tài nguyên, tài sản, môi trường và mạng sống con người.

Những “đám cháy kỹ thuật số” cũng có sức lan nhanh và gây thiệt hại cho con người và xã hội không kém. Khi chúng ta cẩu thả trong việc truyền tải thông tin hoặc thiếu khôn ngoan trong việc tiếp nhận và xác định tính chân thực của thông tin, chúng ta có thể trở nên nguyên do gây ra những đám cháy kỹ thuật số rất khủng khiếp.

Trong thời kỳ kỹ thuật số, mặc dầu những thôn tin và hình ảnh mà chúng ta truyền tải qua mạng Internet được số hóa với vỏn vẹn hai con số 1 và 0, nhưng hậu quả có thể gây ra thì không bằng các con số vô hình vô cảm, mà bằng máu, bằng thịt, bằng nước mắt, bằng cả mạng sống con người.

Bangkok, 27.9.2019

Tuổi thọ của kiến thức (The Longevity of Knowledge)


Theo các nhà khoa học, tính đến năm 1900 thì lượng kiến thức của nhân loại được nhân đôi mỗi 100 năm. Vào thời điểm 1980 thì lượng kiến thức được nhân đôi mỗi 12 tháng. IBM ước tính vào năm 2020, lượng kiến thức sẽ được nhân đôi mỗi 12 giờ đồng hồ!

Cùng một lúc lượng thông tin càng ngày càng gia tăng với tốc độ khủng khiếp thì “tuổi thọ” của kiến thức lại ngày càng thuyên giảm. Nếu như cách đây 100 năm, để cho 1/2 vốn kiến thức của một kỹ sư trở nên lạc hậu hoặc bị loại bỏ phải mất tới 35 năm thì hiện nay, quãng thời gian đó chỉ còn 2,5-5 năm.

Thực trạng này cho thấy đừng ai nghĩ rằng những gì mình biết là đúng mãi mãi, là đủ và không cần học hỏi gì thêm. Bởi lẽ kiến thức, giống như chất phóng xạ, cũng có chu kỳ nửa phân rã. Và kiến thức lạc hậu và lệch lạc, cũng như chất phóng xạ, có thể gây vô số tác hại cho con người và xã hội.

****

According to scientists, up to the year 1900 it took a century for human knowledge to double. By 1980, the doubling rate was approximately every 12 months. However, IBM estimates that the doubling rate by the year 2020 will only be 12 hours!

At the same time that there is exponential increase in knowledge, the "longevity" of knowledge has been decreasing. 100 years ago, in order for 1/2 of the knowledge of a well-trained engineer to be disproved or replaced by new knowledge took about 35 years. However, presently the amount of time is estimated to only be between 2.5 and 5 years.

This reality shows that no one should feel that whatever he/she knows is always going to be right, and his/her knowledge is adequate. Knowledge, like radioactive matter, has been proven to also have a half-life. And like radioactive matter, outdated and inaccurate knowledge can cause all sorts of damage for the individual and for society.

Bangkok, 25.09.2019

Từ ngữ tiếng Thái mang tính miệt thị trong cách nói về lao động nước ngoài



Tại Thái Lan, lao động di cư Việt Nam, cũng như lao động di cư từ Cambodia, Lào và Myamar luôn được gọi là “คนต่างด้าว/khồn tạng đao” hoặc “แรงงานต่างด้าว/rèng ngàn tạng đao”. “Khồn” có nghĩa là người và “rèng ngàn” có nghĩa là lao động. Từ “tạng đao” có nghĩa nước ngoài. Từ ngữ này được sử dụng trong văn bản chính thức của chính phủ cũng như trong truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, khi nói về những người nước ngoài khác, đặc biệt là người Tây phương, thì từ “tạng đao” không được sử dụng mà thay vào đó là từ “คนต่างชาติ/tạng chat” hoặc “ต่างประเทศ/tạng pra-thêt”. Mặc dầu trong từ điển tiếng Thái, các từ “tạng đao,” “tạng chat” và “tạng pra-thêt” được cho là đồng nghĩa, nhưng do có sự phân biệt trong cách sử dụng nên từ “tạng đao” mang một hàm ý tiêu cực khiến cho đối tượng được gọi là “khồn tạng đao” cảm thấy mình bị phân biệt đối sử và miệt thị. Sự phân biệt trong cách sử dụng có thể thấy rõ ràng khi tìm kiếm trên Google với từ khóa “คนต่างด้าว” (khồn tạng đao) thì chỉ thấy xuất hiện hình ảnh về cán bộ chính phủ và cảnh sát họp báo về vấn đề lao động nước ngoài cũng như hình ảnh cá nhân và nhóm người nước ngoài bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ và bắt bớ vì làm việc trái phép. Tuy nhiên, khi dùng từ khóa  คนต่างชาติ” thì trên Google chỉ xuất hiện các  hình ảnh về những người đang tươi cười vui vẻ, ăn mặc lịch sự đến từ các đất nước khác nhau.

Bangkok, ngày 23.9.2019

Bình tĩnh trong sự rối loạn



Tối hôm qua, lúc nửa đêm mình tỉnh giấc và trở người thì bổng nhiên mình bị xâm xoàng một cách khủng khiếp. Mình nhìn lên tường thấy ánh sáng phát ra từ máy điều hòa như đang nhảy múa không ngừng. Mình toát mồ hôi và cảm thấy buồn nôn. Trước đây mình cũng đã từng bị triệu chứng vertigo—rối loạn tiền định, nhưng chỉ nhẹ và chấm dứt sau một vài giây. Nhưng lần này, cơn xâm xoàng lâu hơn và nặng hơn rất nhiều. Sau khoảng 30 giây, cơn xâm xoàng dịu xuống. Mình nhắm mắt, thở nhẹ và nằm yên, không trở người. Trong tư thế đó mình cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng cứ nằm yên mãi thì cũng không được, thỉnh thoảng phải trở người một chút. Và mỗi lần trở người như thế cơn xâm xoàng lại trở lại.

Sáng ra, mình bước xuống giường từ từ để cho đầu não thích nghi với vị trí mới, tránh bị xâm xoàng, chóng mặt. Mình làm vệ sinh sáng, pha một ly cà phê đem ra ngồi trước nhà uống cho tỉnh táo. Nhưng trong người vẫn cảm thấy bần thần, khó chịu, và cảm giác buồn nôn vẫn chưa hết. Mình quyết định ra ngoài đường cái đón tuyến xe buýt 522 đi lên bệnh viện Rajavithi ở bên cạnh Tượng đài chiến thắng để gặp bác sĩ. Mặc dầu 7 giờ sáng đã bị kẹt xe trên đường cao tốc, nhưng mình cũng tới nơi trước 8 giờ.

Nghĩ đâu tới giờ đó bệnh viện sẽ chưa đông lắm, nhưng trên thực tế thì cả bệnh viện đã sôi nổi với cảnh bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện phục vụ hàng nghìn bệnh nhân. Bệnh viện Rajavithi là một trong những bệnh viện nhà nước lớn và tốt nhất Thái Lan nên có rất nhiều người đến đây để điều trị. Bệnh viện cũng có một khu vực riêng dành cho các bệnh nhân nước ngoài, và đó là nơi mình đã được hướng dẫn tới để được khám.

Để được vào gặp bác sĩ, mình phải qua một vài “trạm” thủ tục. Và sau khi gặp bác sĩ rồi thì phải đi qua một khu vực khác để xếp hàng nhận thẻ số thứ tự, chờ được kêu tên để thanh toán tiền thuốc, và xếp hàng để nhận thuốc. Từ khi đến bệnh viện cho đến khi ra khỏi bệnh viện với hai hộp thuốc trong tay (tổng chi phí khám và thuốc 275 baht), mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nếu đi bệnh viện tư nhân gần nhà thì chắc chắn sẽ chỉ mất 1/4 thời giờ và sẽ được phục vụ rất chu đáo, nhưng chi phí sẽ lên vài nghìn baht thay vì vài trăm baht.

Khi mình đang ở bệnh viện, mình có quan sát cung cách làm việc của các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện. Cũng có những người ăn nói vui vẻ, nhỏ nhẹ. Nhưng cũng có những người có thái đó cau có, ít kiên nhẫn. Mặc dầu không thấy có ai quát mắng hay nói lời xúc phạm đến bệnh nhân, nhưng một số lời nói thiếu hòa nhã từ các nhân viên bệnh viện cũng phần nào làm mình cảm thấy cung cách phục vụ chưa thực sự tốt.

Thoạt đầu mình nghĩ vậy. Nhưng sau đó mình tự chất vấn và đặt mình vào vị trí của các nhân viên bệnh viện trong các khâu như tiếp nhận bệnh nhân, làm thủ tục, hướng dẫn lối đi, v.v. để xem mình sẽ ứng xứ như thế nào. Thực sự mà nói, cung cảnh ở bệnh viện nhìn thoáng không khác gì nhìn thấy trong bến xe vào dịp Tết là bao. Ở tất cả các khoa và khu vực bên trong lẫn bên ngoài bệnh viện đều chật ních người đang chờ làm thủ tục, đang xếp hàng để lấy số thứ tự, đang ngồi la liệt để chờ gặp bác sĩ. Có người phải chờ hàng giờ số của mình mới được thông báo trên loa. Mình tự hỏi bản thân, trong môi trường làm việc như thế, mình có thể lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ được không? Có thể lúc nào mình cũng tươi cười được không? Công bằng mà nói, những gì mà các nhân viên bệnh viện thể hiện, đặc biệt khi phải làm việc trong không gian náo loạn và chật chội như vậy ngày này qua ngày khác, còn tốt hơn mình có thể làm được.

Bản thân mình nhiều lúc cũng thể hiện sự nóng nảy và thiếu kiên nhẫn khi cảm thấy bị áp lực trong công việc, khi có những người tìm đến mình với những câu hỏi mà mình cho là không nên hoặc không đáng hỏi. Mình cũng có lời nói nặng nói nhẹ với một số người đã gửi tin nhắn cho mình để hỏi về các thông tin mà mình đã phổ biến rõ ràng trên Facebook. Cá nhân mình như vậy thì làm sao mình lại đòi hỏi những người đang làm việc trong một môi trường đầy áp lực như bệnh viện Rajavithi có thể làm tốt hơn? Thật ra, mình thấy họ thật đáng khen và cần đáng được thông cảm và cảm ơn. Vì họ mà mỗi ngày, có hàng chục nghìn người được chăm sóc y tế với phí bệnh viện thật mềm.

Trở về nhà từ bệnh viện, mình cảm thấy an tâm hơn. Triệu chứng xâm xoàng cũng đã hết, mặc dầu thuốc vẫn chưa uống. Có lẽ lời trấn an từ bác sĩ rằng vấn đề này không có gì cần phải quá lo ngại cũng đã làm cho tâm lý nhẹ nhàng hơn.

Bangkok, ngày 18.9.2019

Người mục tử yếu đuối


Cách đây vài ngày mình đọc được một bản tin về một mục sư Tin Lành trẻ tên Jarrid Wilson ở Hoa Kỳ đã tự tử. Một điều làm cho cái chết của anh Wilson thật đáng tiếc là vì anh Wilson chính là người chuyên làm mục vụ tư vấn cho những người đang trong tình trạng suy sụp về tinh thần hoặc có ý định tự tử. Khi đọc thêm về anh Wilson thì mới biết được rằng, thời gian qua chính anh cũng đang phải đương đầu với căn bệnh trầm cảm và những suy nghĩ tiêu cực muốn tự lấy đi mạng sống của chính mình. Chương trình “Bài ca hy vọng” mà anh Wilson đã đồng thành lập với vợ mình để giúp những người trong tình trạng tương tự cuối cùng đã không cứu được chính anh.

Một ngày trước khi anh Wilson tự tử, anh đã để lại những dòng chữ đầy tâm trạng trong Tweet cuối cùng của mình:

“Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành những suy nghĩ về tự tử.
Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành bệnh trầm cảm.”
Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành bệnh PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương).
Yêu mến Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng chữa lành tâm trạng hoang mang.
Nhưng điều này không có nghĩa Chúa Giê-su không ban cho chúng ta tình bạn và sự ủi an.”

Những gì xảy ra với người mục sư trẻ thật đáng buồn và ước gì đã không xảy ra, đặc biệt đối với những người yêu thương anh như người vợ trẻ và hai đứa con thơ, như những đồng nghiệp của anh, và bao nhiêu người mà anh đã giúp đỡ. Nhưng khi nghĩ về câu chuyện của anh Wilson thì cũng cho chúng ta thấy rằng người mục tử hoặc một lãnh đạo tâm linh cũng phải đối đầu với những đau đớn và giằng co trong thể xác lẫn tinh thần như bao nhiêu người khác. Nhiều khi nhìn vào họ, người ta cứ ngỡ như là họ có câu trả lời cho mọi vấn đề và mọi tình huống xảy đến trong cuộc sống, nhưng trên thực tế thì họ cũng chỉ là những người đang cố gắng tìm ra cách đối phó với các vấn đề bằng những phương cách giải đáp mà ngay cả họ cũng chưa hẳn có thể áp dụng được trong cuộc sống của chính mình.

Sự thật này không phải là đề thấp vai trò của một vị mục tử hay là lãnh đạo tâm linh, mà là để cho thấy rằng một vị mục tử tốt không phải là một người không hề phải đấu tranh với bản thân, với những yếu đuối trong tinh thần và thể xác, không phải vấp ngã và làm ngược với những gì mình giảng dạy. Một vị mục tử hoặc lãnh đạo tâm linh tốt nhiều khi chỉ là người biết cảm thông với người khác, hiểu được những gì họ đang trải qua, không phán đoán họ với những lời nói và giọng điệu nghiêm nghị và cứng nhắc bởi vì chính người mục tử cũng đang trải qua những vấn đề tương tự trong cuộc sống.

Nhiều khi người làm mục tử rất giỏi trong việc che dấu những đau khổ và sự bất toàn của chính mình để mang lại sức mạnh cho người khác, để trở nên chỗ dựa vững chắc cho người đang yếu đuối, trở nên tấm gương tốt lành cho những người trong tình tạng tội lỗi. Nhưng mỗi người mục tử chân chính đều hiểu rõ về bản thân và những hạn chế trong con người của mình. Sự hạn chế đó có lúc sẽ là điều cản trở người mục tử trong công việc, nhưng cũng có thể trở nên yếu tố rất quan trọng để người mục tử tương quan với người khác một cách yêu thương, bình đẳng và cảm thông.

Bangkok, ngày 16.9.2019

Chuyến tông du đến Thái Lan của ĐGH được thông báo.



Sau một thời gian khá dài thì cuối cùng “tin đồn” cho rằng Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô sẽ tông du Thái Lan vào tháng 11 trước khi tới Nhật cũng đã được chính thức thông báo một cách long trọng chiều hôm qua trong một cuộc họp báo được chủ toạ bởi Đức Khâm Sứ Toà Thánh, ĐGM. Tschang In-Nam và ĐHY Francis Xavier Kriengsak, chủ tịch HĐGMTL. Lý do có sự “chậm trễ” trong việc thông báo là vì có một số vấn đề cần phải được nhất trí giữa Toà Thánh Vatican, HĐGMTL và chính phủ Thái. Tuy nhiên, trong lúc chờ ngày để chính thức thông báo thì phía sau đã có nhiều sự chuẩn bị nội bộ, như lên lịch trình của ĐGH, phân chia trách nhiệm trong các khâu tổ chức, đặc biệt là công việc truyền thông. Cùng ngày chuyến tông du được thông báo, văn phòng truyền thông xã hội của HĐGMTL đã phổ biến trang web, trang Facebook, nhóm Line cũng như poster và logo của chuyến tông du. Ngoài ra, một video dài 10 phút cũng được phổ biến để tóm tắt lịch sử sứ vụ truyền giáo tại Thái Lan 350 năm qua, đồng thời liên kết sự kiện chuyến tông du với bối cảnh Giáo hội Thái Lan mừng năm thánh 350 truyền giáo trên vùng đất Xiêm.

Nhằm mục đích tôn trọng quy trình của Giáo hội trong cách phổ biến thông tin và phòng ngừa tin thất thiệt, thời gian qua những người làm việc phía sau không dám tiết lộ những gì đang diễn ra cho đến khi chuyến tông du được chính thức công bố. Khoảng hai tháng trước, mình cũng đã được liên lạc để cộng tác trong sự việc, cụ thể khâu đón tiếp các vị khách nước ngoài sẽ đến Thái Lan trong những ngày tông du. Bên phía ban tổ chức cho hay việc tiếp khách sẽ là một trong những công việc quan trọng và rất bận rộn, chủ yếu làm việc ở hậu trường. Vì thế, trong những ngày đó, mặc dầu sẽ có rất nhiều anh chị em Việt Nam muốn liên lạc với mình để xin hướng dẫn, nhưng e rằng mình sẽ không có giờ để giúp được bao nhiêu.

Từ hôm qua đến giờ, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi xin thêm thông tin chi tiết. Tuy nhiên, chương trình cụ thể về chuyến đi sẽ không được phổ biến cho đến khi đã có sự thống nhất từ các bên liên quan. Việc này để tránh việc phổ biến sai thông tin để rồi phải đính chính lại sau đó. Mình hy vọng rằng, mọi người sẽ tham khảo những gì mình đã đăng trên FB xem có thông tin mình cần có hay không trước khi nhắn tin đặt câu hỏi. Ngoài ra, có những điều anh chị em muốn biết mà tìm không thấy câu trả lời từ FB của mình cũng rất có thể vì mình đơn giản chưa có thông tin đó. Dù sao đi nữa thì mình sẽ cố gắng cập nhật những thông tin cần thiết nhằm phục vụ những anh chị em Việt Nam tại Thái Lan cũng như ở Việt Nam đang cùng chung niềm vui với Giáo hội Thái Lan trong sự kiện đặc biệt này.

14.9.2019

Người Việt trên đất Thái 5: Công việc “nặn” ra tiền



Những ai đã từng đi ăn tại các nhà hàng mú cả-thả (thịt nướng) tại Thái Lan có thể đã từng thấy có người vào quán chào bán những món hàng như đồ chơi trẻ con hoặc vé số tại bàn của thực khách. Những người bán hàng này thì ít khi nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Nhưng có một nhân vật có thể gây được chú ý của nhiều thực khách, đặc biệt là trẻ em, đó là người tạo hình bong bóng nghệ thuật.

Nghề nặn bong bóng để tạo thành các hình khác nhau như bông hoa, thú vật, các nhân vật hoạt hình… những năm qua đã trở thành một công việc mà có một số người Việt lao động tại Thái Lan đã theo làm. Một trong những người bước vào nghề này sớm nhất tại Thái Lan là anh Nguyễn Mạnh Hùng (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi tìm cách mưu sinh với đủ thứ công việc như phục vụ nhà hàng, may áo quần, rửa xe, giữ xe…anh Hùng đã quyết định tìm hiểu và học hỏi nghề tạo hình bong bóng sau một lần thấy có người làm công việc này tại một quán thịt nướng.

Một người khác cũng đã hành nghề nhiều năm đó là anh Nguyễn Văn Tiến (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Như anh Hùng, anh Tiến thấy người Thái hành nghề trong quán và nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, đặc biệt là các em thiếu nhi, nên anh Tiến đã liên lạc để học cách làm bong bóng.

Anh Tiến kể: “Trước đây tôi làm nghề bồi bàn và thấy người Thái họ làm nên tôi rất thích vì thấy trẻ em quấn quýt vui đùa vui vẻ. Rồi thấy khách bàn này bàn nọ kêu rất nhiều. Tôi thầm nghĩ, công việc này xem kiếm ra tiền! Từ đó tôi tìm hiểu rồi hỏi người Thái đó có dạy không. Họ bảo là có nhưng khi tôi quyết định học thì họ đem cho một bao bóng bóng, một quyển sách và một cái bơm. Họ bảo tôi trả 1.500 baht, nhưng rồi họ lại không dạy cho tôi. Tôi đành phải tự học theo sách, vừa học vừa làm công việc trông xe. Sau khi tôi học hết quyển thứ nhất, tôi đã tìm mua thêm quyển khác tại nhà sách để tiếp tục học. Khi đã học hết hai quyển sách đó là tôi quyết định bắt đầu hành nghề.”

Khi hành nghề tạo hình bóng bóng ở các quán ăn, để thu hút được sự chú ý của khách hàng, người làm, ngoài việc phải có khả năng tạo các hình mẫu đẹp và thú vị, thì còn phải hóa trang để trở thành một “chú hề bong bóng” khôi hài. Việc trang điểm mặt và mặc một bộ đồ hài hước đối với các anh chàng thanh niên có thể xem như là một sự hy sinh lớn vì công việc và nghệ thuật. “Nhiều lúc hóa trang xong nhìn vào gương, tôi cũng thấy buồn cười,” anh Hùng chia sẻ. “Có nhiều trẻ con cũng rất thích thú khi thấy mình, nhưng cũng có những bé thấy mình là sợ hải, không dám nhìn.”

Tuy trẻ em là đối tượng quan trọng trong nghề làm bong bóng, nhưng sau khi những quán phục vụ khách hàng là gia đình đóng cửa thì người làm lại tìm đến những quán rượu, quán bar, nơi đối tượng khách hàng lại là những cặp tình nhân, trai gái. Vì thế công việc bắt đầu từ sớm chiều có thể kéo dài đến nửa đêm. Thu nhập từ công việc làm bong bóng chủ yếu đến từ tiền “boa” mà khách cho tùy ý. Vì thế có khi tiền boa có thể lên đến hàng trăm baht cho một mẫu bong bóng, nhưng cũng có khi chỉ được 20 baht hoặc không được baht nào. Vào ngày cuối tuần, những người làm giỏi có thể được mời để làm “show” ở các sự kiện tại trường học, khách sạn, công viên v.v. với “cát-xê” nhỉnh hơn ngày thường.

Thời gian gần đây, số người Việt Nam hành nghề tạo hình bong bóng đã gia tăng lên hàng chục người, hầu hết do người này truyền nghề lại cho người kia. Anh Tiến cho hay đã từng dạy nghề lại cho 17 người. Một trong những “học trò” của anh Tiến là anh Nguyễn Văn Chiến (thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Anh Chiến chia sẻ, “Cách đây vài năm, trong khi đang bị thất việc lâu dài thì anh Tiến đã hứa sẽ bày cho tôi cách tạo hình bong bóng. Tôi cũng thấy công việc này thú vị nên đã lao vào học.” Hiện anh Chiến đang làm việc tại tỉnh Korat.

Số lượng người hành nghề đông hơn cũng đồng nghĩa có thêm cạnh tranh trong công ăn việc làm. Tuy nhiên, những ai làm nghề này đều chia sẻ rằng cảm thấy vui với công việc. “Tôi cảm thấy vui và không bị áp lực gì,” anh Chiến cho hay. “Và phần lớn mình làm cho trẻ em. Các em thấy vui và mình cũng vui vì kiếm được tiền từ chính tay mình làm ra.”

Anh Hùng cũng có cảm nhận tương tự: “Những sản phẩm mình làm ra luôn đem lại những niềm vui, tiếng cười cho trẻ em và hạnh phúc cho những đôi tình nhân. Điều này cũng làm cho mình biết được giá trị của công việc, nên mình càng yêu và đam mê nghề nhiều hơn.”

Đối với lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan thì sự khó khăn nhất có lẽ là sự bất hợp pháp. Vì thế, việc bắt bớ xảy ra thường xuyên đối với những người làm công việc như phục vụ nhà hàng, bán hàng ngoài đường phố, trông bãi xe, v.v. Tuy nhiên, anh Tiến cho hay từ ngày bắt đầu hành nghề tạo hình bong bóng đến nay chưa một lần bị bắt. Lý do là vì người làm bong bóng không có “bán” hàng mà chỉ nhận những số tiền mà khách tặng cho mình. Tuy nhiên, việc người làm nghề bong bóng ít bị bắt cũng có thể vì những anh cảnh sát không nở lòng nào đi còng tay một chú hề bong bóng đang mang lại nụ cười và niềm vui cho các em thiếu nhi trong những quán ăn gia đình đầm ấm.

A. Lê Đức

Gặp nhau bằng mặt




So với nhiều người khác thì mình đến với mạng xã hội không sớm lắm. Facebook chính thức được phổ biến năm 2006, nhưng mãi đến năm 2010 mình mới đăng ký tài khoản. Trước đó mình chưa hề nghe biết gì về ứng dụng mạng xã hội này hoặc các ứng dụng khác. Hè năm 2010, một tình nguyện viên người Mỹ đến giúp chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở giáo xứ mình đã khuyên mình nên sử dụng Facebook. Cô ta bảo rằng FB không chỉ là phương tiện tốt để liên lạc với người thân, kết nối với những người khác trên thế giới, mà còn có thể giúp mình để quãng bá sinh hoạt của giáo xứ cũng như tìm ân nhân cho các sinh hoạt đó. Đối với một linh mục truyền giáo đang phục vụ ở một nơi khá xa xôi vùng Đông bắc Thái lan thì những điều cô tình nguyện viên nói nghe thật hấp dẫn. Vì thế, mình đã quyết định đăng ký tài khoản cho cá nhân cũng như cho nhà thờ. Thế là từ đó cho đến nay mình đã gắn bó rất trung thành với ứng dụng mạng xã hội này.

Quả thật Facebook đã hỗ trợ một phần không nhỏ vào các sinh hoạt mục vụ của mình trong suốt 9 năm qua. Từ khi có tài khoản Facebook, mạng xã hội đã giúp mình giới thiệu hình ảnh giáo xứ mà mình từng quản nhiệm với nhiều người ở phương xa. Có lần mình tổ chức một chương trình tĩnh tâm giới trẻ tại tỉnh Nong Bua Lamphu, một tỉnh lẻ ít tai biết đến. Thế mà qua sự quãng bá trên Facebook cũng đã có một số người từ Bangkok và các tỉnh khác đến tham dự.

Facebook là phương tiện đã giúp mở rộng cánh đồng mục vụ của mình, đặc biệt đối với các bạn lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Bởi vì môi trường làm việc cũng như cuộc sốg không cho phép các bạn có điều kiện để tiếp cận với các linh mục trực tiếp, mạng xã hội trở nên phương tiện thuận lợi cho các bạn nhận được sự hỗ trợ đối với những vấn đề trong cuộc sống.

Hàng ngày mình luôn nhận được nhiều tin nhắn với các câu hỏi khác nhau. Có người muốn biết thông tin về luật pháp hoặc các vấn đề liên quan đến luật lao động, di trú. Có người nhờ dịch từ tiếng Việt qua tiếng Thái tên những căn bệnh để có thể đi khám tại bệnh viện. Có người xin được tư vấn về cuộc sống, đời sống tình cảm, gia đình… Có người xin lời khuyên đối với những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống. Và còn nhiều câu hỏi khác nữa.

Với những câu hỏi mình nhận được thì mình đáp ứng bằng nhiều cách khác nhau. Những câu hỏi nào mình có thể trả lời một cách nhanh gọn thì mình sẽ trả lời cho người đặt câu hỏi. Có những câu hỏi ngoài tầm hiểu biết của mình thì mình bảo là không biết. Có câu hỏi liên quan đến thẩm quyền của người khác để trả lời hoặc giúp đỡ thì mình giới thiệu đến các vị ấy. Và có những câu hỏi khá dài dòng, phức tạp và đòi hỏi sự tìm hiểu chi tiết về sự việc mới có thể đưa ra nhận xét thì mình xin phép không trả lời qua tin nhắn vì mình nghĩ rằng Facebook không phải là cách hiệu quả nhất trong việc trao đổi những đề tài nhạy cảm hoặc phức tạp.

Như bao nhiêu thứ khác, mọi công cụ đều có mặt trái và mặt phải. Mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Nhưng đối với mình, FB đã giúp cho mình đến được với nhiều người hơn, cho dù chỉ một cách rất hạn chế. Mình nhận thấy rằng qua không gian “an toàn” của mạng lưới, những người tìm đến mình cảm thấy mạnh dạn để chia sẻ và cởi mở tâm hồn hơn. Họ sẵn sàng chia sẻ với mình nhiều điều mà có thể sẽ không thể làm được khi đối diện trực tiếp vì ngại ngùng. Nhưng cũng rất tiếc là mình không thể nào đáp trả một cách xứng đáng trước sự cởi mở đó bởi vì không phải việc gì mình cũng có thể trao đổi qua tin nhắn.

Cuối cùng, để thật sự gặp gỡ và nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, người ta cũng cần phải đến với nhau, trực tiếp lắng nghe và nhìn vào ánh mắt của nhau chứ không phải qua mành hình. Nhưng nếu điều đó không thể xảy ra được vì điều kiện không cho phép thì mạng xã hội vẫn là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời nhất hiện nay mà chúng ta có được.

Bangkok, ngày 2.9.2019