Chuyện ngày lễ Giáng Sinh: chuyện vui chuyện buồn




Cách đây vài tháng anh Anh, nhóm trưởng của nhóm Praram III tới nói với tôi: - Thưa cha, con muốn lễ Giáng Sinh năm nay tổ chức tại nhà thờ của nhóm. Cha nghĩ sao?

Tôi trả lời: - Nếu cha linh hướng Hiệp hội đồng ý thì mình cũng tán thành thôi. Những thánh lễ lớn thời gian qua tổ chức ở nhà thờ thánh Phê-rô cũng nhiều rồi. Có lẽ bây giờ đổi địa điểm một lần cũng tốt.

Sau khi quý cha đưa ra quyết định sẽ tổ chức lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2016 tại nhà thờ thánh Giuse, nhóm Praram III, ban lãnh đạo của nhóm đã lên trình với cha xứ là cha Suphasin để xin phép tổ chức lễ cũng như xây dựng hang đá trước nhà thờ theo kiểu của người Việt Nam. Cha Suphasin đã đồng ý và tận tình hỗ trợ trong việc tổ chức lễ. Mặc dầu nhóm làm việc có ít người và ngân quỹ nhóm cũng rất hạn hẹp, nhưng cuối cùng họ đã hoàn tất được hang đá như mong muốn. Cha xứ và giáo dân người Thái cũng trầm trồ khen người Việt Nam khéo tay và làm hang đá nhìn rất tự nhiên. Cha Suphasin đầu tư cho nguyên một bộ tượng ảnh gần 30.000 baht để bỏ trong hang đá và nói rằng, bộ tượng này chỉ dành cho nhóm Việt Nam để dùng mỗi dịp lễ Giáng Sinh.

Ngày lễ Giáng Sinh với nhiều niềm vui và hân hoan cuối cùng cũng đã đến. Sáng Chúa Nhật, ngày 25, các cha và các bạn trẻ tìm đến nhà thờ thánh Giuse. Mới đầu nhìn người tham dự có vẻ thưa thớt. Khi chương trình diễn nguyện bắt đầu lúc 12g30 thì giáo dân chỉ có 1/3 nhà thờ. Nhưng càng về sau thì số người càng đông hơn. Người xếp hàng xưng tội cũng rất nhiều mà số linh mục có mặt để giải tội thì ít.

Đến giờ thánh lễ bắt đầu lúc 14g00 thì cả nhà thờ đã chật kín người và hai bên hông nhà thờ cũng không còn chỗ ngồi. Ban tổ chức ước lượng số bạn trẻ đến tham dự Thánh lễ lên đến 1.300 người. Thánh lễ diễn ra thật long trọng và sốt sắng. Từ lời dẫn lễ cho đến những lời nguyện, bài giảng, bài phát biểu của các cha và đại diện các bạn trẻ đều sâu sắc, đầy ý nghĩa và thấm đậm tinh thần của ngày lễ mừng Ngôi hai Thiên Chúa giáng trần. Ca đoàn trong Thánh lễ toàn là những người lao động đầu tắt mặt tối, chẳng có bao nhiêu thì giờ để tập tành, thế mà họ hát thật hay và thánh thót du dương. Trong Thánh lễ, do được nhắc nhở từ đầu nên không có những người có những cử chỉ thiếu trang nghiêm như chụp hình, quay phim, hoặc đi ra đi vào giữa thánh lễ. Đặc biệt đến giờ rước lễ thì số người lên rước Mình Thánh Chúa rất đông, và dường như không có trường hợp những người không rước lễ ra ngoài nhà thờ đứng trò chuyện hoặc hút thuốc một cách bất kính.

Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh kết thúc với nghi thứ hôn chân Chúa Hài Đồng. Sau đó, mọi  người ra trước nhà thờ để chụp hình lưu niệm, dùng thức ăn nhẹ, và gặp gỡ trò chuyện với nhau một cách thân tình. Niềm vui Giáng Sinh đang dâng tràn với nhiều cái bắt tay, những cái ôm, những câu chào thăm hỏi thì bổng nhiên từ phía nhà vệ sinh nam có một vụ xô xát và đánh nhau xảy ra. Số người tham gia cuộc đập lộn lên tới 5-6 người, cả nam lẫn nữ.

Khi có người đến nói cho tôi hay thì việc đập nhau đã chấm dứt. Một vài người tham gia đã ra khỏi nhà thờ. Người còn lại thì đang chảy máu vị bị những quả đấm vào mặt. Tôi hỏi chuyện thì biết lý do đánh nhà là do mâu thuẩn xảy ra cách đây đã hai năm. Nhưng giờ gặp nhau ở nhà thờ, gặp nhau sau Thánh lễ Giáng Sinh, một bên vẫn chưa hết bực tức nên đã giải quyết bằng bạo lực ngay tại chỗ.

Cha xứ người Thái, nhân viên nhà thờ, giáo dân người Việt đã chứng kiến toàn bộ sự ẩu đả xảy ra ngay bên ngoài nhà thờ. Mọi người đều không thể tin nổi có thể có sự việc như thế xảy ra ngay sau thánh lễ.

Nhân viên bảo vệ nhà thờ nói, “Tại sao người Việt có thể đập nhau trong ngày mừng lễ Chúa sinh ra?”

Cha Suphasin nói, “Tổ chức lễ có đông người Việt là sợ có đập nhau như thế này.”

Người trong cuộc là người khởi chiến trước thì nói: “Cha phải thông cảm cho con vì con tức quá.”  

Còn anh Anh, trưởng nhóm Praram 3 thì nói một cách buồn bả: “Thánh lễ vừa mới xong một cách tốt đẹp, chưa kịp mừng thì đã có chuyện. Không biết từ này trở đi cha xứ và giáo dân người Thái sẽ nhìn nhóm người Việt ở đây như thế nào?”  

Thế là tất cả công sức của các cha, sự đóng góp của các nhóm bạn trẻ, sự hy sinh vất vả của nhóm Praram 3 để có một ngày lễ Giáng Sinh long trọng, vui tươi, thánh ân cho mọi người bổng đã bị đổ vở chỉ vì ai đó không thể kiềm chế nổi cảm xúc của mình. Họ không hề nghĩ rằng cái nhu cầu ích kỷ cá nhân của họ sẽ gây tổn thương gì đến cho những người đã lao nhọc để tổ chức Thánh lễ, hay sẽ để lại tai tiếng gì cho Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan khi phải đối phó với những trách móc và chỉ trích đến từ các linh mục và giáo dân bản xứ.

Đến bay giờ mình đang chờ những người trong cuộc đến để nói lời xin lỗi đối với các cha, đặc biệt là cha xứ Thái Lan. Có người hứa sau Tết dương lịch sẽ lên, có người liên lạc những không thấy trả lời. Mình sẽ chờ xem họ có ý thức về những việc họ làm và có động thái nào để chịu trách nhiệm cho hành động của mình hay không? Một điều tôi chắc chắn là hậu quả của vụ đánh lộn này sẽ còn tồn tại rất dài trong trí nhớ của các linh mục và giáo dân Thái Lan. Không chỉ ở nhà thờ này mà khắp giáo phận Bangkok và các giáo phận lân cận người ta sẽ biết về chuyện này. Và 10 năm sau họ sẽ vẫn còn nhớ và đem ra mổ xẻ khi nhận định về đạo đức của người Việt Nam.

Bangkok, ngày 30.12.2016

Giáng Sinh thứ 10 trên đất Thái




Thế là đã 10 mùa Giáng Sinh trên đất Thái chia đều ở hai nơi, 5 mùa ở Bangkok và 5 mùa ở tỉnh Nong Bua Lamphu, vùng đông bắc Thái Lan. Giáng Sinh ở Thái Lan vốn đã không nhộn nhịp như những nơi khác trên thế giới năm này lại có phần trầm lắng hơn vì người Thái đang trong thời gian để tang vương quốc vừa mới băng hà cách đây hơn hai tháng, nên việc trang hoàng các đường phố và trung tâm mua sắm rực rở như mọi năm thì năm này đã giảm bớt rất nhiều. Có nhiều nơi bình thường người ta bắt đầu trang hoàng từ tháng 11 năm này chẳng có một tí không khi Giáng Sinh nào hết. Thậm chí các nhà thờ Công giáo cũng đồng lòng là sẽ hạn chế những sinh hoạt nhộn nhịp trong khuân viên nhà thờ trong đêm Giáng Sinh để giữ tinh thần tưởng nhớ vị vua chung trên toàn đất nước. Bình thường ở Thái Lan trong đêm Giáng Sinh thì đi ra đường không mấy có không khí ngày lễ nhưng ít nhất khi đến nhà thờ thì sẽ thấy có hang đá và những sinh hoạt vui nhộn để mừng Chúa xuống thế. Nhưng năm nay các nhà thờ hầu hết chỉ tổ chức Thánh lễ hoặc có thêm phần hoạt cảnh Giáng Sinh, nhưng sẽ không có tổ chức những sinh hoạt mang tính lễ hội.

Cảnh vật bên ngoài là thế, nhưng điều đó không có nghĩa mình không thể tạo cho mình niềm vui Giáng Sinh riêng như tổ chức liên hoan với những người thân quen, trang trí không gian trong nhà để có không khí của ngày lễ. Vì thế  mình vẫn có cây thông, vẫn treo những ngồi sao Giáng sinh trước nhà, và mở những bài thánh ca Giáng Sinh để lắng nghe và hòa mình vào tinh thần của mùa hồng ân. Niềm vui Giáng Sinh bắt nguồn từ chính trong tâm hồn của từng người nên mình luôn cảm nhận được niềm vui cho dù là Giáng Sinh giá rét đầy tuyết ở bắc Mỹ, Giáng Sinh nhộn nhịp ở Sài Gòn, Giáng Sinh nóng bức ở Úc châu, hay là Giáng Sinh trầm lắng ở Thái Lan. Đó là những nơi mình đã đón Giáng Sinh và chưa bao giờ có một Giáng Sinh buồn. Không có Giáng Sinh buồn vì bên cạnh mình luôn có gia đình hoặc những người thân thương, bạn hữu khiến cho ngày lễ luôn ấm áp tình người và thấm đậm tình Chúa.

Giáng Sinh là một dịp nhắc nhở mình rằng khi ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa nhau thì lòng của mình luôn tràn ngập bình an và yêu thương, yêu thương dành cho Chúa và cho nhân loại. Mỗi Giáng sinh giúp cho ta nhận ra sự khác biệt giữa một cuộc sống không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và một cuộc sống có Chúa rất gần gũi với chúng ta—một Thiên Chúa hiền lành như một em bé mà ta có thể bồng bế trong tay, một Thiên Chúa khiêm nhường như một hài nhi sinh ra trong hang lừa máng cỏ đơn sơ nghèo hèn, một Thiên Chúa cảm thông đến nỗi sẵn sàng mang thân phận con người để cùng đồng hành với chúng ta trong những nỗi vui buồn của cuộc sống. Dịp lễ Giáng Sinh nhắc nhở cho mỗi người giữa hai sự lựa chọn – chọn có Chúa hoặc chọn không có Chúa trong cuộc sống. Cụ thể hơn, đó là chọn giữa sự bình an hay sự bon chen trong cách sống, chọn giữa sự tử tế hay sự lừa đảo, mưu kế trong cách đối nhân sử thế, và chọn giữa một tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ hay một tấm lòng ích kỷ, hẹp hòi trước những nỗi đau của người khác. Vì thế Giáng Sinh không phải là một ngày lễ hội để vui chơi thỏa thuê mà là một cơ hội để cho mọi người xác định lại với bản thân thái độ và cách sống của chính mình sẽ như thế nào không chỉ trong dịp lễ mà trong mỗi ngày của cuộc sống.

Bangkok, ngày 24.12.2016

Cảm nhận từ một chuyến đi




Cuối cùng mình cũng đã hoàn tất chương trình kêu gọi hỗ trợ đồng bào ở vùng lũ lụt Miền Trung và cùng với đoàn làm việc đi đến tận nơi để trao những món quà tinh thần và vật chất cho những người thiếu may mắn ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sau khi mọi thứ đã hoàn tất, mình có một số cảm nhận về những gì đã xảy ra trong suốt hơn một tháng qua từ khi chương trình được khởi xướng cho đến khi món quà cuối cùng được trao cho các nạn nhân của thiên/nhân tai.

1) Sự chia sẻ trong hoàn cảnh thiếu thốn luôn mang rất nhiều ý nghĩa. Những đóng góp nhỏ bé của quý anh chị em lao động di dân và những bạn sinh viên Việt Nam tại Thái Lan là sự chia sẻ trong thiếu thốn chứ không phải là dư giả. Thời gian qua kinh tế Thái Lan đang ì ạch, vương quốc băng hà, người dân Thái không có tinh thần và điều kiện để tiêu sài như trước đây. Những người lao động Việt Nam tại Thái Lan, đặc biệt là những người làm việc phục vụ trong nhà hàng quán ăn vì thế cũng mất thu nhập theo. Nhưng khi được kêu gọi đóng góp, nhiều người đã hy sinh một ít tiền lương tháng để gởi về cho đồng bào Miền Trung. Một trong những người đầu tiên đóng góp là một bạn trẻ người lương, cũng là người đã trực tiếp viết bài lên trang Facebook của mình đề nghị mình thay mặt người Việt tại Thái Lan giúp đỡ đồng bào lũ lụt. Số tiền bạn ấy gởi tới là 2.000 baht, 1/5 tiền thu nhập hàng tháng của đa số những người lao động tại Thái Lan . Cũng có những người chỉ đóng góp vài trăm baht, nhưng số tiền ít không phản ảnh tấm lòng mà những người con xa xứ dành cho quê hương và đồng bào.

2) Trong khổ cực người ta vẫn có thể cười rất tươi. Đó là cảm nhận của mình khi gặp gỡ những con người đang trải qua vô vàn vất vả vì tai họa do thiên nhiên và con người gây ra. Khi tới những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề tưởng chừng ta sẽ gặp những người mặt mày u buồn, sầu não trong sự khốn cùng. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Có khách đến họ vẫn tươi cười chào đón, thăm hỏi, và cảm ơn lòng hảo tâm của những người trong đoàn cũng như hàng ngìn tấm lòng mà đoàn là đại diện cho những tấm lòng đó. Bất kể người già hay trẻ em, mỗi khi cha Hùng làm những màn ảo thuật cho họ xem thì trên khuôn mặt đều rạng rở và phấn khởi trước những động tác tuy đởn giản nhưng lạ thường của ngài. Đến với vùng lũ lụt, mình đã thấy nhiều nụ cười hơn nước mắt. Họ cười không phải vì nhận được những món quà, không phải vì được gặp gỡ đoàn từ thiện, mà cười vì đó là “vũ khí” tinh thần để chống cự lại nỗi thất vọng, sự gian nan khó nhọc, và sự kiệt quệ trong tinh thần lẫn thể xác. Khi đã mất mát quá nhiều, khi đã khóc khô nước mắt, thì cái còn lại cho những con người có tinh thần và ý chí siêu việt luôn là một nụ cười rạng rở như một thách đố đối với những thứ đang đe dọa làm suy sụp đời sống của mình.

3) Vùng lũ lụt là một vùng thật đẹp. Khi không bị nước sông dâng tràn ngập bờ, cuốn đi của cải mùa màng của người dân, khi người ta không xả lũ bất ngờ khiến người dân chỉ kịp bỏ chạy để duy trì mạng sống thì vùng này có quang cảnh thật tuyệt vời. Ở đây có thể là những nơi làm du lịch sinh thái, là những điểm nghỉ ngơi cho những ai muốn xã stress do cuộc sống và công việc, là những nơi xây dựng những trung tâm tĩnh tâm hoặc thiền viện thật lý tưởng. Và khi dòng sông không bị ô nhiễm bởi những thứ chất độc hại gây thiệt hại cho hệ thống môi sinh thì nó là nguồn mưu sinh vô cùng quan trọng cho người dân ở đây. Nhưng tiếc thay nơi đây người dân vẫn cứ nghèo, và mỗi khi có mưa bão, lũ lụt thì người ta phải làm những công tác cứu trợ để giúp đỡ những đồng bào lâm nguy. Không ai có thể làm ngơ khi nhìn thấy cảnh những cụ già phải ngồi trên trần nhà để tránh lũ, hay cảnh những con vật gia súc là nguồn kinh tế của người dân nằm chết la liệt, hay cảnh cây cối mùa màng hoàn toàn bị hư hại do bị dòng lũ cuốn đi. Tuy nhiên, người đi làm cứu trợ không thể đến đây mà không đặt câu hỏi: “Tại sao ở một vùng đất nước có cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt vời thế mà người dân phải luôn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu đủ bề?”

4) Một người làm từ thiện phải vô cùng thận trọng trong hành đồng và cung cách của mình. Biết là người dân ở đó đang nghèo khổ, họ rất trông chờ vào những khoản tiền mà những nhà hảo tâm giúp đỡ, và họ biết ơn sự chia sẻ của những người có lòng tốt đối với họ, nhưng lời nói, thái độ, và cách thức trao tặng những món quà đó cũng là điều mà người làm từ thiện phải chú tâm để không gây tổn thương đến nhân phẩm và lòng tự trọng của người nhận quà. Và bên cạnh món quà vật chất mà người từ thiện mang đến cho họ thì còn có món quà tinh thần, là một lời động viên, một câu nói chia sẻ và thông cảm, một cử chỉ thân thiện để nối kết tình người. Mình vẫn còn nhớ những cái nắm tay thật chặt của những cụ già yếu ớt mà mình tới thăm hỏi, hay những nụ cười thật tươi trên khuôn mặt của những con người đã mất mát thật nhiều. Dù họ có nghèo khó hay yêu đuối thì đến với họ điều mỗi người làm công tác từ thiện cần phải nhắc nhở chính mình là phải luôn tôn trọng người khác và không làm hay nói bất cứ điều gì tổn thương đến nhân phẩm của họ. Một món quà thật lớn có thể trở nên vô giá trị nếu nó được trao bằng thái độ coi thường và khinh khi người khác. Ngược lại một món quà nhỏ bé có thể trở nên lớn lao khi nó gói ghém tình yêu và sự chia sẻ nhiệt thành từ người trao tặng.

5) Cho và nhận luôn đi kèm với nhau. Nó đã trở thành một quý tắc hiển nhiên trong mối tương quan giữa con người với con người. Cho thật sự, cho với một tâm tình chân thành thì chắc chắn người cho sẽ nhận lại gì đó. Ta không nên quá bất ngờ với điều này. Ai cho mà không cảm thấy mình đã nhận được bất cứ điều gì nên xem xét lại và chất vấn chính mình về cách cho của mình. Phải chăng mình đã cho một cách hời hợt, thiếu tự nguyện, hay cho không phải vì lòng bác ái mà vì một mục đích nào khác? Bản thân mình đã nhận được rất nhiều từ hoạt động từ thiện vừa qua, bắt đầu từ lúc kêu gọi đóng góp cho đến khi chính tay trao những món quà cho đồng bào vùng lũ lụt. Rất khó để mình có thể xác định cái mình đã nhận được là gì. Nhưng một điều mình tin rằng mình đã trở nên một con người tốt hơn vì những gì mình đã làm. Biết cho đi và hy sinh là một cách để cải thiện bản thân, để thăng tiến trong đức hạnh và trở nên một con người nhân văn và nhân đạo hơn. Một con người tốt luôn làm những điều không chỉ mang đến sự hửu ích cho người khác mà còn cho chính mình nữa. Một người biết tập cho, và cho một cách đúng đắn, chắc chắn sẽ nhận lại được điều gì đó cho chính mình. Vì thế đừng có sợ cho đi rồi phải gánh chịu mất mát hay thiệt thòi. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu hành động cho đi xuất phát từ một tấm lòng nhân ái.

Chương trình kêu gọi đóng góp đã kết thúc. Giờ đây mình trở lại với công việc hằng ngày—dạy học, soạn giáo án, chấm bài, nghiên cứu, viết lách, việc mục vụ cho anh chị em di dân tại Thái Lan—những công việc không mấy liên quan đến những gì đang xảy ra ở Miền Trung. Như bao nhiêu người khác, mình đến vùng lũ lụt, làm công tác từ thiện, rồi lại đi. Nhưng khi nghĩ lại số phận của bao nhiêu đồng bào ở đó mình cũng không thể không một chút chạnh lòng. Nhận món quà nhỏ bé xong, họ vẫn nghèo, vẫn khổ, vẫn cực, vẫn sẽ phải chống chọi với lũ trong tương lai. Khi nào, mình tự hỏi, người dân ở đó mới hết khó nhọc vì thiên tai, điêu đứng vì nhân tai? Hay việc cứu trợ sẽ còn phải diễn ra dài dài mỗi năm mùa mưa mùa lũ trở về trên dải đất Miền Trung?

Ngày 24.11.2016 (Lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam)

Hành Trình Về Thăm Anh Chị Em Nạn Nhân Vùng Lũ Lụt (Chặng thứ bốn)


Sau hai ngày thăm viếng cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt tại Quảng Bình, hôm nay đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình “kết nối yêu thương” với anh chị em nạn nhân lũ lụt tại xã Kỳ Lạc, Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Đây là địa bàn vùng núi xa xôi của miền sơn cước, giáp với biên giới Việt – Lào.

Qua Cha J.B Cao Đình Hải (quản xứ Xuân Sơn), chúng tôi biết được nhiều khó khăn hiện tại của bà con lương giáo nơi đây. Vì sống trong vùng núi xa xôi, địa bàn rộng nhưng người thưa thớt nên thiếu thốn rất nhiều mặt trong cuộc sống hằng ngày, như điện, nước, phương tiên truyền thông đại chúng… Nghề ngiệp chính của họ là trồng rừng, làm gỗ, chăn nuôi… Những trận lũ vừa qua đã làm cho hàng ngàn hecta vùng trồng cây công nghiệp như keo, bạch đàn… bị ngã gãy hoặc bật gốc. Thế là bao nhiêu tài sản công sức trồng trọt đã đi theo dòng nước lũ. Phải mất rất lâu hoặc nhiều tiền bạc mới có thể trồng lại những cánh rừng này.

Khi nghe tin chúng tôi đến, bà con háo hức vui mừng và đã chờ đón. Gặp họ, những con người đơn sơ, thân thiện, những gương mặt khắc khổ vì nắng gió mưa bão sao mà thấy thương cảm. Cha Anthony Lê Đức và Cha John Lê Hùng, SVD, gặp gỡ, chia sẻ, an ủi và động viên bà con. Ai nấy cũng vui vẻ tươi cười thân thiện, dù cuộc sống có nhiều khó khăn. Thiết nghĩ những cuộc gặp gỡ như thế này thật quý bao nhiêu, vì đây là cơ hôi để chúng tôi biết, hiểu và thương cảm với đồng loại mình và là dịp để bà con cảm nhận rằng dù khó khăn, vất vả nhưng họ không cô đơn, lẻ loi mà luôn có Thiên Chúa và anh em đồng loại bên mình.

Sau nhừng giờ phút nói chuyện và trao nhau niềm vui, chúng tôi trao gửi tận tay bà con số tiền mà quý ân nhân đã quyên góp. Của ít lòng nhiều, ai cũng vui vẻ với sự biết ơn.

Đến với bà con vùng lũ nơi đây, dù chúng tôi không giúp họ trồng lại những rừng cây, hay có thể giúp đời sống của họ khá giả hơn nhưng trong tình tương thân tương ái phần nào giúp họ vơi bớt nỗi đau, nỗi buồn trong cuộc sống. Để rồi cùng giúp nhau sống tốt hơn và can đảm vượt qua mọi khó khăn.

Chia tay nhau trong niềm vui và biết ơn, chúng tôi có thêm kỷ niệm trân quý nơi miền rừng núi này. Kết thúc chặng thứ bốn của hành trình nối kết yêu thương vói anh chị em nạn nhân vùng lũ lụt. Tạ ơn Thiên Chúa, tri ân những tấm lòng vàng của quý anh chị em đã rộng tay quyên góp, cảm ơn các Cha và anh chị em đã nhiệt tình đồng hành với chúng tôi. Ra về với hy vọng những niềm vui và tình người luôn ở lại với nhau. Nguyện xin tình yêu và bình an củaThiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Hà Tĩnh, ngày 21.11.2016

Hành trình đi thăm Anh chị em nạn nhân vùng lũ lụt (chặng thứ ba)


Hôm nay là ngày thứ ba của đoàn chúng tôi đến với anh chị em nạn nhân vùng lũ lụt. Hai ngày qua chúng tôi đến với bà con lương dân và giáo dân tại Hương Khê - Hà Tĩnh và xã Đồng Hoá - Quảng Bình. Chúng tôi đã gặp gỡ, động viên và trao gửi những phần quà mà quý ân nhân đã quyên góp cho nhiều nạn nhân. Đó là hai chặng của hành trình mà quý vị đã biết qua thông tin trên Facebook.

Sáng hôm nay, chúng tôi tiếp tục hành trình kết nối yêu thương, chia sẻ nỗi đau với bà con tại các xã: Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Hoà thuộc tỉnh Quảng Bình. Đi về phía thị xã Ba Đồn, vẫn trên dòng sông Gianh chúng tôi đến gặp gỡ và chia sẻ những mất mát với bà con quanh dòng sông.

Đầu tiên, chúng tôi đi đến Khu vực giáo xứ Liên Hoà, xã Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cũng như hôm qua, chúng tôi phải đi thuyền mới đến được những nơi này. Nơi đây, hoàn toàn độc lập với những làng chung quanh. Không có chiếc cầu nào, đã bao đời nay luôn phải di chuyển bằng thuyền. Giao thông cách trở vì thế rất khó khăn để giao lưu buôn bán hay có thể đi lại sinh hoạt hằng ngày. Phải nói rằng người dân nơi đây đã nghèo lại càng khốn khổ. Trước đây, nghề nghiệp chính của bà con là ngư nghiệp, dòng sông Gianh như là nguồn lực kinh tế chính cho họ. Thế nhưng thảm hoạ của Formosa đã làm cho họ mất hết công ăn việc làm, những chiếc thuyền giờ vẫn neo đậu bến quê hay cá đánh bắt được không ai mua, những hải sản khác cũng chỉ đáng giá vài đồng ít ỏi. Thêm vào đó là những trận lũ hoành hành vừa qua, khiến cuộc sống của bà con lao đao trăm chiều. Thật không thể kể hết những khó nhọc, nghèo đói của họ.

Bước vào làng, ai trong chúng tôi cũng ngỡ ngàng trước cảnh tan hoang, ngổn ngang sau cơn lũ lụt. Cây cối nghiêng ngã, hàng rào xiêu vẹo, nhà cửa liêu xiêu, bùn đất nhầy nhụa...vẫn còn đó. Những đôi chân trần, đôi tay gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ vẫn còn dấu vết của của bão lụt. Tất cả đều là bằng chứng của mùa mưa bão.

Sau khi được thầy Nhạc đồng hành đoàn chúng tôi đã đến gặp trực tiếp một số anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, người già neo đơn, người bệnh hiểm nghèo... cùng nói chuyện, an ủi và trao tận tay số tiền mà quý ân nhân đã gửi cho họ.

Sau khi đến thăm ông bà, anh chị em thuộc xã Quảng Trung, chúng tôi trở lại con đò thân thương trên dòng sông Gianh để về với nạn nhân lũ lụt thuộc xứ Cồn Nâm, xã Quảng Minh, Quảng Trạch. Cũng như những bà con sống quanh sông Gianh, tại đây bị cách trở vì không có cây cầu nào, dân phải đi lại bằng thuyền quanh năm. Vì thế có muôn vàn khó khăn trong đời sống hằng ngày của bà con nơi đây. Cũng là những dáng người gầy gòm ấy, những gương mặt khắc khổ hằn vết nắng mưa, đã chịu đựng bao mùa mưa bão. Dù thế khi có các Cha cùng đoàn cứu trợ đến, ai nấy cũng đều vui trong tình người, tình Chúa. Để rồi biết rằng: là con người, chúng ta không cô đơn , không lẻ loi, vì chúng ta là anh chị em một nhà, đồng hành, chia sớt với nhau khi vui cũng như lúc buồn; như lời của Cha John Lê Hùng,SVD chia sẻ. Cùng đi với đoàn chúng tôi có Cha Đại và một số chị em từ Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên họ về Miền Trung, họ chia sẻ rằng không thể nào nói nên lời vì rằng có qua nhiều anh chị em nghèo khổ đang cần đến những tấm lòng hảo tâm. Chia tay bà con nơi đây trong sự biết ơn và thương cảm, cả chúng tôi và họ vừa vui vừa buồn. Vui vì gặp gỡ nhau trong tình thân ái để chia sẻ với nhau. Buồn vì biết bao đau khổ mà trong thế kỷ hiện đại này anh chị em đang phải gồng mình gánh chịu...

Tiếp tục hành trình ấy, chúng tôi đến với người dân tại Quảng Hoà, thuộc xã Ba Đồn, Quảng Bình. Đây cũng là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề của lũ lụt. Như Cha Micae Hoàng Xuân Hường (quản Hạt Hoà Ninh) chia sẻ: Quảng Bình có 17 giáo xứ ngập trong nước. Khi nước lũ dâng cao, người dân phỉa leo lên mái nhà hoặc những nơi cao khác để không bị chết đuối. ''Trâu bò và tài sản của họ bị cuốn trôi. Cha Hường nói: chúng tôi phải mở cửa nhà thờ để cho 500 người và 100 gia súc trú ẩn.''
Giờ thì nước lũ đã rút nhưng người dân vẫn còn trong hoàn cảnh khó khăn, vì không có điện, nước sạch và thực phẩm nhu yếu. Chưa ổn định được để làm ăn...

Biết là thế, khổ đau như vậy, nhưng bà con luôn sống tinh thần vui vẻ trong đời sống đạo cũng như sinh hoạt hằng ngày của công dân.

Đoàn chúng tôi đến gặp gỡ một số ông bà, anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, bệnh tật, neo đơn,nhiều người mang bệnh hiểm nghèo như tâm thần, khuyết thị, tàn tật...... và trao gửi những tâm tư yêu thương, những chút quà nho nhỏ nhưng ấm đậm tình người...

Trong tình tương thân, tương ái gặp gỡ anh chị em trong vùng lũ lụt, chúng tôi muốn góp phần nào đó để cùng với anh chị em, giúp nạn nhân lũ lụt và nghèo khổ can đảm vượt qua số phận và chấp nhận thương đau trong Đức Ki tô để cùng nhau hướng tới một cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Để rồi trong sâu thẳm trái tim chúng tôi muốn nói với các bạn rằng:

Vùng quê nghèo chịu bao tang tóc
Biết bao người khóc lóc khổ đau
Chúng ta, nào hãy cùng nhau
Chung tay chia sẻ nỗi đau đớn này!
Hỡi bạn bè trong ngoài đất nước
Xiết chặt tay đoàn kết bên nhau
Cùng chia sẻ bớt nổi đau
Điều hạnh phúc nhất có nhau lúc này
Miền Trung-khúc ruột của ta ơi
Tấm lòng cứu trợ ở khắp nơi
Chở theo đầy ắp tình thương mến
Khắc phục phần nào nỗi khổ đau
Khó khăn cố gắng vượt qua
Mưa giông, bão nỗi, ắt rồi sẽ tan.

Quảng Bình, ngày 20.11.2016

Hành Trình Về Thăm Anh Chị Em Nạn Nhân Vùng Lũ Lụt (Chặng thứ hai)



Lũ đi rồi để lại cái chi?
Chẳng còn gì ngoài nỗi xót xa
Phận người trong lũ anh em ta
Đang chờ cơm áo nghĩa tình thương yêu.

Tiếp nối hành trình yêu thương, với tâm tình: “kết nối yêu thương” để “sống cùng, sống với và sống cho mọi người”, hôm nay đoàn chúng tôi đến với bà con thuộc xã Đồng Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình. Đây cũng là một trong những nơi bị thiệt hại nặng trong những cơn lũ vừa qua.

Hôm nay, đoàn chúng tôi có thêm Cha Antôn Bùi Quang Đại và một số anh chị em từ Hoa Kỳ và Thái Lan cùng đi. Mặc dù ở xa và có nhiều công việc khác, nhưng khi biết tin cha Đại và anh chi em đã rất muốn được đến để tận mắt thấy những nỗi đau của người dân nơi đây. Bà con nơi đây rất nghèo vì không có công ăn việc làm ổn định và hàng năm luôn gánh chịu hậu quả của hạn hán và lũ lụt. Vùng đất này như là một chảo lửa vào mùa hè và là rốn lũ vào mùa mưa.

Qua Cha Giuse Trần Chính Trực (quản xứ Tân Hội – Quảng Bình), đoàn chúng tôi đến gặp một số gia đình và những địa điểm bị thiệt hại nặng trong vùng. Nơi đây có dòng sông Gianh chảy qua. Đây là một dòng sông nổi tiếng. Là một dòng sông hiền hòa, thơ mộng khi bình thường nhưng nó cũng trở nên nguy hiểm, dữ dội vào mùa mưa lũ. Như những trận lũ vừa qua, mực nước của dòng sông này dâng cao tới gần 10m! những ngôi nhà gần sông bị ngập tới mái nhà. Những dòng nước lũ dữ dội khi chảy qua, nó cuốn đi tất cả những gì có thể, như thuyền, nhà cửa, đồ dùng, súc vật, thậm chí còn gây chết người… và sau khi dòng lũ đi qua thì chỉ còn lại những bãi đất hoang, hoa màu tất tưởi, nhà của tan hoang, cây cối nghiêng ngã, rác rưởi ngổn ngang… và để lại “cái nghèo bền vững” cho bà con nơi đây. Bởi vì sau những trận lũ này, phải rất lâu người dân mới ổn định để sản xuất hoa màu hoặc làm những việc khác. Nếu như không kịp vận chuyển hoặc giữ lại đồ đạc thì chỉ trong chốc lát mọi thứ đều cuốn theo dòng nước lũ. Vậy là đã nghèo nay họ lại trắng tay!

Có đến đây mới thấy được cái nghèo đói và đau khổ của người dân nơi đây. Nhiều gia đình không có đất đai, ruộng vườn, họ sống lênh đênh trên dòng sông Gianh, trên những lồng nuôi cá hoặc thuyền. Chỉ trên chiếc thuyền ấy, ngày ngày thả lưới giăng câu đánh bắt cá, ăn uống ngủ nghỉ… kiếm được ít tiền sống qua ngày, con cái không được đi học…Ôi! Không thể kể hết cái khổ của họ. Chúng tôi đi trên một chiếc thuyền để đến với những gia đình này và trao tận tay tiền quyên góp của quý ân nhân.

Đoàn chúng tôi lên bờ tiếp tục tới thăm những gia đình khác. Trong tình yêu thương, chúng tôi chia sẻ với họ những phần quà, thăm hỏi và động viên anh chị em lương dân cũng như giáo dân. Quả thật, những con người nơi đây thật rất đơn sơ, thật thà, chân quê, mến khách. Dù nghèo, vất vả và vừa trải qua bao ngổn ngang của mùa mưa lũ, nhưng họ vẫn vui và chân tình.

Lên bờ rồi lại xuống xuyền, cứ như thế chúng tôi đến được bốn địa điểm quanh dòng sông Gianh. Vì địa bàn ở đây cách trở sông nước, núi đồi nên chúng tôi phải đi bằng thuyền. Đi bằng thuyền thì rất thích thú vì được ngắm cảnh sông núi hùng vĩ và hữu tình nhưng cũng mất rất nhiều thời gian. Nhưng điều này giúp chúng tôi hiểu rằng người dận nơi đây họ vất và và phải chịu khó, chịu khổ như thế nào khi quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông nước và thiếu phương tiện đi lại cũng như giao thông cách trở. Như Cha Trực cho chúng tôi biết: bà con nơi đây lương cũng như giáo, không chỉ thiếu thốn, nghèo khổ về vật chất mà còn có nhiều vất vả và phức tạp trong đời sống tinh thần, hay nhiều khó khăn khác trong sinh hoạt Kitô giáo.

Hoàng hôn xuống, bóng tối bắt đầu bao trùm, lúc 18h, chúng tôi trên chiếc thuyền ấy ngược dòng sông Gianh trở về điểm xuất phát. Thả hồn theo cơn gió se lạnh, lắng nghe tiếng nước chảy, cảm nhận những âm thanh núi rừng trong cảm xúc bồng bềnh, chúng tôi thấy vui và xúc động. Vui vì được đến với anh chị em của mình, vì được phần nào làm dịu bơt nỗi đau mất mát của bà con vùng lũ này. Xúc động vì thấy và biết rằng quanh ta còn có nhiều người nghèo khổ, gian nan.

Trở về nhà thờ xứ Tân Hội, chưa kịp dùng cơm tối, chúng tôi vội vàng đi tới giáo họ Đồng Lào để hiệp dâng Thánh lễ Chúa Nhật. Cha Anthony Lê Đức, Cha John Lê Hùng, Cha Anthony Bùi Quang Đại và Cha Giuse Trần Chính Trực (quản xứ Tân Hội) đã cùng nhau hiệp dâng thánh lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho nhau, quý cha đã đến như sự hiện diện của Đức Kitô bên người nghèo khổ. Để mang đến một thông điệp rằng trong hoàn cảnh nào đi nữa Thiên Chúa luôn là Tình Yêu. Ngài là Vua của Vũ Trụ, Vua của các vua, một Vị Vua nhân từ với chúng ta.

Sau Thánh lễ Cha con chúng tôi và anh chị em giáo dân quay quần bên nhau trong nhà nguyện nhỏ nhưng mà ấm cúng hạnh phúc làm sao! Ai nấy cũng tươi cười thân thiết như đã quen biết nhau từ lâu. Cha Lê Hùng đã giúp anh chị em có thêm niềm vui bằng những trò ảo thuật. Với tài lẻ và khiếu hài hước của mình Cha đã mang lại nhiều niềm vui khác nữa cho mọi người, và Cha chia sẻ rằng: dù trong hoàn cảnh nào, dù chúng ta đang vất vả, nghèo khổ nhưng hãy vui luôn trong Chúa, hãy vui để xua tan mệt mỏi của cuộc đời.

Chia tay nhau, chúng tôi trở về dùng cơm tối lúc gần 22h. Dù vậy chúng tôi không cảm thấy đói chút nào vì đã no tình người!

Thật sự chặng thứ hai của hành trình đến với anh chị em vùng lũ lụt tại Xã Đồng Hóa-Quảng Bình là một chuỗi nghẹn ngào xúc động với nhiều cảm nghiệm sâu xa. Tạ ơn Thiên Chúa, xin chân thành tri ân những tấm lòng thơm thảo của hết thảy quí vị đã quyên góp phần mình cho anh chị em vùng lũ lụt. Nguyện xin tình yêu và bình an củaThiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Quảng Bình, ngày 19.11.2016

Hành Trình Về Thăm Anh Chị Em Nạn Nhân Vùng Lũ Lụt (Chặng thứ nhất)


“Nước lũ không dập tắt dập tắt được tình yêu”

Như mọi người đã biết thời gian qua, dải đất Miền Trung Việt Nam hứng chịu những trận lũ lụt rất lớn, đặc biệt là tại Hương Khê, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thiên tai thì ít mà nhân tai thì nhiều. Bà con tại đây đã phải oằn mình gánh chịu nhiều vất vả trong thời gian qua. Thiệt hại cả tinh thần lẫn vật chất rất nặng nề. Lũ chồng lũ, nỗi đau chồng nỗi đau.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, sau bao nhiêu ngày tháng thao thức và quyên góp của anh chị em Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan cũng như nhiều nhà hảo tâm tại Mỹ, Việt Nam, Âu châu... nay những món quà tinh thần và vật chất đó đã đến tận tay nạn nhân lũ lụt, cụ thể là anh chị em lương dân và giáo dân tại các xã Hương Trạch, Hương Đô và Phương Mỹ thuộc huyện Hương Khê – Hà Tĩnh. Đây là một trong những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong hai trận lũ lụt vừa qua.

Hành trình này đã được Cha Anthony Lê Đức, SVD và Cha John Lê Hùng, SVD và một số anh em đại diện cho mọi người hảo tâm đã đóng góp về gặp gỡ trực tiếp và trao tận tay các món quà cho nạn nhân lũ lụt.

Tạ ơn Thiên Chúa! Cảm ơn mọi anh chị em hảo tâm. Thật là một hành trình đầy tình yêu và tình người. Không thể không rung động khi đến và tận mắt chứng kiến những thiệt hại nặng nề, những vất vả,những nỗi đau mà bà con ở đây đã và đang gánh chịu. Khi chúng tôi đến xã Hương Trạch – nơi đây, những vườn bưởi là thu nhập chính, bây giờ đã tan hoang. Một số bà con chỉ còn biết đứng nhìn và chảy nước mắt khi những cây bưởi bật hết cả gốc rễ nằm ngổn ngang, tất tưởi! và bao nhiêu cái khác đã cuốn trôi theo dòng lũ. Dù không thể giúp họ trồng lại những cây bưởi hoặc lấy lại cho họ những gì đã mất, nhưng sự hiện diện của chúng tôi và những món quà của anh chị em là phần nào giúp họ vơi bớt nỗi đau mất mát, là chút động lực giúp bà con tiếp tục chiến đấu với cuộc sống.

Rời Hương Trạch chúng tôi đến với nạn nhân lũ lụt tại xã Hương Đô. Đến với những cụ già, góa phụ, hộ nghèo tại đây. Người dân đây kể lại: khi nước lũ dâng cao nhiều người đã phải bỏ của chạy lấy người. Chạy lên những đồi núi cao để mặc cho nhà cửa và tài sản trôi theo nước lũ. Những gì còn sót lại là ngôi nhà trống hoặc một số vật dụng. Nhận được một ít quà, họ hết lòng cảm ơn, xúc động và nói: có người đến thăm là vui rồi quà nhiều hay ít không quan trọng. Dù là chút ít nhưng cả họ và chúng tôi đều vui trong tình yêu thương đồng loại.

Chiều đến, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với nạn nhân vùng lũ tại xã Phương Mỹ - Hương Khê. Nơi đây là rốn lũ! Hầu như năm nào cũng đón nhận những dòng nước lũ vào nhà. Cha Antôn Nguyễn Khách Cương (Quản xứ Thổ Hoàng) chia sẻ: Nơi đây đã nghèo lại còn gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai hàng năm, mà nhiều gia đình và người trẻ phải rời quê hương lập nghiệp nơi khác, chỉ còn lại những người già hoặc những gia đình không đủ điều kiện để ra đi. Vì thế mà khó khăn này cứ tiếp nối vất vả khác.

Dù phải sống trong cảnh nghèo và vất vả nhưng bà con ở đây vẫn vui vẻ sống. Nhận những món quà chúng tôi gửi tặng lòng họ như ấm lại và cảm thấy mình không cô đơn. Còn chúng tôi thì cảm thấy hạnh phúc vì được phần nào chung chia nỗi đau của họ. Có đến tận nơi chứng kiến những thiệt hại trong những cơn lũ vừa qua, mới biết rằng những anh chị em của chúng ta đang vất vả và khổ đau như thế nào.

Hoàng hôn xuống cũng là lúc chúng tôi phải lên đường. Chia tay người dân vùng lũ Hương Khê mà lòng nặng trĩu những suy tư và thương cảm với bà con nơi đây.

Qua Cha Phêrô Dương Sỹ Nho (quản xứ Tân Hội), Cha Antôn Nguyễn Khánh Cương (quản xứ Thổ Hoàng) và anh Hòa (thôn 9 xã Hương Đô). Chúng tôi đã trao tận tay các bà con lương dân cũng như giáo dân một số tiền để chia sẻ tình tương thân tương ái trong biến cố cùng cực trong cuộc sống.

Người dân ở đây đang gặp muôn vàn khó khăn và cần rất nhiều những tấm lòng sẻ chia, cảm thông, để mùa đông năm nay vơi bớt những khó khăn và giá lạnh. Trong tinh thần bác ái và tuonwg thân tương trợ, xin chân thành cảm ơn nhiều tấm lòng trân quý của anh chị em đã dành cho nạn nhân lũ lụt tại Hương Khê – Hà Tĩnh.

Hành trình của chủng tôi vẫn còn tiếp tục vào ngày mai. Quý anh chị em hãy theo dõi nhé.

Hà Tĩnh,, ngày 18.11.2016

Hướng về Miền Trung




Ngày 16.10.2016 một bạn trẻ viết trên trang FB của mình như sau:

Chào cha

Con xin phép được gọi cha là cha dù con không phải là người công giáo. Nhưng con xin mạn phép được gọi là cha. và dành sự tôn trọng cho cha vì những đóng góp của cha dành cho cộng đồng người VIỆT NAM ở thailand. 

Con có đôi lời muốn gửi tới cha:

Những ngày qua , đồng bào miền trung bị thiên tai rất nặng nề, thiệt hại về người và của rất nghiêm trọng.

Vì vậy con mong cha , ( vì cha là người có tiếng nói trong cộng đồng ) đứng ra tổ chức và kêu gọi cộng đồng người VIỆT NAM đang sống, học tập và làm việc ở đây được không ạ.
" một miếng khi đói bằng 1 gói khi no " giờ đây đồng bào miền trung đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của tất cả chúng ta. 

P/S : nếu cha đồng ý , con xin được ủng hộ 2.000 bath. 

Cũng vì ý kiến này mà mình đã quyết định khởi xướng chương trình kêu gọi đóng góp hỗ trợ cho đồng bào ở vùng lũ lụt Miền Trung. Một trong những thư kêu gọi có nội dung như sau:

Kính thưa anh chị em,



Sau những ngày lũ lụt làm cho khúc ruột Miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Quãng Bình và Hà Tĩnh chìm ngập trong biển nước, bây giờ lũ đã qua đi. Những nỗ lực cứu trợ từ các lãnh đạo tôn giáo, các nghệ sĩ và các tổ chức từ thiện đã phần nào giúp cho đồng bào qua cơn lâm nguy trong những ngày đầu.



Nhưng tang thương vẫn còn đó, nhiều nơi vẫn còn có người đói ăn, thiếu mặc. Nhiều căn nhà bức tường xiêu vẹo, cửa lộng gió, trần vỡ tan, thậm chí bị cuốn trôi. Khắp nơi có thể thấy được những khu vườn mất trắng, đồng ruộng tan hoang, ngập bùn. Tại nhiều trang trại cá, gà, vịt, lợn cũng như ở trong nhiều chuồng nuôi gia súc để hỗ trợ cho kinh tế gia đình ở hai tỉnh vốn đã bị thiệt hai nặng nề từ thảm họa môi trường gây ra bởi Formosa, mọi thứ đã trôi sạch để lại những trang trại và chuồng trống rỗng.



Ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, người dân có nghề nghiệp chủ yếu là đi làm thuê rẻ tiền, vào rừng vác thuê và trồng cây ăn trái. Bà con nơi đây trồng loài cây bưởi đặc sản gọi là bưởi Phúc Trạch. Trong đợt lũ quét vừa rồi, mưa lớn kèm theo việc xả lũ quá bất ngờ của đập thuỷ điện Hố Hô, đã gây thiệt hại vô cùng lớn lao. Việc xả lũ vừa không có thông báo, vừa mạnh hết cỡ:1800 m3/s, khiến người dân không kịp trở tay. Họ chỉ kịp bỏ chạy lấy mạng. Hậu quả là: nhiều nhà cửa bị sập hoặc trôi, nhiều gia súc cũng bị cuốn trôi. Riêng cây bưởi, lũ quét làm bật rễ và cuốn đi nhiều. Đây chính là thiệt hại nặng nhất vì tất cả nguồn thu nhập đều nhìn vào cây bưởi.



Sau khi nước rút đi, mối nguy hiểm bị chết đuối không còn nữa. Người và súc vật không còn phải chạy lũ nữa. Nhưng những gì để lại là sự khốn khổ với cảnh đồ vật ngổn ngang hư hỏng, xác gà, lợn, chó….nằm la liệt. Nước đã rút đi, nhưng những gì còn lại là những gia đình phải dựng lều để sống đỡ vì căn nhà bé nhỏ đã trôi mất, những cụ già ngồi thơ thẫn trước căn nhà lụp xụp bị hư hỏng nặng nề, những học sinh khóc thương những tập sách vở bị bấy nát sau cơn lũ. Mặc dầu cơn lũ đã qua, nhưng thế vào đó là cơn thất vọng tràn trề tâm hồn của nhiều người dân Miền Trung vốn đã khó khăn bây giờ lại túng cực hơn nữa.



Một nghệ sĩ đứng ra quyên góp và cứu trợ cho người dân đã khẳng định rằng, việc cứu trợ rất quan trọng, nhưng chính sự hỗ trợ cho các nạn nhân sau đó mới thực sự cần thiết. Vì đó chính là lúc họ phải đối phó với một tâm trạng hoang mang, với một tương lai mù mịt, với nỗi kiệt quệ về thễ xác cũng như tinh thần.



Trong thời gian này, sau khi nỗ lực cứu trợ đã tạm ổn, điều chúng ta cần làm cho khúc ruột Miền Trung, đó là giúp cho những người dân nghèo khổ đã mất mát quá nhiều trong trận lũ lụt có một chút sức mạnh để đứng lên tiếp tục chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống sau này, xây dựng lại đời sống và kinh tế gia đình. Chúng ta không thể chỉ giúp họ thoát cơn nguy kịch trong những ngày nước dâng cao, rồi sau đó lại để cho họ đắm chìm trong hoàn cảnh vô vọng.



Trong tháng 11 này, chúng tôi dự tính sẽ trực tiếp đi đến những nơi bị thiệt hại nặng nề ở hai tỉnh Quãng Bình và Hà Tĩnh để giúp đỡ cho những gia đình đã chịu nhiều mất mát đau thương. Cha Đức và cộng sự đang làm việc để lên danh sách những gia đình cần sự giúp đỡ nhất, bất kể tôn giáo, để hỗ trợ một cách hiệu quả. Chúng tôi rất mong sự cộng tác của anh chị em trong nỗ lực bác ái này.

Sau hơn một tháng kêu gọi và nhờ sự cộng tác của một số cá nhân, trong đó có người anh em cùng dòng là cha Hùng, cuối cùng cùng số tiền nhận được từ những đóng góp tại Thái Lan cũng như ở Hoa Kỳ và một số nơi khác tổng cộng được hơn 800 triệu đồng, một số tiền nhiều hơn mục tiêu đặt ra ban đầu rất nhiều.

Đúng một tháng từ khi bắt đầu kêu gọi đóng góp, mình và cha Hùng đã lên đường để trao tặng cho đồng bào Miền Trung những món quà đã nhận được. 

Ngày 16.11.2016