Tình cha mẹ


Hôm qua mình đã đi cùng người bố của một bạn trẻ Việt Nam bị thiệt mạng trong tai nạn giao thông tại Bangkok để nhận tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm. Cách đây hai tuần, sau khi gặp mặt với các bên tại sở cảnh sát để đàm phán và thương lượng thì cuối cùng cũng đã đến điểm mà mọi người có thể chấp nhận được. Việc trả tiền diễn ra tại sở cảnh sát ngày hôm qua một cách hòa nhã và thoải mái. Người lái xe gây nạn mang đến một vòng hoa màu vàng để tặng cho người bố của nạn nhân như một lời xin lỗi vì đã gây nên sự đau thương và mất mát cho gia đình. Người bố cũng đón nhận cử chỉ ấy với tấm lòng cởi mở.

Người bố cầm số tiền tương đối lớn trong tay, nhưng trong lòng thì vẫn nặng trĩu vì của cải thì không thể nào đánh đổi được giá trị của một người con mà cha mẹ đã công lao sinh thành dưỡng dục cho đến khi khôn lớn. Từ ngày đầu tiên đi đàm phán với công ty bảo hiểm và người lái xe gây tai nạn, sau khi trao đổi xong, người bố đã ôm mặt khóc vì tủi lòng. Tủi vì mất con. Tủi vì thương con phải đi làm xa để lo cho kinh tế gia đình, nhưng chưa được gì thì đã gặp nạn. Và tủi vì phải đem giá trị mạng sống của con ra để thương lượng đòi bồi thường như một món hàng.

Con cái đi làm xa, cha mẹ ở nhà ai cũng lo lắng. Ai cũng mong cho con minh làm được, tích lũy ít vốn liếng để trở về sinh sống gần gũi nhau. Nhưng có những điều không may thường khi xảy ra khiến cho sự mong đợi đó khó thành hiện thực. Có khi là vì một tai nạn. Có khi là vì không may bị bắt bớ. Có khi bị lừa đảo. Nhưng cũng nhiều khi vì người con không biết chăm làm, không biết dành dụm, và cứ nhẫn tâm để cho cha mẹ trông chờ. Con không thấy, tiền giúp đỡ cho gia đình cũng không. Cha mẹ chỉ biết phó thác mong sao cho con cái bình yên, biết khôn ngoan để bươn chãi trên xứ người, và biết ý thức để làm trọn bổn phận của mình trong gia đình.

Bangkok, ngay 25.1.2015

Trên bè


Có ngưới thì thích được có cơ hội dâng lễ ở trong những ngôi nhà thờ lộng lẫy cổ kính có hàng ngìn giáo dân tham dự. Còn mình thì thích được dâng những thánh lễ đơn sơ như thế này. Những Thánh lễ sốt sắng và ý nghĩa nhất là khi mọi người quay quần xung quanh bàn tiệc thánh, để nhìn thấy thật gần chiếc bánh và chén rượu mà sẽ được làm phép để trở nên mình và máu thánh Chúa, và rồi được cùng nhau chia sẻ những lương thực tâm linh đó. Có lẽ khi làm lễ trên một chiếc bè làm bằng tre và mái tranh, có người sẽ nói rằng một nơi như vậy không đủ nghiêm trang để cử hành nghi thức Thánh thể. Nhưngđối với mình, đang khi trôi lơ lững giữa ao hồ thiên nhiên được bao quanh bởi những ngọn núi nhấp nhô và cử hành nghi thức Thánh thể, mình dường như được sống trong những giây phút của thời xa xưa khi Chúa Giê-su đã ngồi trên thuyền để chia sẻ và dạy dỗ với các môn đệ của Ngài. Trong những giây phút ấy, quá khứ và hiện tài kết hợp thành một, và Thánh lễ là một trải nghiệm về tình yêu của Chúa không chỉ bằng tri thức mà còn bằng cảm xúc thật sống động và mãnh liệt.

Bangkok, ngày 23.1.2015

Nhóm Giới Trẻ Giê-su



Ở Bangkok có một nhóm thuộc phong trào Giới Trẻ Giê-su. Phong trào giới trẻ này bắt nguồn từ Ấn độ từ những năm đầu thập niên 1980 để canh tân đời sống tâm linh giới trẻ. Một số thành viên của phong trào đến sinh sống, học tập, và làm việc tại Thái Lan và tiếp tục sinh hoạt và tìm cách để phổ biến phong trào tại đây. Mình là linh hướng cho nhóm tại Thái Lan.

Cuối tuần qua nhóm tổ chức chương trình tĩnh tâm hai ngày cho các thành viên cũng như để gới thiệu phong trào đến với một số khuôn mặt mới. Chương trình được tổ chức tại Trung Tâm Tĩnh Tâm của Dòng Phan-xi-cô tại huyện Lamluka, tỉnh Phathumthani. Mặc dầu đời sống của các bạn rất bận rộn, có người đi học, có người đi làm, nhưng mọi người đã hy sinh và nỗ lực để tạo cho mình một cơ hội để gặp gỡ Chúa cách mật thiết qua chương trình tĩnh tâm này. Hy vọng sau cuộc tĩnh tâm không chỉ những thành viên cũ được tràn đầy Chúa Thánh Thần để tiếp tục sứ mệnh của phong trào, mà những người mới cũng tìm thấy nơi phong trào những điểm tốt để họ tham gia và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình.

Bangkok, ngày 20.1.2015


Tham dự đại hội linh mục vùng đông bắc Thái Lan


Trong chương trình đại hội linh mục vùng đông bắc Thái Lan 2015 tại Tp. Khorad, mình được ban tổ chức mời chia sẻ về đời sống linh mục cùng với hai linh mục khác. Cha thứ nhất là cha Prayoon, thuộc GP Tharae. Cha thứ hai là cha Tu thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Người hướng dẫn chương trình là cha Watchalin. Ngồi giữa ba linh mục kỳ cựu về tuổi tác cũng như kinh nghiệm sống và phục vụ, mình cảm thấy rất nhỏ nhoi. Mình không ngờ ban tổ chức chỉ có mình là linh mục trẻ duy nhất trong các vị ở trên sân khấu. So với cha Tu là người đã chịu chức hơn 50 năm, số tuổi linh mục cùa mình gần 9 năm rất ít ỏi. Tuy thế, mình đã cố gắng chia sẻ những gì mình đã trải nghiệm cùng với các linh mục đàn anh và đàn em trong đại hội. Dù chỉ là một phần nhỏ của chương trình đại hội năm nay, nhưng mình rất vui khi vì được mời đến chia sẻ mà có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với nhiều cha trong bốn giáo phận vùng đông bắc Thái Lan. Và trên hết, mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ những bài nói chuyện của các ĐGM và các cha.

 

Đi tham dự đại hội linh mục vùng đông bắc Thái Lan 2015. Được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc để trò chuyện và chia sẻ. Cảm thấy rất hạnh phúc và phấn khởi. Mỗi năm một lần, các linh mục trong 4 giáo phận vùng đông bắc Thái Lan hội họp, gặp gỡ, và giao lưu với nhau để trau dồi kiến thức và tình thân. Mặc dầu mình không còn ở vùng ĐB Thái Lan nữa, nhưng năm này được mời đi tham dự để chia sẻ về đời sống linh mục trong chương trình hội họp.


Đây là Bank - chủng sinh duy nhất của GP Udon Thani trong chương trình tiền đại chủng viện khóa 2015 tại Khorad, nơi tập trung tất cả các chủng sinh tiền đại chủng viện trên cả nước Thái. Năm nay chương trình tiền đại chủng viện (sau tốt nghiệp PTTH) cho cả nước Thái chỉ có 11 người. Điều này nói lên sự thiếu ơn gọi một cách trầm trọng trong GH Thái Lan hiện nay.

Bangkok, ngày 15.1.2015

Dấn thân



Họ cũng là những người phải vất vả với công ăn việc làm để lo cho bản thân và gia đình. Họ cũng là những người trẻ không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tôn giáo. Họ cũng là những người với cuộc sống bấp bênh, chưa ổn định. Nhưng không vì thế mà họ không biết hy sinh, không thể dấn thân phục vụ, hoặc không sẵn sàng chấp nhận trọng trách mà cộng đoàn đã ủy nhiệm.

(Tân ban điều hành nhóm Giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Petriu, tỉnh Chacheongsau, cách thủ đô Bangkok 80km. Họ được bầu chọn nhân dịp lễ mừng Chúa Giesu chịu phép rửa ở sông Giodan.)

Bangkok, ngày 11.1.2015

Lòng người khó đoán


Vài tháng vừa qua mình đi giúp các gia đình của ba bạn trẻ Việt Nam bị tai nạn giao thông thiệt mang tại Thái Lan đàm phán để đòi bồi thường từ người gây ra tai nạn và đơn vị bảo hiểm xe cộ. Kinh nghiệm cho thấy mỗi người thật khác nhau. Người thứ nhất là một phụ nữ chưa tới 40 tuổi. Trong ba cuộc gặp gỡ và đàm phán lời lẻ của cô không thể hiện chút nào sự thành khẩn trước hành động sai trái của mình, ngược lại còn tuôn ra toàn những lời biện hộ cho bản thân. Người thứ hai gây ra tai nạn là một người đàn ông ngoài 60 tuổi. Ngày đàm phán ông ta bước vào sở cảnh sát, trên khuôn mặt tỏ ra rất vui tươi, chào hỏi mỏi người như đến tham dự một cuộc họp mặt gia đình. Ông ta bình thản đến bất ngờ. Trường hợp thứ ba, người gây ra tai nạn là một thanh niên 36 tuổi làm nghề bán trái cây. Anh ấy đến sở cảnh sát với người anh trai sinh đôi. Từ phút đầu bước vào, nhìn mặt hai anh em đã toát lên sự đau khổ và ráy rứt trước sự việc mà họ đã gây ra. Từ ánh mắt, nét mặt cho đến lời nói, họ luôn thể hiện sự ý thức và thành khẩn đến nỗi mình phải nhờ người gia đình nói vài lời để an ủi họ. Chính mình cũng nói nhiều điều để động viên hai anh em, đặc biệt là người em đã gây ra tai nạn có thể lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Cũng là ba người lái xe. Cũng là ba vụ tai nạn dẫn đến ba người bị chết. Nhưng mỗi người thật khác nhau. Và dĩ nhiên, trong ba trường hợp thì người thành khẩn nhất sẽ cố gắng nhiều nhất để giải quyết sự việc cách tốt đẹp để giúp mang lại bình an cho gia đình của nạn nhân cũng như cho chính mình.

Bangkok, ngày 10.1.2015

Trở nên thánh



Sau Thánh lễ Chúa Hiển Linh Chúa Nhật vừa qua, mình đã chụp hình lưu niệm với nhiều bạn trẻ. Nhưng tình cờ hình này có hào quang của nhà tạm ngay phía sau đầu mình gợi lên những hình chân dung các thánh. Trong đời sống Ki-tô giáo thì ai cũng được mời gọi để sống thánh thiện và trở nên thánh. Có nhiều người cố gắng làm điều đó cho dù họ sống trong môi trường có nhiều thách đố và cạm bẫy. Nhưng cũng có những người đáng ra là phải thánh thiện nhưng hoàn toàn sống ngược với điều đó. Làm thánh không phải là có hào quang trên đầu mà là luôn nỗ lực làm theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Bangkok, ngày 9,1,2015


Sinh hoạt đầu năm



Mặc dầu trời giữa trưa nắng chang chang, có người đi làm cả đêm về chưa ngủ, có người liên hoan đón giao thừa đến vài giờ sáng mới nghỉ, nhưng tinh thần bóng đá đã đưa hai nhóm bạn trẻ Công giáo Việt Nam tại Bangkok (Nhóm Bangbon và nhóm Praram 3) lại với nhau để xây dựng tình liên đới cũng như tổ chức sinh hoạt lành mạnh để đánh dấu ngày đầu tiên của năm mới dương lịch. Có tính thần là thế. Cho dù có mệt, cho dù có bận rộn, nhưng tình yêu và đam mê với bóng đá sẽ làm cho người ta vượt qua tất cả để đến với nó. Ước gì tinh thần mà các bạn trẻ thể hiện với bóng đã cũng sẽ được phản ảnh trong đời sống đạo đức và tâm linh của mình, mong cho tình yêu đối với Chúa sẽ là sức mạnh để cho mỗi người phấn đấu để đến với Ngài trong lời cầu nguyện và trong Thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật.

Bangkok, ngày 2.1.2015