Tết dân tộc trên đất truyền giáo


Hôm nay mình đi dự tiệc mừng Xuân Kỷ Sửu của cộng đoàn Việt Kiều tại tỉnh Nong Bua Lamphu. Những người việt xa quê đã gần một thế kỷ và những người con cháu của họ sinh ra lớn lên trên đất Thái lại xum họp để mừng cái Tết Nguyên Đán.


Khi bước vào hội trường nơi tổ chức tiệc thì thấy có những phụ nữ mặc áo dài khăn đóng đón tiếp khách vào dự tiệc. Những bạn tiệc sắp sẵn để đón tiếp khoảng 400 khách đến tham dự. Chú Hải là người dẫn chương trình. Chú là một trong những người trong ban tổ chức cùng với chú Hòa. Tuần vừa qua khi mình đang còn đi tham dự hội thảo ở Ubon thì hai chú đã đến nhà thờ để gởi thiệp mời dự tiệc đến mình.


Buổi tiệc có những món ăn truyền thống Việt Nam như gỏi hoa chuối, chân heo hấp mềm, bánh cuốn, bánh gai, và chè. Những món ăn đơn giản và thuần túy của Việt Nam cùng với những bài hát quen thuộc như Xuân này con không về và Trống cơm được hát lên trong phần văn nghệ góp vui là những gì người Việt ở đây đã làm được để duy trì bản sắc Việt Nam. Trong mấy trăm người đến dự tiệc đó, có nhiều người đã không còn nói được tiếng Việt. Nhiều người cũng không biết mấy về văn hóa Việt Nam.


Mình nói chuyện với một bác gái đã ngoài 60 tuổi. Mình nói với bác rằng: - Hôm nay là ông Táo về trời đó bác.


Bác hỏi lại: - Ông Táo là ai?


- Dạ thưa bác Ông táo là vị thần mà hàng năm phải lên trời để báo cáo cho Ngọc Hoàng biết về tình hình trên trần thế. Vì thế hôm nay chúng ta phải tiễn ông Táo về trời.


- Vậy à. Vậy bác cúng trái cây và đốt nhang được không?


- Chắc cũng được bác ạ. - Mình trả lời.


Trong nghi thức khai mạc buổi tiệc, chú Hải mời mình lên để phát biểu. Mình cũng lên để nói lời chúc mừng năm mới đến quý khách và đọc một bài thơ chúc Tết mà mình đã chuẩn bị sẵn (kẻo lở bị mời lên phát biểu). Sự hiện diện của mình ở buổi tiệc cũng là một điều mới lạ đối với cộng đồng người Việt ở đây vì mình là một người trẻ tuổi mà lại nói được tiếng Việt thông thạo. Bên cạnh đó mình còn lạ một vị linh mục. Hôm nay khi đi tham dự tiệc mình đã mặc áo linh mục và cổ côn trắng một cách chỉnh tế. Chắc chắn từ trước đến nay ở đây chưa bao giờ có một nhân vật như mình.


Thú vị nhất trong buổi tiệc là mình được đến chào hỏi các cụ cao niên ở trong hai bàn đầu cùng. Một bàn dành cho các bà, một bàn dành cho các ông. Có người tuổi cũng đã gần 90. Mình đến chào và chúc Tết các cụ và hỏi thăm về quê quán của các cụ.


Cái Tết Việt Nam ở NBL cũng chỉ là thế. Không bánh chưng, bánh Tét. Không hoa mai hoa đào. Không có pháo, không múa lân mặc dầu ở trên đất Thái Lan thì những thứ này không phải là không có. Thậm chí ở đây người ta tự do đốt pháo cũng như có rất nhiều đoàn lân của cộng đồng Trung Quốc.


Buổi tiệc đã gây cho mình hai cái bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là không pháo, không múa lân, không có lì xì cho bọn con nít.


Cái bất ngờ thứ hai là khi mình tưởng chừng như những bài hát như Xuân này con không về, Lời ru buồn, và Trông cơm sẽ không bao giờ được nghe người Việt kiều ở đây hát thì lại được nghe chính trong buổi tiệc đón Tết tha hương này.


Tối nay ở nhà xứ cũng tiễn ông Táo về trời. Thằng Đoàn và thằng Tăng ra chợ mua mấy con cá về...nướng. Thằng Thắng thì làm thịt gà.


Thêm một tuần nữa thì đến Tết. Các bạn trẻ Việt Nam không được về quê ăn Tết đang buồn. Thằng Thắng nói: - Trông sao cho hai tuần nay qua mau mau để khỏi phải nghĩ về Tết.


Thằng Tăng thì than: - Sao mà nhớ nhà quá.


Thằng Đoàn thì bình tĩnh hơn. Nó đã nhất trí là những năm này sẽ không về nhà ăn Tết nên không có buồn sầu như mấy đứa khác.


Trước nhà, mình đã dựng lên một cây mai. Chỉ là hoa mai giả nhưng cũng nhìn rất đẹp. Hai bên treo hai câu đối lủng lẳng bằng tiếng Việt. Chỉ có người Việt đọc mới hiểu. Chiều nay thằng Đoàn vẽ một cành đào và lấy giấy xếp hoa đào để trang trí của sổ trước nhà xứ. Vài ngày nữa sẽ đi mua một phong pháo để đốt vào sáng mồng một.


Ngày 23 thì thằng Hùng từ Nong Khai sẽ đến chơi. Nó nói là sẽ gói bánh Tét. Ngày 25 thì mình sẽ làm lễ Chúa Nhật cũng là lễ đón giao thừa bằng tiếng Việt tại Udon Thani.


Trước đây mình đã cố gắng đem Noel đến Nong Bua Lamphu thì bây giờ mình cũng đang tìm cách đem không khí Tết đến cho riêng mình và cho các bạn trẻ Việt Nam ở đây. Dù sao đi nữa thì cái Tết vẫn là thời gian linh thiêng và đầy ý nghĩa với người Việt. Thật buồn nếu cho Tết qua đi như bao nhiêu ngày bình thường khác.


Nong Bua Lamphu, ngày 18.1.2009

No comments: