Khi phải từ chối


Hôm nay ở nhà thờ chánh tòa Udon mừng lễ quan thầy. Mình dẫn giới trẻ trong giáo xứ đi tham dự. Còn các seour thì dẫn các em mồ côi đi. Cũng đã lâu rồi mình không đi tham dự lễ quan thầy của các giáo xứ vì từ ngày đến làm việc ở NBL thì mình đều bận mỗi ngày thứ bảy.

Đi đến các giáo xứ để tham dự các lễ đã trở nên một việc làm rất thú vị đối với mình vì mỗi lần đi mình đều có dịp gặp gỡ giáo dân ở đây đó. Khuôn mặt của mình đã trở nên quen thuộc với nhiều giáo dân và ngược lại cũng vậy. Giờ đây mình đến đâu cũng được chào đón một cách thân tình. Nhiều người hỏi thăm chuyện giáo xứ và về công việc của mình.

Hôm nay mình gặp một nhóm linh mục tu sĩ người Việt từ Lao đến tham dữ lễ. Có cha Phúc của hội Thừa sai Đức tin, hai thầy dòng Đa Minh, và một thầy dòng Tên. Các thầy đang học ở Lào và đi cùng giáo dân qua dự lễ quan thầy. Họ rất vui khi gặp được mình và gặp được Đức Giám Mục. ĐGM đã đón tiếp các ngài rất thân tình và còn tặng cho mỗi người một quyển sách hình của ngài nữa. Vì thế ai cũng phấn khởi.

Hôm nay một chú người Việt đang lao động ở Thái Lan đến xin mình tiền. Chú nói hộ chiếu của vợ chúng có vấn đề nên phải về lại Việt Nam và mất 5,000 baht. Chú nói chú khó khăn và xin mình giúp đỡ. Nhưng mình từ chối. Mình từ chối chú vì mình thấy vấn đề của chú chưa đến nỗi cơ cực. Những vấn đề như thế này xảy ra thường xuyên với những người Việt Nam lao động ở Thái Lan. Và trên thực tế thì ai cũng khó khăn chứ không phải gì một mình chú. Nhưng người ta không mạnh dạn để xin sự giúp đỡ như chú. Nhưng ngoài chú ra thì cũng có những người khác đến xin mình như thế.

Mình đã từ chối vì hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là thực sự mình không có tiền để giúp đỡ cho những trường hợp như thế này trong khi kinh tế của giáo xứ mình chỉ là "sống qua ngày". Mình muốn làm những dự án trong giáo xứ nhưng chưa thực hiện gì được vì không có ngân quỷ.

Thứ hai là mình không muốn tạo ra một tiền lệ mà những người đến mình để xin giúp đỡ mỗi khi có việc xảy ra vì họ nghĩ rằng mình là nơi dễ dàng để xin vì mình là một ông cha hoặc mình là người đến từ Mỹ.

Hôm nay mình các cha vừa làm lễ xong, bước vào phòng thay áo thì một chị tên Lan chạy vào phòng áo của cha xin mình nói chuyện với một người từ Việt Nam. Mình hỏi chị đó là ai và họ muốn gì. Chị bảo là họ muốn xin tiền giúp xây nhà thờ ở Việt Nam. Mình đã từ chối tiếp cuộc điện thoại đó vì mình không muốn bị quấy rầy khi mới vừa dâng lễ xong và đang đứng chung với ĐGM và các cha. Thứ hai là mình biết chắc chắn mình sẽ không giúp được cho việc xây nhà thờ ở nơi nào đó ở Việt Nam trong khi chính mình đang cần tiền cho giáo xứ của mình.

Khi thấy mình không nhận điện thoại chị Lan đưa cho cha John (Bằng) để nói chuyện. Trong bàn ăn, cha John nói với mình: - Họ cứ nghĩ tôi có tiền vì tôi là một linh mục người Mỹ. Nhưng tôi cũng nói với họ là địa phận phải nuôi tôi chứ tôi không làm gì có tiền. Còn việc giúp tiền xây nhà thờ thì tôi nói tôi không dám hứa. Tôi sẽ viết thư qua Mỹ để xin giúp đỡ, nhưng không biết họ có cho không.

Từ ngày mình đến Thái Lan, mình rất ưu tư đến những bạn trẻ lao động Việt Nam. Nhưng mình đã khẳng định từ đầu là mình sẽ giúp đỡ trong việc đạo đức và tinh thần chứ không thể là một nguồn cung cấp tiền. Đó không phải là mục đích và ước muốn của mình. Nó sẽ làm cho việc mục vụ của mình đi theo một đường hướng tiêu cực. Vì thế những lời xin giúp đỡ thời gian qua đều đã bị mình từ chối một cách thẳng thắn. Phải chăng mình sẽ bị mang tiếng là ông cha 'keo kiệt'? Cũng có thể nhưng đó là điều mình phải chấp nhận nếu mình muốn tiếp tục thực hiện công việc mục vụ theo đúng nghĩa và tinh thần của nó.

Nong Bua Lamphu, ngày 30.8.2008

No comments: