Đi thi


Sáng mai mình sẽ được biết cách rõ ràng hơn khả năng tiếng Thái của mình bây giờ đến đâu, vì mình sẽ đi thi lấy chứng chỉ tiếng Thái. Đây là cuộc thi mà chính phủ Thái Lan tổ chức hàng năm cho người nước ngoài. Nếu “đậu” có nghĩa là trình độ tiếng Thái của mình tương đương ít nhất là với các học sinh lớp sáu.

Bài thi gồm có bốn phần. Phần thứ nhất là viết luận văn, phần này nặng ký nhất. Phần thứ hai là đọc những đoạn văn ngắn và trả lời câu hỏi dạng trắc nghiệm. Phần thứ ba là viết chính tả, và phần thứ tư là đọc thành tiếng cho người chấm điểm nghe và trả lời một vài câu hỏi sau đó. Nói chung việc thi đánh giá khả năng viết, nghe, đọc, và nói một cách tương đối toàn diện.

Thời gian qua mình cũng đã chuẩn bị tư thế bằng cách tập viết văn, đọc sách, và viết chính tả với sự trợ giúp của người dạy kèm. Mặc dầu không biết đã sẵn sàng để thi chưa, nhưng thực sự những ngày gần đây mình cảm thấy khá “ngán” với việc tập luyện (Điển hình là thay vì ôn bài mình lại mở máy ra viết nhật ký). Biết phải thi nên việc học của mình bị gò bó ở nhiều lĩnh vực không được mấy tự do. Tuy nhiên mình cũng phải công nhận là nhờ phải thi nên mình mới chịu học những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ.

Thi xong mình sẽ “thả giàn” một vài tuần bằng cách đi lên thành phố Khorad để thưởng thức những cuộc thi đấu thể thao SeaGames 2007 được tổ chức tại đây. Mình đặc biệt muốn xem những trận đá bóng mà có mặt đội tuyển Việt Nam. Theo dự định mình sẽ đến Khorad vào ngày 3 tháng 12 để xem Việt Nam chơi với Singapore. Ngày 5-8 mình sẽ đi lên Udon Thani để gặp ĐGM George để bàn về công việc cho năm tới trong địa phận của ngài. Sau đó mình sẽ bắt xe trở về Khorad để tiếp tục coi SeaGames trước khi trở lại Bangkok.

Mình rất vui khi có cơ hội thư giản bằng việc đi coi SeaGames, nhưng cũng hơi buồn vì phải đi xem một mình. Ở Bangkok mình không biết ai có điều kiện để đi những ngày này. Đành phải lang thang một mình vậy. Đây cũng là chuyến đi xa đầu tiên của mình từ ngày đến ở Thái Lan (không tính những lần lên Udon Thani để họp với các thầy trong dòng). Nhiều khi nghĩ cũng không nên chỉ lẩn quẩn trong thành phố Bangkok. Hãy đi cho biết đo biết đây. Sau này làm việc bận rộn rồi muốn đi cũng không mấy đơn giản. Nghĩ thế nên mình quyết sẽ có một chuyến đi lần này thật vui vẽ và ý nghĩa.

Bangkok ngày 30.11.2007

"Keo"


“Keo” là một cậu học sinh 17 tuổi, gốc người Miến Điện. Bố mẹ nghèo nên phải nhờ người khác chăm sóc con cái. Mấy anh em của Keo cũng vậy, mỗi người mỗi nơi. Hiện nay Keo ở với một người đàn bà trong Dòng Ba Phanxicô mà Keo gọi là “bác”. Mỗi sáng em đến nhà thờ lúc 7 giờ để giúp hai thánh lễ. Sau đó em lại đi làm thuê đến chiều. Ngày Chúa Nhật em đi ‘học bù’. Keo kể:

- Trước đây khi ở miền bắc em đã học xong lớp 9. Nhưng khi dọn về Bangkok, vì tên trên giấy tờ có sự khác biệt nên học bạ của em không được nhà trường chấp nhận. Vì vậy, bây giờ em phải học lại lớp sáu. Nhưng em chỉ học để thi thôi nên một tuần chỉ học một ngày.

Ở Thái Lan tên Keo thường là tên cúng cơm của con gái, có nghĩa là quý báu. Khi nghe em giới thiệu mình tên Keo, mình thấy làm hơi thắc mắc tại sao lại có tên con gái. Em mới giải thích:

- Khi em còn nhỏ em bịnh nặng lắm, bệnh dường như sắp chết. Lúc đó em là con trai duy nhất nên bố em thương em lắm. Vì vậy nên bố mới gọi em là Keo. Lớn lên em đã quen tên này nên vẫn để mọi người gọi em như vậy.

Keo là một cậu trai hiền lành và biết chịu khó. Trong gia đình, em là người duy nhất theo đạo và đã được rữa tội cách đây 5 năm.

Trước đây mình có làm lễ sáng, Keo cũng giúp lễ cho mình. Một lần mình hỏi:

- Em có học tiếg Anh ở trường không?

- Dạ có, nhưng không nhiều lắm.

- Vậy em có muốn cha giúp cho em học tiếng Anh không?

- Nếu được vậy thì quá tốt. – Em hăng hái trả lời.

Thế là mình sắp xếp thời giờ để dạy cho Keo tiếng Anh. Em biết nhiều hơn mình nghĩ. Phát âm cũng khá tốt. Mình cho Keo viết một bài nhật ký kể lại những gì đã làm trong ngày. Keo mang đến cho mình xem thấy không đến nỗi tệ.

- Từ trước đến nay em chưa bao giờ viết một bài như vậy. Ở trường em học không có bài tập viết. – Em kể.

- Vậy giờ viết thấy sao?

- Em thấy nó khó. Nhưng em thích làm. – Keo trả lời. – Mà trước đây em học nhiều khi không hiểu bài. Nhưng học với cha em thấy tự tin hơn bao giờ hết.

- Vậy thì tốt. Mình không còn bao nhiêu thời gian nữa. Không bao lâu nữa cha phải dọn lên vùng đông bắc để làm việc. Vì vậy phải tranh thủ học chừng nào hay chứng nấy nhé.

- Vâng.

Sáng nay mình gặp Keo trước hiên nhà thờ lúc 7h sáng để giúp em học đến 9h. Sau đó em lại đi làm. Hai tuần tới mình có chuyện phải đi xa, mình cho Keo bài tập làm trong thời gian không gặp nhau. Em vui vẽ đồng ý làm những bài mình đưa ra.

Mình thấy vui trong lòng khi dạy học cho người thực sự muốn học. Có lẽ với thời gian ngắn như thế này, mình sẽ không dạy cho em được nhiều. Nhưng mình hy vọng rằng mình sẽ giúp em cảm thấy việc học tiếng Anh rất thú vị và nhận ra khả năng của em trong việc học ngôn ngữ. Để hy vọng rằng sau này em sẽ gặp được sự thành công trong cuộc sống.


Bangkok, ngày 29.11.2007

Uống bia với Tuấn


Tuấn gọi mình lúc gần 6h tối hỏi:

- Hôm nay cha có rảnh không?

- Bây giờ đang chuẩn bị đi giúp một người học tiếng Anh. – Mình trả lời. – Có gì không?

- Con định mời cha đi ăn.

- Hôm nay không đi làm à?

- Dạ hôm nay con được nghỉ.

- Được nghỉ sao báo trể vậy?

- Vậy cha đi dạy đến mấy giờ?

- Khoảng 8h là xong. Lúc đó gặp có được không?

- 8h được.

- Vậy thì khi nào xong mình gọi điện thoại lại nghen.

Tuấn là một bạn trẻ làm nhân viên phục vụ trong quán Me Hang ở khu Chợ Đêm Suan Lum. Sau khi xong việc mình đã gặp Tuấn ở đó. Tuấn kêu bia tươi Heinekein và vài dĩa mồi để vừa nhâm nhi vừa trò chuyện. Tuấn kể cho mình nghe lần em đi Pattaya để kiếm việc.

- Cha biết không. Con chỉ có trong túi một ít tiền. Mà đi vào các phòng trọ hỏi giá phòng thì nơi nào rẻ nhất cũng phải 500 một đêm. Bởi vậy nên con đâu có dám thuê phòng. Cuối cùng phải ngủ ngoài trời. Mà biển nó lạnh quá nên con tìm ngủ dưới hiên của một tòa nhà. Nhìn mình chẳng khác gì mấy người đi ăn xin.

- Vậy làm sao biết đến chỗ này mà xin việc? – Mình hỏi.

- Con đâu biết chỗ này. Con xuống xe ở bến xe Ekkamai. Rồi còn đi bộ dọc các đường để tìm quán xin việc. Con đi tới mấy tiếng đồng hồ. Rồi dần dần thì tới đây. Con hỏi dò những người trên đường thì họ nói ở đây có quán nên con đến để xin làm.

Hai người đang trò chuyện thì Loan, cô bạn gái của Tuấn gọi đến. Loan đang ở ngoài tiệm internet, vừa nói chuyện xong với mẹ ở Hà Tỉnh. Loan muốn về nhà nhưng không dám đi một mình vì sợ cảnh sát bắt vì không có giấy tờ. Nhưng vì Tuấn không muốn bỏ mình ngồi một mình để đi đưa Loan về nên Loan đành phải chịu khó tự đi. Một lúc sau Loan cũng đến nơi bình yên vô sự. Loan hỏi mình:

- Tết cha có về Việt Nam chơi không?

- Mình đâu có phép đi. – Mình trả lời.

- Tết này con sẽ về. Ba con kêu con về ăn Tết.

- Có tiền để về không mà về?

- Ba con nói không có tiền thì ba gởi qua cho mà về. Tiền con làm bao nhiêu thì con cũng gởi về bên đó hết rồi.

- Con cũng muốn về những không có khả năng. – Tuấn chia sẻ. – Về Việt Nam phải có ít nhất mười mấy nghìn baht. Nào là tiền tiêu sài, tiền quà cáp, lì xì.

Ngày nghỉ của Tuấn và Loan hai đứa cũng chỉ lẩn quẩn trong khu vực làm. Có khi đón xe đi thăm bạn bè ở xa. Nhưng cũng không dám đi đến những nơi công cộng vì sợ bị cảnh sát bắt. Vài tháng trước Tuấn và Loan đã bị cảnh sát chận một lần trên đường đi chợ về. Chủ quán phải lên sở cảnh sát để chuộc về, mất vài nghìn baht. Từ ngày bị bắt cả hai cảm thấy e ngại hơn khi phải đi đây đó. Ngoài vài ngày được nghỉ, Tuấn và Loan chạy bàn từ 3 giờ chiều đến gần hai giờ sáng. Làm được bao nhiêu thì gởi về cho gia đình bấy nhiêu. Trong phòng trọ máy radio cũng không dám sắm vì không muốn cồng kềnh khi phải dời đi đây đó. Gặp những người bạn trẻ như thế này mình thực sự cảm phục tính chịu khó và xiêng năng của các bạn. Cũng tiếc là không bấy lâu nữa mình sẽ đi ra tỉnh làm việc và sẽ không còn nhiều cơ hội để gặp gỡ các bạn. Tuấn cũng tỏ ra nuối tiếc khi em nói:

- Vài bữa cha đi rồi không biết con ngồi uống bia trò chuyện với ai?

Bangkok, ngày 28.11.2007

Lệ hội truyền thống





Anh Khánh chị Dung mời mình và cha Tr. đến nhà anh chị ăn mừng lễ Tạ Ơn. Buổi ăn “gia đình” còn có thêm hai anh chị Thái và Thúy và 3 đứa con đến từ Singapore. Anh Thái là đồng nghiệp cùng công ty với anh Khánh nhưng đang công tác tại Singapore. Mặc dầu mừng lễ tạ ơn trể hai ngày, nhưng cũng có đầy đủ ý nghĩa. Và đặc biệt là cũng có những món gà tây, khoai tây nghiền, và những món truyền thống khác mà người Mỹ thường ăn vào lễ này.

Hôm nay cũng là ngày lễ hội Loy Krathong ở Thái Lan. Vì thế, tối đến mọi người lại đưa nhau đến công viên Lumpini để tham dự lễ hội. Loy Krathong (trôi krathong) là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở Thái Lan, rơi vào ngày rằm tháng 12 (tính theo lịch Thái). Đây là dịp người Thái đến các con sông để cám ơn sông nước vì là nguồn mang lại sự sống cho người dân. Đây cũng là dịp người dân xin lỗi sông nước vì đã làm dơ bẩn nguồn nước bằng những sinh hoạt và hành động thiếu vệ sinh.

Khi đến các con sông, người ta mang theo những cái ‘thuyền’ làm bằng cây và lá chuối, được trang hoàng rất đẹp bằng các loại hoa, nhang và nến. Họ thắp nến, đốt nhang, rồi đưa krathong lên cầu xin những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Sau đó họ đặt krathong lên mặt nước cho nó trôi theo dòng nước. Còn có những cặp trai gái trẻ cùng nhau nâng một krathong lên để cầu xin cho tình duyên của hai đứa được tốt đẹp rồi cùng nhau cho krathong trôi. Việc này xảy ra vào ban đêm, nên sau khi nhiều người đã cho krathong trôi, ta có thể thấy một dòng sông với hàng ngàn ánh sáng lấp lánh thật tuyệt vời.

Vì không tiện nên mình đã không đi ra sông Chao Phraya nơi lễ hội diễn ra thật nhộn nhịp. Nhưng mình đã đi vào công viên Lumpini nơi có con kênh khá lớn. Hôm nay công viên mở đến 12 giờ khuya để cho người dân đi tham dự lễ hội. Càng vào giờ tối công viên càng thêm đông người – già có, trẻ có, nhiều người cầm trong tay những chiếc krathong rất đẹp để thả trôi. Nhìn những đôi trai gái nâng chiếc krathong lên cầu xin với nhau mình thấy cũng lãng mạn cực kỳ. Người ta nói nếu thả krathong trôi mà bị chìm là một điềm xấu tệ. Ai thấy krathong mình bị chìm nước là buồn lắm. Nhưng nhiều chiếc krathong không bị chìm nước mà bị bọn trẻ con lại phá hoại. Chúng đứng trên bờ lấy que khều krathong vào lấy hoa ra để tìm tiền vì nhiều người bỏ tiền vào krathong để cúng.

Giờ nay ngoài công viên có hàng ngàn người. Mình về tới nhà thì thấy mấy thầy và vài người làm việc trong giáo xứ cũng đang chuẩn bị rủ nhau đi thả krathông trôi. Họ rủ mình đi nữa nhưng mình mỏi chân rồi nên không muốn đi lại. Họ không quên mang theo những chiếc krathong thật đẹp mà bọn học sinh giáo lý đã làm để tặng các thầy.

Vậy là hôm nay mình mừng một lúc hai ngày lễ, lễ Tạ Ơn của Mỹ và lễ Loy Krathong của Thái. Nghĩ lại đời sống của mình cũng rất phong phú khi đã từng sống ở trong nhiều môi trường và văn hóa. Từ đó mình thấy rằng mình có cơ hội tiếp cận với nhiều điều thú vị trong cuộc sống, mà những điều đó chỉ đến khi mình tìm hiểu và sống giữa nhiều văn hóa khác nhau.

Bangkok, ngày 24.11.2007

Món quà quý giá


Tuần này Dòng Chúa Cứu Thế có cuộc họp lớn tại thành phố Pattaya để bầu cừ vị bề trên mới của dòng tại Thái Lan. Cả nhà đưa nhau đi họp. Tại giáo xứ bây giờ chỉ có các cha khách, trong đó có mình và cha Tr. Ngoài ra có một cha là anh ruột của cha W. Cha P. đang hưu dưỡng ở trung tâm hưu dưỡng của địa phận bên ngoài thành phố Bangkok. Nhưng vì tuần này thiếu người làm lễ nên cha chánh xứ đã mời cha P. về để giúp làm các thánh lễ tiếng Thái.

Cha P. rất vui tính và hiền lành. Mình gặp cha lần đầu tiên là mến ngài liền vì cha luôn nói chuyện vui vẻ và cởi mở. Mỗi lần gặp mình cha luôn có nụ cười trên môi. Tối nay mình đi tập thể dục về, vừa chuẩn bị bước vào phòng ăn thì thấy cha đứng ở trước cửa phòng ngủ của ngài. Mình thấy cha liền chào:

- Con chào cha. Cha khỏe không? Ngày làm việc của cha như thế nào?

- Cha khỏe. Ngày của cha rất tốt. – Cha P. tươi cười trả lời, rồi nói tiếp. – Cha có một món quà cho cậu.

- Quà cho con ạ? Thưa cha quà gì vậy cha? – Mình hỏi lại trong sự bất ngờ.

Cha bước vào phòng ăn mở bao nylon lấy ra một cuốn sách.

- Cha tặng cho cậu cuốn sách này để học tiếng Thái. Trong đây có hơn 5,000 chữ. Nếu cậu học được hết các chữ trong đây là cậu sẽ thành ‘doctor’. – Ngài nói với giọng đầy hài hước.

Cuốn sách ngài mua cho mình là một cuốn sách hình, trong đó có các từ ngữ vựng đi kèm theo những bức hình minh họa. Nhìn rất ư giống sách của trẻ con, nhưng có hơn 5000 chữ thì thực sự rất là nhiều.

Mình cầm cuốn sách trong lòng thấy vui vì sự bất ngờ, và vì thấy quá mến vị linh mục cao tuổi. Cuốn sách ngài mua cho mình với hàng ngàn bức tranh họa ấy, có lẽ là một sự biểu tượng rất chính xác với đức tính vui tươi và đơn sơ của ngài. Mình nói:

- Con nghĩ vì đây là quà của cha, có lẽ cha phải ký ở trang đầu để con làm kỷ niệm.

Cha chuẩn bị lấy bút để ký thì lại ngừng, rồi nói.

- Không, để cha lấy một tờ giấy, rồi cha sẽ ghi cho cậu vài câu thơ tiếng Thái. Rồi sau đó ta sẽ ghép câu thơ đó vào trong sách.

- Vâng. Như vậy thì quá tuyệt. Con cám ơn cha rất nhiều nhé. – Mình nói, rồi hỏi đùa lại ngài. – Mà con hỏi cha nè, cha có biết hết 5,000 chữ trong cuốn sách này không?

Ngài nhìn mình cười:

- Không, cha không biết hết đâu.

- Vậy con mà học được 5,000 chữ này là con biết nhiều tiếng Thái hơn cha đó.

- Bởi vậy cậu mới thành ‘doctor,’ còn cha mới chỉ là ‘master’ thôi. – Ngài vừa nói vừa cười.

Cha trở về phòng để nghỉ ngơi còn mình đi lục đồ để ăn. Giờ đây trở về phòng ngủ trên lầu ba của nhà xứ, mình nhìn cuốn sách mà trong lòng dâng lên một nỗi vui thật giản dị. Chắc chắn mình sẽ giữ mãi cuốn sách này để kỷ niệm tấm lòng và tấm gương của một vị linh mục già trong cách đối xử với một người linh mục non trẻ.

Bangkok, ngày 20.11.2007

Sinh dữ, tử lành


Tối qua mình nằm mơ thấy có người thân qua đời. Đó là Dì ruột của mình. Khi tỉnh dậy mình cảm thấy rất lạ, tại sao mình lại mơ về sự chết của Dì mình? Mình không thấy buốn vì trên thực tế, Dì mình cũng đã chết rồi. Nhưng suốt buổi sáng trong đầu lẩn quẩn không biết giấc mơ này có ý nghĩa gì không?

Chợt mình sực nghĩ, không lẽ đây là thời điểm kỷ niệm một năm năm từ ngày Dì qua đời? Mình là người cực kỳ bê bối trong việc nhớ những ngày quan trọng như sinh nhật hoặc ngày dỗ của người thân. Tuần vừa rồi sở dĩ mình gọi về kịp để chúc mừng sinh nhật bố cũng chỉ vì Quỳnh Hương, đứa cháu gái gởi email đến nhắc mình gọi điện thoại qua Mỹ chức mừng sinh nhật ông ngoại. Nếu mình không có mở email ra xem vào đúng ngày thì có lẽ cũng đã trể nãi trong việc chúc mừng sinh nhật bố. Còn sinh nhật mẹ mình bây giờ hỏi lúc nào mình cũng không nhớ nữa.

Trở lại giấc mơ tối qua, sau khi ăn trưa xong, mình quyết định mở ra những bài nhật ký mình viết từ năm ngoái xem Dì qua đời vào ngày nào. Mình cực kỳ bất ngờ và vui mừng khi phát hiện ra ngày kỷ niệm một năm qua đời của Dì chính là ngày….hôm nay! Ngày 18 thang 11. Cách đây đúng một năm, mình ở Úc nhận được nhắn tin của cô chị họ báo rằng Dì đã qua đời ở Sài Gòn.

Mình liền gọi điện thoại về Mỹ, và gặp mẹ. Mình hỏi mẹ:

- Mẹ có biết hôm nay là ngày dỗ 1 năm của Dì không?

- Có chứ. Mẹ có gởi tiền về để xin lễ cho Dì nữa.

Mình kể cho mẹ nghe về giấc mơ của mình và điều mình vừa phát hiện ra.

- Vậy là linh đó con ạ. – Mẹ bảo. – Có lẽ Dì nhớ đến con đó. Khi Dì còn sống Dì rất thương con, lúc nào nói chuyện điện thoại với mẹ cũng nói mong làm sao con sớm được thành linh mục.

- Con thấy điều này cũng lạ lắm mẹ. – Con không hiểu tại sao con mơ đến Dì vào đúng ngày như thế.

- Vậy thì con phải nhớ cầu nguyện cho Dì và dâng lễ cho Dì nhé. Bên này mẹ đã xin lễ cho Dì rồi.

Sau khi nói chuyện với mẹ xong, mình đem chuyện kể cho một thằng bạn. Nó bảo:

- Nằm mơ thấy người chết thì tốt. Người ta nói “sinh dữ, tử lành”.

Mình vốn là người không mấy tin vào điềm lành dữ trong giấc mơ, đặc biệt là việc đánh số đề dựa trên những gì thấy được trong giấc mơ. Mình cũng không nghĩ rằng giấc mơ của mình về Dì là một điềm lành hay điềm dữ. Nhưng mình vẫn chưa hết bất ngờ vì sự trùng hợp quá lạ kỳ.

Cho dù đây chỉ là một sự trùng hợp hoặc một lời nhắn tin nào đó từ “thế giới bên kia”, mình cảm thấy rất vui vì mình được nhớ đến và cầu nguyện cho Dì đúng vào ngày Dì qua đời một năm. Nguyện xin cho linh hồn Isave được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Bangkok, ngày 18.11.2007

Bảo vệ Bangkok


Mình chưa bao giờ đến một thành phố nào mà có nhiều bảo vệ như thành phố Bangkok. Bước ra nhà là đã thấy có người bảo vệ. Giáo xứ nơi mình đang ở luôn có bốn nhân viên bảo vệ túc trực, hai người làm ca ngày hai người làm ca đêm. Lương mỗi tháng là 7000 baht, tương đương với hơn 200 USD. Trước các khách sạn, khu chung cư, trung tâm thương mại, các cơ quan, nhà thờ, chùa chiềng, trường học, cổng ra vào trạm xe điện -- nơi nào cũng thấy bảo vệ đứng canh gác và điều khiển xe cộ ra vào. Vì thành phố Bangkok là trung tâm chính trị, thương mại, và văn hóa của Thái Lan, vì thế nên những nơi cần bảo vệ dường như có khắp nơi. Tiền lương lạo động cho nhân viên bảo vệ cũng không cao nên việc thuê bảo vệ là một điều không mấy khó khăn.

Một điều đáng ghi nhận là nhân viên bảo vệ ở Thái Lan ăn mặc rất chỉnh tề và có lối cư xử với khách ra vào rất lịch sự. Ở cổng vào trạm xe điện ngầm, mỗi khi khách vào phải mở túi xách ra cho bảo vệ kiểm tra bên trong. Kiểm tra xong bảo vệ đưa tay lên chào khách theo kiểu quân sự một cách rất nghiêm túc. Đây cũng là kiểu chào phổ biến của các nhân viên bảo vệ ở các trung tâm thương mại và các khu chung cư cao cấp. Đối với mình chào theo kiểu quân sự có vẻ hơi quá, nhưng dù sao đi nữa thì đây cũng là một cử chỉ nói lên sự tôn trọng cách tuyệt đối.

Nhân viên bảo vệ ở Thái Lan còn làm công tác thay thể các cảnh sát giao thông. Vì đường xá Bangkok chật chội gây ùn tắc, việc xe cộ ra vào nhiều khi khó khăn. Nhân viên bảo vệ đứng ra điều khiển xe cộ tại nơi họ làm việc để giao thông trật tự hơn. Người lái xe trên đường cũng tôn trọng sự điều khiển của nhân viên bảo vệ làm công tác giúp đỡ xe cộ ra vào một cách nhanh chóng và an toàn.

Dường như tất cả các nhân viên bảo vệ ở Bangkok đều đến từ các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh vùng Đông Bắc là vùng nghèo nhất nước Thái. Vì đời sống túng thiếu ở vùng quê nên họ phải bươn ba vào thành phố kiếm sống để nuôi thân và lo cho gia đình. Ngành bảo vệ chỉ là một trong hàng chục loại công việc mà những người quê vào thành phố theo làm. Như ở các nước đang phát triển, sức lao động ở Thái Lan rất rẽ, nên ai có thu nhập khá khá là có đủ tiền để thuê người giúp việc. Chính vì vậy mà vào các giờ lễ ở giáo xứ, trong bãi xe có khá nhiều tài xế đứng chờ bên ngoài trong khi ông chủ bà chủ đang tham dự lễ bên trong.

Sự hiện diện của các nhân viên bảo vệ và những người lao động khắp phố lại cho thấy sự cách biệt rất xa giữa giới giàu và giới nghèo ở thành phố này. Và xu hướng này dường như không có dấu chỉ suy giảm. Người giàu ngày giàu hơn và người nghèo ngày nghèo hơn. Cho đến ngày nay mình vẫn không thể tránh nỗi cái cảm giác khó chịu trong lòng khi đang đi trên vỉa hè nhìn xuống đường thấy một ai đó đang ngồi thoải mái trong chiếc xe với giá hàng triệu baht, rồi nhìn lại xung quanh thấy hàng trăm người đang mua gánh bán bưng, lao đồng làm thuê, ăn xin kiếm sống. Sự cách biệt giữa hai lối sống rộng như một biển thẳm mà người bên này không thể dám mơ sẽ có ngày bước qua bên kia được.

Bangkok ngày 16.11.2007

Hồng ân Chúa bao la


Cả tuần nay giáo xứ tổ chức chương trình giảng phòng mỗi sáng và mỗi tối. Cha giảng phòng là một linh mục dòng Chúa Cứu Thế tên Daniel Francis, đến từ Hoa Kỳ. Giáo dân đến nghe cha giảng rất đông, các dãy ghế đều chật kín không còn chỗ trống. Bài giảng của cha được lồng vào chương trình theo chủ đề với những nghi thức, thánh ca, phần cầu nguyện rất phong phú và sinh động. Cha có một lối giảng rất tự nhiên, hài hước, nhưng lại rất sâu sắc. Giáo dân khi thì cười rồ lên sau khi được nghe cha kể chuyện vui, khi thì cảm động đến chảy nước mắt.

Rất tiếc vì mình phải đi học vào buổi tối nên không tham dự được hết các chương trình. Nhưng tối nay mình đồng ý bỏ một ngày học để giúp trong phần hòa giải. Hai tiếng đồng hồ mình ngồi tòa đã mang lại cho mình một cảm giác thật hạnh phúc vì cảm nhận được hồng ần tràn đầy của Chúa không chỉ cho những người đến tham dự bí tích hòa giải với mình, mà còn cho chính mình nữa. Những tâm tư của những người đến với mình làm mình thật xúc động, nhiều khi tưởng chừng không cầm nỗi nước mắt khi người trước mình hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Có người đã 25 năm nay chưa đi xưng tội, có người thì 20, hoặc 10. Nhưng tối nay, họ đã đến để nghe cha Daniel giảng và hồng ân của Chúa qua lời chia sẻ của cha Daniel đã thúc đẩy họ can đảm đến hòa giải với Chúa và với chính mình.

Mấy ngày hôm nay cổ mình thật khó chịu. Bác sĩ nói những dây thần kinh bên trái không nằm ở vị trí bình thường gây nên sự căng thẳng, khó chịu. Bác sĩ nắn chỉnh nhưng dường như tình hình không đỡ hơn bao nhiêu. Đây là căn bện thương hàn đã hành hạ mình hơn hai năm nay nhưng chưa tìm ra cách điều trị hiệu quả.

Tuy vậy, nhưng suốt hai giờ đồng hồ mình ngồi giải tội, dường như sự khó chịu trong người của mình biến đi lúc nào không hay. Mình chỉ biết chăm chú lắng nghe những tâm tư của những con người đang khao khát sự an bình, sự tha thứ, và cảm nhận được tình yêu của Chúa trong đời sống của họ. Và mình đã luôn nhận mạnh cho họ hiểu được rằng, hôm nay họ có thể tìm được tất cả những điều mà họ đang mong ước. Chúa đã tha thứ cho họ, Ngài rất yêu thương họ, và sẽ là nguồn trợ lực cho họ để họ giải quyết những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái. Nhiều người đã cảm động tới chảy nước mắt vì được nghe lời an ủi từ một vị linh mục rằng, Chúa hằng thương yêu họ một cách tuyệt đối, và ngày hôm này sẽ là một bước ngoặc mới trong đời sống của họ.

Ngồi tòa xong, về phòng riêng, mình thấy sự khó chịu trong thân thể trở lại, bờ vai thấy nhức mỏi, nhưng trong tâm hồn mình thì rất vui sướng và bình an. Mình dâng lên Chúa lời cảm tạ sâu sắc vì Ngài đã dùng mình một cách cao cả như thế này. Nếu không có Chúa thì không thể nào mình có thể làm được như vậy. Nếu Chúa không ban cho mình ân sủng của Ngài thì mình không bao giờ là một khí cụ bình an của Ngài như mình đã thực hiện tối hôm nay. Trước hồng ân vô bờ bến này, mình chỉ biết thinh lặng, tạ ơn Chúa, và chúc tụng Ngài vì Ngài quá rộng lượng và nhân ái đồi với một con người bé nhỏ, đầy khiếm khuyết như mình.

Bangkok, ngày 13.11.2007

Niềm vui đơn sơ


Tối thứ sáu mình đi xuyên qua công viên Lumpini đến khu Silom để học kèm. Công Viên Lumpini là một công viên rất lớn ngày trong lòng thành phố Bangkok. Buổi chiều có hàng trăm người đến đây chạy bộ, chơi các môn thể thao, tập thể dục aerobic, tai chi, trượt patanh, tập nhảy múa, và hàng loạt các sinh hoạt khác. Trong công viên còn có thư viện công cộng, sân chơi quần vợt, bể bơi, và trung tâm cho giới cao niên lẫn giới trẻ. Mỗi lần đi học, mình đi xuyên qua công viên vừa để tiết kiệm tiền vừa được thưởng thức không khi trong lành và mát mẻ của công viên. Trong thành phố Bangkok ngột ngạt và ồn ào, bước vào công viên như thoát hẳn ra khỏi những áp bức của đời sống dồn dập của thành phố thủ đô.

Có những lần mình đi bộ vào lúc trời đã tối, số người còn trong công viên cũng thưa bớt, trong lòng đôi khi dâng lên một cảm xúc khó tả. Ngày vừa qua, mình cũng đi bộ như vậy, bổng thấy một anh cảnh sát chạy xe đạp, chở một cậu bé khoảng hai tuổi trên giàn xe. Chú bé được chở đi dạo công viên mát mẻ nên rất thích, cứ cười khúc khích. Anh cảnh sát chạy xe đạp ngang qua một chiếc ghế nơi có một người đàng ông khoảng 40 tuổi đang ngồi hóng mát. Người đàn ông nhìn anh cảnh sát chở chú bé rất dễ thương nên nở môi mỉm cười. Khi ấy mình đang đi tới, nhìn thấy người đàn ông đang mỉm cười, mình lại mỉm cười theo vì sự đồng cảm.

Lúc ấy trong lòng mình có một cảm giác thật nhẹ nhàng dễ chịu. Mình nghĩ những hành động đơn sơ dễ thương mà người ta làm một cách rất bình thường cũng có thể tác động đến nhiều người khác. Anh cảnh sát chở chú bé đi chơi, nhìn quá dễ thương. Chú bé vui cười lại nhìn dễ thương. Người khác nhìn hai cha con cũng thấy dễ mến. Và nụ cười của người đó cũng làm mình phải cười theo.

Những điều tốt trong đời cũng gây ảnh hưởng đến người khác đấy chứ, đâu phải chỉ những điều xấu mới dễ lan tràn. Nếu ai cũng làm những việc tốt như vậy cho nhau thì có lẽ sẽ còn lại ít chỗ cho những thứ xấu xa tranh chiếm.

Từ ngày bắt đầu đi học kèm mình đã tìm được niềm hạnh phúc nhẹ nhàng mỗi chiều đi xuyên qua công viên, để còn thấy rằng trong thành phố náo loạn và ồn ào này còn có những tiếng chim, còn có những thảm cỏ xanh rì, còn có những hàng cây bóng mát, và còn có những con người cũng đang tìm cho mình những giây phút thảnh thơi với thiên nhiên và những sinh hoạt vui tươi lành mạnh.

Bangkok, ngày 11.11.2007

Thức ăn Việt Nam ở Bangkok


Trên con đường Ruam Rudii nơi mình ở có một nhà hàng Việt Nam mới khai trương cách đây vài tháng với cái tên nghe khá sang trọng là “Delices”. Mình muốn vào thử xem như thế nào nhưng biết rằng ở khu vực này, cái gì cũng đặt đỏ nên không dám vào. Cuối cùng thì cũng có một người mời mình vào ăn lần đầu tiên cho biết. Nhưng ăn rồi thì lại hối hận vì thức ăn vừa mắc vừa không ngon. Mình hỏi nhân viên quán ai là chủ thì được cho biết là người Thái. Mình hỏi ai là đầu bếp thì cũng được trả lời là người Thái.

Từ ngày đến Thái Lan, mình đã đi ăn đồ ăn Việt Nam ở khoảng năm nơi, nhưng chưa có một lần nào cảm thấy vừa lòng. Phở không ra phở, bún không ra bún. Phở ở Việt Nam thường kèm theo tương ớt đỏ, tương đen, một dĩa rau húng quế, giá… Nhưng ở Thái Lan thì không có những thứ này. Chị D. một người Việt Kiều Mỹ đang làm việc tại Thái Lan mỗi lần đi ăn phở phải đem theo chai tương ớt riêng mà chị mua được từ một siêu thị nào đó. Ngòai ra, hương vị của các thức ăn cũng khác hẳn với những thức ăn Việt mà mình đã từng ăn tại Việt Nam và Mỹ.

Tuy nhiên, đa số người Thái biết đến thức ăn Việt Nam qua những nhà hàng như thế này, và họ đều cho là ngon. Đặc biệt khi nói về thức ăn Việt Nam, món đầu tiên mà người Thái nhắc đến không phải là phở hoặc bún bò, mà là nem nướng. Mình không biết lịch sử của thức ăn Việt Nam diễn tiến như thế nào ở đất nước này khiến cho món nem nướng trở thành món ăn Việt Nam nổi tiếng nhất và được người Thái ưa chuộng nhất.

Thức ăn Việt Nam ở Thái Lan cũng khá mắc, cho dù đó chỉ là những món mà người Việt cho là món ăn bình dân như bò lá lốp và bò bía. Sau những lần thử thức ăn Việt Nam tại Thái Lan, mình đã trở nên khá thất vọng. Nhưng vấn đề không thể cải tiến được vì mình được cho biết là khẩu vị của người Thái như thế, nên phải chiều theo sở thích của khách hàng. Mình dường như đã quyết định rằng, nếu đi ăn thức ăn Việt Nam như thế này thì đi ăn thức ăn Thái sẽ vừa lòng hơn. Mình gần như đã tẩy chay các nhà hàng Việt Nam tại Thái Lan. Tuy nhiên, chị T. một người Việt kiều Thái cũng có nói với mình là có nơi ngon mà mình chưa đến. Có lẽ mình sẽ cho mình thêm một cơ hội nữa.


Bangkok ngày 8.11.2007

Việt kiều Băng-Cốc mừng lễ các thánh: các thánh Tử Đạo Việt Nam
















Cha chủ nhiệm cộng đoàn Việt Nam tại Thái Lan gởi cho mình một đường link trang web có đăng bài của cha viết về ngày lễ của cộng đoàn vào Chúa Nhật vừa qua. Ngài thật sốt sắng trong việt đưa tin về cộng đoàn cho những người bên ngoài biết đến để cùng chia sẻ những khó khăn cũng như những tiến bộ nho nhỏ mà cộng đoàn có được. Dưới đây là bài mà ngài đã viết về ngày lễ mừng các thánh tử đạo Việt Nam.

Việt kiều Băng-Cốc mừng lễ các thánh: các thánh Tử Đạo Việt Nam

Băng-Cốc-Mặt trời vươn lên cao như muốn chào đón mọi người con dân Việt tha hương với ánh nắng vàng rực rỡ. Ngay từ sáng sớm, nhiều bạn trẻ đã nô nức khởi hành dù chương trình được bắt đầu vào lúc 12g trưa. Hôm trước đó, có bạn đã gọi điện thoại tới nói:

- Cha ơi! 5g sáng mai, con đón xe đi, nhờ cha nói chuyện với tài xế chỉ đường, cha nhé!.

- Sao đi sớm thế, 12g trưa chương trình mới bắt đầu mà!- Chúng con đi sớm để tránh công an, cha ạ!

Cũng có một bạn khác nói: -Đi chơi thì sợ công an chứ đi lễ thì không sợ!
Càng lúc tiếng cười nói vang vọng trong khuôn viên trường thánh Don Bosco, đường Phết Bu-Ri càng rộn ràng thêm. Có khoảng 500 Việt kiều, đại đa số là các bạn trẻ, đã trải qua cuộc hành trình nhiều cây số đổ về từ các nẻo đường ở Thái Lan, để đến nhà thờ, tham dự ngày họp mặt vào dịp mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Bước vào nhà thờ thánh Don Bosco, mọi người hưởng ngày được bầu khí Việt Nam với bàn thờ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở bên phải bàn thờ, đã gợi lên hình ảnh “Máu hồng tử đạo thắm quê hương đất Việt”.
Nhiều bạn trẻ đã run lên vì cảm động khi nghe đọc hạnh tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (tích truỵện về bà thánh Đê). Sau đó cộng đoàn bị cuốn hút vào nghi thức làm phép và xông hương ảnh kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Rồi cộng đoàn đọc chung lời kinh kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thật sốt sắng ! Nhiều người đã rùng mình xúc động khi tiếng đàn Organ dạo đoạn nhạc hào hùng và ca đoàn do quí sơ- dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Việt Nam đảm trách (gồm 27 ca viên), cùng với cộng đoàn vang lên bài ca “Tiếng Nhạc Oai Hùng” và đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ với quí thày Việt Nam-dòng Ca-mê-lô giúp lễ tiến lên với thánh giá, và 3 cha đồng tế trong bộ lễ phục mầu đỏ.
Cha chủ tế chào mừng mọi người Việt xa gần về tham dự ngày lễ. Cha giảng lễ nêu cao gương sống đức tin của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Suốt 300 năm chịu bách hại đạo, hàng vạn người Công giáo Việt Nam đã anh dũng đổ máu đào nhuộm thắm cả quê hương, trong đó, 117 vị đuợc Giáo Hội tuyên phong là Thánh Tử Đạo Việt Nam. Noi gương anh dũng của tiền nhân, các bạn trẻ được mời gọi can đảm để làm chứng cho đức tin trong cuộc sống của mình trên đấ nước Thái Lan.

Đặc biệt trong thánh lễ hôm nay, lần đầu tiên cộng đòan được tham dự lễ cưới của người Việt trên đất Thái Lan. Chú rể là Giuse Nguyễn Văn Hùng và cô dâu là Tê-rê-xa Trần Thị Lĩnh. Hai bạn trẻ người Việt sang Thái làm việc và quen nhau rồi đưa nhau đến nhà thờ để được tình yêu Thiên Chúa chúc phúc! Cộng đoàn cùng cầu nguyện cho họ được trọn đời yêu thương nhau- trăm năm vẫn đẹp như thuở ban đầu!
Ngoài ra, cộng đoàn cũng gây được tình cảm tốt đẹp với người Thái nên sau thánh lễ, một nhóm bác sĩ người Thái tới khám, chữa bệnh miễn phí cho những ai có nhu cầu.

Sau đó, cộng đoàn cùng chung vui liên hoan với nhau trong bữa ăn agapê, mỗi người một hộp bánh, một ly nước, vừa ăn vừa trò chuyện với nhau thật vui, vì hiếm khi có dịp may để mọi người Việt sang Thái được gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe và công việc làm ăn của nhau. Khi ra về, họ bắt tay nhau và cầu chúc nhau những gì tốt đẹp nhất!

Lm. Nguyễn Tiến Đức

Khó khăn đi lễ


Hôm nay thánh lễ Việt Nam thật đông, bên trong nhà thờ dường như hàng ghế nào cũng đầy người ngồi. Sau thánh lễ có một phái đoàn các chuyên gia chữa bệnh đau nhức bằng phương pháp gia truyền đến điều trị từ thiện cho các bạn. Vì các bạn trẻ người Việt đều làm các nghề lao động tay chân nên có rất nhiều triệu chứng đau nhức ở các vùng cổ, vai, lưng… Việc này xảy ra được là do sự sắp xếp của cha Đ., chủ nhiệm cộng đoàn. Trong khi các bạn đang được chữa trị bên trong thì bên ngoài sân nhà thờ lại có những người khác đứng trò chuyện thành từng tốp. Mình đang giúp dọn dẹp bên trong nhà ăn thì bổng nhiên có người báo động: “Cảnh sát đến”.

Mình lật đật đặt cái chỗi quét nhà xuống ra xem thì thấy cha S. đang đứng với một anh cảnh sát. Mình không đến gần nhưng chỉ đứng xem từ đang xa. Một lát sau thì vị cảnh sát lái xe ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Mình đến hỏi tình hình thì cha S. cho biết là cảnh sát đã bắt một cô gái. Sao đó hỏi lui hỏi tới thì mới phát hiện ra không phải một cô gái mà là một cậu trai tên Phúc khoảng 22 tuổi. Nhưng vì cậu ta ngồi sau xe, có mái tóc dài nên cha S. tưởng là con gái.

Có người cho hay có mấy bạn trẻ đang ở bên kia đường phía trước nhà thờ, thấy cảnh sát thì giựt mình nên đã bỏ chạy băng qua đường trốn vào khuôn viên nhà thờ, xém bị xe trên con đường khá rộng tông chết. Rút cuộc một người đã bị bắt, và cảnh sát đã vào tận bên trong khuôn viên nhà thờ. Cũng may là cha S. nói chuyện với cảnh sát như thế nào đó mà anh ta không tìm đến bắt hàng trăm bạn trẻ đang trong khuôn viên nhà thờ và trong nhà ăn chưa ra về.

Buổi tối mình và một số bạn trẻ đang ăn buffet ở một quán gần nhà thờ thì bác Tr. gọi điện thoại tới báo tin là cha S. đã liên lạc với một vị cảnh sát người Công giáo, và vị cảnh sát đó đã liên lạc với sở cảnh sát để cho em Phúc ra về. Bác Tr. nói báo tin tới cho mình vui và khỏi lo.

Sau khi em Phúc bị bắt, những người còn lại rất hoang mang không biết về có an toàn không. Một cô gái khi nghe nói cảnh sát đến thì chạy ùa vào bên trong nhà ăn, giật mình nên té ngất xỉu. May là hôm nay có các chuyên gia đang điều trị bệnh nên đã giúp em tĩnh lại.

Sau đó các seour dòng Mân Côi lên xe ra về. Nhưng trước khi về các seour lái xe một vòng trên con đường Ph. trước nhà thờ để thăm dò tình hình. Một lúc sau, seour H. trở lại và nói với mình rằng, nếu các bạn ra khỏi nhà thờ quẹo trái đi luôn thì không sao. Nhưng nếu đi về hướng bên phải thì thấy có hai người cảnh sát đang chờ ở gần ngã tư Asok. Thế là mình truyền thông tin lại cho các bạn để liệu mà về cho an toàn.

Hôm nay cộng đoàn mừng lễ các thánh nam nữ và các thánh tử đạo Việt Nam. Ở Thái Lan ngày nay thì hoàn toàn có tự do tôn giáo. Nhưng các bạn trẻ Việt Nam đi lễ sao mà vất vả quá. Việc thực hiện niềm tin của người sống bất hợp pháp ở đây không dễ dàng chút nào. Có lẽ nhờ vào kinh nghiệm này mà mình cũng hiểu được phần nào những thử thách kinh khủng mà các vị anh hùng của giáo hội Việt Nam đã phải đối phó trong những thời các ngài sống trong môi trường bách hại niềm tin Kitô giáo. Hy vọng rằng các bạn trẻ sẽ noi gương các ngài để cố gằng sống đức tin của mình cho bền vững mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn.

Bangkok, ngày 4.11.2007

Cha phó giám tỉnh đến Bangkok


Hôm nay cha phó giám tỉnh dòng từ Úc đến Thái Lan thăm cộng đoàn. Trước khi qua Thái Lan, ngài có ghé Việt Nam thăm các cộng đoàn của dòng tại Sài Gòn, Nha Trang, và Đà Lạt cũng như thăm đất nước Việt Nam.

Tối nay mình và cha Tr. dẫn cha phó giám tỉnh đến một nhà hàng trong khu chợ đêm Suan Lum đối diện với công viên Lumpini để ăn tối. Trong bữa ăn, ngài chia sẻ:

- Tôi đã nghe nhiều về Việt Nam qua những câu chuyện từ các anh em trong dòng, nhưng chưa bao giờ được tự mình chứng kiến. Vì thế nên chuyến đi này rất quan trọng vì nó giúp tôi nhìn tận mắt về những gì đã từng nghe.

Việc cha phó giám tỉnh đi thăm Việt Nam là một điều rất hợp lý. Vì trong nhà dòng, theo những gì mình biết cha có mối quan hệ rất tốt với những anh em người Việt. Cha rất hợp với tính tình của người Việt, và còn rất thích ăn các món ăn Việt.

Tuy nhiên, chuyến đi của cha chính thức là sang Thái Lan để thăm viếng cộng đoàn Thái Lan trên phương diện là phó giám tỉnh. Chiều nay cha Tr. đón ngài từ sân bay, và sẽ đảm nhận trách nhiệm chính trong việc dẫn ngài đi tham quan đây đó vì cha Tr. đã sống với ngài từ nhiều năm trong chương trình đào tạo ở Úc. Mình là người mới gia nhập tỉnh dòng Úc từ Mỹ nên biết đến các thành viên Úc chưa được tốt lắm.

Nhà hàng Me Hang mà mình dẫn cha phó giám tỉnh đến có hai bạn trẻ người Việt làm nhân viên phục vụ, đó là Tuấn và Loan. Hai bạn đến từ Hà Tỉnh. Tuấn làm việc ở Thái Lan được 3 năm, còn Loan mới được khoảng hai năm. Cả hai đều nói tiếng Thái rất khá, mặc dầu không có vào trường lớp gì để học ngôn ngữ. Nhu cầu mưu sinh đã khiến các bạn trẻ Việt Nam đến Thái Lan phải tranh thủ học nói tiếng Thái, và các bạn làm việc này rất tốt. Thiết nghĩ ở Thái Lan có rất nhiều người nước ngoài sinh sống cả chục năm, mà chỉ nói bập bẹ được vài câu giao tiếp. Đó cũng vì công việc và đời sống của họ không bắt buộc họ phải nói được tiếng Thái. Và họ cũng không thiết tha gì để học ngôn ngữ địa phương nơi họ sinh sống.

Ăn tối xong, mình kêu Tuấn tính tiền. Với số tiền còn lại mình muốn để lại cho việc phục vụ. Nhưng Tuấn không muốn lấy tiền của cha. Mình phải nói vài lần Tuấn mới chịu nhận tiền phục vụ. Trước khi ra về, mình hỏi:

- Ngày mai hai đứa có đi lễ Việt Nam không?

- Dạ có chứ. – Tuấn trả lời.

- Ok. Vậy thì mai gặp lại.

Hai bên chào nhau bằng những câu tiếng Thái. Ngày mai cộng đoàn Việt Nam lại có một thánh lễ cho tháng 11. Cộng đoàn sẽ mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam sớm hơn ba tuần vì vào đúng ngày lễ thì không có lễ Việt Nam. Mình sẽ được chủ tế thánh lễ Việt Nam lần đầu tiên từ khi đến đây. Nghĩ đến việc này trong lòng thấy vui vui. Vì thế tối nay mình sẽ đi ngủ sớm để ngày mai làm lễ cho thật tốt.

Bangkok, ngày 3.11.2007