Văn hóa xe ôm


Mỗi ngày mình đi xe ôm ít nhất bốn lần. Một lần từ nhà đến trạm xe điện ở Phloen Chit. Rồi từ trạm xe điện Asok đến trường đại học. Khi về thì ngược lại. Mỗi lần lên xe ngồi là mất 10 baht. Đây là giá cố định cho chặng đường mà mình cần đi. Mỗi lần ra đón xe ôm, mình chỉ cần leo lên xe, không cần nói tiếng nào tài xế cũng đủ biết phải đưa mình đến đâu. Dĩ nhiên nếu mình muốn đi nơi nào khác thì phải báo cho tài xế biết và mặc cả giá. Ở các “trạm xe ôm” tài xế xếp hàng theo thứ tự, có nơi còn có chỗ cho mọi người treo chìa khóa khi vào vị trí. Lúc nào có khách mới lấy chìa khóa xuống. Không có việc các tài xế dành giựt khách, đến phiên ai thì người ấy đi. Có khi ở nơi đón xe ôm thấy thiếu xe, khách lại đứng xếp hàng chờ xe ôm đến đưa đi chẳng khác gì đứng xếp hàng đi rước lễ. Không ai dành ai, không có sự chen chúc nhau.

Tất cả các tài xế xe ôm ở Thái Lan đều có một chiếc áo khoác màu cam hoặc màu tím. Trên áo có số tài xế và địa điểm mà tái xế được phép hoạt động. Thường họ chỉ nhận khách trong khu vực mà họ được hoạt động. Nếu họ đang ở một khu vực khác, mà khách kêu họ cũng không được nhận, bởi vì đó là khách của các xế trong khu vực. Đã nhiều lần mình đứng trên đường đón xe ôm chạy ngang qua, nhưng tài xế không dừng lại mà chỉ cho mình hãy đến ngã tư nơi có các tài xế xe ôm đang chờ khách. Mình cũng nghĩ rằng họ không dám phá luật vì không muốn lãnh nhận hậu quả không tốt sẽ xảy ra nếu bị phát hiện dành khách.

Đi xe ôm ở Bangkok nhiều lúc tốn tiền hơn đi taxi, đặc biệt là khi phải đi chặng đường hơi dài. Thường đường phố Bangkok rất kẹt xe nên việc đi lại không nhanh chóng. Biết thế nên các xế xe ôm thường đòi giá khá đắt vì biết rằng chỉ có bằng xe ôm mới dễ đến nơi cần đến, đặc biệt là vào các giờ cao điểm. Vì chỉ có xe ôm mới dám chạy lên lề đường, lách giữa hai dòng xe hơi dày đặc, và tìm vào những con hẻm nhỏ hẹp. Tuy nhiên, đi xe ôm ở Bangkok có phần mạo hiểm vì tài xế thường lạng lách nhiều để vượt qua các chiếc xe hơi trên đường, còn khi nào ít xe thì các bác xe ôm cũng rất chịu đua. Luật giao thông Thái Lan buộc mọi người ngồi xe gắn máy phải có nón bảo hiểm, nhưng thường thì khách ngồi xe ôm ít ai đội.

Phải nói từ khi đến Bangkok mình đi lại một cách khá đa dạng. Nào là xe ôm, xe điện ngầm, xe điện “trên trời”, xe buýt quạt, xe buýt máy lạnh, xe taxi, xe tuk tuk (ba bánh), và có khi còn ngồi đò trên các dòng kênh nữa. Nếu mình sống ở Bangkok thì có lẽ mình sẽ không bao giờ cần có một chiếc xe hơi như ở nơi khác.

Bangkok ngày 9.10.2007

No comments: