Đợi chờ
Hành trình của một vị linh mục
Ngày Chúa Nhật
Mình không thích làm lễ đồng tế. Đứng trên cung thánh như thể để làm "cảnh" mình cảm thấy dễ bị chi phối. Nếu linh mục chủ tế đã làm tất cả những gì cần thiết trong thánh lễ thì sự hiện diện của mình cũng chỉ là dư thừa. Đôi khi có nhiều cha đồng tế, chia nhau đọc lời nguyện Thánh Thể, cha này nhường cha kia, cha trẻ tuổi nhường cha lớn tuổi, cha chức nhỏ nhường cha chức lớn, mọi người nhìn qua nhìn lại, chỉ qua chỉ lại, Thánh Lễ dường như rối cả lên. Nếu không có vai trò gì thích đáng trong thánh lễ, ví dụ như giảng thuyết, mình vẫn thích ngồi cùng giáo dân để tham dự thánh lễ hơn. Như thế mà trọn vẹn hơn đứng trên cung thánh trong khi không làm điều gì.
Thêm vào cảm giác trống trải là vì trưa nay mình bị một người bạn 'xù'. Hẹn gắp nhau vào giờ trưa, nhưng 30 phút trước cuộc hẹn thì anh ta lại gọi tới bảo rằng trong người không khỏe do hôm trước đi ngoài trúng mưa. Không thể trách người bị bệnh, nhưng cớ anh ta gọi cho mình sớm hơn một tí thì mình có thể nhận một lời mời khác. Trước đó, một người tên Lâm mà mình chưa hề gặp gọi tới hỏi thăm. Anh cho biết là bạn của anh O. (là người mình quen biết). Lâm bảo:
- Con đã nghe anh O. nói nhiều về cha nhưng chưa có dịp gặp. Hôm qua con đi dự đám cưới gặp chị T. Chị nói cha đã ở Việt Nam về. Nên con gọi tới hỏi thăm.
Lâm hỏi mình bây giờ có rảnh không? Mình trả lời không rảnh vì lát nữa có cuộc hẹn. Thế nhưng bây giờ không còn cuộc hẹn đó nữa. Đành ở nhà đọc sách và học bài vậy. Một ngày Chúa Nhật đáng ra khá bận rộn trở nên yên lặng và trống trải.
Bangkok, ngày 22.7.2007
Đi xem đội tuyển Việt Nam
Chuyện trong ngày
Trở về lối cũ
Rời Việt Nam
Thế là mình cũng đã bước lên máy bay rời Việt Nam để trở về Thái Lan, trở lại với việc học hành, và những công việc khác mà mình đang mới bắt đầu làm quen trong vài tháng từ khi được chuyển sang đất Thái. Cuộc phiêu lưu ở Việt
Ngồi trên chuyến bay Air France từ Sài Gòn đến Bangkok, mình chỉ có đủ thời gian để coi lại bài báo mà mình đã viết cho Dân Chúa Úc Châu số tháng 8, rồi viết một bài cho NKTG, một phần để cho thời giờ ngồi không trên máy bay được tận dụng, và một phần để ghi lại những cảm nhận khi đang bay trong không trung. Cũng có thể một không gian khác sẽ tạo ra cho mình những cảm nghĩ và cảm xúc khác thường đôi chút.
Hôm nay tiễn mình ở sân bay có một nhóm 9 người, trong đó có 3 người là anh em cùng dòng, 5 người là bạn bè, và một người là một bạn trẻ mình đang đồng hành và nâng đỡ khi đã bị nhiễm HIV do lầm lẫn đi vào con đường ma túy. Tính mình không thích những cuộc chia tay rườm rà, kéo dài, và ướt át. Mình không thích có nhiều người phải đưa đón. Họ phải tốn nhiều giờ đến sân bay chỉ vì đứng với mình vài phút nói chuyện, rồi mình phải đi vào trong, họ thì ra về. Mình thấy không cần thiết. Thế nhưng những người này đã không đồng ý với lời từ chối được tiễn đưa của mình. Đến giờ mình ra sân bay, họ lần lượt tìm đến để chia tay. Đành phải chịu vậy. Dù sao đi nữa, có người tiễn đưa cũng có nghĩa rằng chung quanh mình vẫn còn có người quan tâm đến mình. Đó cũng đã đủ mang lại cho mình một cảm giác ấm cúng trong lòng. Và với cảm giác đó, mình lên máy bay, đi về Bangkok với một niềm vui nho nhỏ và một sự mong ước sẽ sớm gặp lại những khuôn mặt thân thương mà mình đã để lại ở đất nước Việt Nam này.
Cô nhân viên tại Lãnh sự quán Thái
Mừng hụt
Kiên Giang và Lăng Cô thân thương
Câu chuyện xung quanh bàn tiệc giỗ
Chiều qua mình đến Tân Bình làm lễ đồng tế với cha Vinh, một người anh em mới chịu chức tháng trước ở Mỹ về. Cha Vinh làm lễ giỗ cho ông ngoại nên mời mình đến làm lễ chung. Lễ xong anh mời mình qua nhà ông bác ăn tối với gia đình, có thêm cha chánh xứ là cha Th.
Trong bữa ăn, câu chuyện dẫn đến việc nhiều người đi lễ mà không vào nhà thờ. Bên ngòai nhà thờ thì giáo dân đứng đầy trong khi bên trong thì lại rổng. Luôn chuyện mình đưa ra nhận xét cá nhân về những người giáo dân ở Nhà thờ chính tòa Sài Gòn đi lễ mà chỉ đứng ngoài nhìn vào…tường nhà thờ, không nghe không thấy được bất cứ điều gì bên trong nhà thờ.
- Thực sự những người này nên ở nhà ngủ hoặc đi uống cà phê có lẽ sẽ bổ ích hơn là đi lễ kiểu đó. – Mình nhận xét.
- Cha nói vậy chứ con thấy những người này đang làm chứng về đức tin đó chứ. – Anh Thiên, anh họ của cha Vinh lý luận.
- Làm chứng như thế nào, anh nói nghe đi. – Mình hỏi lại.
- Thì Nhà thờ chính tòa ở trung tâm thành phố, có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Đứng bên ngoài nhà thờ như vậy thì người ta mới thấy rằng người Việt mình thật sùng đạo. Nhà thờ đông đến nỗi phải đứng ngoài đường mà người ta vẫn đi lễ.
Cả nhả bật cười. Cha Th. bảo:
- Trước đây mình cũng nghĩ như cha vậy, mà bây giờ nghe anh Thiên lý giải mình mới thấy một cách nhìn khác. Hóa ra những người đứng trước nhà thờ đang thi hành việc làm chứng cho đức tin.
Cái kiểu làm chứng cho đức tin này mình sợ lắm. Tuần trước, mình đi lễ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng. Chủ tế đang giảng lễ, bổng nhiên từ túi quần của một giáo dân bên cạnh tuổi độ gần 50 reng lên tiếng quen thuộc của điện thoại di động. Reng một hồi, rồi hai hồi, giữa hồi thứ ba thì ông ta mới mò cái điện thoại ra khỏi túi quần, rồi…trả lời: “Alô” như đang đứng giữa chợ Bà Chiểu. Bên kia nói gì mình không biết, nhưng ông ta trả lời: “Giờ đang lễ không nói chuyện được”.
Ông ta đóng điện thoại bỏ lại vào trong túi quần. Không đến năm phút sau, điện thoại lại ngân lên như trước. Ông ta lại trả lời: - Đang đi lễ không nói chuyện được.
Mình thấy máu trong người đang dồn về tim. Gân trên trán căng thẳng. Mình liếc người đàn ông với ánh mắt không mấy thiện cảm. Tại sao ông ta không tắt điện thoại hoặc cho nó vào chế độ thinh lặng? Lần đầu tiên cho là vô tình, nhưng lần thứ hai thì quả thực là đáng trách.
Thế nhưng câu chuyện điện thoại vẫn chưa kết thúc. Sau vài phút, sự việc lại tái diễn với lần reng thứ ba. Điện thoại reng, ông ta thanh thản lấy nó ra khỏi túi quần để trả lời cho đối phương là ông đang đi lễ, không nói điện thoại được.
Trong giờ lễ đó có ba người được biết qua điện thoại là ông ta có đi lễ ngày Chúa Nhật. Phải chăng ông đang làm chứng cho đức tin của mình? Nếu giáo dân cứ làm chứng đức tin kiểu này thì có lẽ giờ lễ sẽ trở thành một phiên chợ lúc nào không hay.
Sài Gòn, ngày 6.7.2007
Dự lễ trên xe máy
Đúng vậy, quốc lộ từ Bảo Lộc đến Ngã Ba Giầu Giây rồi sau đó là quốc lộ 1 từ Ngã Ba Giầu Giây đến Ngã Ba Vũng Tàu có vô số nhà thờ. Ai đi trên hai tuyến đường này cũng không bỏ qua được cảnh một ngôi nhà thờ quen thuộc hiện lên sau mỗi năm mười phút. Nếu đi vào ngày Chúa Nhật thì ta sẽ thấy có rất nhiều người giáo dân đi lễ. Người Việt vẫn vốn rất sùng đạo và đi lễ rất đều đặn. Ở vùng miền quê thì có nơi như Gia Kiệm 3h30 sáng thì chuông nhà thờ đã rung. Lễ ngày thường ở một nhà thờ Việt Nam còn đông hơn lễ Chúa Nhật của rất nhiều nhà thờ bên Mỹ hay Châu Âu.
Lễ ở nhiều nơi, giáo dân tràn ra bên ngoài nhà thờ vì bên trong có khi không đủ chỗ. Nhưng không phải ai đứng bên ngoài nhà thờ cũng vì bên trong không có chỗ ngồi. Ở nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn vốn có rất nhiều chỗ ngồi, nhưng mỗi thánh lễ đều có nhiều chục người không thèm đi gửi xe để vào bên trong dự lễ. Họ đứng hoặc ngồi trên yên xe trên đường nhìn vào trong, mặc dầu trước mắt họ là những cánh cổng nhà thờ rất cao và những bức tường gạch che khuất bất cứ những gì đang diễn ra bên trong. Nhà thờ không hề gắn loa bên ngoài nên âm thanh duy nhất mà họ nghe được là tiếng xe cộ inh ỏi trên đường phố. Thế nhưng họ vẫn đứng, hoặc ngồi trên yên xe mãi một tiếng đồng hồ đến khi họ thấy có dấu hiệu thánh lễ bên trong kết thúc thì họ nhanh chóng dọt về.
Tuần trước mình đi lễ 4 giờ chiều, sau đó ngồi lại ở một quán cóc bên lề đường để quan sát cảnh vật trong khuôn viên quảng trường Hòa Bình trước nhà thờ chính tòa. Nhìn những người giáo dân đứng bên ngoài nhà thờ nhìn vào trong, trong số họ có không ít người đã tuổi được xưng bằng chú bằng bác, có vợ chồng và con trẻ, có cô cậu thanh niên, mình có cảm giác muốn giăng một băngrôn trước mắt họ với lời khuyên: Quý vị đi lễ như thế này thì ở nhà tốt hơn! Thật vậy, tại sao phải làm khổ chính mình khi đứng bên ngoài, không nghe được gì, không thấy được gì? Nếu họ nghĩ rằng họ đứng đó thì họ đã làm trách nhiệm đi lễ, họ không cần phải đi xưng tội “Thưa cha con có bỏ lễ ngày Chúa Nhật” thì mình cho rằng họ đã lầm to. Tới đứng trước ngôi nhà thờ nào đó một tiếng đồng hồ rồi cho rằng mình đã đi lễ là một điều vô lý nếu không nói là ngu xuẩn.
Chuyến đi Bảo Lộc
Bảo Lộc những ngày này trời mưa liên tục, khí hậu lạnh lạnh, nằm trong giường rất dễ ngủ. Lễ giỗ của cụ Đ. do những người con của cụ tổ chức, trong đó có hai người vừa về từ Úc diễn ra tốt đẹp. Mình không có vai trò gì đặc biệt trong lễ giỗ này, chỉ là khách của gia đình. Thế nhưng mình lại trở nên điểm chú ý của nhiều người trong buổi tiệc vào ban trưa và buổi đọc kinh vào ban tối. Cũng vì cái việc mình đến từ Mỹ, là một ông cha trẻ, rồi ‘cha mà sao nhìn giống như thanh niên’, và ‘ra đường ai mà biết là cha’. Đối với những người quê ở đây, sự hiện diện của mình như một hiện tượng lạ.
Một ngày ở Bảo Lộc nhưng mình cũng đã được gặp gỡ rất nhiều người, trong đó là một nhóm cựu tu sinh ở Đại Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt với cái tên Têrêxa. Bây giờ họ đã ở tuổi U50, có gia đình và phải bươn chải với cuộc sống lo lắng cho vợ cho con, nhưng họ vẫn thường gặp gỡ để sinh hoạt. Anh Khâm cho hay, một trong những sinh hoạt chủ yếu của nhóm là chia sẻ và hát với nhau những bài hát của Xuân Tưởng, một nhạc sĩ cũng đã từng theo học ở ĐCV Simon Hòa để nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp thời gian còn ăn cơm nhà Chúa.
Rồi mình gặp gỡ một người anh em bà con trong gia đình đang gặp phải áp lực từ phía bên bố vì anh không chịu theo đạo Công Giáo (Mẹ theo phật giáo). Anh băn khoăn không biết nên làm thế nào để cho vợ và con theo đạo trong khi mình không bị xua đẩy và chỉ trích vì quyết định cá nhân của mình.
Rồi mình gặp chị Hường, chị gái của một linh mục trong địa phận Đà Lạt. Chị có một quyết định rất đáng trân trọng là chọn ơn gọi độc thân để phục vụ Chúa. - Tu tại gia rất khó. – Chị chia sẻ với mình. – Lối sống này ít được sự nâng đỡ của người khác. Có nhiều người khi lớn tuổi cảm thấy cô đơn. Họ đưa ra ý kiến lập một nhóm để làm việc mục vụ. Nhưng khi họ đến ở với nhau thì không sống với nhau được vì họ không quen sống theo quy luật như trong một hội dòng.
Đây cũng là giáo xứ có cha phó là người dân tộc thiểu số. Trong bữa tiệc, mình ngồi trong bàn với các ông trùm của các giáo họ trong giáo xứ. Toàn thể số người khách trong bàn đều được giới thiệu là 'ông trùm'. Một ông trùm cho mình biết, cha Tr. là cha người thiểu số duy nhất được đào tạo và làm việc công khai tại Việt Nam. Mình không dám xác định thông tin này, nhưng chắc chắn việc có linh mục thiểu số được chịu chức và làm mục vụ là một bước tiến rất quan trọng và thiết yếu cho quá trình truyền giáo tại Việt Nam, đặc biệt là đến người dân tộc khác.
Chỉ một ngày trong một nơi khác mà mình gặp gỡ, trò chuyện, và làm quen được với nhiều người quá chừng. Mặc dầu trong người không khỏe, phải luôn canh giờ để uống hết năm loại thuốc mà bác sĩ chỉ định, phải từ chối những ly cà phê, những điếu thuốc lá, những ly rượu đế mà họ mời mình uống để chia sẻ tình thân, nhưng trong lòng mình rất vui vì mình đã được gặp gỡ, làm quen, và chia sẻ với những con người rất đáng mến tại vùng đất Bảo Lộc.
Sài Gòn ngày 3.7.2007
Đau quằn quại
Cha Q. cho mình một loại thuốc uống để chặn lại Tào Tháo rất thành công, nhưng trong bụng mình bấy giờ lại có cảm giác thắt quặn làm mình đau điếng. 4h30 sáng, cơn đau không thuyên giảm mà càng lúc thấy càng trầm trọng hơn. Mình lủi thủi leo xuống giường, mặc vào chiếc áo sơ mi và quần dài, rồi ra đường đón chiếc xe ôm đến Bệnh Viện Hoàn Mỹ trên đường Trần Quốc Thảo.
Mình bước vào khoa cấp cứu xin được khám và điều trị. 5h sáng trong khoa cấp cứu chưa mấy bận rộn, tuy cũng có khoảng 8 bệnh nhân đang được chăm sóc. Cô y tá chỉ tới một chiếc giường nhỏ cạnh tường và bảo mình nằm xuống. Sau gần 3 tiếng đồng hồ trong khoa cấp cứu, mình đã được chuyền nước biển, chích một mủi thuốc giảm đau, xét nghiệm máu, siêu âm, một mủi thuốc kháng sinh, và toa thuốc để về nhà uống. Kết qủa của bác sĩ về bệnh tình sau quá trình khám là: viêm đường ruột.
Đây là lần thứ hai mình bị viêm đường ruột, lần đầu tiên cũng là khi đang làm việc tại Việt Nam. Khi ấy mình cũng phải đi khám cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ khi chỉ 1h sáng vì cơn đau quằn quại trong bụng. Khi về đến nhà, cha Q. bảo:
- Em bị viêm đường ruột vì em cứ hay ăn những thức ăn trên đường phố. Em phải cẩn thận. Có ăn thức ăn đường phố thì tìm những gì nóng mà ăn.
Anh Q. nói đúng, mình quá ỷ lại trong việc ăn uống. Mình ít khi lo sợ về vấn đề vệ sinh khi ăn uống bên ngoài. Mình không sợ hủ tíu gõ, không sợ cháo lòng 4.000/tô, hay sợ canh bún vỉa hè. Nhưng có lẻ sau lần bệnh này mình phải bắt đầu cẩn thận hơn trong việc ăn uống, đặc biệt là những gì trên đường phố.
Cơn đau đã giảm nhiều rồi, những viên thuốc bác sĩ cho uống qủa thật có hiệu quả. So với lúc sáng, mình như một con người khác. Bây giờ đã gần 5h chiều, mình đang đợi chị L. mang cháo đến cho mình ăn tối. Khi ốm có người quan tâm cho mình, mình thấy có phần an ủi hơn. Không có cha mẹ hay người thân bên cạnh, thiết nghĩ khi bệnh hoạn mà không có ai nâng đỡ thì sẽ buồn tủi lắm. Mình vẫn thấy rằng mình thuộc số người còn rất may mắn.
Sài Gòn ngày 30.6.2007