Nhìn lại 3 tuần tại Úc châu


Hôm qua mình trở lại Thái Lan sau chuyến đi Úc kéo dài 3 tuần tới hai thành phố Sydney và Melbourne. Điều mình đã làm ngay sau khi trở lại Thái Lan là đi cắt tóc ở tiệm cắt tóc thường xuyên của mình để lấy lại “khí thế” sau khi trải qua 24 tiếng đồng hồ khá mệt mỏi để di chuyển từ các sân bay khác nhau trên đường quay lại Thái Lan. Từ sân bay Bangkok, thay vì đi thẳng về nhà thì mình ghé vào tiệm hớt tóc gần trạm xe điện Đại học Kasetsart để cắt tóc. Khi bước vào, anh chủ tiệm cắt tóc thấy mình nhìn có vẻ mệt mỏi nên nói: - Hôm nay nhìn anh không tươi tỉnh như mọi hôm. Chắc chuyến đi khá vất vả.

Mình trả lời: - Thực ra chỉ chuyến đi về mới mệt, chứ toàn bộ chuyến đi thì không mệt. Vì tôi đã có những ngày rất vui vẻ và tốt đẹp tại Úc châu.

Thực vậy, thực hiện chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, mình đã cố gắng biến chuyến đi Úc lần này thành một trải nghiệm ý nghĩa không chỉ liên quan đến công việc chuyên môn của mình mà còn là cơ hội để gặp gỡ với những người trong hội dòng Ngôi Lời cũng như những người thân quen tại Úc.

Mặc dầu mình bước xuống sân bay Sydney khi thành phố này đang trải qua thời gian mưa to, lũ lụt và giá lạnh giữa mùa đông, nhưng chỉ vài ngày sau đó thì thời tiết cũng có phần tốt lên. Mưa nhiều nhưng không quá to. Có những ngày còn có nắng giúp cho trời đông phần nào bớt băng giá. Những ngày có nắng, bầu trời Úc châu rất tuyệt vời với một màu xanh thăm thẳm vì không khí ở đây rất khô, không có độ ẩm cao như tại Thái Lan hay Việt Nam.

Hai tuần đầu mình lưu lại ở cơ sở chính của Dòng Ngôi Lời tại ngoại ô Sydney. Bên cạnh việc tham dự hội thảo của tổ chức truyền giáo học quốc tế (IAMS), mình còn có dịp để ngồi trò chuyện, thảo luận với các học giả Ngôi Lời từ các nơi đến tham dự sự kiện hội thảo. Trong đó có Lm. Stephen Bevans, một thần học gia nổi tiếng trong lĩnh vực thần học truyền giáo, đồng thời cũng là thầy giáo của mình thời còn học chương trình thần học tại Hoa Kỳ. Mình có thể ngồi nói chuyện với cha Stephen hàng giờ không chán vì ngài có lối trình bày những suy tư thần học sâu sắc một cách rất dễ tiếp thu và cảm nhận được. Mặc dù đã gần 80 tuổi, nhưng trí óc ngài vẫn luôn minh mẫn, nên ngài luôn được mời để tham gia viết bài cho những tập sách, tạp chí hoặc thuyết trình trong các sự kiện khác nhau. Ngoài ra còn cha Christian Tauchner từ Đức. Ngài là tổng biên tập của tạp chí Verbum là tạp chí học thuật của Dòng Ngôi Lời.

Một trong những điều thú vị thời gian lưu lại tại nhà dòng cũng là cơ hội để gặp gỡ, dùng bữa và trò chuyện với các cha trong nhà hưu dưỡng cũng như các thành viên đang đảm trách các chức vụ khác nhau trong hội dòng từ giám tỉnh cho đến các thành viên trong hội đồng bề trên. Các cha già luôn thao thức về sứ mạng của hội dòng trong thời gian tới, không muốn bao nhiêu nỗ lực của các thế hệ nhà truyền giáo Ngôi Lời đi trước bị lãng quên. Dĩ nhiên các lãnh đạo của hội dòng hiện nay cũng mang cùng một thao thức nên các ngài không ngừng tìm ra những phương cách để phát triển mục vụ của hội dòng cũng như đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội qua những nỗ lực của các thành viên trong dòng.

Sau khi chương trình hội thảo đã kết thúc, mình còn có thêm thời giờ để đi thăm một số gia đình người Việt mà mình quen biết tại Úc châu. Đối với văn hóa người Việt ở khắp nơi thì những cuộc gặp gỡ luôn nằm trong khuôn khổ của một bữa ăn với những món ăn thức uống ngon nhất mà chủ nhà có thể dọn ra để cho vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mặc dù có những ngày đang giữa tuần làm việc, nhưng các giáo dân sẵn sàng thu xếp thời giờ, thậm chí nghỉ làm việc để đón tiếp mình và các cha/thầy tới thăm. Có người còn xin nghỉ việc vài ngày để đưa mình đi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng tại vùng Sydney như là vùng núi Blue Mountains cách thành phố hơn 100km.

Từ ngày 16-24 tháng 7, mình đi Melbourne và lưu lại ở học viện của dòng Ngôi Lời có tên là Dorish Maru College, nằm ở Boxhill, một thành phố nhỏ ở ngoại ô vùng Melbourne. Ở đây có các thầy khấn tạm đang học tập tại Yarra Theological Union. Vì ơn gọi địa phương khan hiếm nên toàn bộ các thầy đều đến từ các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico, Indonesia, Trung Quốc, Philippines. Khi mình đến Boxhill, học viện mới đón thêm 4 thầy từ Việt Nam – hai người trong khuôn khổ chương trình trao đổi ơn gọi của Dòng Ngôi Lời, và 2 người đến để thực tập truyền giáo trong thời gian hai năm. Trong thời gian tới dự tính sẽ có thêm người gia nhập học viện sau thời gian dài ở đây trải qua tình trạng người ra đi truyền giáo sau khi học xong, nhưng không có thêm người tới học vì hoàn cảnh đại dịch không cho phép người nước ngoài nhập cảnh Úc. Sau khi trải qua thời gian đại dịch với bầu khí tại học viện khá ảm đạm, tinh thần của các cha trông coi học viên xem phấn khởi hơn khi thấy thêm khuôn mặt trẻ trong nhà nguyện và trong bàn ăn.

Trong chuyến đi Úc lần này, mình đã đặt mục tiêu bỏ ra một số ngày để ở lại đây vì mình muốn gặp gỡ, trò chuyện và khuyến khích các thành viên trẻ trong dòng trong việc học tập cũng như hướng tới việc học cao hơn sau khi đã hoàn tất chương trình thần học. Ngoài ra, trong những lần trước tới Úc, mình chưa có nhiều thời gian để sống trong cộng đoàn ở đây, nên muốn dùng cơ hội này để tìm hiểu nhiều hơn về chương trình đào tạo và sinh hoạt của học viện của tỉnh dòng.

Ở Melbourne cũng như ở Sydney, ngoài những sinh hoạt ‘nội bộ’ thì còn thêm những bữa ăn, những chuyến đi tham quan, những buổi gặp gỡ với những người khác – từng quen có, mới quen có. Có người từng gặp ở Úc hoặc ở Thái Lan, và có người chỉ từng gặp gỡ trò chuyện qua mạng xã hội. Vì những lần giao lưu này mà một thành phố dường như không quen thuộc đối với mình đã trở thành gần gũi và thân quen hơn. Cảm giác gần gũi không phải vì mình đã quen thuộc với đường xá hay cảnh vật tại vùng Melbourne, nhưng vì mình biết rằng, lần sau nếu mình có trở lại đây thì sẽ có những con người để mình có thể liên lạc và ghé thăm. Khi mình có được mối tương quan với người khác thì cảm giác xa lạ ở một nơi chốn nào đó sẽ phần nào tan biến.

Thành công nhất của mình trong 3 tuần tại Úc là mặc dầu mình đã đi lại rất nhiều và có rất nhiều sinh hoạt và cuộc gặp gỡ, nhưng mình vẫn làm được một số việc quan trọng như viết lách, biên tập, và trả lời những email quan trọng liên quan đến công việc. Chính vì mình biết sắp xếp thời giờ trong mỗi ngày để làm những việc cần thiết nên mình cảm thấy an tâm hơn trong các sinh hoạt khác. Tuy nhiên, không phải điều nào cũng tốt trong chuyến đi tới Úc lần này. Vì không thể thực hiện giờ giấc và chế độ ăn uống như thường nhật tại Thái Lan nên mình đã lên một vài cân thịt cần phải khắc phục trong những ngày tới. Dù sao đó cũng không phải là cái giá quá đắt cho một trải nghiệm vô cùng quý giá về mặt tri thức, tình cảm, tinh thần và xã hội.

Bangkok, ngày 26.7.2022

No comments: