Trải nghiệm biên tập sách tiếng Việt


Cách đây không lâu có một nam tu sĩ trẻ chia sẻ với mình rằng thầy muốn thực hiện một tập sách có bài viết từ nhiều tác giả. Tuy nhiên, thầy vẫn có một chút do dự về khả năng làm biên tập của mình. Vì mình đã tiếp xúc với thầy nhiều lần trên mạng và cũng đã từng đọc nhiều bài viết do thầy thực hiện nên mình tin rằng thầy có đủ khả năng để làm công tác biên tập. Nhưng để khuyến khích thầy thêm nữa, mình nói với thầy rằng: "Cha chỉ mới học xong lớp 3 tại Việt Nam trước khi đi định cư ở Hoa Kỳ mà còn dám biên tập sách học thuật tiếng Việt, huống chi là thầy." Có lẽ lời động viên của mình cũng đã giúp cho thầy thêm tự tin để triển khai dự án thực hiện tập sách. Mình cũng mới nhận được thông tin từ thầy rằng đã có hơn 30 người tham gia viết bài sau khi nhận được lời mời. 

Mình rất thán phục những người trẻ dám nghĩ dám làm, đặc biệt là những thứ đòi hỏi nhiều chất xám và một chút liều lĩnh. Mình cũng đã từng liều lĩnh như vậy khi vào năm 2004, sau khi mình được Hội dòng cho đi Việt Nam để thực tập mục vụ truyền giáo hai năm thì trong sáu tháng cuối của chương trình, mình đã quyết định thực hiện một tập sách về Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Trong tập sách có bài viết của một số tác giả không chuyên nghiệp khác, chủ yếu các tu sĩ nam nữ trẻ, và dĩ nhiên có một số bài viết của mình. Mặc dù vốn từ tiếng Việt không nhiều, nhưng nhờ thời gian thực tập ở Việt Nam, được học hỏi và sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, đồng thời chăm đọc sách báo tiếng Việt, nên khả năng tiếng Việt cũng phần nào thăng tiến. Để thực hiện các bài viết, mình còn phải đến tòa soạn của Báo Tuổi Trẻ để xin đọc lại những số báo cũ không có trên mạng để lấy tài liệu. Tuy nhiên, động lực lớn nhất vẫn là sự đam mê tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện một công việc mà mình cho là có ý nghĩa để đánh dấu và tổng kết hai năm thực tập tại Việt Nam. 

Sau khi tập sách thứ nhất được phát hành theo dạng "lưu hành nội bộ" và được bán khá chạy tại một số nhà sách Công giáo ở Sài Gòn, năm 2005, mình tiếp tục thực hiện một tập sách thứ hai cũng về giới trẻ Việt Nam. Nhưng lần này mình đã trở về Hoa Kỳ và đang tiếp tục chương trình thần học chuẩn bị cho việc khấn trọn và chịu chức linh mục. Tập sách thứ hai này, cũng như tập sách thứ nhất được phát hành dưới một bút danh nên ngoài những người trong cuộc thì cũng không ai biết chủ biên là ai. 

Sau đó, mình không biên tập tập sách tiếng Việt nào nữa cho mãi đến năm 2018, mình có dịp đi công tác tại Nhật Bản và tái ngộ với cha Đaminh Nguyễn Quốc Thuần tại Osaka. Cha Thuần cũng là người đã từng tham gia viết bài trong cuốn sách đầu tiên khi vẫn còn làm thầy trong dòng Ngôi Lời, tỉnh dòng Việt Nam. Trong chuyến đi này, mình và cha Thuần trao đổi và chia sẻ về nhiều vấn đề liên quan đến di dân Việt Nam tại Á châu, cụ thể ở Nhật Bản và ở Thái Lan. Mặc dù cha Thuần làm mục vụ giáo xứ cho người Nhật, và mình giảng dạy tại Đại chủng viện quốc gia Thái Lan, nhưng cả hai đều tham gia mục vụ  di dân Việt Nam nhiều năm nên có rất nhiều ưu tư đối với di dân Việt Nam nói chung, cách riêng di dân Việt Nam Công giáo. 

Khi ấy, mình và cha Thuần đã bàn về việc thực hiện một tập sách chuyên đề về mục vụ di dân Việt Nam tại Á châu với sự tham gia viết bài của những người trong cuộc, mắt thấy tai nghe, và đã đồng hành với di dân Việt Nam tại các quốc gia Á châu. Mặc dù có kế hoạch như vậy, nhưng sau khi trở lại Thái Lan, vì bận bịu với công việc, nên mình cũng không triển khai cho mãi đến năm 2020, vì đại dịch Covid-19 làm cho nhiều hoạt động bị khựng lại, nên mình và cha Thuần mới có thời gian để làm cho ý tưởng trở nên hiện thực. Mình và cha Thuần đã liên lạc mời các linh mục, tu sĩ và chuyên gia tham gia viết bài cho tập sách và đã may mắn nhận được sự chiếu cố từ các tác giả đang phục vụ tại Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Lào, Nhật Bản và Thái Lan. Với sự hợp tác giữa mình và cha Thuần mà tập sách "Di dân Việt Nam tại Á châu: Thực trạng & Đường hướng Mục vụ" đã được xuất bản tháng 12, 2020. 

Lần này sách được phát hành như một công trình nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Á châu về Tôn giáo và Truyền thông Xã hội, và lấy tên mình một cách công khai là đồng biên tập nên có thêm áp lực về mức độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sự cộng tác của cha Thuần cùng với sự hỗ trợ của một số người khác nên tập sách cũng đã được đánh giá tốt về mặt chuyên môn. 

Vậy bài học ở đây là gì? Chúng ta có quyền "liều lĩnh" để làm những gì mới, những gì thách đố chất xám trong con người của mình, miễn sao đó là điều mà mình tâm huyết và có ích lợi cho cá nhân và người khác. Tuy nhiên, để đạt được sự thành công cao hơn, mình cần phải nhận ra giới hạn của mình và biết tìm tới những người có thể hỗ trợ và nâng đỡ mình trong công việc. Xung quanh mình vẫn có rất nhiều người nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ nếu mình dám ngõ lời với họ. Sự khiêm tốn sẽ không những giúp cho công việc của mình trở nên nhẹ nhàng hơn, mà còn làm cho kết quả được cao hơn. 

Bangkok, ngày 7.4.2022

No comments: