Từ một buổi
họp mặt cộng đoàn thành một đêm không ngủ trong bệnh viện. Đó là điều mà mình đã
trải qua tối hôm qua. Nhưng bệnh nhân không phải là mình mà là một người anh em
trong cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok. Tối hôm qua là ngày mà các thành viên
trong cộng đoàn Ngôi Lời Bangkok đã chọn để mừng lễ Phục Sinh với nhau sau những
ngày bận rộn với các sinh hoạt mục vụ trong mùa lễ. Mình được giao trách nhiệm
chọn nhà hàng cho sự kiện này nên đã chọn một nhà hàng Ý ở khu vực Sukhumvit và
Asok.
Mọi người có
mặt tại nhà hàng vào khoảng 17g30. Mình cũng được giao trách nhiệm chọn những món
ăn nên mình gọi những món quen thuộc vì mình đã từng tới ăn ở nhà hàng này hai
lần. Mình gọi soup nấm, bruschetta, salad gà, cheese spinach và một pizza carbonara.
Khi các món ăn đã được dọn ra thì cha B. ngồi một bên mình nói rằng cảm thấy xâm
xoàng, run người và buồn nôn. Ngài đoán có lẽ do thay đổi từ không gian nóng nực
qua không gian lạnh nên cơ thể chưa kịp thích ứng. Trước đó ngài và cha H. đi
chợ trời Chatuchak để mua mấy bình cắm hoa cho nhà nguyện của cộng đoàn, rồi đi
đón cha người Philippines, cha J. ở trạm xe điện Victory Monument, sau đó cả 3
người ngồi xe điện tới nhà hàng. Những ngày qua Bangkok thời tiết cực kỳ nóng và
oi bức với nhiệt độ lên tới 43/44 độ C. Người người được khuyến cáo không nên đi
lại vào giờ nóng cao điểm nếu không cần thiết.
Vì cha B. cảm
thấy không khỏe nên trong khi mọi người dùng bữa thì ngài chỉ ăn vài miếng salad
rồi ngồi thinh lặng. Một lát sau, cha B. nói buồn nôn nên cha L. dẫn đi nhà vệ
sinh rồi đưa ra ngồi phía trước nhà hàng để nghỉ ngơi. Khi mọi người đã ăn
xong, cha L. đi lấy xe ở khu vực gửi xe cách nhà hàng khoảng 5 phút. Nhưng khi đang
chờ cha L. tới đón thì cha B. lại kêu mình tới gần và nói là tim đập nhanh bất
thường. Mình liền chạy tới nhân viên của tòa nhà để nhờ họ liên lạc xe cấp cứu.
Vì là chiều thứ sáu cuối tuần mà còn ở khu vực trung tâm thành phố nên đường xe
kẹt cứng. Gần 30 phút sau xe cấp cứu mới tới nơi. Sau khi trao đổi với nhân viên
của đội xe cấp cứu thì mình và cha L. quyết định đưa cha B. tới một bệnh viện tư
nhân cách nhà hàng khoảng 5 km. Cha L. đi với mình, còn cha H. và cha J. thì phải
về nhà vì có chương trình đi công tác ở vùng đông bắc Thái Lan tối hôm qua.
Khi trên đường
tới bệnh viện thì một bạn nữ tên T. gửi cho mình hình hộ chiếu của cha B. vì hai
tháng trước bạn ấy có giúp cha B. làm thủ tục để nhập cảnh Thái Lan. Bạn T. biết
được tình hình vì cha H. gọi điện thoại để báo tin. Nghe tin cha B. đi cấp cứu,
bạn T. cũng chạy đến bệnh viện để có gì thì có thể hỗ trợ. Một lúc sau khi cha
B. được đưa vào phòng cấp cứu thì T. cũng đã có mặt tại bệnh viện. Trong phòng
cấp cứu, vì cha B. mới tới Thái Lan không nói được tiếng Thái nên mình đứng ra
trình bày sự việc với bác sĩ/y tá cũng như thông dịch những câu hỏi và hướng dẫn
của đội y tế cho cha B. trong quá trình khám bệnh. Dựa trên những lời khai ban đầu
và việc khám bệnh, bác sĩ nói rằng không thể khẳng định cha B. có bệnh gì nghiêm
trọng hay không. Nhưng ban đầu sẽ cho vào nước biển và tiêm thuốc khắc phục những
triệu chứng xâm xoàng, buồn nôn… Nếu sau vài giờ đồng hồ, cha B. cảm thấy khỏe
hơn, bác sĩ sẽ cho xuất viện và về hồi phục ở nhà.
Tuy nhiên, sau
khi cha B. được tiêm thuốc và tiếp nhận nước biển không lâu thì ngài lại có những
triệu chứng bất thường – nhịp tim đập mạnh tới mức máy báo động, huyết áp cũng
tăng mạnh. Không rõ vì lý do gì mà ngài bổng dưng kêu tên Chúa Mẹ và vùng vẫy
khiến toàn bộ đội ngủ y tế trong phòng cấp cứu phải chạy vào để xem và kiểm soát
tình hình. Khi đó mình đang ngồi phía trước phòng cấp cứu, còn bạn T. thì đang
ngồi với cha B. bên trong nên chứng kiến toàn bộ sự việc.
Trước những
biểu hiện bất thường, bác sĩ cho rằng cần phải thực hiện những xét nghiệm chuyên
môn hơn như thử máu, x-quang phổi, scan não v.v. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên nên
qua một bệnh viện công để làm những thứ này và nếu cần phải điều trị lâu dài thì
sẽ chi phí bệnh viện công sẽ thấp hơn. Do cha B. là người nước ngoài, không có
bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị tại bệnh viện tư sẽ rất cao.
Nghe lời
khuyên của bác sĩ, mình nhờ y tá liên lạc dịch vụ xe đưa cha B. qua bệnh viện Rathvithi
là một trong những bệnh viện công lớn và uy tín nhất Thái Lan ở khu vực vòng
xoay Victory Monument. Lúc đó đã khoảng 22g00. Khi tới bệnh viện Rathvithi thì
cha B. được đưa lên xe đẩy của bệnh viện đặt trong khu vực hành lang trước phòng
cấp cứu để cho nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân để xem có đạt điều
kiện để được điều trị hay không. Dựa trên lời khuyên của nhân viên xe cứu thương,
bạn T. khai với bệnh viện rằng, xe cấp cứu đón cha B. từ tư gia chứ không phải
từ một bệnh viện khác. Điều này là vì tại Thái Lan, một khi đã nhập một bệnh viện
nào đó thì việc chuyển qua một bệnh viện khác phải đi theo một quy trình chuyển
viện được phối hợp giữa nơi xuất phát và nơi tiếp nhận. Nhưng quy trình này mất
thời giờ và phức tạp.
Sau khi kiểm
tra tình trạng sức khỏe của cha B. và lắng nghe những lời trình bày của bạn T.,
phía bệnh viện đã đồng ý thực hiện những xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, họ không
đưa cha B. vào bên trong mà vẫn để ngài nằm trên xe đẩy ở ngoài hành lang. Nhiều
bệnh nhân khác cũng phải ở ngoài hành lang như cha B. vậy. Chỉ có những bệnh nhân
cần được chăm sóc đặc biệt họ mới cho vào bên trong.
Sau khi đã lấy
các mẫu cần thiết và đưa đi làm các xét nghiệm về não, phổi thì hơn 3 giờ sáng
mới có kết quả. Bác sĩ cho rằng não và phổi vẫn bình thường. Tuy nhiên, mức
acid trong máu có phần bất thường. Bác sĩ hỏi thêm về các triệu chứng của cha
B. để xem có phải là biểu hiện của bệnh co giật hay không. Vì nếu bị bệnh co giật
thì phải uống thuốc điều trị cả đời. Dựa trên lời khai chi tiết hơn, bác sĩ cho
rằng không hoàn toàn giống bệnh co giật, nhưng để rõ ràng hơn, cần phải xét
nghiệm máu thêm lần nữa. Thế là họ lại lấy mẫu máu rồi đem đi xét nghiệm, rồi
chờ hai giờ đồng hồ sau để có kết quả.
Trong những
giờ đồng hồ chờ phía bệnh viện làm việc, mình, cha L. và bạn T. có khi đứng
trong hành lang gần cha B., có khi ra ngoài ghế trước khu vực cấp cứu để ngồi,
có khi ra ngoài sân cỏ trong khuôn viên bệnh viện để chờ. Vì là bệnh viện nhà nước
nên không gian dành cho bệnh nhân cũng như người nhà khá thô sơ. Ban đêm lại rất
nhiều muỗi mà lại không có quạt nên ngồi ở đâu cũng bị muỗi đốt.
Cuối cùng thì
bác sĩ cũng đã có kết quả xét nghiệm và cho hay rằng trong máu không có gì đáng
lo ngại nên cho về nhà, theo dõi tình hình, và nếu có biến chứng gì thì trở lại
bệnh viện để được khám với bác sĩ chuyên ngành.
Thấy kết quả xét nghiệm khá tốt, ngoài ra, cha B. cũng không có những biểu
hiện bất thường như ở bệnh viện đầu, và đã tỉnh táo trở lại, nên mình và cha L.
cũng an tâm để đưa ngài về nhà. Mình, cha L. và cha B. đi bộ ra ngoài vòng xoay
và lên taxi về nhà dòng. Còn bạn T. thì đi xe điện về phòng trọ. Khi đến nhà dòng
thì cũng đã 6g sáng, giờ mà bình thường mình đang chuẩn bị uống cà phế sáng và
chuẩn bị cho các sinh hoạt của ngày mới.
Nghĩ lại về chuyện
xảy ra tối hôm qua thấy rằng đời sống cộng đoàn cũng như đời sống trong gia đình
luôn có những sự việc xảy ra mà mọi người cùng trải qua với nhau – có khi vui,
có khi buồn, chuyện này tiếp nối chuyện kia nhiều khi ngoài dự định của mình. Trong
cộng đoàn tu trì, các thành viên không những chia sẻ trong mục vụ nhưng còn
trong những khía cạnh khác của cuộc sống hằng ngày, kể cả lúc bệnh hoạn. Mỗi thành
viên một khi đã rời bỏ gia đình để gia nhập một cộng đoàn tu trì thì họ đều đặt
niềm tin tưởng vào cộng đoàn đó để nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn, yếu đuối
về thể xác cũng như tinh thần. Họ mong chờ sẽ tìm thấy nơi cộng đoàn một gia đình
mới mà các thành viên không phải gắn bó với nhau dựa trên huyết tộc, nhưng dựa
trên tình yêu mến huynh đệ của Đức Ki-tô. Mặc dù lý tưởng này không phải khi nào
cũng trở nên hiện thực trong kinh nghiệm thực tế của mỗi người tu trì, nhưng
khi nhận được thì nó vô cùng ý nghĩa và nó bù đắp được cho rất nhiều sự hy sinh
mà một người phai thể hiện khi chọn con đường tu trì.
Trong sự việc
tối hôm qua là một cơ hội để mà các anh em trong cộng đoàn tu trì sống tinh thần
huynh đệ với nhau các cụ thể. Nhưng nếu thuật lại câu chuyện tối hôm qua mà không
đề cập tới sự hiện diện của bạn T., một bạn nữ, một giáo dân là một sự thiếu xót.
Đời sống huynh đệ của người tu trì còn được hỗ trợ bởi những người không chọn
con đường dâng hiến, nhưng họ luôn sẵn sàng để đồng hành và cộng tác với người
tu trì. Tối qua, không chỉ mình và cha L. là hai linh mục đã chọn con đường phục
vụ phải hy sinh thời giờ và giấc ngủ để lo lắng cho cha B. khi bệnh hoạn, mà còn
có một bạn trẻ cũng đã hy sinh một cách tương tự. Bạn ấy không chọn con đường
tu trì, không tuyên thệ các lời khấn, không được bao nhiêu người trọng vọng, nhưng
bạn cũng đã đồng hành với cha B. cũng như với mình và cha L. trong lúc khó khăn.
Và sau khi xong việc ở bệnh viện, bạn ấy còn phải trở về căn hộ của mình để lo
những trách nhiệm khác cho bản thân. Có thể nói bạn ấy đã hy sinh nhiều hơn mình
và cha L. nữa, vì sự hy sinh của các cha một phần đến từ trách nhiệm. Còn sự hy
sinh của bạn ấy hoàn toàn đến từ tinh thần tự nguyện. Đó là phương cách mà bạn đã
chọn để đi trên con đường hướng tới sự thánh thiện, và đó là một tinh thần vô cùng
đáng khâm phục.
Bangkok, ngày
30.4.2022