Dạy tiếng Thái cho di dân Việt Nam



Tuần này mình bắt đầu mở nhận ghi danh tham dự khóa học đọc và viết tiếng Thái cấp tốc. Đây là khóa thứ 3 được tổ chức trong năm này. Lý do mình mở khóa học là vì thấy nhiều di dân Việt Nam tại Thái Lan nói tiếng Thái giao tiếp rất tốt mặc dầu không qua bất cứ trường lớp nào, nhưng chưa thể đọc và viết tiếng Thái được. Mình nghĩ rằng nếu học đọc và viết được thì sẽ giúp cho họ có thêm kỹ năng ngôn ngữ và sẽ giúp phát âm tiếng Thái chính xác hơn.

Vì hầu hết các bạn học tiếng Thái bằng cách nghe người khác nói rồi bắt chước nên có nhiều lỗi trong cách phát âm. Lỗi thứ nhất đến từ việc bắt chước người Thái nói, trong khi chính người bản địa cũng phát âm sai. Ví dụ người Thái hay phát âm âm “r” là “l”. Người Thái cũng hay không phát âm rõ ràng những âm kép như “kl”, “khr” khiến những âm kép đó nghe như là âm đơn. “Klay” biến thành “kay”. “Khru” thành “khu”. Khi đã biết đọc thì chắc chắn sẽ phân biệt được giữa cách phát âm đúng và phát âm sai các từ.

Mình thấy các bạn Việt Nam rất giỏi trong việc học tiếng Thái. Tài liệu mà mình dạy lấy từ trung tâm dạy tiếng Thái cho người nước ngoài phải mất 100 giờ đồng hồ mới hoàn tất. Tuy nhiên, với khóa cấp tốc thì mình dạy toàn cua trong vòng 20 giờ, chia ra thành 5 ngày. Vì hầu hết các bạn học khóa này đều đã có khả năng nói tiếng Thái giao tiếp nên các bạn tiếp thu được khá nhanh.

Tuy nhiên, bất cứ học ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi sự cần cù và nghiêm túc. Có nhiều bạn khi học thì đọc được, nhưng sau khi học xong thì không tiếp tục thực tập và trau dồi nên những luật đọc dần bị quên. Một số bạn thấy thích thú với việc đọc tiếng Thái, cảm thấy cần có kỹ năng này để phục vụ cho công ăn việc làm thì họ siêng năng và tích cực hơn trong việc tiếp tục trau dồi khả năng. Dạy tiếng Thái hay bất cứ môn học nào cũng thế. Một phần lớn dựa vào phương pháp giảng dạy. Nhưng phần lớn hơn tùy thuộc vào nỗ lực của người học.

Bangkok, ngày 23.8.2019

Ưu tiên



Ở nhiều nơi công cộng tại Thái Lan như xe điện, phòng chờ tại sân bay, nhà ga v.v., người ta thường có ghế ưu tiên cho những người đặc biệt như người già, phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật… Điều này không có gì khác biệt với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, ở Thái Lan ghế ưu tiên còn được dành cho các vị sư Phật giáo. Tại phòng chờ sân bay thậm chí còn cò ghế salon ở một góc riêng biệt chỉ dành cho các vị sư. Lý do cũng dễ hiểu vì Thái Lan là đất nước Phật giáo nên họ ưu ái các vị sư không có gì bất thường.

Đối với các linh mục thì không được ưu tiên mặc dầu linh mục cũng là giới tu trì chẳng khác các vị sư. Nhiều khi mình đi lại thấy phía các nhà sư được ưu tiên trong khi mình thì phải như bao nhiêu người khác thì cái bản tính xấu trong con người có phần được đánh động với một chút so đo và ghanh tị. Nhưng sau khi nén lại được suy nghĩ tiêu cực đó thì mình chợt cảm thấy thật vui khi mình không được ưu tiên. Mình cảm thấy vui vì e rằng nếu mình luôn được ưu tiên như vậy thì biết đâu mình lại trở thành người cao ngạo, kiêu căng và đòi hỏi quyền lợi.

Ở trong môi trường mà linh mục không mấy được trọng vọng, mình hiểu được như thế nào là một con người bình thường như bao nhiêu người khác. Mình cảm nhận được cảm xúc của đại đa số người khi họ phải bươn chải để sống trong xã hội, phải phấn đấu để thăng tiến chứ không nhận được bất cứ ưu ái gì từ người khác. Sự ưu ái và quyền lợi, khi rơi vào tay của người thiếu ngay thẳng sẽ dẫn đến sự lạm dụng và thất đức. Hơn bao giờ hết, Giáo hội cần các linh mục, tu sĩ khiêm tốn—khiêm tốn trong cách cư xử, khiêm tốn trong lối sống, khiêm tốn trong cách làm việc. Tại Thái Lan, việc các linh mục không nhận được những ưu tiên trong xã hội không phải là một điều bất công, mà là một điều may mắn và thuận lợi cho ơn gọi của các ngài.

Bangkok, ngày 22.8.2019



Nói chuyện đạo trong quán Starbucks

Cách đây vài ngày mình nhận được tin nhắn trên Facebook từ một bạn trẻ người Thái muốn tìm hiểu về đạo Ki-tô giáo. Mình nhắn tin hồi âm là đang ở Philippines, nhưng cũng chuẩn bị trở lại Bangkok và hẹn gặp nhau để nói chuyện vì mình nghĩ qua FB sẽ không thuận tiện để chia sẻ chi tiết về tôn giáo. Mình hẹn gặp bạn trẻ tên N. ở quán cà-phê Starbucks gần nơi bạn ấy làm việc.

N. đến gặp mình đúng giờ hẹn. Mình tới sớm hơn nên đã tìm được một chỗ ngồi thích hợp. N. là một bạn trẻ quê vùng Đông bắc, giáp Sông Mekong. N có khuôn mặt hiền lành, ăn nói lịch sự, có học thức và đã tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư hoá học tại một trường đại học nổi tiếng tại Thái Lan.

Trong hai giờ nói chuyện, N chia sẻ nhiều điều về chính mình, đặc biệt là sự thích thú với đạo Ki-tô giáo từ khi còn nhỏ. Ngày xưa mỗi lần ở nhà thờ có tổ chức lễ Giáng Sinh, N hay lén vào để xem các sinh hoạt. N thích vào các nhà thờ Công giáo vì khung cảnh trong nhà thờ tạo nên cho N cảm giác an bình. Gia đình N theo Phật giáo. N là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng từ nhỏ đã nói với bố mẹ là sẽ đổi đạo.

Tuy nhiên, đến bây giờ N mới bắt đầu tìm hiểu về đạo. Thời gian học đại học, N tham gia một nhóm Tin Lành vì không biết phân biệt giữa các phái Ki-tô giáo. Mãi về sau khi có bạn người Công giáo đưa tới nhà thờ N mới phát hiện là suốt những năm đại học mình tham gia nhầm phái. N từng thắc mắc tại sao nhóm đó không có các nghi thức lễ long trọng và sâu sắc mà mình đã từng chứng kiến trước đây. Đối với N những nghi thức phụng vụ là điều thật tuyệt vời cho dù chưa hiểu được ý nghĩa của các nghi thức ấy.

Hôm nay mình giới thiệu cho N những điều căn bản nhất về đạo Ki-tô giáo và giáo hội Công giáo. Mình cũng giới thiệu cho N một vài nhà thờ gần phòng trọ của N để có thể đi lễ và tìm hiểu thêm về đạo. Mình giới thiệu cho N một diễn đàn mạng Công giáo bằng tiếng Thái để có thể tham gia thảo luận và gặp gỡ những người khác cũng đang tìm hiểu về đạo như bạn ấy. Và trên hết, mình chia sẻ với N rằng việc học đạo là một cuộc hành trình đòi hỏi thời gian để học, để hiểu, để thấm nhuần và để xác tín. Không phải năm ba tháng mà có thể đạt được những điều đó. Sau khi đã học xong, mình chỉ rửa tội nếu đã sẵn sàng dấn thân trên con đường đức tin. Điều này phải hoàn toàn đến từ sự thành tâm và tự nguyện. Không ai có thể áp lực mình cũng như mình không thể tự áp lực bản thân.

Về chuyện gia đình, mình nhấn mạnh với N rằng một người theo đạo Công giáo phải luôn có hiếu với cha mẹ và ông bà tổ tiên. Lời cầu nguyện cho các ngài trong kinh nguyện hằng ngày và đặc biệt trong Thánh lễ là phần thiết yếu của đời sống tâm linh Công giáo. Về hình thức thể hiện tấm lòng hiếu thảo có thể khác, nhưng về tính chất thì giữa Công giáo và Phật giáo không mấy khác nhau.

Qua cuộc nói chuyện với mình N nói rằng cảm thấy an tâm và hết cảm thấy áp lực hay dè dặt khi khởi hành việc tìm hiểu đạo. Mình hứa sẽ đồng hành với N với điều kiện cho phép. Hy vọng rằng bạn trẻ này sẽ tìm ra những chân lý cho cuộc sống mà bạn đang khao khát tìm kiếm.

Bangkok, ngày 21.8.2019

Xe đạp


Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe doạ đời sống toàn cầu, nhiều người trên thế giới đang tìm cách đóng góp phần của mình vào nỗ lực hạn chế ô nhiễm môi trường bằng cách đi lại bằng phương tiện công cộng, và đặc biệt bằng chiếc xe đạp. Đi lại bằng xe đạp đối với những người tại các nước tân tiến không phải là dấu chỉ của sự lạc hậu, kém phát triển, mà là cách thể hiện sự ý thức và văn minh.

Ở Nhật, bên cạnh phương tiện tàu điện thì rất đông đảo người dân đi lại bằng xe đạp. Trong khu vực gửi xe trước các trung tâm mua sắm hoặc ga xe điện, người ta có thể thấy hàng trăm hàng nghìn chiếc xe đạp được xếp thành hàng dài.

Tại Đài Bắc, chính quyền thành phố có xe đạp cho người dân có thể sử dụng đi lại miễn phí trong vòng 30 phút. Người sử dụng chỉ cần dùng thẻ xe công cộng để lấy xe ở một điểm nào đó rồi trả xe ở một điểm khác. Người sử dụng chỉ bị trừ tiền trong thẻ nếu dùng quá 30 phút. Để tránh mất tiền, mình có thể trả xe rồi lấy một chiếc khác để được dùng miễn phí thêm 30 phút nữa. Trong thành phố có rất nhiều điểm để lấy và trả xe nên rất thuận lợi.

Ở nước ngoài không thấy có nhiều xe đạp điện mà chỉ thấy xe đạp truyền thống. Thiết nghĩ chiếc xe đạp truyền thống nên được phổ biến cho mọi người, đặc biệt là giới học sinh sử dụng thay vì xe đạp điện. Ngoài việc có giá trị trong việc bảo vệ môi trường, nó còn là phương tiện giúp con người trong thời kỳ kỹ thuật số chăm vận động thể hình hơn. Chiếc xe máy và xe đạp điện dường như làm cho nhiều người không còn đi bộ hay đạp xe cho dù chỉ vài trăm mét. Nếu ở tuổi còn sung sức mà giới trẻ cần phải đi xe đạp điện thì e rằng sẽ củng cố thói quen không vận động thân thể dẫn đến lối sống thiếu năng nổ và không mạnh khoẻ.

Manila, 19.8.2019

Dấn thân


Gần đây mình đi thăm một người anh em linh mục ở nơi ngài đang phục vụ truyền giáo. Người anh em chia sẻ rằng từ năm qua, ngài được Chúa kêu gọi để dấn thân vào một mục vụ đặc biệt ít ai được ơn để làm. Tuy nhiên vì phương cách làm mục vụ có nhiều điều khác biệt với đường lối của đấng thẩm quyền nên không được chấp nhận. Vì thế ngài gặp nhiều khó khăn, nghi vấn và cản trở từ nhiều phía. Tuy nhiên, ngài xác định rằng đây là ơn đặc biệt Chúa đã ban cho và ngài sẽ tìm mọi cách để thuyết phục bề trên để được chấp nhận.

Mặc dầu cá nhân mình cũng chưa hiểu hết những gì liên quan đến vấn đề, nhưng mình nhận thấy rằng người anh em này rất tập trung vào điều mà ngài cho là ơn đặc biệt của ngài. Vì thế ngài cầu nguyện nhiều hơn và sống nghiêm túc hơn, ngay cả trong việc ăn uống. Chính mình cảm thấy thán phục sự điềm tỉnh và xác tín của ngài. Cho dù những phán đoán của ngài có đúng hay sai đi chăng nữa thì mình không thể phủ nhận sự thành tâm của ngài đối với sự việc.

Mỗi linh mục phải sống và phục vụ trong một hệ thống, cần phải biết dung hoà giữa suy nghĩ cá nhân và sự phán đoán của bề trên. Không dễ tí nào khi giữa hai điều đó có một khoảng cách rất xa. Mình cầu nguyện cho người anh em ấy thật sự được lắng nghe tiếng Chúa và biết rõ những gì mình cần phải làm trong sứ vụ để đẹp lòng Ngài.

Manila, ngày 18.8.2019

Soạn vặn kiện tại Philippines



Những ngày này mình đang có mặt tại Manila, thủ đô Philippines để làm công việc soạn thảo văn kiện với đề tài những thách đố mục vụ trong thời kỳ kỹ thuật số. Việc này mình hợp tác với hai linh mục—cha Mishen người Trung Quốc và cha Yoshi, người Ấn Độ. Lý do gặp ở Manila là vì cha Mishen đang giảng dạy tại Giáo hoàng học viện Santos Tomas, nơi có một nhóm môn sinh của ngài đang giúp trong khâu thu thập các văn kiện Giáo hội liên quan đến đề tài nói trên.

Việc thực hiện văn kiện này là một trong những chương trình hoạt động của tổ chức truyền thông SIGNIS để tìm hiểu về những vấn đề mục vụ nảy sinh từ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số cũng như phương hướng nhằm giải quyết những thách đố đó. Để thực hiện văn bản này đòi hỏi nhiều điều khác nhau, bao gồm nghiên cứu về thực trạng đời sống xã hội và tâm linh trong thời kỳ kỹ thuật số, nêu ra những vấn đề mục vụ nảy sinh trong bối cảnh mới, phân tích bối cảnh kỹ thuật số từ gốc nhìn của thần học Công giáo, và đưa ra những đề nghị để đối phó vớ những khó khăn mục vụ trong thời đại mới.

Vì đây là một văn kiện với nội dung rất hợp thời nên khi phía Hội đồng Giám Mục Á châu nghe tin có việc nghiên cứu đề tài này bởi SIGNIS, các ngài cũng ngỏ ý muốn được tham khảo tài liệu để chuẩn bị cho việc thực hiện một văn kiện của Hội đồng với đề tài tương tự. Văn kiện của HĐ sẽ được viết vào cuối năm nay.

Sau khi đã làm việc với nhau, sườn chính của văn kiện cũng đã được xây dựng một cách đầy đủ. Các cha chia nhau các phần của văn kiện để mỗi người có thể viết phần mà mình đã nhận trách nhiệm. Riêng mình phụ trách phần cuối nên phải chờ các phần trước được thảo tương đối đầy đủ mình mới có thể tiến hành. Mặc dầu đây là sự hợp tác giữa nhiều cá nhân, nhưng các phần của văn kiện phải ăn nhập với nhau một cách xuyên suốt.

Mặc dầu nhóm làm việc đến từ các quốc gia và văn hoá khác nhau, nhưng vì sự nghiêm túc trong công việc nên những bước ban đầu đã diễn ra rất trôi chảy và ăn ý. Hy vọng rằng văn kiện này sẽ đóng góp phần nào cho sứ vụ của Giáo hội trong bối cảnh mới, cụ thể giúp Giáo hội nhận ra các vấn đề mục vụ cấp thiết cần sự quan tâm của các vị lãnh đạo cũng như có những hành động thích đáng để đáp ứng nhu cầu mục vụ trong thời đại mới.






Manila, ngày 18.8.2019

Tìm về chốn yên bình



Tuần này Dòng Ngôi Lời tại Thái Lan đang có những ngày cắm phòng tại Trung tâm tĩnh tâm của Dòng Phan-xi-cô ở huyện Lamluka, tỉnh Pathumthani. Cha giảng phòng là cha Bill Burt, SVD cựu giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời tại Úc. Hiện ngài đang phục vụ tại Đại chủng viện Ngôi Lời ở Indonesia trong vai trò linh hướng.

Mỗi ngày cha Bill có ba bài giảng từ 30-40 phút với những đề tài khác nhau. Ngài có lối giảng như nói chuyện khá nhẹ nhàng và dễ hiểu với những câu chuyện từ chính cuộc sống và kinh nghiệm truyền giáo của ngài. Cha Bill có tính cách nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực nên ngài rất cởi mở trong cách giao tiếp với mọi người và uyển chuyển trong các sinh hoạt, ngay cả trong cách điều hành chương trình tĩnh tâm. Những ngày tĩnh tâm trở nên một dịp để cho các anh em trong dòng gặp gỡ, chia sẻ, cầu nguyện và nghỉ ngơi sau nhiều ngày làm việc mệt nhọc trong sứ vụ của mình.

Đối với mình thì chương trình tĩnh tâm không được trọn vẹn vì hôm qua mình phải lên Đại chủng viện để dạy học và cho các thầy thi giữa kỳ. Mình đành phải bỏ qua những bài giảng tĩnh tâm bổ ích mà cha Bill đã trình bày trong dịp cắm phòng này. Tuy nhiên với những bài giảng mà mình đã nghe được thì cũng đã có rất nhiều điều cho mình đưa vào tâm trí trong giờ suy gẫm và cầu nguyện.

Mình đã trở lại trung tâm tĩnh tâm từ sáng sớm nay để tiếp tục những ngày cắm phòng còn lại. Ở đây trong sự yên bình của thiên nhiên, mình sẽ cầu nguyện, suy niệm và lắng nghe những gì Chúa đang muốn nói với mình qua vị giảng thuyết, qua những người anh em trong dòng, qua những giây phút thinh lặng ngồi ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, và ngay cả qua những thứ đang chi phối đầu óc và tâm trí của mình.

Pathumthani, ngày 7.8.2019