Còn một ngày nữa là tròn hai năm từ ngày xảy ra tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của cha Giacôbê và 12 bạn trẻ đang trên đường đi tham dự hội trại dành cho giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan. Ngoài những người Việt xấu số còn có thêm tài xế người Thái Lan cũng đã tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc này. Thời gian hai năm những nỗi đau nỗi buồn do sự mất mát lớn lao này có lẽ cũng đã phần nào nguôi ngoai. Tuy nhiên sự nhớ thương cho dù không phải lúc nào cũng được thể hiện trên nét mặt hoặc trong lời nói, nhưng đều vẫn còn ở đó, được dấu kín trong lòng để rồi mỗi lần đến dịp lễ giỗ hay sinh nhật thì những cảm xúc đó lại tái xuất hiện thêm một lần nữa.
Đối với mình trải nghiệm về biến cố đau thương này có thể nói đã ảnh hưởng đến đời sống và công việc mục vụ của mình không ít. Trước khi xảy ra tai nạn mình đã có ba lần tổ chức hội trại và năm 2014 là lần thứ tư. Nhưng từ khi có sự cố mình dường như không còn ý chí, hứng thú hay can đảm để tổ chức chương trình hội trại nào nữa, đặc biệt chương trình gì mà đòi hỏi tham dự viên phải đi xa. Khi đang chuẩn bị hội trại lần này mình đã nói với những bạn trẻ cộng tác viên rằng "Năm này có lẽ là năm cuối cùng cha tổ chức hội trại." Không ngờ câu nói đó đã được ứng nghiệm.
Tuy nhiên kinh nghiệm và những bài học mà mình đã có được từ việc phải giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ tai nạn đã giúp cho mình có những kiến thức và hiểu biết về pháp luật mà mình chưa từng có trước đó. Chính nhờ vào biến cố này mà mình biết phải làm thủ tục với các cơ quan chính quyền, bệnh viện và đại sứ quán Việt Nam như thế nào khi có người qua đời tại Thái Lan. Cũng từ kinh nghiệm này mà mình biết về luật bồi thường của Thái Lan liên quan đến các khoản bảo hiểm và phải đàm phán như thế nào để được bồi thường một cách thoả đáng. Trong gần 10 năm phục vụ tại Thái Lan, 8 năm đầu mình không hề biết gì về những vấn đề này. Chỉ hai năm qua mình mới biết và chính vì thế mà mình đã có thể đem kiến thức này để đi giúp đỡ các bạn trẻ đã gặp nạn trên đất Thái. Như thế mỗi lần xảy ra tai nạn dẫn đến thương tích hay thiệt mạng, các bạn trẻ gọi đến cho mình thì mình có thể bình tĩnh để hướng dẫn họ trong những việc cần phải làm cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Sự hỗ trợ của mình ít nhiều giúp cho họ cảm thấy an tâm và được an ủi hơn trước một tình huống vô cùng khó khăn và rối rắm.
Có những điều nhận được từ biến cố đau thương này mà không phải là những kiến thức hay kỷ năng làm việc mà là những mối quan hệ mới và gần gũi hơn. Chính từ sự việc này mà mình đã biết và gần gũi với nhiều gia đình của các nạn nhân qua những ngày chờ đưa thi hài về quê hương, qua những lần mình đến nhà tại Việt Nam để thăm viếng và động viên, hoặc qua những lần gặp mặt để cầu nguyện cho những linh hồn đã ra đi. Biến cố này đã giúp cho mình có thêm mối tương quan với các vị chủ chiên ở GP Vinh, đặc biệt là cha xứ giáo xứ Trại Lê nơi có đến ba trong 12 bạn trẻ bị thiệt mạng. Và cách nào đó biến cố này cũng đưa mình xích lại với các bạn trẻ tại Thái Lan nhiều hơn vì cái chết của cha Giacobe và 12 bạn trẻ không chỉ là sự mất mát chỉ riêng cho hội dòng hoặc gia đình của các nạn nhân nhưng là sự mất mát chung cho toàn thể cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Thái Lan. Sự hoang mang, nỗi buồn và nỗi tiếc thương trước cái chết của họ là cảm nhận chung cho mọi người đã từng gần gũi hoặc quen biết họ, hoặc ít nhất là đồng cảm với hoàn cảnh của những người phải tha phương cầu thực mà gặp khó khăn trên đất khách quê người.
Từ biến cố này mình cảm nhận được rằng Chúa có thể làm cho đau khổ trở thành hồng ân vì Ngài không để cho mọi thứ chỉ là sự mất mát mà nó có thể trở nên công cụ để giúp đỡ người khác, để xây dựng những mối tương quan, và để mọi người nhận thấy sự mỏng dòn của đời sống con người mà chọn cho mình một lối sống tốt lành và ngay thẳng. Người miền trung có phong tục sau hai năm là mãn tang. Chúa Nhật tới này cộng đoàn Công giáo sẽ tổ chức lễ mãn tang cầu nguyện cho cha Giacobe và các bạn trẻ. Mãn tang chỉ mang tính tượng trưng về tinh thần nói lên việc khép lại một biến cố để mọi người có thể tiếp tục với cuộc sống của mình mà không bị ám ảnh bởi những nỗi đau buồn mất mát. Sắp tới em trai của một bạn bị mất sẽ cưới vợ sau ngày anh trai mình hết khó. Đúng thế mọi thứ sẽ vẫn phải tiếp tục. Gia đình của các nạn nhân cũng sẽ phải sống. Bố mẹ phải lo lắng cho những đứa con còn lại trong gia đình. Người chồng mất vợ cũng phải tiếp tục làm ăn để nuôi những đứa con dại. Những đứa bé mồ côi cha mồ côi mẹ cũng phải lớn lên, phải phấn đấu để học hỏi làm người và thành công trong xã hội. Mọi thứ đều sẽ qua đi ngay cả cảm giác nhớ nhung cũng sẽ phai dần, nhưng chắc chắn một điều sẽ không bao giơ phai nhạt, đó là lời cầu nguyện cho cha Giacobe và các bạn trẻ dâng lên Chúa. Một khi Chúa đã đón nhận thì Ngài sẽ không bao giờ lãng quên trong tâm trí vô biên của Ngài. Ngài sẽ nhớ đây là những con người đã thiệt mạng khi đang trên đường đi tham dự hội trại với chủ đề "Yêu như Giê-su." Ngài sẽ nhớ đây là những đầy tớ trung thành đúng như hàng chữ còn xót lại trên trang giấy Kinh Thánh bị cháy nửa chừng nằm trên thảm cỏ xanh bên lề đường nơi xảy ra tai nạn. Và Ngài sẽ nhớ rằng cho dù họ đã chết thảm thương có thể không kịp ăn năn thống hối nhưng họ luôn trông mong vào tình thương và lòng thương xót của Ngài. Mãn tang không có nghĩa là gạt những người thân qua một bên nhưng là để tiếp tục với cuộc sống, với trách nhiệm, với những gì cần phải làm cho bản thân và người khác, đồng thời gởi gắm tất cả vào bàn tay êm ái và yêu thương của Chúa.
Bangkok, ngày 1.6.2016
No comments:
Post a Comment