Thời hạn về thăm gia
đình và người thân cũng đã được hai phần ba chặng đường. Nhiều người hỏi khi
nào cha qua lại Thái Lan. Mình bảo phải đi họp công việc của hội dòng ở Úc sau
đợt nghỉ phép rồi mới chính thức trở lại. Mọi người bảo sao cha đi lâu quá. Mình
nói phải 3 năm cha mới được về thăm người thân một lần nên bề trên cho đi lâu. Vé
máy bay từ Thái Lan tới Hoa Kỳ nhiều tiền mà cho đi hàng năm thì nhà dòng xạc
nghiệp.
Hai tuần qua mình thực
hiện một chuyến đi xuyên bang từ California, đến Washington D.C. (thủ đô Hoa Kỳ),
rồi South Carolina, Texas, và cuối cùng là nhà mẹ của dòng Ngôi Lời tại thành phố
Chicago, bang Illinois trước khi trở lại California. Đó là một chuyến đi dài
không chỉ về khoảng cách mà còn thời gian. Mỗi nơi đến đều có mục đích.
Washington để thăm cộng đoàn dòng Ngôi Lời và để được ngắm hoa anh đào nở trong
những ngày đầu xuân. South Carolina để tham dự và thuyết trình trong chương
trình hội thảo về tôn giáo và môi trường. Texas để thăm một số anh em Ngôi Lời
và người thân. Và cuối cùng là nhà mẹ dòng vì đó là nơi quan trọng cho mỗi người
“con” Ngôi Lời đi xa trở về thăm “quê hương.”
Một chuyến đi nhiều
ngày, qua nhiều vùng đất, nhiều thời tiết. Từ vùng nắng ấm California, đến bầu
khí tươi mát và đầy sức sống của mảnh đất thủ đô, và bước vào trời giá rét của
thành phố gió Chicago nơi mình đã được đào tạo để trở thành một nhà truyền giáo
Ngôi Lời. Có người bảo cha được đi khắp nơi sướng thật. Đúng vậy. Được đi sướng
lắm. Sướng vì được trải nghiệm về cảnh vật và đời sống của mỗi nơi mà mình được
đến. Nhưng sướng hơn nữa là vì mình được gặp gỡ những khuôn mặt thân quen. Đó
là những người anh em Ngôi Lời đang phục vụ ở những nơi khác nhau trên đất nước
Hoa Kỳ. Gặp gỡ để chia sẻ, để “cập nhật” thông tin về nhau cũng như về những
người khác mà mình sẽ không có cơ hội để đi thăm hỏi. Rồi còn có những người anh
em cựu Ngôi Lời từng được đào tạo trong cùng một hội dòng nhưng nay đã chọn cho
mình một lối đi riêng. Ví dụ như H.S. ở S. Carolina đã lập gia đình và đã có hai người
con, hiện giờ đang sở hửu một trại gà có tới 300.000 con gà. Hay là Kh. ở
Houston đang chuẩn bị thi để lấy bằng hành nghề dược sĩ. Gặp H.S. và gia đình ở
tp. Columbia, H.S. nói: “Khi ở trong dòng chung với nhau có khi muốn đấm nhau,
mà giờ ra rồi thì hay nhớ tới mọi người và cứ muốn gặp nhau.”
Ở nhà mẹ tại Chicago, mình vào trong
nhà nguyện nơi mình được ĐGM đặt tay cách đây gần 10 năm để ôn lại một trong những
biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Buổi sáng trong nhà nguyện
không có người thật yên tĩnh. Mình đứng dưới nhà nguyện đưa mắt nhìn lên khu vực
cung thánh, rồi dừng lại ở trước bàn thờ nơi ĐGM ngồi và lần lượt đặt tay lên đầu
của mình và 9 người anh em cùng lớp. Cái khoảnh khắc linh thiêng diễn ra không
phải bằng lời nói mà bằng cử chỉ đó có lẽ ai trong đời sống linh mục cũng không
thể quên được.
Cũng tại nhà mẹ mình đi viếng đất
thánh nơi có hơn một ngìn ngôi mộ của các nhà truyền giáo Ngôi Lời được chôn cất
ở đây. Họ là những người đã đi phục vụ khắp mọi nơi trên thế giới, năm châu bốn
bể. Nhưng giờ đây họ an nghỉ trong những ngôi mồ thật đơn sơ nhỏ bé. Có mồ chỉ
là một tấm bia đặt trên thảm cỏ, ghi tên, năm sinh và năm qua đời. Một khu vực trong đất thánh có hàng loạt
thánh giá được xây bằng xi-măng đặt thành hàng thật ngay thẳng. Mỗi thánh giá đó
tượng trưng cho một nhà truyền giáo Ngôi Lời đang an nghỉ trong lòng đất. Trong
tiết thời giá rét, khuôn viên đất thánh chỉ có những cây đứng trơ trọi hoa lá,
thấy cảnh vật thật hiu quạnh nhưng yên bình. Một đời họ dấn thân phục vụ Chúa
trong những vườn nho sai trái, trên những đồng lúa phì nhiêu, và ngay cả ở giữa những sa mạc khô cằn, bây giờ
nằm trong lòng đất, họ chỉ khao khát được trở về quê trời để hưởng được mùa
xuân bất tận bên đấng mà họ đã trung thành theo bước.
Cũng ở Chicago, mình đã chia sẻ với
M. một bạn trẻ đang trong chương trình thần học của dòng. Cách đây sáu năm,
tình cờ M. gặp mình tại ĐCV của dòng khi mình đến đó thăm trong dịp nghỉ phép.
M. đến tham dự chương trình tìm hiểu ơn gọi “để làm cho cha Tuấn vui.” Cha Tuấn
lúc đó làm văn phòng và ơn gọi liên tục mời M. đến tham dự khóa tìm hiểu ơn gọi
được tổ chức tại ĐCV ở bang Iowa. Từ cái “đi cho vui” đó mà giờ đây M. đã học
xong hai năm thần học và đang chuẩn bị khăn gói lên đường để đi thực tập ở nước
ngoài trước khi trở về để tiếp tục học thần học rồi chịu chức linh mục. Khi
chào tạm biệt, M. tặng cho mình cuốn sách tiếng Anh có tựa đề “Khi hơi thở trở
thành không khí” với lời viết “Cảm ơn cha luôn đồng hành với con trong đời sống
tu trì.” Mình chưa có giờ đọc sách M. tặng. Nhưng có lẽ sẽ đọc trên chuyến bay
gần 20 tiếng đồng hồ từ Hoa Kỳ trở lại Thái Lan khi kỳ nghỉ phép lần này kết
thúc.
Cuộc đời là một chuyến đi dài bao
gồm nhiều chuyến đi ngắn. Mỗi chuyến đi có ý nghĩa riêng, có mục đích riêng của
nó. Đi để nhìn thấy. Đi để học hỏi. Đi để gặp gở. Đi để trải nghiệm. Đi để kết
nối mối tương quan. Đi để thực hành nhiệm vụ. Đi để biết mình đang sống trong một thế giới vô cùng rộng lớn.
Đi để biết mỗi chuyến đi có bắt đầu và sẽ có kết thúc. Không ai đi mãi mà không
dừng lại. Và khi mình dừng lại, điều quan trọng nhất là biết rằng mình thực sự
đã có một chuyến đi.
Costa Mesa, California, ngày
15.4.2016
No comments:
Post a Comment