Nhật ký về mẹ


Theo quy luật của nhà dòng, cứ ba năm tôi được về thăm gia đình một lần. Lần này cũng thế, tôi thu xếp công việc của tôi để có một khoảng thời gian thuận tiện để thực hiện chuyến về thăm gia đình của tôi. Mọi người trong gia đình của tôi đều ở Mỹ. Gia đình của tôi là ai? Là ba mẹ, là các anh chị trong đó có cả dâu lẫn rể, và có các cháu.

Tôi về tới nhà một chiều giữa tháng hai khi thời tiết đã vào xuân rất mát mẻ, khác hẳn với cái khí hậu nóng nực và oi bức ở Thái Lan. Bước ra khỏi sân bay, anh trai của tôi tới đón về nhà ba mẹ. Ở nhà mẹ và chị của tôi đã chuẩn bị một nồi bún bò để cho tôi ăn.

Ba mẹ tôi thấy tôi về, chúng tôi chào nhau bằng cái ôm nhẹ nhàng đơn giản. Chúng tôi thường không thể hiện những cử chỉ quá mức mặc dầu trong lòng cả tôi và ba mẹ đều rất vô cùng hạnh phúc khi được đoàn tụ. Nhưng gia đình của tôi có lẽ như vậy. Cách thể hiện tình cảm luôn rất được tiết chế.

Tôi liếc nhìn gương mặt mẹ tôi. Ba năm gặp lại, mẹ tôi nhìn già hơn. Tôi không bất ngờ với điều đó vì chỉ cách đây không lâu, bác sĩ phát hiện mẹ tôi bị ung thư phổi và hiện đang uống thuốc điều trị. Uống thuốc ung thư thì có đủ thứ tác dụng phụ làm cho mẹ tôi rất đau đớn. Bác sĩ phải giảm liều thuốc xuống một nửa mẹ tôi mới cảm thấy dễ chịu hơn.  Mắc bệnh cộng với tác dụng của thuốc tây mà ăn ngủ không ngon, mẹ tôi nhìn gầy đi nhiều, mí mắt xụp xuống theo độ tuổi già. Nhưng mẹ tôi vẫn tươi cười, vui vẻ không chỉ trước mặt tôi mà mọi người. Ai nói chuyện với mẹ trên điện thoại cũng cứ tưởng rằng mẹ khỏe mạnh lắm vì giọng nói trong trẻo rang rảng như có đầy sức sống. Nhưng mẹ tôi đã già yếu rồi – già yếu theo năm tháng của cuộc đời, già yếu theo những căn bệnh mà mẹ đã phải trải qua không chỉ bây giờ mà từ mấy chục năm qua.

Nhìn ba mẹ tôi thấy trong lòng tự nhiên trùng xuống, đặc biệt khi hai người ở trong căn nhà to nhưng trống vắng. Ba ngủ lầu trên. Mẹ ngủ lầu dưới. Thiết nghĩ hết năm này qua năm khác, hai bóng người già đi lại trong căn nhà hiu quạnh biết bao. Nhà to và khang trang, nhưng sao yên lặng quá. Có lẽ tôi quen với môi trường sống nhộn nhịp và sôi động ở thành phố Bangkok nên về nhà thấy mọi thứ càng yên lặng hơn.Thỉnh thoảng có những dịp lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh, sinh nhật, v.v. có con cháu quay quần, trong nhà tràn ngập tiếng nói tiếng cười. Nhưng một năm có 365 ngày thì những buổi tiệc linh đình đó tính ra cũng chẳng là bao.

Tôi chợt nghĩ nhà yên lặng như vậy có lẽ mỗi khi tôi gọi điện thoại về, tiếng nói vui tươi của mẹ cất lên khi nhận được cuộc điện thoại của đứa con ở phương xa chắc vang  dội hẳn lên. Mỗi lần nhận điện thoại của tôi, mẹ hay nói “Mẹ có linh tính là hôm nay con gọi. Vừa mới nghĩ tới con là nhận được điện thoại liền.”

Tôi nói với mẹ, “Mẹ có linh tính hay thật đó.” Nhưng trong bụng thì thầm nghĩ mẹ tôi mà khi nào chẳng nhớ tới con cái. Nhớ hoài vậy đó. Cho nên lần nào mà con gọi tới thì chả phải vừa mới nghĩ tới thì gọi. Dường như càng già thì càng nhớ tới con cháu nhiều hơn. Nhớ. Thương. Lo lắng. Mỗi lần nói chuyện với tôi mẹ kể cho tôi nghe về chuyện gia đình.  Mẹ tôi nhắc nhở tôi cầu nguyện cho những người trong gia đình đang gặp phải khó khăn—trong công việc, trong sức khỏe, hay trong đời sống cá nhân. Mẹ không kể nhiều chuyện buồn vì mẹ không muốn tôi phải bận tâm để tập trung phục vụ Giáo hội cho tốt đẹp. Có khi mẹ bảo mẹ kể cho con nghe nhưng ba không muốn mẹ kể vì ba không muốn con phải lo lắng.

Mẹ luôn cố gắng mang thái độ tích cực cho dù trong cuộc sống không phải điều gì cũng tốt đẹp. Lần cuối cùng mẹ đi xem kết quả thử máu để theo dõi tình hình bệnh ung thu, tôi đi theo mẹ để giúp thông dịch. Bình thường chị gái của tôi làm công việc này, nhưng hôm đó chị không khỏe nên tôi đi thế. Vào trong phòng bác sĩ, tôi lén chụp hình của mẹ để làm kỷ niệm. Một tấm hình làm tôi chạnh lòng là khi cô y tá đo áp huyết của mẹ thì mẹ lại nở nhẹ nụ cười trên môi. Đáng ra mẹ phải băn khoăn lo lắng, mà có lẽ cũng lo lắng thật. Nhưng mẹ lại không tỏ lộ điều đó. Mẹ vẫn tươi cười khi đang được khám.

Mẹ còn cười hơn nữa khi bác sĩ cho biết tình trạng ung thư có phần tiến triễn tốt đẹp. Mình thầm nghĩ ước gì mỗi lần tới xem kết quả xét nghiệm máu thì mẹ luôn được cười như thế. Cười vì biết rằng bệnh tình tốt hơn. Cười vì biết rằng còn thêm thời gian để nhìn thấy con cháu lớn lên, thành đạt trong cuộc sống. Cười vì biết rằng còn mẹ là còn một cột trụ trong gia đình để đưa con cái lại gần với nhau, yêu thương và đùm bọc nhau.

Chắc chắn một ngày nào đó mẹ sẽ không còn cười được nữa. Không cười được vì bị bệnh ung thư hành hạ. Không cười được vì cơn đau quá tột cùng mà chỉ có ai đã từng trải qua bệnh ung thu mới cảm nhận được. Mẹ có chia sẻ với tôi rằng mẹ cầu nguyện nói với Chúa rằng, mẹ chấp nhận căn bệnh, chỉ xin Chúa cho mẹ đừng quá đau đớn. Tôi không biết một người bị bệnh ung thư có thể tránh khỏi sự đau đớn về thể xác được hay không. Nhưng nếu phải đau đớn thì mong sao mẹ chỉ đau trong thân xác, còn trong tinh thần mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc vì xung quanh mẹ là những người yêu thương, quan tâm, lo lắng, hy sinh và ân cần đối với mẹ. Suốt đời  mẹ đã làm những điều này cho gia đình, cho chồng cho con. Chắc chắn cơn đau của mẹ sẽ giảm đi phần nào khi biết rằng trong những năm cuối đời của mình, mẹ luôn nhận lại được những điều  mà mẹ đã cho đi với cả tấm lòng yêu thương và bao dung của mình.

Tối cuối cùng ở Hoa Kỳ, đứng bên ngoài nhà hàng sau bữa ăn tối với ba mẹ và các anh chị, tôi chào tạm biệt ba mẹ. Vừa ôm tôi mẹ bật khóc. Tôi nhanh chóng chào các anh chị rồi lên xe để không kéo dài nỗi buồn của sự chia ly. Qua tới Thái Lan tôi nhắn tin rồi gọi điện thoại nói chuyện với mẹ để mẹ an tâm và bớt ngóng tin con. Mẹ ngóng tin con. Trông chờ thấy bóng dáng con. Mong mỏi được ôm ấp cháu chắt. Đó là tâm tình của những người mẹ yêu con tha thiết. Đó là bản năng tự nhiên của những người mẹ có con đi xa, tách lìa khỏi tổ ấm. Tâm hồn của người mẹ chất chứa yêu thương hướng về con cái bất kể tuổi tác. Con cái lớn lên thì mẹ cũng già đi. Nhưng còn sống thì vẫn là mẹ. Chỉ có khi chết rồi, mất rồi, khuất bóng rồi thì có lẽ mới hết chờ hết ngóng.

Tôi chào mẹ lên đường trở về với sứ vụ truyền giáo của tôi. Khi đang chờ lên máy bay ở phi trường, một người bạn của tôi nhắn tin nói: “Chắc là nhớ ba mẹ lắm phải không?” Tôi trả lời: “Đúng rồi. Nhưng hy vọng rằng ba năm sau mới được về đúng quy định của nhà dòng. Chứ không muốn về sớm hơn.” Người bạn nhắn tin lại: “Mình hiểu ý của bạn.”

Ao ước của tôi là muốn cho ba mẹ tôi trông chờ tôi. Tôi muốn mẹ tôi cứ ở đó trông mong tôi ba năm sau trở về thăm gia đình. Tôi muốn trở về với một người mẹ đang ngóng trông tôi và hạnh phúc ngồi xem tôi ăn tô bún bò thơm phức. Còn mẹ thì mới còn trông mong. Mẹ mất rồi thì ai sẽ trông sẽ chờ tôi?

Sydney, Úc, ngày 13.5.2016 (Lễ Kính Nhớ Đức Mẹ Fatima)

No comments: