Nhật ký trên không 2


Gần một tuần ở miền đông Hoa Kỳ thấy cảnh vật ở đây xanh tươi có sức sống. Nhìn qua có lẽ không ai nghĩ rằng khủng hoảng môi trường là một thực trạng đang diễn ra không chỉ nơi đây mà khắp nơi trên thế giới. Thế giới ngày càng nóng dần do lối sống của con người quá cẩu thả và xa hoa, không biết sử dụng những tài nguyên trong thiên nhiên cách chừng mực và tiết kiệm. Khi nói về vấn đề khủng hoảng môi trường, dường như chỉ có một bộ phận rất nhỏ trong xã hội tỏ ra thực sự quan tâm và băn khoăn, muốn cộng tác vào việc tìm ra giải pháp hoặc thực hiện những điều cần thiết để cải thiện tình hình. Đại đa số người còn lại thì tỏ ra hời hợt hoặc thể hiện sự quan tâm cách khách sáo chứ không mấy ai có nhiệt tâm để thấy rằng bản thân mình phải thay đổi não trạng hay lối sống. Ít ai nghĩ rằng bản thân họ có trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra với môi trường. Những người lao động thu nhập thấp thì cho rằng họ quá bận bịu với việc mưu sinh để sống qua ngày làm gì có thời giờ để quan tâm về mấy chuyện to lớn như thế này. Những người khác thì bảo để cho các nhà khoa học, các chuyên gia tìm ra giải pháp cho vấn đề. Nhiều người khác nữa biết là thế giới đang trên đà đi xuống nhưng cảm thấy bất lực nên đành "phó thác" cho trời đất rồi tới đâu thì tới cho dầu biết rằng trái đất mà họ sẽ để lại cho thế hệ con cháu sau này là một nơi tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì bản thân họ đã có được. Và cuối cùng thì có không ít người giả mù giả điếc không nghe không thấy không biết thì chả có gì để phải mất ăn mất ngủ. Mỗi ngày trái đất vẫn xoay tròn, mặt trời vẫn mọc lên hướng đông rồi lặn hướng tây. Mọi thứ xem ra vẫn ổn. Còn hiện tượng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng hoá mặn vì hạn hán và mực nước biển gia tăng thì mặc kệ, để cho nhà nước chính quyền xử lý.

Đi tham dự và thuyết trình tại một cuộc hội thảo quốc tế về tôn giáo và môi trường nghe có vẻ hoành tráng nhưng cũng chỉ là những chuyên gia ngồi lại với nhau để nói cho nhau nghe những điều mà đa số ai cũng đã biết không nhiều thì ít. Chẳng qua là trao đổi kiến thức chuyên môn chứ cái điểm chính về nguyên do tại sao bị khủng hoảng môi trường và cần phải khắc phục một cách nhanh chóng thì ai cũng hiểu. Ba ngày hội thảo có nhiều lý thuyết mang tính học thuật nhưng nói về áp dụng thì hầu như chưa ai có thể khẳng định được rằng lý thuyết của mình đã hoặc sẽ được áp dụng bởi các thành phần trong xã hội--những công nhân làm việc tay chân, những người trẻ mà mối quan tâm lớn nhất là làm sao có được những máy điện thoại và áo quần thời trang nhất để bằng với bạn bè, hoặc những đại gia đang lên kế hoạch mua xe khủng hoặc xây nhà nhiều tầng hoàn toàn bằng gỗ quý chặt trái phép để khoe khoang trước thiên hạ. Các chuyên gia thuyết trình cho nhau nghe chẳng khác gì một thánh lễ mà chỉ có cha xứ với ban hành giáo tham dự Thánh lễ, rồi vị linh mục đứng giảng cho ban hành giáo nghe tại sao phải siêng năng đi lễ, đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày, và tích cực tham gia vào sinh hoạt nhà thờ. Những người cần nghe những lời giảng hay ho đó thì đang ở nhà xem tivi hay đang buôn dưa lê ở các quán cà phê hay ở quán nhậu bình dân.

Bản thân mình cũng chẳng hơn gì những người nói trên. Để đi tham dự hội thảo mãi ở miền đông Hoa kỳ thì phải đi bằng máy bay. Mà đi như vậy thì càng đóng góp cho việc sử dụng nhiên liệu và làm ô nhiễm môi trường. Thỉnh thoảng được ăn thức ăn được nhập từ nước ngoài về làm cho mình cảm thấy thích thú, nhưng ăn những đồ nhập khẩu thay vì những thứ được sản xuất ở địa phương cũng là nguyên do gây nên ô nhiễm do quá trình chuyên chở hàng chục ngìn cây số từ nơi người ta làm ra nó cho tới khi nó được bỏ vào trong miệng của mình.

Hiểu biết về vấn đề không phải lúc nào cũng giúp cho ta có những hành động đúng đắn. Có khi vì lười biếng, có khi vì bất cần, có khi cố quên đi với cái câu "thôi tới đâu thì tới." Nhưng thử hỏi lương tâm của chúng ta có cho phép làm ngơ trước sự khủng hoảng nghiêm trọng này không? Ở nhiều nơi trên thế giới hình ảnh những người dân nghèo đang khổ cực vì hạn hán hoặc tai ương, những loài chim chết thảm vì ăn vào toàn những thứ rác rưỡi không thể tiêu hoá được, những khu rừng xanh tươi bị huỷ hoại tàn phá, những thành phố ngột ngạt vì khói bụi và ô nhiễm --những hình ảnh này phải chăng có thể đánh động lương tri của chúng ta để ít nhất chấp nhận nhìn vào vấn đề một cách nghiêm túc, xem lại lối sống của mình một cách thành thực, và bắt đầu thay đổi những gì mình có thể--để trái đất là tác tạo của Thiên Chúa luôn được bảo vệ, chăm sóc và giữ gìn.

Trên chuyến bay từ South Carolina đến Houston, Texas, ngày 3.4.2016

No comments: