Đi và dừng lại



 
Thời hạn về thăm gia đình và người thân cũng đã được hai phần ba chặng đường. Nhiều người hỏi khi nào cha qua lại Thái Lan. Mình bảo phải đi họp công việc của hội dòng ở Úc sau đợt nghỉ phép rồi mới chính thức trở lại. Mọi người bảo sao cha đi lâu quá. Mình nói phải 3 năm cha mới được về thăm người thân một lần nên bề trên cho đi lâu. Vé máy bay từ Thái Lan tới Hoa Kỳ nhiều tiền mà cho đi hàng năm thì nhà dòng xạc nghiệp.

Hai tuần qua mình thực hiện một chuyến đi xuyên bang từ California, đến Washington D.C. (thủ đô Hoa Kỳ), rồi South Carolina, Texas, và cuối cùng là nhà mẹ của dòng Ngôi Lời tại thành phố Chicago, bang Illinois trước khi trở lại California. Đó là một chuyến đi dài không chỉ về khoảng cách mà còn thời gian. Mỗi nơi đến đều có mục đích. Washington để thăm cộng đoàn dòng Ngôi Lời và để được ngắm hoa anh đào nở trong những ngày đầu xuân. South Carolina để tham dự và thuyết trình trong chương trình hội thảo về tôn giáo và môi trường. Texas để thăm một số anh em Ngôi Lời và người thân. Và cuối cùng là nhà mẹ dòng vì đó là nơi quan trọng cho mỗi người “con” Ngôi Lời đi xa trở về thăm “quê hương.”

Một chuyến đi nhiều ngày, qua nhiều vùng đất, nhiều thời tiết. Từ vùng nắng ấm California, đến bầu khí tươi mát và đầy sức sống của mảnh đất thủ đô, và bước vào trời giá rét của thành phố gió Chicago nơi mình đã được đào tạo để trở thành một nhà truyền giáo Ngôi Lời. Có người bảo cha được đi khắp nơi sướng thật. Đúng vậy. Được đi sướng lắm. Sướng vì được trải nghiệm về cảnh vật và đời sống của mỗi nơi mà mình được đến. Nhưng sướng hơn nữa là vì mình được gặp gỡ những khuôn mặt thân quen. Đó là những người anh em Ngôi Lời đang phục vụ ở những nơi khác nhau trên đất nước Hoa Kỳ. Gặp gỡ để chia sẻ, để “cập nhật” thông tin về nhau cũng như về những người khác mà mình sẽ không có cơ hội để đi thăm hỏi. Rồi còn có những người anh em cựu Ngôi Lời từng được đào tạo trong cùng một hội dòng nhưng nay đã chọn cho mình một lối đi riêng. Ví dụ như H.S. ở S. Carolina đã lập gia đình và đã có hai người con, hiện giờ đang sở hửu một trại gà có tới 300.000 con gà. Hay là Kh. ở Houston đang chuẩn bị thi để lấy bằng hành nghề dược sĩ. Gặp H.S. và gia đình ở tp. Columbia, H.S. nói: “Khi ở trong dòng chung với nhau có khi muốn đấm nhau, mà giờ ra rồi thì hay nhớ tới mọi người và cứ muốn gặp nhau.”

Ở nhà mẹ tại Chicago, mình vào trong nhà nguyện nơi mình được ĐGM đặt tay cách đây gần 10 năm để ôn lại một trong những biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Buổi sáng trong nhà nguyện không có người thật yên tĩnh. Mình đứng dưới nhà nguyện đưa mắt nhìn lên khu vực cung thánh, rồi dừng lại ở trước bàn thờ nơi ĐGM ngồi và lần lượt đặt tay lên đầu của mình và 9 người anh em cùng lớp. Cái khoảnh khắc linh thiêng diễn ra không phải bằng lời nói mà bằng cử chỉ đó có lẽ ai trong đời sống linh mục cũng không thể quên được.  

Cũng tại nhà mẹ mình đi viếng đất thánh nơi có hơn một ngìn ngôi mộ của các nhà truyền giáo Ngôi Lời được chôn cất ở đây. Họ là những người đã đi phục vụ khắp mọi nơi trên thế giới, năm châu bốn bể. Nhưng giờ đây họ an nghỉ trong những ngôi mồ thật đơn sơ nhỏ bé. Có mồ chỉ là một tấm bia đặt trên thảm cỏ, ghi tên, năm sinh và năm qua đời.  Một khu vực trong đất thánh có hàng loạt thánh giá được xây bằng xi-măng đặt thành hàng thật ngay thẳng. Mỗi thánh giá đó tượng trưng cho một nhà truyền giáo Ngôi Lời đang an nghỉ trong lòng đất. Trong tiết thời giá rét, khuôn viên đất thánh chỉ có những cây đứng trơ trọi hoa lá, thấy cảnh vật thật hiu quạnh nhưng yên bình. Một đời họ dấn thân phục vụ Chúa trong những vườn nho sai trái, trên những đồng lúa phì nhiêu, và ngay c ở giữa những sa mạc khô cằn, bây giờ nằm trong lòng đất, họ chỉ khao khát được trở về quê trời để hưởng được mùa xuân bất tận bên đấng mà họ đã trung thành theo bước.

Cũng ở Chicago, mình đã chia sẻ với M. một bạn trẻ đang trong chương trình thần học của dòng. Cách đây sáu năm, tình cờ M. gặp mình tại ĐCV của dòng khi mình đến đó thăm trong dịp nghỉ phép. M. đến tham dự chương trình tìm hiểu ơn gọi “để làm cho cha Tuấn vui.” Cha Tuấn lúc đó làm văn phòng và ơn gọi liên tục mời M. đến tham dự khóa tìm hiểu ơn gọi được tổ chức tại ĐCV ở bang Iowa. Từ cái “đi cho vui” đó mà giờ đây M. đã học xong hai năm thần học và đang chuẩn bị khăn gói lên đường để đi thực tập ở nước ngoài trước khi trở về để tiếp tục học thần học rồi chịu chức linh mục. Khi chào tạm biệt, M. tặng cho mình cuốn sách tiếng Anh có tựa đề “Khi hơi thở trở thành không khí” với li viết “Cảm ơn cha luôn đồng hành với con trong đời sống tu trì.” Mình chưa có giờ đọc sách M. tặng. Nhưng có lẽ sẽ đọc trên chuyến bay gần 20 tiếng đồng hồ từ Hoa Kỳ trở lại Thái Lan khi kỳ nghỉ phép lần này kết thúc.

Cuộc đời là một chuyến đi dài bao gồm nhiều chuyến đi ngắn. Mỗi chuyến đi có ý nghĩa riêng, có mục đích riêng của nó. Đi để nhìn thấy. Đi để học hỏi. Đi để gặp gở. Đi để trải nghiệm. Đi để kết nối mối tương quan. Đi để thực hành nhiệm vụ. Đi để biết mình đang sống trong một thế giới vô cùng rộng lớn. Đi để biết mỗi chuyến đi có bắt đầu và sẽ có kết thúc. Không ai đi mãi mà không dừng lại. Và khi mình dừng lại, điều quan trọng nhất là biết rằng mình thực sự đã có một chuyến đi.

Costa Mesa, California, ngày 15.4.2016

Chuyện dọc đường



Hôm nay cha An Vũ chở mình đi từ thành phố Houston đến Dallas để thăm một số người thân quen tại đây. Chuyến đi hơn bốn giờ đồng hồ chạy ngang qua những con đường cao tốc tuyệt đẹp của tiểu bang Texas, là tiểu bang lớn thứ nhì của đất nước Hoa Kỳ. Ngoài cảnh vật xanh tươi của cây cối hai bên đường suốt quãng đường dài hàng trăm cây số còn có một điều thú hút ánh mắt của mình. Đó là cảnh hoa dại màu vàng tím đỏ nở rộ tươi thắm trên những thảm cỏ xanh rì hai bên đường cũng như ở thảm cỏ phân cách hai chiều. Mình hỏi cha An: - Làm sao mà con đường này có nhiều hoa dại mọc đến thế?

Cha An trả lời: - Mình nghe nói là vị đệ nhất phu nhân Hoa kỳ trước đây là bà Barbara Bush lúc ông Bush còn là thống đốc tiểu bang Texas đã khuyến khích cho người ta thả những hạt giống hoa dại trên những con đường như thế này. Đó là lý do tại sao mà mỗi mùa xuân đến thì có hoa dại mọc khắp các nẻo đường của tiểu bang. Nhưng thật ra bây giờ nhiều hoa đã bị béo rồi. Cách đây vài tuần thì lượng hoa nhiều hơn thế này gấp mấy lần.

Mình chưa bao giờ chứng kiến những quãng đường có hoa dại mọc nhiều đến thế. Mình nhìn mãi không thấy chán cho dù chuyến đi diễn ra từ lúc một giờ chiếu và kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ. Có thể nói đây là những giờ đồng hồ mà ngồi trên xe là buồn ngủ nhất.

Nhưng mình không thấy buồn ngủ và cũng không thấy lâu khi ngoài việc được ngắm cảnh thiên nhiên xinh đẹp còn được lắng nghe những câu chuyện mà cha An kể cho mình nghe về kinh nghiệm truyền giáo của ngài tại Ecuador là một quốc gia ở Nam Mỹ cũng như công việc mục vụ giáo xứ trong hiện tại ở Texas. Cha An lớn hơn mình về tuổi tác nhưng là một người anh em cùng lớp nhà tập với mình. Vì thế hai anh em đã có một quãng thời gian nhiều năm đồng hành với nhau trong chương trình đào tạo của dòng Ngôi Lời. Sau khi chịu chức, mình đi phục vụ ở Thái Lan, còn cha An được bề trên sai đi truyền giáo ở Ecuador. Mãi đến bây giờ thì hai người mới hội ngộ tại thành phố Houston.

Trong chuyến đi, cha An đã kể cho mình nghe về những gì ngài đã trải qua ở Nam Mỹ cũng như ở Hoa Kỳ, đó là những kinh nghiệm và cảm nhận về công việc mục vụ cho người nghèo, cho người khác văn hóa với mình, về những thách đố trong việc xây dựng mối tương quan với giáo dân và đồng nghiệp, về những khó khăn khi mới chập chửng bước vào công việc, và niềm vui khi được đón nhận, được chấp nhận, được cảm thông. Cha an kể cho mình nghe hết chuyện này đến chuyện khác, kể thật say mê và chi tiết. Mình lắng nghe trong niềm vui và lòng cảm phục về sự tận tụy và nhiệt tâm của người anh em. Cha An là người luôn tự cho mình là người không giỏi dang như một số người khác trong lớp. Nhưng trong sứ vụ của ngài, ngài đã thuyết phục được đồng nghiệp và giáo dân bằng chính sự khiêm tốn nhưng không thiếu phần quyết đoán trong cung cách cư xử với những người xung quanh. Ngoài ra sự chăm chỉ và cần cù trong công việc cũng là điều làm cho mọi người thay đổi thái độ từ nghi ngờ về khả năng trở nên nể phục và quý mến. Đối với mình thì mình không bất ngờ về điều này vì mình đã nhận thấy sự cố gắng và nhiệt huyết của cha An từ lâu. Có thể như cha An nói, ngài không có những đặc điểm vượt trội như một số anh em khác, nhưng cái người ta gọi là “tầm thường” cũng có thể làm được những điều vô cùng tốt đẹp khi nó đi kèm với sự nhiệt huyết và tình yêu đối với sứ mệnh và những con người mà mình được sai đến để phục vụ.

Dallas, Texas, ngày 4.4.2016

Nhật ký trên không 2


Gần một tuần ở miền đông Hoa Kỳ thấy cảnh vật ở đây xanh tươi có sức sống. Nhìn qua có lẽ không ai nghĩ rằng khủng hoảng môi trường là một thực trạng đang diễn ra không chỉ nơi đây mà khắp nơi trên thế giới. Thế giới ngày càng nóng dần do lối sống của con người quá cẩu thả và xa hoa, không biết sử dụng những tài nguyên trong thiên nhiên cách chừng mực và tiết kiệm. Khi nói về vấn đề khủng hoảng môi trường, dường như chỉ có một bộ phận rất nhỏ trong xã hội tỏ ra thực sự quan tâm và băn khoăn, muốn cộng tác vào việc tìm ra giải pháp hoặc thực hiện những điều cần thiết để cải thiện tình hình. Đại đa số người còn lại thì tỏ ra hời hợt hoặc thể hiện sự quan tâm cách khách sáo chứ không mấy ai có nhiệt tâm để thấy rằng bản thân mình phải thay đổi não trạng hay lối sống. Ít ai nghĩ rằng bản thân họ có trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra với môi trường. Những người lao động thu nhập thấp thì cho rằng họ quá bận bịu với việc mưu sinh để sống qua ngày làm gì có thời giờ để quan tâm về mấy chuyện to lớn như thế này. Những người khác thì bảo để cho các nhà khoa học, các chuyên gia tìm ra giải pháp cho vấn đề. Nhiều người khác nữa biết là thế giới đang trên đà đi xuống nhưng cảm thấy bất lực nên đành "phó thác" cho trời đất rồi tới đâu thì tới cho dầu biết rằng trái đất mà họ sẽ để lại cho thế hệ con cháu sau này là một nơi tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì bản thân họ đã có được. Và cuối cùng thì có không ít người giả mù giả điếc không nghe không thấy không biết thì chả có gì để phải mất ăn mất ngủ. Mỗi ngày trái đất vẫn xoay tròn, mặt trời vẫn mọc lên hướng đông rồi lặn hướng tây. Mọi thứ xem ra vẫn ổn. Còn hiện tượng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng hoá mặn vì hạn hán và mực nước biển gia tăng thì mặc kệ, để cho nhà nước chính quyền xử lý.

Đi tham dự và thuyết trình tại một cuộc hội thảo quốc tế về tôn giáo và môi trường nghe có vẻ hoành tráng nhưng cũng chỉ là những chuyên gia ngồi lại với nhau để nói cho nhau nghe những điều mà đa số ai cũng đã biết không nhiều thì ít. Chẳng qua là trao đổi kiến thức chuyên môn chứ cái điểm chính về nguyên do tại sao bị khủng hoảng môi trường và cần phải khắc phục một cách nhanh chóng thì ai cũng hiểu. Ba ngày hội thảo có nhiều lý thuyết mang tính học thuật nhưng nói về áp dụng thì hầu như chưa ai có thể khẳng định được rằng lý thuyết của mình đã hoặc sẽ được áp dụng bởi các thành phần trong xã hội--những công nhân làm việc tay chân, những người trẻ mà mối quan tâm lớn nhất là làm sao có được những máy điện thoại và áo quần thời trang nhất để bằng với bạn bè, hoặc những đại gia đang lên kế hoạch mua xe khủng hoặc xây nhà nhiều tầng hoàn toàn bằng gỗ quý chặt trái phép để khoe khoang trước thiên hạ. Các chuyên gia thuyết trình cho nhau nghe chẳng khác gì một thánh lễ mà chỉ có cha xứ với ban hành giáo tham dự Thánh lễ, rồi vị linh mục đứng giảng cho ban hành giáo nghe tại sao phải siêng năng đi lễ, đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày, và tích cực tham gia vào sinh hoạt nhà thờ. Những người cần nghe những lời giảng hay ho đó thì đang ở nhà xem tivi hay đang buôn dưa lê ở các quán cà phê hay ở quán nhậu bình dân.

Bản thân mình cũng chẳng hơn gì những người nói trên. Để đi tham dự hội thảo mãi ở miền đông Hoa kỳ thì phải đi bằng máy bay. Mà đi như vậy thì càng đóng góp cho việc sử dụng nhiên liệu và làm ô nhiễm môi trường. Thỉnh thoảng được ăn thức ăn được nhập từ nước ngoài về làm cho mình cảm thấy thích thú, nhưng ăn những đồ nhập khẩu thay vì những thứ được sản xuất ở địa phương cũng là nguyên do gây nên ô nhiễm do quá trình chuyên chở hàng chục ngìn cây số từ nơi người ta làm ra nó cho tới khi nó được bỏ vào trong miệng của mình.

Hiểu biết về vấn đề không phải lúc nào cũng giúp cho ta có những hành động đúng đắn. Có khi vì lười biếng, có khi vì bất cần, có khi cố quên đi với cái câu "thôi tới đâu thì tới." Nhưng thử hỏi lương tâm của chúng ta có cho phép làm ngơ trước sự khủng hoảng nghiêm trọng này không? Ở nhiều nơi trên thế giới hình ảnh những người dân nghèo đang khổ cực vì hạn hán hoặc tai ương, những loài chim chết thảm vì ăn vào toàn những thứ rác rưỡi không thể tiêu hoá được, những khu rừng xanh tươi bị huỷ hoại tàn phá, những thành phố ngột ngạt vì khói bụi và ô nhiễm --những hình ảnh này phải chăng có thể đánh động lương tri của chúng ta để ít nhất chấp nhận nhìn vào vấn đề một cách nghiêm túc, xem lại lối sống của mình một cách thành thực, và bắt đầu thay đổi những gì mình có thể--để trái đất là tác tạo của Thiên Chúa luôn được bảo vệ, chăm sóc và giữ gìn.

Trên chuyến bay từ South Carolina đến Houston, Texas, ngày 3.4.2016

Những chuyến đi U




Mình đến South Carolina để tham dự hội thảo về tôn giáo và môi trường. Những người đến tham dự đa số là những chuyên gia từ các tôn giáo khác nhau, cũng như không tôn giáo. Cho dù là có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng thì sự khủng hoảng môi trường đã trở nên một vấn đề vô cùng nghiêm trọng khiến mọi người cần phải bắt tay với nhau để giải quyết. Trong ngày đầu tiên hội thảo mình đã có dịp lắng nghe nhiều bài thuyết trình khá thú vị cũng như có dịp gặp gỡ và trao đổi với những người đến tham dự chương trình. Ngày mai mới đến phiên mình thuyết trình về đề tài mà mình đã chuẩn bị sẵn.

Ba ngày tham dự hội thảo chi phí khá cao. Không chỉ phải tốn tiền mua vé máy bay đến nơi tham dự mà còn phải trả lệ phí hội thảo nữa. Ngoài ra còn vấn đề ăn uống và chỗ ở. Thấy có nhiều khoản chi tiêu quá nên cách đây vài tuần mình gọi điện thoại cho thầy Linh, một người anh em trong dòng Ngôi Lời. Thầy Linh đang làm việc quảng bá ơn gọi nên đi được nhiều nơi và có biết nhiều người. Mình hỏi thầy Linh xem có quen ai ở thành phố Columbia, South Carolina không thì thầy nói là có biết một gia đình. Thế là thầy đã liên lạc với gia đình đó để xin cho mình ở lại nhà họ thay vì phải đi thuê phòng khách sạn gần nơi tổ chức hội thảo mà giá phòng mỗi đêm lên tới 150 USD.

Nhà của người quen thầy Linh cách xa trường đại học khoảng 20 phút lái xe. Từ nhà đến nơi tổ chức hội thảo không có phương tiện xe công cộng nên mình sử dụng dịch vụ Uber. Uber là một dịch vụ xe đưa đón cá nhân. Người lái xe Uber nhận yêu cầu của khách hàng qua ứng dụng Uber và đến đón tận nơi. Tài xế Uber chạy xe cá nhân của mình chứ không phải của bất cứ công ty nào. So với taxi bình thường thì phí Uber rẻ hơn khá nhiều.

Lần đầu tiên mình sử dụng dịch vụ Uber cũng là trong chuyến đi này. Hôm qua khi đến bến xe ở trung tâm thành phố Columbia thì mình không thấy có chiếc xe taxi nào để gọi. Mình chợt nhớ ra là có thể dùng Uber nên đã vào mạng tải ứng dụng xuống. Sau đó cung cấp thông tin thẻ tín dụng để đăng ký. Mọi việc được hoàn tất trong vòng 10 phút. Khi đã xong, mình “đặt hàng” bằng cách cung cấp địa chỉ nơi mình đang đứng và nơi mình cần đến. Chỉ vài giây đồng hồ sau đã có một xe của Uber trả lời và nói là sẽ có mặt trong vòng 8 phút. 8 phút sau, xe đến đón và đưa mình về địa chỉ của nhà người quen của thầy Linh.

Tài xế đưa mình về chiều hôm qua là một anh chàng người Mỹ da đen. Sáng nay, tài xế Uber đến đón mình là một người đàn ông da đen nhưng là người Phi Châu di cứ qua sống tại Hoa Kỳ. Ông ta nói đang trên đường đi mua bánh mì thì nhận được yêu cầu nên tới đón khách luôn. Tối nay tài xế Uber đưa mình về nhà là một anh chàng người Mỹ da trắng đang theo họcc ngành y tá. Anh ta nói mình là linh mục đầu tiên mà anh ta từng gặp. Mỗi chuyến đi cước phí cộng tiền tip khoảng 20 USD. Ở Mỹ ngồi taxi cũng phải có tiền tip. Mặc dầu đi thế này cũng không phải rẻ, nhưng tính ra vẫn tiết kiệm hơn thuê phòng khách sạn rất nhiều.

Nhà người quen của thầy Linh bây giờ chỉ có hai người ở. Chủ nha đi vắng nhiều  ngày vì có công việc ngoài tiểu bang, chỉ còn lại một người con trai tên Khôi và một người chú ở Việt Nam qua chơi. Khôi 28 tuổi vừa đi học vừa quản lý nhà hàng của gia đình. Khi mình đến nhà thì người chú ra mở cửa cho vào. Khôi thì đi làm tới khuya mới về nhà. Tối hôm qua mình đi ngủ cũng chưa thấy về. Sáng nay mình thức dậy để đi hội thảo thì nó vẫn còn đang ngủ. Đến bây giờ mình chưa biết mặt anh ta ra sao. Hai người chỉ qua liên lạc qua lại bằng cách nhắn tin trên điện thoại.

Người ta nói đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đến tận South Carolina để tham dự hội thảo mặc dầu khá tốn kém, nhưng nhờ đó mà mình có dịp ghé qua Washington D.C. để thăm cha Bình cũng như tham quan thành phố thủ đô Hoa Kỳ. Ngoài ra mình còn có dịp trao đổi kiến thức với những người nhiệt huyết trong vấn đề bảo vệ môi trường. Và còn có trải nghiệm về dịch vụ xe Uber và gặp gỡ những người tài xế khác nhau trên mỗi chuyến đi lại trong thành phố.

Columbia, South Carolina, ngày 1.4.2015