Ngôi nhà thờ bên sông Mekong


Hôm nay mình đi cùng Đức Giám Mục George đến nhà thờ Đức Mẹ Dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh ở làng Huâi Lếp Mừ để mừng lễ quan thầy của giáo xứ (sớm một tuần vì Đức Cha bận việc). Gx. Huây Lếp Mừ do cha Luis, một linh mục truyền giáo người Tây ban nha đảm trách. Điều đầu tiên làm mình ấn tượng khi bước đến giáo xứ này là quang cảnh thật thơ mộng vì nhà thờ được xây bên cạnh dòng sông Mekông. Đứng trên bờ nhìn qua sông thì thấy được đồng quê Lào. Sông Mekông những tháng này khá cạn nên nhìn rất êm đềm và yên lắng, nhìn vào không ngờ đây là một trong những con sông dài nhất thế giới bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy mãi đến miền tây của nước Việt Nam, rồi đổ ra Thái Bình Dương.

Chuyến đi đến Huây Lếp Mừ khoảng hai tiếng rưởi đồng hồ. Mình ngồi phía sau xe với ĐC, còn phía trước là bác tài xế và anh giúp việc của ĐC. Mấy ngày qua ĐC bị ho nhiều, có khi nói không ra tiếng. Thế mà suốt quảng đường mấy trăm cây số, ngài nói chuyện với mình không ngừng. Nào là giới thiệu về những điểm du lịch dọc đường, nào là giới thiệu những nhà thờ của địa phận trong các vùng xe chạy qua, và nhiều chuyện khác liên quan đến công việc và kinh nghiệm của ngài. Mình cũng hơi ngại vì sợ ngài nói chuyện nhiều sẽ mất giọng rồi không cử hành thánh lễ được. Nhưng mình thấy ngài thích nói chuyện nên cũng để cho ngài tự nhiên.

Buổi lễ diễn ra tốt đẹp. Ấn tượng nhất trong thánh lễ là phần dâng lễ vật. Ở địa phận Udon Thani, đến khi dâng lễ thì giáo dân xếp hàng dâng lên những lễ vật mà họ đem từ nhà đến. Trong một thánh lễ bình thường, ta có thể thấy giáo dân dâng lên những thức ăn mà họ đã làm hoặc mua, dâng lên những rỗ trái cây như chuối và cam, những bánh ngọt, sửa, nước trái cây ép,… Ở thành phố đa số những đồ dâng cúng là đồ người giáo dân mua, nhưng ở nhà quê thì thường là những thứ gì người dân trồng và tự làm.

Trong một thánh lễ lớn như mừng thánh quan thầy ở một giáo xứ đông người, phần dâng lễ có thể kéo dài đến 5 bài hát. Gx. Huây Lếp Mừ chỉ là một làng có giáo dân không nhiều nên việc dâng lễ hôm qua chỉ tới hai bài hát. Vì lễ đặc biệt nên nhiều giáo dân đã dâng những “cây tiền”. Người ta lấy những chậu cây, truốt hết lá chỉ để lại những nhành cây khô, hoặc lấy những que tre làm thành một cây, rồi lấy những tờ tiền giấy 20 baht, 50 baht, và 100 baht treo lên những nhành cây đó biến nó thành một “cây tiền”. Có người lấy tiền xếp thành hoa rồi gắn lên nhành cây nhìn rất bắt mắt. Có lần mình bước vào văn phòng của ĐC thấy một cây tiền mà ai đó đã tặng ngài, trên nhành còn có cả “hoa” 500 và 1000 baht.

Sau những giờ đồng hồ trò chuyện với các cha, các seour, cũng như những giáo dân mà mình gặp gỡ ở Huây Lếp Mừ, cha Wichai đã đưa mình về giáo xứ của ngài ở Ban Dung, cách Huây Lếp Mừ hơn 100 cây số. Ở đây ngài chăm sóc một giáo xứ có khoảng hơn 100 giáo dân và hai nhà thờ nhỏ chỉ thêm vài chục giáo dân.

Cha Wichai là một cha người Thái, vóc dáng cao to, da ngăm đen, hút thuốc liên tục. Người nhìn vào không nhận ra dáng thanh lịch, nhưng là một người rất cởi mở, nói năng thẳng thắn, bụng tốt, và rất bình dân. Sau khi gặp cha ở cuộc họp hàng tháng tại Udon Thani vừa qua, ngài đã mời mình đến thăm giáo xứ để thực tập làm lễ tiếng Thái. Ngài bảo, ở nhà thờ nhỏ có ít giáo dân, tập làm ở đó sẽ đỡ run. Mình nhận lời ngài và hẹn sau cuộc họp các linh mục vùng Đông Bắc Thái Lan mình sẽ đến thăm giáo xứ. Và đúng như lời hẹn mình đã theo ngài về giáo xứ chiều hôm qua.

Chiếc xe của cha Wichai vừa chạy vào khu vực Ban Dung thì ngài nhận được cuộc điện thoại từ cha P. báo tin rằng bố của cha Miếu (cha phó ở nhà thờ chánh tòa Udon Thani) vừa mới qua đời trong bệnh viện ở đường cái của giáo xứ Ban Dung. Thế là mình và cha Wichai ghé qua bệnh viện đễ viếng xác. Đến nơi thì thấy gia đình của cha Miếu đang đứng quanh xác của ông cố, trong đó có cha Miếu. Không thấy có tiếng khóc từ những người thân, nhưng mắt của cha Miếu đỏ, mình nghĩ rằng ngài cũng đã khóc khi biết được người cha của mình đã vĩnh biệt ra đi.

Cha Wichai đến sờ vào xác của ông cố một cách rất từ nhiên, xem chân, xem tay, sửa lại chiếc áo ấm trên người cho ngăn nắp, trùm lại chiếc mền như thể cái xác trước mặt chỉ là của một người đang bất tỉnh. Mình thì chưa bao giờ sờ vào một xác chết nào nên chỉ đứng nhìn ở một khoảng cách ngắn.

Viếng xác xong, mình và cha Wichai về giáo xứ, ăn tối, và chuẩn bị cho thánh lễ tối thứ bảy. Một ngày đã kết thúc với rất nhiều sự việc xảy ra. Một ngày rất ý nghĩa, mà mình đã đi được nhiều, gặp gỡ được nhiều người, thấy được nhiều thứ, và có cảm giác như mình đã đi một bước thật xa không chỉ về không gian mà còn về cảm xúc nữa. Đây là những ngày mà những thay đổi liên tục đến với mình, có khi tích cực, cũng có khi tiêu cực. Nhưng tất cả đều là một phần của quá trình thích nghi và hội nhập vào một xã hội, văn hóa, và môi trường mới. Một quá trình phức tạp và vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị cho cuộc sống của môt linh mục truyền giáo trẻ.

Ban Dung, ngày 26.1.2008

No comments: