Lần đầu làm lễ tiếng Thái

Sáng nay một biến cố lịch sử đã xảy ra trong đời sống truyền giáo của mình, đó là mình đã làm một thánh lễ tiếng Thái từ đầu đến cuối ở một ngôi nhà thờ nhỏ tại Ban Đung. Số giáo dân tham dự lễ trong ngôi nhà thờ quê chỉ vỏn vẹn 20 người, kể cả hai chủng sinh đến giúp đánh đàn và hát trong thánh lễ, và cha Wichai là người đồng tế với mình.

Còn giáo dân tham dự lễ thì có những cụ già, một số người trung niên, vài người trẻ, và năm sáu đứa con nít. Trước lễ bắt đầu, mình cầu xin Chúa giúp sức cho mình làm được thánh lễ cho xuôi chảy, đừng đọc sai và vấp lỗi quá nhiều. Có lẽ Chúa Thánh Thần cũng đã phù trợ mình vì thánh lễ diễn ra khá tốt đẹp. Mình giảng bài giảng tiếng Thái đã soạn mà không nhìn vào giấy. Dĩ nhiên phần này có những chỗ vấp, nhưng không đến nỗi trầm trọng. Còn các phần lễ thì cũng có những lúc thiếu xuôi chảy, phát âm bị lớ, nhưng cuối cùng mình cũng được cái “thumbs up” từ cha Wichai để khuyến khích mình có thêm tinh thần để làm hoàn chỉnh hơn.

Trên đường về, cha Wichai nhận xét:

- Cha làm lễ đọc rõ hơn cha Luis.

Lời nhận xét của ngài làm mình vừa mừng vừa lo. Mừng là vì cha Luis làm việc ở Thái Lan hơn 5 năm rồi, trong khi mình chỉ đến Thái Lan chưa đầy chín tháng. Nhưng lo là vì cha Luis là người Tây trong khi mình là người Việt Nam. Người Tây sẽ không giỏi lắm trong việc học các ngôn ngữ đòi hỏi phải đọc các dấu cao thấp như tiếng Thái. Dù sao đi nữa thì mình đã quen với việc đọc có dấu nên phải phát âm tốt hơn người Tây. Sau phút giây lo lắng, mình cũng tự nhủ. Thực ra mình có khả năng đọc rõ và tốt hơn nếu mình tiếp tục thực tập và chỉnh sửa. Quan trọng là bình tỉnh và từ tốn trong việc đọc và phát âm. Sự mất bình tỉnh chính là nguyên do làm cho mình phát âm lớ đi, khác với khi mình tự đọc một mình trong phòng ngủ.

Con đường đến sự suôn sẻ, trau chuốt vẫn còn dài trước mắt. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Mình đã bước qua cái chướng ngại lớn nhất là “cái lần thứ nhất”. Một khi đã có lần thứ nhất, thì lần thứ hai sẽ không còn là một điều đáng ngại như trước. Và rồi sẽ có lần thứ ba, thứ tư, và lần thứ 100. Đến khi đó, những lo ngại sẽ không còn tồn tại, chỉ còn việc làm sao để mỗi thánh lễ, những bài giảng mà mình soạn là những món ăn tâm linh có giá trị thực sự cho những người đến tham dự thánh lễ. Và đó là điều mà mình không thể lãng quên được, cho dù đã làm lễ mười ngàn lần.

Ban Dung, ngày 27.1.2008

No comments: