Xây dựng mối quan hệ

Những khuôn mặt trong địa phận, đặc biệt những bậc có chức quyền thoạt đầu đã làm cho mình có cảm giác e ngại lắm. Nhưng gặp nhau nhiều lần rồi xa lạ cũng trở nên quen thuộc và cởi mở. Sau mỗi lần gặp gỡ, cho dù đó là các cuộc họp, ngày lễ mừng quan thầy của giáo xứ, hay là lễ đám tang, mình lại thấy như gần gũi với các ngài hơn. Giờ đây mình có thể ngồi cùng bàn nói chuyện đùa với các bậc đàn anh mà cảm thấy khá tự nhiên. Việc xây dựng mối quan hệ với các cha dường như đang thay đổi dần dần theo chiều hướng thân thiện hơn. Ít nhất là giờ đây, sau những ngay ở với cha Wichai mình cảm thấy ngài có thể là một điểm tựa khá tốt cho mình vì ngài không chỉ cởi mở mà cũng là một người có tiếng nói trong ban điều hành giáo phận.

Sáng hôm kia, ngồi uống cà phê với ngài, mình chia sẻ một chút về những trăn trở trong thời gian đang tìm cho mình một việc làm vừa đáp ứng nhu cầu của giáo phận nhưng vừa phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Cha Wichai tỏ ra ủng hộ những gì mình đang suy nghĩ và còn đưa ra một vài ý kiến để giúp vạch hướng cụ thể hơn. Buổi chia sẻ với ngài làm mình phấn khởi thêm rất nhiều vì lần đầu tiên mình có cảm giác như mình có thể bắt đầu đưa ra một chương trình, hoặc ít nhất là một yêu cầu đến với Đức Cha và hội đồng quản trị như một hướng đi cho việc mục vụ trong giáo phận. Tuy nhiên, kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà có lẽ mình là người ít được rõ nhất vì là một người mới đến, lạ nước lạ cái, và chưa biết gì về đường hướng làm việc, hoặc quyết định trong giáo phận. Chính vì thế mình chỉ biết cầu xin sự soi sáng của Chúa là động lực thúc đẩy những gì Ngài muốn được xảy ra với mình để những gì mình làm ở đây tốt đẹp trước mắt Ngài.

Trong những ngày đến làm lễ ở nhà cha Miếu, mình cũng đã gặp được Seour Dòng Mến Thánh Giá, là hiệu trưởng của trường học tại Udon Thani. Seour mời mình đến thăm trường học, nếu được thì làm lễ cho các seour và các học sinh trong trường (đây là nơi cha Miếu đang làm mỗi sáng), và có thể dạy học trong trường. Đó chính là một trong những điều mình đã có ý định muốn làm khi đến Udon Thani, nhưng trong hai tuần ở đây, mình chưa có dịp đến thăm trường của Seour. Còn trường St. Mary do các seour Dòng Salesian đảm trách thì tỏ ra không mặn mà lắm đối với việc nhận mình vào dạy nên mình đã bỏ ý định đi dạy học ở đây. Đối với trường Don Bosco mình cũng chưa có dịp làm quen. Nhưng qua vài cuộc gặp gỡ với cha hiệu trưởng, mặc dầu mình không có nói gì về việc xin vào dạy, mình cũng có cảm giác như việc đi dạy ở đây không khả thi. Từ khi đến Udon Thani, một trong những điều mình nghĩ sẽ làm nhưng chưa làm được đó là dạy học. Nhiều điều không như dự định ban đầu, và đó là một điều làm cho mình cảm thấy phần nào hụt hẫng khi bước chân vào giáo phận.

Nhưng mình vẫn nghĩ rằng, thời gian, kinh nghiệm, nỗ lực học hỏi, tìm hiểu, và xây dựng mối quan hệ sẽ giúp tìm cho mình một con đường mục vụ thích hợp. Chưa hẳn những gì mình suy nghĩ lúc đầu là điều tốt nhất. Kinh nghiệm cá nhân đã cho thấy, nhiều khi những điều tốt đẹp nhất đến với mình là những gì hoàn toàn nằm ngoài dự định. Nó đến một cách tình cờ, nhưng lại trở nên điều hợp lý và mang lại cho mình nhiều hạnh phúc nhất. Vì thế mình luôn sẵn sàng để đón nhận điều bất ngờ khi nó xuất hiện trong đời sống của mình.

Ban Dung, ngày 31.1.2008

Đám tang ở Thái Lan

Ông cố cha Miếu qua đời, tối nào cũng có đọc kinh và làm lễ ở nhà không khác gì truyền thống ở Việt Nam. Quang tài được đặt tại nhà, con đường trước nhà bị chiếm để dựng lều, đặt bàn ghế cho khách đến ngồi. Từ Chúa Nhật đến nay, tối nào mình cũng đến để tham dự thánh lễ cùng đông đảo các cha và các seour. Giáo dân đến cũng rất đông. Các chú trong tiểu chủng viện cũng ngồi xe hơn 100 cây số để đến tham dự thánh lễ mỗi tối. Lễ xong thì dọn thức ăn cho khách ăn cũng như ở Việt Nam vậy. Tuy nhiên, trên bàn thì không có những dĩa dưa để cắn như ta thường quen thấy ở quê nhà.

Không khí trong nhà giống như có tiệc vui hơn là có đám tang. Văn hóa Thái Lan, khác với người Việt Nam có lẽ ở chỗ này. Vì không có việc để tang chế nên sự buồn sầu có vẽ không tỏ lộ ra bên ngoài nhiều. Những ngày qua mình chưa thấy ai trong nhà khóc. Mình có hỏi cha Wichai ở Thái Lan đám tang người ta có khóc nhiều không thì ngài bảo cũng không nhiều lắm, đặc biệt khi người chết đã lớn tuổi. Người ta chỉ khóc nhiều trong những trường hợp như tai nạn xảy ra với người còn trẻ.

Trưa mai lúc 1 giờ sẽ có lễ đám tang tại nhà thờ và sau đó là nghi thức chôn cất tại nghĩa trang. Đáng ra Đức Giám Mục sẽ cử hành thánh lễ nhưng tại vì ngài mất giọng từ cả tuần nay nên sẽ không làm được. Cha Pattana sẽ thay thế. Cha Gowit ở nhà thờ chánh tòa là cha xứ của cha Miếu cũng không đến tham dự được vì ở nhà thờ chánh tòa có lễ đám tang cùng giờ. Nhưng chắc chắn thánh lễ sẽ diễn ra rất long trọng vì là lễ đám ta của thân phụ của một vị linh mục.

Tối qua sau lễ mình ngồi trò chuyện với mấy đứa trẻ trong xóm. Tụi nó bảo đây là lễ đám tang lớn nhất trong làng mà nó từng thấy. Tối nào bọn nó cũng đến đọc kinh và được cho ăn, vì ở nhà cũng chẳng có gì để ăn.

Mình ở đây với cha Wichai được hơn 3 ngày rồi. Cha để cho mình tự do thoải mái. Ngoài việc làm lễ sáng, mình không còn trách nhiệm gì nên đem sách lễ ra tập đọc. Buổi sáng mình lấy chiếc xe máy của bà giúp việc trong nhà xứ chạy ra tiệm internet để đọc tin tức về những gì đang xảy ra tại Hà Nội xung quanh việc giáo hội đòi lại đất mà nhà nước tịch thu và sử dụng bất hợp pháp. Mình rất khâm phục tinh thần của người giáo dân cũng như lớp linh mục tu sĩ ở quê nhà. Mình tin rằng với niềm tin vững chắc qua việc cầu nguyện kiên trì của những người giáo dân thì không có mãnh lực sấu xa nào có thể tiêu diệt họ được.

Mấy ngày nay có một tin tức đáng buồn khác là có một nhóm bạn trẻ người Nghệ An, Hà Tỉnh, và Vinh lao động tại Thái Lan, trên đường về Việt Nam ăn Tết với gia đình thì bị đắm thuyền khi qua sông Mekong ở ranh giới Thái - Lào. Trên chiếc thuyền chân vịt có đến 23 người và nhiều đồ đạc mà các bạn trẻ đã mua đem về nhà. Số người đông quá nên chiếc thuyền đã bị chìm trên sông. Mười mấy người bị nước cuốn đi, và nhiều người chưa tìm ra xác.

Những ngày này có rất nhiều bạn trẻ đang về quê ăn Tết. Các bạn ở Thái Lan bất hợp pháp nên việc tìm về nhà cũng phải làm một cách chui chúc như thế. Chính điều này đã tạo nên sự nguy hiểm khi họ đã thuê một chiếc thuyền để vượt ranh giới trong đêm, để rồi mang họa vào thân. Sự cố này làm cho mình cảm thấy rằng mình có một vai trò nào đó đối với các bạn trẻ di dân khi được đưa đến đất nước này để làm việc. Phải chăng đây là một sự kiện giúp cho mình vạch ra một hướng đi cho công việc tương lai? Mình cầu xin Chúa tiếp tục hướng dẫn và soi sáng cho mình hầu biết được sứ vụ của mình ở đất nước Thái này là gì?

Ban Dung, ngày 29.01.2008

Lần đầu làm lễ tiếng Thái

Sáng nay một biến cố lịch sử đã xảy ra trong đời sống truyền giáo của mình, đó là mình đã làm một thánh lễ tiếng Thái từ đầu đến cuối ở một ngôi nhà thờ nhỏ tại Ban Đung. Số giáo dân tham dự lễ trong ngôi nhà thờ quê chỉ vỏn vẹn 20 người, kể cả hai chủng sinh đến giúp đánh đàn và hát trong thánh lễ, và cha Wichai là người đồng tế với mình.

Còn giáo dân tham dự lễ thì có những cụ già, một số người trung niên, vài người trẻ, và năm sáu đứa con nít. Trước lễ bắt đầu, mình cầu xin Chúa giúp sức cho mình làm được thánh lễ cho xuôi chảy, đừng đọc sai và vấp lỗi quá nhiều. Có lẽ Chúa Thánh Thần cũng đã phù trợ mình vì thánh lễ diễn ra khá tốt đẹp. Mình giảng bài giảng tiếng Thái đã soạn mà không nhìn vào giấy. Dĩ nhiên phần này có những chỗ vấp, nhưng không đến nỗi trầm trọng. Còn các phần lễ thì cũng có những lúc thiếu xuôi chảy, phát âm bị lớ, nhưng cuối cùng mình cũng được cái “thumbs up” từ cha Wichai để khuyến khích mình có thêm tinh thần để làm hoàn chỉnh hơn.

Trên đường về, cha Wichai nhận xét:

- Cha làm lễ đọc rõ hơn cha Luis.

Lời nhận xét của ngài làm mình vừa mừng vừa lo. Mừng là vì cha Luis làm việc ở Thái Lan hơn 5 năm rồi, trong khi mình chỉ đến Thái Lan chưa đầy chín tháng. Nhưng lo là vì cha Luis là người Tây trong khi mình là người Việt Nam. Người Tây sẽ không giỏi lắm trong việc học các ngôn ngữ đòi hỏi phải đọc các dấu cao thấp như tiếng Thái. Dù sao đi nữa thì mình đã quen với việc đọc có dấu nên phải phát âm tốt hơn người Tây. Sau phút giây lo lắng, mình cũng tự nhủ. Thực ra mình có khả năng đọc rõ và tốt hơn nếu mình tiếp tục thực tập và chỉnh sửa. Quan trọng là bình tỉnh và từ tốn trong việc đọc và phát âm. Sự mất bình tỉnh chính là nguyên do làm cho mình phát âm lớ đi, khác với khi mình tự đọc một mình trong phòng ngủ.

Con đường đến sự suôn sẻ, trau chuốt vẫn còn dài trước mắt. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Mình đã bước qua cái chướng ngại lớn nhất là “cái lần thứ nhất”. Một khi đã có lần thứ nhất, thì lần thứ hai sẽ không còn là một điều đáng ngại như trước. Và rồi sẽ có lần thứ ba, thứ tư, và lần thứ 100. Đến khi đó, những lo ngại sẽ không còn tồn tại, chỉ còn việc làm sao để mỗi thánh lễ, những bài giảng mà mình soạn là những món ăn tâm linh có giá trị thực sự cho những người đến tham dự thánh lễ. Và đó là điều mà mình không thể lãng quên được, cho dù đã làm lễ mười ngàn lần.

Ban Dung, ngày 27.1.2008

Ngôi nhà thờ bên sông Mekong


Hôm nay mình đi cùng Đức Giám Mục George đến nhà thờ Đức Mẹ Dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh ở làng Huâi Lếp Mừ để mừng lễ quan thầy của giáo xứ (sớm một tuần vì Đức Cha bận việc). Gx. Huây Lếp Mừ do cha Luis, một linh mục truyền giáo người Tây ban nha đảm trách. Điều đầu tiên làm mình ấn tượng khi bước đến giáo xứ này là quang cảnh thật thơ mộng vì nhà thờ được xây bên cạnh dòng sông Mekông. Đứng trên bờ nhìn qua sông thì thấy được đồng quê Lào. Sông Mekông những tháng này khá cạn nên nhìn rất êm đềm và yên lắng, nhìn vào không ngờ đây là một trong những con sông dài nhất thế giới bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy mãi đến miền tây của nước Việt Nam, rồi đổ ra Thái Bình Dương.

Chuyến đi đến Huây Lếp Mừ khoảng hai tiếng rưởi đồng hồ. Mình ngồi phía sau xe với ĐC, còn phía trước là bác tài xế và anh giúp việc của ĐC. Mấy ngày qua ĐC bị ho nhiều, có khi nói không ra tiếng. Thế mà suốt quảng đường mấy trăm cây số, ngài nói chuyện với mình không ngừng. Nào là giới thiệu về những điểm du lịch dọc đường, nào là giới thiệu những nhà thờ của địa phận trong các vùng xe chạy qua, và nhiều chuyện khác liên quan đến công việc và kinh nghiệm của ngài. Mình cũng hơi ngại vì sợ ngài nói chuyện nhiều sẽ mất giọng rồi không cử hành thánh lễ được. Nhưng mình thấy ngài thích nói chuyện nên cũng để cho ngài tự nhiên.

Buổi lễ diễn ra tốt đẹp. Ấn tượng nhất trong thánh lễ là phần dâng lễ vật. Ở địa phận Udon Thani, đến khi dâng lễ thì giáo dân xếp hàng dâng lên những lễ vật mà họ đem từ nhà đến. Trong một thánh lễ bình thường, ta có thể thấy giáo dân dâng lên những thức ăn mà họ đã làm hoặc mua, dâng lên những rỗ trái cây như chuối và cam, những bánh ngọt, sửa, nước trái cây ép,… Ở thành phố đa số những đồ dâng cúng là đồ người giáo dân mua, nhưng ở nhà quê thì thường là những thứ gì người dân trồng và tự làm.

Trong một thánh lễ lớn như mừng thánh quan thầy ở một giáo xứ đông người, phần dâng lễ có thể kéo dài đến 5 bài hát. Gx. Huây Lếp Mừ chỉ là một làng có giáo dân không nhiều nên việc dâng lễ hôm qua chỉ tới hai bài hát. Vì lễ đặc biệt nên nhiều giáo dân đã dâng những “cây tiền”. Người ta lấy những chậu cây, truốt hết lá chỉ để lại những nhành cây khô, hoặc lấy những que tre làm thành một cây, rồi lấy những tờ tiền giấy 20 baht, 50 baht, và 100 baht treo lên những nhành cây đó biến nó thành một “cây tiền”. Có người lấy tiền xếp thành hoa rồi gắn lên nhành cây nhìn rất bắt mắt. Có lần mình bước vào văn phòng của ĐC thấy một cây tiền mà ai đó đã tặng ngài, trên nhành còn có cả “hoa” 500 và 1000 baht.

Sau những giờ đồng hồ trò chuyện với các cha, các seour, cũng như những giáo dân mà mình gặp gỡ ở Huây Lếp Mừ, cha Wichai đã đưa mình về giáo xứ của ngài ở Ban Dung, cách Huây Lếp Mừ hơn 100 cây số. Ở đây ngài chăm sóc một giáo xứ có khoảng hơn 100 giáo dân và hai nhà thờ nhỏ chỉ thêm vài chục giáo dân.

Cha Wichai là một cha người Thái, vóc dáng cao to, da ngăm đen, hút thuốc liên tục. Người nhìn vào không nhận ra dáng thanh lịch, nhưng là một người rất cởi mở, nói năng thẳng thắn, bụng tốt, và rất bình dân. Sau khi gặp cha ở cuộc họp hàng tháng tại Udon Thani vừa qua, ngài đã mời mình đến thăm giáo xứ để thực tập làm lễ tiếng Thái. Ngài bảo, ở nhà thờ nhỏ có ít giáo dân, tập làm ở đó sẽ đỡ run. Mình nhận lời ngài và hẹn sau cuộc họp các linh mục vùng Đông Bắc Thái Lan mình sẽ đến thăm giáo xứ. Và đúng như lời hẹn mình đã theo ngài về giáo xứ chiều hôm qua.

Chiếc xe của cha Wichai vừa chạy vào khu vực Ban Dung thì ngài nhận được cuộc điện thoại từ cha P. báo tin rằng bố của cha Miếu (cha phó ở nhà thờ chánh tòa Udon Thani) vừa mới qua đời trong bệnh viện ở đường cái của giáo xứ Ban Dung. Thế là mình và cha Wichai ghé qua bệnh viện đễ viếng xác. Đến nơi thì thấy gia đình của cha Miếu đang đứng quanh xác của ông cố, trong đó có cha Miếu. Không thấy có tiếng khóc từ những người thân, nhưng mắt của cha Miếu đỏ, mình nghĩ rằng ngài cũng đã khóc khi biết được người cha của mình đã vĩnh biệt ra đi.

Cha Wichai đến sờ vào xác của ông cố một cách rất từ nhiên, xem chân, xem tay, sửa lại chiếc áo ấm trên người cho ngăn nắp, trùm lại chiếc mền như thể cái xác trước mặt chỉ là của một người đang bất tỉnh. Mình thì chưa bao giờ sờ vào một xác chết nào nên chỉ đứng nhìn ở một khoảng cách ngắn.

Viếng xác xong, mình và cha Wichai về giáo xứ, ăn tối, và chuẩn bị cho thánh lễ tối thứ bảy. Một ngày đã kết thúc với rất nhiều sự việc xảy ra. Một ngày rất ý nghĩa, mà mình đã đi được nhiều, gặp gỡ được nhiều người, thấy được nhiều thứ, và có cảm giác như mình đã đi một bước thật xa không chỉ về không gian mà còn về cảm xúc nữa. Đây là những ngày mà những thay đổi liên tục đến với mình, có khi tích cực, cũng có khi tiêu cực. Nhưng tất cả đều là một phần của quá trình thích nghi và hội nhập vào một xã hội, văn hóa, và môi trường mới. Một quá trình phức tạp và vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị cho cuộc sống của môt linh mục truyền giáo trẻ.

Ban Dung, ngày 26.1.2008

Các cha họp mặt

Tuần này hơn 100 vị giám mục và linh mục trong bốn địa phận của vùng đông bắc Thái Lan có cuộc họp hàng năm để học hỏi, trao đổi, và gặp gỡ. Mình cũng đi theo để tham dự và lợi dụng cơ hội để làm quen thêm với các cha trong các địa phận lân cận. Hai ngày đầu dành cho các cuộc hội thảo và nói chuyện theo đề tài liên quan đến Lời Chúa để triển khai chương trình cho “Năm Lời Chúa” của Giáo hội Thái Lan tại vùng đông bắc. Ngày mai, các cha sẽ giải lao bằng việc đi tham quan viện bảo tàng về khủng lông. Sáng thứ sáu sẽ kết thúc buổi họp và mọi người ra về.

Năm nay cuộc họp diễn ra tại khách sạn Kosa ở thành phố Khon Ken, cách Udon Thani hơn 100 cây số. Những ngày qua mình đã có cơ hội để lắng nghe “ngôn ngữ tôn giáo” rất nhiều bởi vì có những cuộc thảo luận, thánh lễ, các buổi cầu nguyện, cũng như những cuộc trao đổi trong và ngoài chương trình họp. Mặc dầu mình không mở sách ra đọc hoặc học thuộc từ vựng, nhưng mình cũng có cảm giác như đã học được thêm rất nhiều từ, và đặc biệt là cách dùng từ. Một điều mình phải tập trung vào trong thời gian tới là việc làm quen với những từ ngữ tôn giáo để sử dụng trong việc giảng lễ, cầu nguyện, cũng như những cuộc chia sẻ với giáo dân.

Thời gian học ở Bangkok, một điều mình ít chú trọng đó là những từ ngữ tôn giáo vì mình không có môi trường cũng như nhu cầu tìm hiểu những từ ấy. Đó là vì ở giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế, môi trường của mình dường như hoàn toàn dùng tiếng Anh. Vì thế, trong khi khả năng dùng từ bình thường trong cuộc sống của mình tiến bổ rất khả quan, thì những từ chuyên môn mà mình cần biết trong vị trí một linh mục thì lại rất ít.

Tại buổi họp, mình được biết trong số các cha có mặt, các cha gốc Việt rất nhiều, ngay cả một vị giám mục cũng là gốc Việt. Nhưng chỉ vài người biết nói tiếng Việt một cách không rành rỏi cho mấy. Loại tiếng Việt mà các ngài sử dụng đến từ Miền Trung Việt Nam cả trăm năm trước. Mà khi gặp một linh mục, người ta không chỉ thưa: “Chào Cha” như người Việt thường nói, nhưng lại là: “Chào Ông Cha.”

Mình hỏi một cha gốc Việt tại sao lại dùng chữ “Ông Cha” thì ngài cho biết, đó là cách xưng hô tôn trọng đối với một vị linh mục. Mình có chia sẽ với ngày rằng, ngày nay không người Việt nào nói với một vị linh mục như thế nữa. Ngoài ra, từ “Ông Cha” có thể làm cho vị linh mục có cảm giác là mình không được tôn trọng. Ngài cũng thấy bất ngờ khi nghe mình chia sẻ như vậy. Chỉ một ví dụ này cũng để cho chúng ta thấy rằng trong ngôn ngữ, ý nghĩa của các từ ngữ có thể thay đổi rất nhiều qua thời gian.

Nhưng từ ngữ tiếng Việt không phải là vấn đề của mình lúc này mà là tiếng Thái. Đêm thứ hai, trong nghi thức khai mạc cuộc họp, tất cả các vị linh mục mới, trong đó có mình, được mời lên trước mọi người để ra mắt và tự giới thiệu về mình. Mình cảm thấy rất ngại khi phải làm việc này, nhưng không thể nào tránh được. Cuối cùng, mình cũng nói được những câu cần phải nói, như tên gì, sinh ra ở đâu, lớn lến ở đâu, thuộc về dòng nào, đến Thái Lan được bao lâu rồi, và hiện nay đang làm gì. Những câu đơn giản như thế này mình đã từng nói nên không phải chuẩn bị gì nhiều. Mà có muốn chuẩn bị cũng không được, vì mình không hề biết là sẽ có cái mục tự giới thiệu ấy. Nói chung là mình đã vượt qua trách nhiệm này vô sự cố.

Chiều qua, lại có giờ chia sẻ theo nhóm nhỏ. Mình được đưa vào nhóm số một, với đề tài: Trong vị trí một linh mục, các cha nghĩ rằng mình nên chia sẻ tin mừng với người tín hữu và người ngoài đạo Công giáo như thế nào?

Mình ngồi im lặng để lắng nghe vì mình nhỏ tuổi, cũng như không tự tin về việc chia sẻ bằng tiếng Thái trước nhiều người. Nhưng lần lượt các cha đều chia sẻ hết. Cuối cùng, cha điều khiển buổi chia sẻ quay sang mình hỏi: - Cha có muốn chia sẻ gì không? Cha có thể chia sẻ bằng tiếng Anh cũng được.

Mình đành trả lời: - Dạ thưa cha, để con cố nói bằng tiếng Thái trước, nếu không được thì sẽ nói bằng tiếng Anh.

Thế là mình cũng nói đại những suy nghĩ mà mình đã soạn trong đầu trong trường hợp mình được yêu cầu bày tỏ suy nghĩ. Nghĩ lại hình như mình cũng nói không ngắn, mà có lẽ không phải do vì có nhiều ý tưởng, mà do mình cũng lập lại vài lần những gì mình muốn nói cho rõ ràng hơn.

Sáng hôm sau, khi đang xếp hàng lấy thức ăn sáng, cha điều khiển nhóm đứng sau mình nói: - Cha khá thật đó. Hôm qua, tôi cứ nghĩ có lẽ cha không chia sẻ được bằng tiếng Thái, mà cha cũng làm được. Cha mới học tám tháng mà đạt được khả năng này là tốt lắm.

Mũi mình vốn không phải nhỏ lắm lại càng to ra khi nghe những lời khen như thế này trong những ngày qua. Khong chỉ lời khen từ các cha, mà còn lời khen từ các giáo dân ở Udon Thani khi họ nghe mình đọc lời nguyện Thánh Thể khi đồng tế với cha sở, cũng như khi đứng lên giới thiệu chính mình, và khi nói chuyện trước nhà thờ. Đúng vậy, mình học nhanh và nói được nhiều mặc dầu thời gian không lâu. Nhưng không ai hiểu hơn mình là con đường đi đến sự thông thạo, nói được suôn sẽ còn dài chừng nào. Vì thế vui thì cũng có vui thật, nhưng trong lòng vẫn nôn nào và luôn tự nhắc mình phải phấn đấu để học cho được những gì mình cần biết để việc làm tiến triển và đạt được kết quả như mình mong muốn.

Khon Ken, ngày 23.1.2008

Một ngày vui

Hôm nay là một ngày mình gặp được nhiều niềm vui. Buổi sáng, mình đi cùng hai seour dòng Vincent de Paul đến một trường học cách nhà thờ chánh tòa khoảng 8 cây số. Ở đây mỗi tháng một lần, các seour dạy tiếng Anh cho các học sinh trong làng. Các em từ tuổi 6 đến 13-14. Mình là “khách mời” của các seour và được các seour cho “đứng lớp”. Mình dạy cho các em hát một bài hát quen thuộc của con nít ở Mỹ rất vui. Bọn trẻ nhà quê rất hồn nhiên và dễ thương. Mình vừa dạy vừa pha trò hề cho bọn trẻ cười và học một cách thoải mái. Cũng may là tiếng Thái của mình không đến nỗi tệ cho nên sinh hoạt rất tốt với các em.

Phần mình xong thì nhường lại cho các seour. Mình ngồi xuống nghĩ giải lao. Một cụ già 70 tuổi tới nắm tay mình nói:

- Cha vui tính và dễ thương quá. Dạy như cha bọn trẻ con thích lắm.

- Ồ, cám ơn ngoại. – Mình đáp. – Vậy ngoại có thích không?

- Ngoại thích chứ. Cha cố gắng tới nhiều nhiều nhé.

- Vâng, lúc nào con rảnh con sẽ tới dạy cho các em và nói chuyện với ngoại.

Mình và các seour rời trường học lúc hơn 11h sáng để về nhà ăn trưa. Hôm nay nhà xứ có nhiều khách, các cha có, giáo dân có. Mọi người về để tham dự lễ mừng sinh nhật 75 của ĐGM George. Chiều đến thì có thánh lễ diễn ra lúc 4 giờ, và sau đó là tiệc mừng ngoài trời và chương trình văn nghệ chúc mừng sinh nhật Đức Cha.

Giáo dân làm thức ăn đem tới rất nhiều, trong đó còn có món giả cầy của giáo dân Việt kiều Thái. Nhưng mình dường như quên ăn vì bận nói chuyện và gặp gỡ người này người khác.

Nhóm đầu tiên mình gặp là một số người Việt Nam đến Thái Lan từ các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ để làm việc. Dường như mọi người bán trong các quán có chủ là Việt kiều Thái. Họ cũng xin làm sao có một thánh lễ bằng tiếng Việt để được tham dự một cách sốt sáng. Mình góp ý là hãy đến nói chuyện với cha John, một linh mục người Mỹ đã từng làm việc tại Việt Nam nên nói tiếng Việt rất thạo. Sau đó cha John sẽ trực tiếp đề nghị với ĐGM cho phép mình làm lễ tiếng Việt một tháng một lần. Các anh chị đồng ý đến gặp cha John. Một lúc sau mình đến bàn cha John để chia sẻ với cha những về đề nghị của mình thì cha John nói là cha hoàn toàn ủng hộ nếu có người đến bàn chuyện với cha.

Nhóm thứ hai mình gặp gỡ là những người Việt kiều Thái. Họ cũng rất vui khi thấy có linh mục người Việt đến làm việc ở địa phương, và nhiều người mời mình đến nhà chơi khi nào có thời giờ. Mình hứa là sẽ đến để gặp gỡ và thăm hỏi những gia đình ở đây.

Một lúc sau một nhóm học sinh nữ ở trường St. Mary đến gặp mình bảo:

- Thưa cha, chúng con đặt tên Thái cho cha rồi.

- Ủa đặt tên gì vậy?

- Chúng con đặt tên cho cha là “Mèo”. (Tiếng Thái mèo cũng phát âm là “Mèo”).

- Trời sao lại đặt tên cho cha là Mèo?

- Vì cha Surin có tên Miếu (một tên cúm cơm Thái khác có nghĩa là mèo) rồi, nên chúng con đặt tên cho cha là Mèo để hai người đi với nhau.

- Vậy các em đã hỏi ý kiến cha Miếu chưa nào?

- Dạ hỏi rồi. Cha đồng ý rồi.

- Vậy thì cha cũng đồng ý với cái tên Mèo. Thực ra cha rất thích cái tên này, vì cha là tuổi Mèo đó.

Nghe vậy, bọn con gài reo lên khoái chí. Thế là từ đây mình còn có cái tên là “Cha Mèo”, được đặt bởi bọn học sinh ở trường St. Mary. Cũng hay đấy, khi còn nhỏ cái tên cúm cơm của mình là Cu Mèo. Còn bây giờ lớn lên thì lại là “Cha Mèo”.

Đùa giởn với bọn trẻ ở trường St. Mary xong, mình lại gặp bọn đệ tử trong tiểu chủng viện. Cuối tiệc, tụi nó có công tác dọn dẹp những đồ trang trí. Mình cũng đến giúp thu xếp và luôn tiện nói chuyện làm quen. Mình là người mới đến nên cứ nghĩ tụi nó không biết mình là ai, nhưng vài lần mình làm lễ đồng tế có tụi nó tham dự nên nó cũng nhận ra.

Còn nhiều người khác nữa mình đã gặp và nói chuyện trong ngày hôm nay. Mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm quen với nhiều người mới ở xứ này. Trong giới linh mục tu sĩ thì thực ra mình còn có vẻ lạc loài vì văn hóa, tuổi tác, và phong cách khá khác nhau. Đó cũng là một điều làm mình đôi khi phải suy nghĩ. Nhưng chắc chắn nó sẽ không phải là điều mình để cho gây ra cản trở với những gì mình muốn đạt được khi đến đây làm việc. Thời gian còn rất dài. Mình sẽ cho bản thân thời gian và cơ hội để thích nghi và dần dần vạch ra cho mình một lối đi tốt đẹp trong đời sống truyền giáo ở Udon Thani.


Udon Thani, ngày 19.1.2008

Buổi tiệc sinh nhật

Tối nay bà Heidi, thư ký của Đức Giám Mục mừng sinh nhật nên bà và chồng là ông Raul mời ĐGM, các cha và một số đồng nghiệp đi ăn ở nhà hàng Ý. Đầu bếp cũng như chủ nhà hàng là một người đàn ông Ý rất vui tính đang sinh sống tại Thái Lan. Bữa ăn có đầy đủ các món nổi tiếng của Ý, mà mình cũng không biết có đến mấy món. Chỉ biết mặc dầu trong bụng thấy no rồi nhưng các món ăn thì vẫn tiếp tục được đưa ra.

Trong bữa ăn ông Raul đứng lên để chia sẻ cảm nghĩ về người vợ của mình. Ông đọc một đoạn sách Kinh Thánh ca ngợi người vợ lý tưởng và sau đó nói lên những tính nết đáng khâm phục của bà Heidi. Mặc dầu hai vợ chồng là người Phi Luật Tân, nhưng vì trong bàn có một số người Thái không rành tiếng Anh, nên ông Raul đã phát biểu bằng tiếng Thái. Hành động của ông Raul thật đáng khen khi một người đàn ông không ngần ngại đứng lên trước nhiều người để có những lời phát biểu cảm tưởng khen ngợi người vợ của mình. Chắc chắn người vợ nào cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi người chồng tỏ ra có thái độ nhận ra những điều tốt nơi mình. Những lời nói như thế không mất tiền mua, không phải hao tốn công sức, nhưng trên thực tế tìm được rất khó.

Đến mục cắt bánh và ăn tráng miệng xong thì cũng đã gần 9 giờ tối. ĐGM đứng lên để cầu nguyện và chúc phúc cho bà Heidi. Bình thường Đức Cha 8 giờ đã chuẩn bị lên giường, nhưng vì đi ăn tiệc nên ngài đành phải thay đổi thời khóa biểu. Cũng chỉ vài ngày nữa là đến sinh nhật 75 của Đức Cha, và chương trình ăn mừng cũng đang được chuẩn bị khá chú đáo. Chắc chắn ngài sẽ có một sinh nhật đáng nhớ để đánh dấu một chặng đường rất quan trọng trong đời sống của ngài.

Udon Thani, ngày 16.1.2008

Ăn với Đức Cha

Có thể nói Đức Giám Mục George Yod Phimphisan, cũng là vị chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, là một nhà thông thái. Ngài có sở trường dịch sách và đã từng dịch nhiều sách vở, tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Thái để phổ biến cho giáo hội địa phương.

Ngài có phong cách rất lịch lãm, và đặc biệt chiếc áo chemise trắng của ngài luôn là kiểu dùng khuy cài gọi là ‘cufflinks’ ở cổ tay.

Ngày đầu tiên đến giáo xứ, cha Gowit nhắc nhở mình:

- Đức cha ăn rất đúng giờ, nên cha cố gắng xuống phòng ăn theo những giờ đã định.

Bửa ăn được chuẩn bị bởi người làm bếp từ trường St. Mary’s, là trường học phổ thông của các seour dòng Salesian, cũng như người phụ bếp trong giáo xứ. Đức Cha không ăn nhiều, nhưng thích ăn nhiều món. Vì thế một bữa ăn có đến bảy tám món khác nhau là điều bình thường.

Vì Đức Cha cũng như các cha khá bận rộn nên mỗi bữa ăn chỉ kéo dài khoảng 20-25 phút. Dĩ nhiên các đề tài nói chuyện trong bàn ăn thường liên quan đến công việc hoặc sự kiện trong Giáo hội, địa phận, giáo xứ, hoặc tin tức thời sự trong nước. Ngài cũng rất cởi mở nói chuyện với mình. Chỉ có điều hiện nay khi ngài nói chuyện với hai cha trong bàn thì dùng tiếng Thái, còn khi nói gì với mình thì chuyển sang tiếng Anh. Mình không biết vì ngài sợ nói tiếng Thái mình không hiểu, hay vì ngài thích nói tiếng Anh với người thông thạo tiếng Anh.

Ngày 19 tháng 1 sắp đến sẽ có tiệc lớn để mừng sinh nhật thứ 75 của ĐGM. Theo luật Giáo hội thì đến tuổi này ĐGM phải nộp đơn từ chức để hưu dưỡng. Việc này cũng sẽ diễn ra với Đức Cha George trong nay mai. Tuy nhiên, thời gian để có một vị GM mới được bổ nhiệm để thay thế ngài là bao lâu thì cũng chưa ai biết rõ. Vì thế, mặc dầu tuổi đã cao, nhưng có lẽ ngài cũng sẽ phải làm việc thêm một thời gian nữa.

Udon Thani, ngày 11.1.2008

Nơi ở cho nhân loại

Trong khuôn viên của nhà thờ chánh tòa có văn phòng của một tổ chức quốc tế có tên là Habitat for Humanity. Đây là một tổ chức xây nhà cửa cho người nghèo khắp nơi trên thế giới, mà thợ xây chính là những tình nguyện viên đến từ các nước khác.

Chi nhánh tại Udon Thani hiện nay đang tiếp tình nguyện viên đến từ Úc, và tuần sau sẽ có một nhóm học sinh trung học đến từ Singapore. Những căn nhà xây lên chỉ là những gì căn bản nhất, nhưng lại chất chứa tình người, đặc biệt là của những tấm lòng trẻ.

Sáng nay mình bước vào văn phòng để hỏi thông tin. Cô nhân viên nhìn mình với ánh mắt hơi ngở ngàng, tỏ ra không hiểu mình muốn hỏi thông tin để làm gì. Mình đành tự giới thiệu:

- Tôi là linh mục mới đến làm việc ở Udon Thani và đang ở trong nhà xứ của nhà thờ chánh tòa. Tôi muốn biết thông tin về chương trình ở đây.

Nghe đến đây, cô bé liền bật cười. Mình hiểu được ý nghĩa của tiếng cười của cô, nhưng mình tỏ ra như không có gì. Đó là tiếng cười của sự bất ngờ vì cô không nghĩ rằng mình là một ông cha. Tiếng cười của cô nói lên điều mà cô làm bếp cũng đã nói với mình sáng nay:

- Hai ngày đầu thấy cha lui tới trong nhà cứ tưởng cậu nào đến giáo xứ chơi. Không nghĩ cha là linh mục mà cha xứ nói là sẽ đến làm việc ở đây.

Sau đó thì cô trưởng phòng đã ra tiếp mình và chia sẻ với mình về chương trình ở đây. Mình bày tỏ lòng mong muốn được tham gia các sinh hoạt của chương trình khi nào có thời giờ. Thế là chị mời mình đến thăm địa điểm xây nhà đang diễn ra ở Nong Khai và nhiều sinh hoạt nữa cần có người phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Thái vì các tình nguyện viên đi xây nhà là người nước ngoài. Mặc dầu ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, nhưng sự quan tâm đến người khác chính là động cơ thúc đẩy họ đến giúp đỡ những người mà họ chưa từng quen biết.

Mình cũng có động cơ để muốn tham gia vào chương trình, đó là có dịp làm quen và giao tiếp với những người đang hoạt động ở đây, cũng là một cơ hội cho mình thực tập vốn tiếng Thái mà mình đang có. Hy vọng với những sinh hoạt này mình sẽ mau chóng thăng tiến trong việc sử dụng tiếng Thái.


Udon Thani, ngày 10.1.2008

Thái độ đón tiếp

Mình đến Udon Thani 4 ngày thì hết 3 ngày là có họp. Việc họp hành là điều chẳng mấy ai thích, nhưng đối với mình 3 ngày qua rất bổ ích vì là dịp để cho mình gặp gỡ và làm quen với các cha đang hoạt động trong địa phận. Số linh mục làm việc ở đây không đông lắm, chỉ hơn 30 người. Vì thế mặc dầu hiện nay việc nhớ tên (đặc biệt tên Thái) còn khá khó khăn, nhưng trong tương lai đây sẽ là những khuôn mặt rất quen thuộc vì cơ hội gặp gỡ nhau xảy ra khá nhiều.

Những gì xa lạ rồi cũng sẽ trở nên quen thuộc và gần gũi. Ví dụ như Cha S. là người đã làm cho mình thất vọng với ấn tượng đầu tiên khi bước vào giáo xứ, ba ngày qua đã trở nên người chở mình đi đây đó, và là người trò chuyện rất vui vẻ với mình.

Những khuôn mặt mới mà mình gặp gỡ 3 ngày qua cũng thế. Có người cởi mở, ân cần ngay từ đầu. Có người tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến sự hiện diện của một người anh em mới. Có người đến chào hỏi xã giao cho có, nhưng không tỏ ra mấy niềm nở. Đây là những thái độ khác nhau mà mình đã chứng kiến. Mặc dầu sâu kín trong lòng, mình ước rằng việc mình gia nhập địa phận sẽ đón nhận được sự tiếp đón, nâng đỡ, và cởi mở từ các bậc đàn anh đi trước, nhưng mình cũng hiểu trên thực tế, không phải ai cũng tính tình như nhau. Sự bộc lộ bên ngoài cũng lệ thuộc vào cá tính của từng người. Vì thế mình không nên quá lệ thuộc vào những cử chỉ bên ngoài để đánh giá và suy đoán những gì các ngài đang suy nghĩ trong lòng. Như thế chỉ tạo nên cho mình sự đa nghi, thiếu tự tin, và bất an.

Giờ đây mình nhận ra rằng, mình hãy tiến bước một cách từ tốn. Đừng bồn chồn, đừng vội vã, đừng đưa ra những nhận xét và quyết định gấp gáp. Hãy để cho mình một cơ hội làm quen dần với đời sống ở đây, cũng như để cho các cha cũng như những người khác ở đây có cơ hội làm quen với mình. Thời gian còn dài. Không việc gì phải hấp tấp, lỡ rách việc.

Udon Thani, ngày 9.1.2008

Tư duy tích cực

Những giờ trống trải cô đơn trong ngày đầu đến Udon Thani cũng đã nhanh chóng trôi qua. Đến tối, hai anh chị Việt kiều Thái là giáo dân trong giáo xứ đến chơi và mời các cha đi ăn tối. Mình cũng đi theo, mặc dầu không ăn gì vì bụng vẫn còn chưa khỏe.

Anh W. biết mình là người Việt nên rất thích nói tiếng Việt với mình, còn em gái của anh thì không được học tiếng Việt nên nói không được. Buổi ăn tối ngoài quán ăn đã tạo nên cơ hội cho mình và các cha được nói chuyện nhiều hơn.

Sáng nay mình và cha S. qua nhà nguyện của dòng Capuchin để làm lễ cho các seour dòng kín và các giáo dân đến tham dự lễ. Mình xin cha S. cho mình đọc một phần của lời nguyện Thánh Thể. Mặc dầu có phần run vì sợ đọc không chuẩn, nhưng kết quả cũng khá tốt.

Sau lễ nhiều người giáo dân đến chào mình và ở lại trò chuyện khá lâu, đặc biệt là những người giáo dân gốc Việt, là một thành phần khá lớn trong giáo xứ Udon Thani. Ai cũng tỏ ra rất niềm nở và phấn khởi khi có sự hiện diện của một linh mục người Việt trong giáo xứ, mà đó là người Việt tương đối “chính gốc” vì có khả năng nói tiếng Việt thông thạo, khác với những cha Việt kiều Thái ở đây. Mình cũng cảm thấy phấn khởi và tự tin hơn khi nhiều người đã khen mình phát âm tiếng Thái rõ ràng, và tỏ ra bất ngờ khi nghe nói mình mới chỉ học được 8 tháng.

Ăn sáng xong, mình đi theo hai cha và 3 giáo lý viên đến giáo xứ Bandung cách nhà thờ chánh tòa khoảng 80km để tham dự một cuộc họp giữa các linh mục trong vùng và các giáo lý viên. Đây là một cơ hội để cho mình được làm quen và xây dựng mối quan hệ với các vị linh mục đang hoạt động trong địa phận, và đặc biệt trong tiểu vùng Udon Thani.

Ngày mai sẽ có cuộc họp hàng tháng có sự tham dự của tất cả các linh mục trong địa phận. Dĩ nhiên là mình cũng sẽ đi tham dự, mặc dầu công việc chính yếu của mình trong cuộc họp này chỉ là lắng nghe và cố gắng tiếp thu được những gì các ngài phát biểu càng nhiều càng tốt. Và thêm một lần nữa mình sẽ có dịp gặp gỡ những đồng nghiệp mà mình đã làm quen cũng như chưa biết.

Về đến nhà khi đã 2h30 chiều, mình và cha S. cảm thấy đói bụng vì giờ trưa không có ăn gì nhiều ở điểm họp. Cha S. rủ mình đi ăn quấy tiếu ở một quán gần nhà thờ chánh tòa. Mình đồng ý liền vì đây là một dịp tốt để mình gần gũi hơn với người linh mục trẻ đã tạo cho mình cái ấn tượng lạnh nhạt khi gặp lần đầu tiên chiều hôm qua. Trên thực tế, từ tối qua mình đã chứng kiến cha S. cũng là một vị linh mục trẻ (chịu chức cùng thời gian với mình năm 2006), và ăn nói khá vui vẻ, hài hước khi tiếp xúc với những người quen thuộc. Chính vì thế mà mình hy vọng rằng sự lạnh nhạt ban đầu chỉ là thái độ của ngài khi chưa có cơ hội để gần gũi với đối phương.

Chắc chắn không có gì cứ đứng lại một chỗ mãi. Tất cả cũng do nỗ lực của bản thân trong việc xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Mình vốn là người khá chủ động nên chắc chắn mình sẽ tự tìm đến và tạo nên những gì làm cho cuộc sống của mình thú vị và có ý nghĩa, bất cứ môi trường nào mình đến. Chính sự cởi mở, lắng nghe, cũng như sự kiên nhẫn sẽ giúp mang lại cho mình những gì mình ao ước có được trong cuộc sống. 24 giờ đồng hồ trôi qua, cái nhìn của mình đối với hoàn cảnh hiện tại đã thay đổi phần nào. Giờ đây mình sẽ bắt đầu nhìn tới những cơ hội đang chờ trước mắt.

Udon Thani, ngày 7.1.2008

Cảm giác trống trãi

Máy bay đáp xuống phi trường lúc 1h chiều. Thầy Ron và thầy Damien đã chờ sẵn ở bên ngoài để đón và đưa mình đến nhà thờ chánh tòa của giáo phận Udon Thani. Đến nơi thì ĐGM George cũng vừa bước ra khỏi nhà để ra sân bay đi Bangkok. Nhưng trước khi đi Ngài cũng đưa mình vào phòng và giới thiệu một ít về những gì cần thiết trong nhà để dùng. Cha G. là chánh xứ cũng có ở nhà thờ nhưng không thấy mặt, có lẽ ngài đang bận công việc gì đó. Ít phút sau ĐGM George lên xe ra sân bay còn lại mình và hai thầy đứng nói chuyện ở phòng tiếp khách dưới tầng trệt. Từ trong phòng vệ sinh, một người đàn ông tuổi ngoài 30 (có lẽ cha phó chăng?) bước ra rồi nhanh chóng bước vào một căn phòng kế bên. Mình chỉ kịp nhìn lui để quan sát việc này. Người đàn ông đó không tỏ ra khác thường khi thấy hai người đàn ông Tây và một người đàn ông Á Châu đang đứng nói chuyện ngay trong phòng khách của nhà xứ.

Mình lên phòng để lấy một ít đồ dùng từ vali bỏ ra bên ngoài. Buổi trưa trời nóng, trong bụng hơi đói vì chưa ăn trưa, mình nằm trên giường và ngủ thiếp một lúc. Mình thức dậy, trong nhà xứ vẫn im ắng, không thấy có người ra vào. Mình xuống lầu, bước ra bên ngoài, đi quanh khuôn viên nhà thờ, rồi bước vào bên trong. Mình quỳ xuống ở một dãy ghế ở giữa nhà thờ. Nhà thờ chiều Chúa Nhật im lặng như tờ. Trong lòng thấy trống trãi. Trống trãi như ngôi nhà thờ chứa đầy đồ trang hoàng Noel sặc sở mà chẳng có một bóng hình con người. Chúa Giêsu một mình giang tay trên thập giá. Mình nhìn Ngài và cảm thông cho tâm trạng của Chúa khi ở một mình trong nhà thờ ngày này qua ngày khác. Mấy giờ đồng hồ, mình chờ ai đó đến chào, đến hỏi thăm, đến nói: “Cha đến rồi à!”

Mình ngước lên nhìn Chúa cầu nguyện: “Con tin rằng đây là thánh ý của Ngài. Con sẽ để cho Ngài quyết định công việc và đời sống của con.”

Mình trở về phòng, lấy thêm một ít đồ nữa bỏ ra bên ngoài. Mình lấy cuốn sách làm lễ bằng tiếng Thái ra để xem lại. Mấy tháng qua mình chuẩn bị thi nên bỏ bê việc học làm lễ tiếng Thái, giờ nay phải xem lại từ đầu.

Có tiếng gõ ở cửa. Mình mở ra thấy cha G. đến chào. Ngài bảo mới đi họp về. Phòng ngủ của ngài sát bên cạnh mình. Hai người chào hỏi một vài câu xã giao, rồi ngài vào phòng. Mình đi xuống lầu kiếm nước uống. Lúc ấy người đàn ông mà mình thấy lúc trước cũng bước từ căn phòng kia ra. Hai người gặp mặt nhau. Người đàn ông đó chào mình. Mình chào lại. Mình hỏi: “Có phải cha S. không à?” “Đúng rồi”. Trả lời xong, cha S. trở về phòng.

Mình cũng trở về phòng, ngồi xuống bàn để ghi vào trang nhật ký cái tâm trạng của mình trong những giờ đồng hồ đầu tiên đến nơi làm việc.

Udon Thani, ngày 6.1.2008

Tạm biệt Bangkok


Thế là cuộc phiêu lưu của mình tại Bangkok cũng chấm dứt bắt đầu từ ngày mai. Trưa mai mình sẽ bước lên máy bay dọn lên tỉnh Udon Thani để ở và làm việc. Những ngày qua mình loay hoay thu dọn áo quần, đồ đạc để gởi đi trước. Có năm hộp giấy và một vali – đó là tất cả những thứ đồ mà mình đã mang qua Thái Lan từ Mỹ, Úc, cũng như những gì mình đã gom góp trong thời gian ở Bangkok. Mặc dầu không phải là ‘gia tài’ theo ý nghĩa thông thường, nhưng trong những hộp đó cũng có những thứ rất quý giá đối với mình. Đó là những quyển album chứa những bức hình mà mình đã chụp trong thời gian qua, những cuốn nhật ký mà mình đã viết từ nhiều năm nay bằng những câu văn tiếng Việt vô cùng khập khiểng và giản dị. Mình bắt đầu viết nhật ký từ năm học lớp 9, và có thể nói đây là những cái mình yêu quý nhất trong những thứ đồ của mình. Ngoài ra trong vali còn có áo quần, những chiếc áo lễ, và rất nhiều thứ linh tinh mà đáng ra mình phải chia tay với chúng để cho sách gói nhẹ nhàng hơn, nhưng mình chưa làm được vì cái suy nghĩ “biết đâu sau này sẽ cần”.

Ngày mai đi rồi, nhưng hôm nay lại thấy không khỏe. Mình mới trở về từ bệnh viện. Không có gì nghiêm trọng, chỉ thấy trong người ngây ngây. Ăn vào không tiêu, bụng như cứng lến, và trưa nay thấy có triệu chứng tiêu chảy. Mình đoán có lẻ đây là hậu quả của những ngày ăn linh tinh đây đó trong những ngày mừng lễ Noel và Tết Tây làm cho hệ thống tiêu hóa bị rối loạn.

Nếu ngày mai chưa phải rời Bangkok thì có lẽ mình sẽ chờ thêm một lúc nữa trước khi quyết định đi bệnh viện khám. Nhưng thời gian không còn nhiều; hơn nữa mình không muốn đến chỗ ở mới mà chưa kịp chào Đức Giám Mục thì phải chạy đi tìm nhà vệ sinh.

Mặc dầu trong người có phần không khỏe, nhưng mình cũng đang nôn nao để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống của mình. Chỉ tiếc là khi mình đã trở nên thân với một số người ở đây, đặc biệt là những bạn trẻ Việt Nam di dân tại Bangkok, thì mình phải nói lời chia tay. Đêm giao thừa, ngồi “nhậu” ở một nhà có khoảng 7 bạn Việt Nam làm việc nghề may, Nhiên quay sang nói với mình: “Tụi con nói chuyện với nhau. Cha đi tụi con thấy buồn vì không được gặp cha nữa.”

Mình cảm thấy ấm lòng khi trong một thời gian ngắn ở đây, mình đã gây được thiện cảm với các bạn trẻ để việc tạm biệt của mình cũng tạo nên một chút luyến tiếc. Nhưng mình đã chọn con đường truyền giáo thì mình cũng đã cảm nghiệm được rằng, đây là một lựa chọn mang đến cho mình rất nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cũng vô số sự chia tay. Và đó là điều mà mình phải chấp nhận như một phần thiết yếu của cuộc sống rao giảng Tin Mừng. Vì thế mình rời khỏi Bangkok, sự nuối tiếc cũng có, nhưng lòng phấn khởi cũng rất cao.

Bangkok, ngày 5.1.2008