Nhật kỳ từ Hà Lan (4)



Hôm qua sau khi đi thăm nhà gia đình của Đấng sáng lập dòng xong, mình và cha Thắng ghé qua một giáo xứ do các cha Ngôi Lời quản nhiệm cách đó 5 phút lái xe. Ở đó có một cha Việt Nam tên Tuấn đang phục vụ. Ngồi nói chuyện một lúc, cha Tuấn gợi ý ra phố ăn trưa. Thế là ba anh em trở lại khu phố có căn nhà của gia đình cha thánh vì ở đó là trung tâm của thị xã. Cha Thắng nói cách nhà cha thánh vài căn có một nhà hàng Việt Nam. Khi ba anh em tới nơi khoảng 12g30 thì thấy bên trong có hai người đàn ông đang ăn cơm. Một trong hai người là chủ nhà hàng tên Long, quê ở Hải Dương. Thấy có khách vào nên hai người ngừng ăn để phục vụ khách.

Vì hôm qua thời tiết ấm áp, có nắng nên mình và hai cha quyết định ngồi ở bàn đặt phía trước nhà hàng thay vì ngồi bên trong. Ở châu Âu người ta thường xuyên ngồi bên ngoài để thưởng thức bầu khí thông thoáng. Sau khi xem thực đơn, cha Tuấn kêu món phở bò. Mình kêu món phở gà. Còn cha Thắng chọn món bún vịt.
 
Anh Long, chủ nhà hàng nhìn còn trẻ, có lẽ chưa tới 40 tuổi. Anh nói chuyện và phục vụ rất niềm nở. Khi mang các món ăn ra, mình đoán ngay anh cho phần nhiều hơn bình thường vì trong tô phở của mình có rất nhiều thịt gà. Còn dĩa bún vịt của cha Thắng thì có rất nhiều thịt vịt. Sau đó hỏi anh Long có phải anh ‘khuyến mãi’ thêm không thì anh mới nói là thường khách tây thì sẽ cho phần ít hơn. Nhưng vì khách Việt Nam nên anh lấy phần lớn hơn.
 
Sau khi đưa các món ăn tới bàn thì anh Long loay hoay tìm rau ăn phở để dọn cho khách. Vì thời gian này mùa lạnh nên các rau quế cũng không dễ kiếm. Anh chạy lên tầng hai nơi anh và vợ con ở để tìm rau quế, nhưng không có. Anh bảo trời lạnh nên cây rau cũng đã héo rồi. Chỉ còn rau giá. Mình nói với anh có rau và hành là đủ rồi. Nhưng anh cũng chạy vào bếp kiếm thêm được một ít lá kinh giới để cho tô phở thêm mùi thơm. Ngoài việc múc phần ăn nhiều hơn bình thường, anh Long còn mời thêm bia và coca.
 
Chuyện ăn trưa tại quán Việt Nam gần nhà của gia đình cha thánh trở nên một kỷ niệm vui và đáng nhớ trong chuyến đi hôm qua. Trên đường về, cha Thắng hỏi mình ăn phở có ngon không. Mình trả lời là ngon. Mặc dù xét về tiêu chuẩn của những tô phở thuần tuý Việt Nam, thì tô phở mình ăn hôm qua sẽ có nhiều thứ còn thiếu. Điều này dễ hiểu vì nhà hàng nhắm vào đối tượng thực khách là người tây. Bên cạnh đó, nhà hàng nằm ở một khu vực rất xa người Việt nên các gia vị cần thiết cũng không dễ có. Tuy nhiên, những gì thiếu trong nguyên liệu của bát phở thì đã được bù đắp bởi sự nhiệt thành, vui vẻ, hiếu khách của anh chủ nhà hàng. Ăn tô phở chất chứa tình cảm của người đồng hương khiến cho nó trở nên một tô phở ngon và đặc biệt.

Steyl, Hà Lan, ngày 27.10.2022


Nhật kỳ từ Hà Lan (3)


Phía sau nhà dòng có một dòng sông rất yên bình. Vì không có cầu bắc ngang nên người dân qua sông bằng phà. Chiều nay mình ra ngắm nhìn con sông, ngắm nhìn dòng nước nhẹ trôi cũng như hoạt động của chiếc phà. Vì là một làng nhỏ nên chỉ có lác đác vài chiếc xe ô-tô hoặc người đi xe đạp lên phà qua sông. Hà Lan chuẩn bị vào mùa đông nên người đi lại tập thể dục ban chiều cũng ít hơn. Người Hà Lan khá thân thiện. Mỗi khi đi ngang qua thấy mình nhìn họ là họ cất lời chào.
 
Những ngày lưu lại đây, sau khi mình đã có những giờ viếng mộ của Cha Thánh Arnold Janssen, Đấng sáng lập của dòng mà mình là thành viên hơn 20 năm qua, cũng như hôm nay có cơ hội đến thăm quê hương của ngài tại thị xã Goch ở Đức, mình càng cảm nhận được những điều mà mình từng nghe nói về ngài. Theo các diễn tả về cha thánh thì ngài là một con người khá bình thường. Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân. Ngài đi tu trong một giáo phận của Đức. Sau khi chịu chức, ngài dạy học môn toán và khoa học cho các học sinh cấp phổ thông. Trông ngài không có gì là đặc sắc hay tỏ ra là một danh tài. Mọi thứ xem rất “trung bình” khi nhìn vào chân dung, gia cảnh và trình độ của ngài. Không có gì thực sự báo trước là ngài sẽ trở thành đấng sáng lập của ba hội dòng - một dòng nam, hai dòng nữ.
 
Mặc dù cha thánh Janssen là đấng sáng lập của một trong những hội dòng lớn nhất trong Giáo hội ngày nay, ngài cũng không mấy được nhiều người biết tới. Ngài không có một vị thế vĩ đại trong Giáo hội như các Đấng sáng lập khác, ví dụ Thánh Phan-xi-cô, Đaminh, hay Don Bosco. Địa điểm mà ngài chọn để thành lập nhà cộng đoàn đầu tiên tại Hà Lan, đó là làng Steyl gần biên giới Đức cũng là một nơi rất đổi bình dị. Ngoài dòng sông chạy ngang qua nhà dòng thì cảnh vật xung quanh không có gì gọi là hùng vĩ. Dĩ nhiên, mọi thứ rất đẹp – nhưng đó chỉ là vẽ đẹp rất trầm lắng, không có gì nổi trội.
 
Chính vì cái tính chất “trung bình” và bình dị nơi con người của cha thánh cũng như nơi ngài chọn để mở nhà cộng đoàn đầu tiên (là một quán rượu mua lại của người dân) khiến cho những gì mà Dòng Ngôi Lời đã làm được trong gần 150 năm qua làm cho mình càng thấy khâm phục ngài hơn. Những gì người ta nhìn thấy và đánh giá bên ngoài không thể phản ảnh được tất cả những tố chất ẩn sâu trong con người của ngài, những suy tư trong thâm tâm của ngài, cả những hoài bảo mà ngài ôm ấp cho Giáo hội, và viễn tượng về những đóng góp mà những người con của ngài trong ba hội dòng sẽ đóng góp cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội trên toàn thế giới.
 
Gốc là một linh mục triều, nhưng ngài lại trở thành đấng sáng lập của các hội dòng truyền giáo. Vốn là một người Đức, nhưng ngài lại đặt cộng đoàn đầu tiên tại Hà Lan và tuyển vị truyền giáo đầu tiên của hội dòng là người Ý. Tuy bản thân ngài không trực tiếp đi truyền giáo, nhưng ngài lại là nguyên do và nguồn cảm hứng khiến cho hàng nghìn người qua nhiều thế hệ đi rao giảng Tin Mừng khắp năm châu bốn bể.
Thời còn học trung học, cô giáo dạy văn của mình từng nói về mình như thế này: Ai nhìn vào em thì thoạt đầu thấy như một đường gạch đơn giản trên trang giấy. Nhưng khi nhìn kỹ hơn thì người ta mới phát hiện ra trong đó có nhiều chi tiết phức tạp và tinh vi. Mình rất thích lời nhận xét của cô giáo dạy văn nói về mình. Một cách nào đó cho đến bây giờ mình vẫn chủ trương sống theo hình ảnh vừa “đơn giản” vừa “phức tạp” mà cô giáo đã gán cho mình.

Khi mình suy niệm về cha Thánh Arnold Janssen, chợt nhiên mình lại nghĩ tới hình ảnh gạch ngang trên giấy mà cô giáo đã từng nói với mình nhiều năm trước. Một cách nào đó, ngài cũng như một gạch ngang trên trang giấy, không có gì nổi trội, không có gì khiến cho nhiều người phải chú ý. Muốn tìm sự sâu sắc, tinh vi và phức tạp nơi ngài, người nhận xét cũng phải kỹ lưỡng, phải tận tâm tìm hiểu, cảm nhận và thấu hiểu. Như thế người ta mới nhận ra những điều vô cùng thú vị và đặc biệt nơi con người của ngài.
 
Những ngày ở đây, có thời gian viếng mộ Đấng sáng lập, tới nơi ngài sinh ra và lớn lên, tới nơi ngài được rửa tội, sống trong căn nhà mà ngài đã xây dựng lên trong giai đoạn đầu của hội dòng, ngắm nhìn dòng sông và cảnh vật mà ngài cũng đã từng ngắm nhìn, mình cảm thấy gần gũi với ngài hơn, kính phục ngài hơn, và yêu mến hội dòng mà ngài đã thành lập hơn. Mình tin rằng khi ai đó thành lập lên một công trình nào đó thì niềm hạnh phúc lớn nhất là có những người tiếp nối sứ vụ đã được khởi xướng. Những gì ngài đã làm được không hề dễ dàng, đặc biệt với một người xuất phát từ một vị trí không có gì thuận lợi. Đấng sáng lập làm được vì ngài tin vào hồng ân của Chúa, vào hiệu quả của việc lao động cần cù của cá nhân cũng như sự chung tay của cộng đoàn. Kính phục ngài nên mình cảm thấy yêu mến những thành viên trong hội dòng nhiều hơn, vì một cách nào đó mọi người đang tiếp nối sứ mạng của ngài qua sứ vụ của mình. Trong Chúa, qua đấng sáng lập, mọi người là anh em với nhau cùng chung một sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người giữa dòng đời.
 
Những ngày này mình cảm thấy được củng cố hơn trong ơn gọi và hạnh phúc hơn là thành viên trong đại gia đình của cha thánh Arnold Janssen.

Steyl, Hà Lan, ngày 25.10.2022


Nhật ký từ Hà Lan (2)


Chiều Chúa Nhật (hôm qua) tại nhà Dòng Ngôi Lời ở Steyl, Hà Lan, cha Lê Thắng, SVD đã tổ chức Thánh lễ đặc biệt mừng Khánh Nhật Truyền Giáo. Cũng như ở San Augustin hôm trước, Thánh lễ quy tụ các giáo dân Việt Nam đến từ nhiều nơi. Số người tham dự ở đây chỉ khoảng hơn 100 người, tuy nhiên đông hơn số lượng dự tính là 70-80 người. Sau Thánh Lễ cũng có liên hoan và văn nghệ cây nhà lá vườn với ban nhạc sống thật vui nhộn. Chương trình bắt đầu với Thánh lễ diễn ra lúc 2 giờ chiều và kết thúc 8g tối, sớm hơn chương trình ở San Augustin để cho các giáo dân có thời giờ về nhà nghỉ ngơi chuẩn bị cho một tuần làm việc mới.
 
Thánh lễ diễn ra tại nhà nguyện nhỏ của dòng. Mình được cha Thắng giao trách nhiệm giảng lễ, trách nhiệm mà mình chỉ mới biết khi gặp nhau ở Saint Augustin chiều hôm trước. Tối thứ bảy trên đường tới Steyl, cha Thắng nói với mình là chỉ cần chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo tại Thái Lan là được, không cần nói lý thuyết.

Tuân theo lời gợi ý của cha Thắng nên mình cũng chia sẻ kinh nghiệm tại Thái Lan. Trong bài giảng mình chia sẻ về đóng góp của người Công giáo Việt Nam cho Giáo hội tại Thái Lan hơn 350 năm qua. Mình cũng liên kết sự việc này trong bối cảnh của sự di cư của nhiều làn sóng người Việt trên khắp thế giới suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Vì thế sự hiện diện của người Việt tại các nước Á châu, Úc châu, Hoa Kỳ hay Âu châu đều là một phần của câu chuyện to lớn hơn về sự ra đi của người Việt Nam nói chung, cách riêng người Công giáo Việt Nam đến các quốc gia khác. Trong môi trường mới, họ vẫn tiếp tục đóng góp cho Giáo hội địa phương, qua đó góp phần vào sứ vụ truyền giáo của Giáo hội trên toàn thế giới. Khánh Nhật Truyền Giáo nhắc nhở mọi người, cách riêng người Việt xa quê về trọng trách thực thi trách nhiệm môn đệ của Đức Ki-tô trong mọi hoàn cảnh sống và ở mọi nơi mà mình hiện diện. Như vậy họ tiếp tục điều mà bao nhiêu thế hệ tín hữu Việt Nam đã làm khi lên đường rời xa quê hương – đó là tiếp tục nhiệt thành sống đức tin và làm chứng tá cho Chúa một cách sống động giữa những người bản xứ trên đất khách quê người.
 
Trong vai trò là một nhà truyền giáo gốc Việt tại Thái Lan, mình cũng đã cố gắng thể hiện sự dấn thân và nhiệt huyết đối với người Thái nhằm chia sẻ tình yêu của Chúa đến với người dân, để qua đó, những ranh giới về sắc tộc, giới tính, hay địa vị xã hội…phần nào được lưu mờ đi, và thế vào đó là một sự nhận thức về một đại gia đình nhân loại được đặt dưới sự quan phòng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Các sinh hoạt của ngày Khánh Nhật Truyền Giáo tuy đã kết thúc, nhưng dư âm của những Thánh lễ sốt sắng với các nữ tu dòng chiêm niệm, với giáo dân Việt Nam tại Đức và Hà Lan, và những cuộc gặp gỡ trò chuyện thân tình với họ sẽ còn tồn tại trong ký ức của mình rất lâu sau này khi nhớ lại chuyến đi tới Đức và Hà Lan lần này.

Steyl, Hà Lan, ngày 24.10.2022

Nhật ký từ Hà Lan (1)


 Tối hôm qua sau khi tham dự chương trình mừng Khánh Nhật Truyền Giáo tại nhà dòng Ngôi Lời ở Saint Augustin xong thì cha Lê Thắng, SVD đã chở mình qua thị trấn Steyl, Hà Lan gần biên giới Đức. Nhà mẹ của Dòng Ngôi Lời trên toàn thế giới toả lạc tại thị trấn yên tỉnh và nhỏ bé này với kích thước chưa tới 2 km2. Ở đây cha thánh Arnold Janssen (người Đức) đã thành lập cộng đoàn Ngôi Lời đầu tiên vào năm 1875, và sau đó thành lập thêm hai dòng nữ - một dòng hoạt động và một dòng chiêm niệm. Khi cha Thánh Janssen quyết định thành lập hai dòng hoạt động thì ngài cũng không quên sáng lập thêm dòng chiêm niệm để làm “hậu phương” cầu nguyện liên lỉ cho các nhà truyền giáo đang dấn thân trong sứ mạng. Các seour dòng chiêm niệm trong cộng đoàn ở đây có khoảng 20 thành viên, trong đó có một số soeur đã ở tuổi về hưu. Các seour trẻ hơn chủ yếu đến từ Philippines và Indonesia. Đấng sáng lập đã chọn cho các seour một tu phục thật dễ thương với hai màu hồng và trắng.

Cha Thắng đã phục vụ tại Đức/Hà Lan 20 năm và hiện đang ở trong cộng đoàn của nhà mẹ ở Steyl. Khi mình và cha Thắng đến nơi thì cũng đã 11g tối. Sáng nay, cha Thắng đưa mình đi qua dòng các seour chiêm niệm để dâng Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Ngài dâng lễ bằng tiếng Đức, còn mình chia sẻ Lời Chúa bằng tiếng Anh. Ở Đức và Hà Lan tiếng Anh khá phổ biến nên việc sử dụng hai ngôn ngữ trong Thánh lễ không gây khó khăn gì. Vì hôm nay là Khánh Nhật Truyền Giáo nên trong bài chia sẻ, mình đã nối kết giữa nội dung trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho ngày Thế giới truyền giáo 2022 với kinh nghiệm cá nhân của mình, đặc biệt trong những ngày đầu truyền giáo tại vùng đông bắc Thái Lan. Mình cũng khẳng định rằng, ngày Thế giới truyền giáo nhắc nhở về sứ mạng loan báo Tin Mừng của tất cả các tín hữu Công giáo bất kể chức vị hoặc hoàn cảnh sống. Vì thế, cho dù là các linh mục tu sĩ đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo, hay là các nữ tu chiêm niệm, hay là các giáo dân thì tất cả đều có thể đóng vai trò trong sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.
Việc đến với ngôi nhà “tổ” của Dòng Ngôi Lời đúng vào ngày Khánh Nhật Truyền Giáo là một hồng ân lớn cho mình. Là thành viên của một hội dòng truyền giáo và đã hoạt động truyền giáo tại Thái Lan gần 16 năm qua, tới nơi mà Đấng Sáng Lập đã khởi sự một công trình to lớn và ý nghĩa là sai các nhà truyền giáo đi “tận cùng trái đất” để loan báo Tin Mừng là một cơ hội đặc biệt. Ở đây mình có thể tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Dòng Ngôi Lời không chỉ qua các tài liệu mà còn qua những gì mình chứng kiến tại nơi này cũng như qua những câu chuyện mà các nhà truyền giáo kỳ cựu trong cộng đoàn kể lại cho mình nghe. Mình sẽ tận dụng những ngày tới lưu lại đây để học hỏi và suy tư về ơn gọi của mình là một nhà truyền giáo Ngôi Lời. Mình tin rằng, trải nghiệm này sẽ giúp nung nấu và củng cố căn tính và ơn gọi Ngôi Lời trong thâm tâm mình, giúp mình sống trọn vẹn hơn với ơn gọi và sứ mạng của một nhà truyền giáo theo chân thánh Janssen.
Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, nhìn ra có thể thấy tháp chuông của nhà nguyện Thánh Micae của nhà mẹ. Từ nhà nguyện này nhiều nhà truyền giáo đầu tiên của hội dòng đã được sai đi để loan báo Tin Mừng trên khắp năm châu. Về với nguồn cội tinh thần này, mình không chỉ ao ước thấu hiểu hơn về căn tính của một nhà truyền giáo Ngôi Lời mà sâu xa hơn nữa là tính chất của một môn đệ Đức Ki-tô với sứ mạng làm chứng tá cho Ngài giữa dòng đời hôm nay. Lời thúc bách của Chúa Giê-su rằng phải loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo cho đến tận cùng trái đất trong bối cảnh hiện tại không chỉ ám chỉ địa lý, mà còn nơi những hoàn cảnh sống cũng như ở không gian kỹ thuật số -- một không gian vô tận rất cần sự hiện diện của những giá trị Tin Mừng để cải thiện những điều tiêu cực, nguy hại, và gây chia rẻ trong gia đình nhân loại. Vì thế, sứ vụ truyền giáo không hề kết thúc hay giảm đi mà tiếp tục là một trách nhiệm to lớn đối với Giáo hội và các thành viên của Hội Thánh trong thời đại hôm nay.
Steyl, Hà Lan, Khánh Nhật Truyền Giáo, 23.10.2022

Nhật ký từ Đức (3)


Chiều thứ bảy các cha Ngôi Lời VN tại Saint Augustin đã tổ chức Thánh lễ long trọng mừng Khánh Nhật Truyền Giáo Thế Giới. Sau Thánh lễ có liên hoan văn nghệ gây quỹ. Toàn bộ tiền gây được sẽ gửi về giúp làm từ thiện cho một trung tâm chăm sóc người bị phong cùi tại vùng Tây nguyên, Việt Nam.

Được biết mỗi năm đều có sự kiện này được tổ chức ngay tại nhà nguyện của dòng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên trở lại sau những năm đại dịch. Một điều đặc biệt là những người tới tham dự dường như đến cùng với gia đình để gặp gỡ bà con đồng hương. Vì thị trấn St Augustin có rất it người Việt Nam nên hầu hết đến từ các vùng khác. Có người lái xe hai, ba trăm cây số từ các vùng khác ở Đức, hay Hoà Lan, Đan Mạch để tham dự ngày lễ và cũng như một dịp hội ngộ đồng hương.

Mình thấy rõ cái hình ảnh tay bắt mặt mừng của những người đến tham dự. Sau lễ họ lưu lại rất lâu để thưởng thức những món ăn thuần tuý Việt Nam - dĩ nhiên kèm với bia Đức. Mình nhìn xung quanh hội trường hầu hết ngồi xem văn nghệ, trò chuyện với nhau, rất ít người ngồi lướt điện thoại như thường thấy hiện nay ở những buổi tiệc hoặc trong nhà hàng. Ngay cả các bạn trẻ và thiếu nhi cũng hoà đồng tụ tập lại thành nhóm nhỏ nhóm lớn để giao lưu với nhau. Trên nét mặt không tỏ ra chán chường, hoặc ngồi chơi điện thoại chờ cho ba mẹ xong việc để đi về.

Các cha SVD cho hay ở Âu châu, người Việt kiều chủ yếu ở rải rác mỗi nơi một ít nên không có những cộng đoàn lớn. Vì thế việc phải lái xe vài trăm cây số để họp mặt gia đình đồng hương cũng bình thường. Nhân dịp ngày Thế giới truyền giáo, các cha đã tổ chức một ngày gặp gỡ đúng nghĩa tại nhà chính của dòng SVD ở Đức, nơi đã đào tạo hàng nghìn nhà truyền giáo cho Giáo hội trong suốt lịch sử của Hội dòng.

Saint Augustin, Đức, ngày 23.10.2022

Nhật ký từ Đức (2)


Nhà giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời tại Đức nằm ở một thị trấn có tên là San Augustin, và đó cũng là tên đặt cho toàn bộ cơ sở của hội dòng tại đây. Toà nhà của dòng cũng được xem như là biểu tượng của thị trấn này. San Augustin cách thành phố Cologne, thành phố lớn thứ 4 của Đức chỉ khoảng 20 phút lái xe.
Chiều nay mình có dịp đi dạo trong khuôn viên xung quanh nhà chính. Mình chỉ đị dạo trong một phần nhỏ vì vùng đất xung quanh nhà dòng rất rộng, chủ yếu là rừng cây. Khi mình đi dạo cũng thấy có những người dân đi dạo trong đó. Có người dắt thú cưng đi bộ. Có người ngồi thư giản ở những chiếc ghế được đặt ở các điểm khác nhau trong công viên. Trời mùa thu chỉ se se lạnh nên một chiếc áo len cũng đủ để giữ ấm.
 
Đi lang thang giữa khu rừng có thể thấy rằng mùa thu đã hoàn toàn ghé đến đây. Trên mặt đất bao phủ những chiếc là vàng đã rơi rụng. Có một số cây thì toàn bộ lá trên cành đã đổi thành màu vàng hoặc màu đỏ. Nếu so với những khu rừng thu khác mà mình từng chứng kiến thì ở đây chưa thực sự ấn tượng, nhưng nó cũng đủ mang lại cho mình cảm giác nhẹ nhàng thư giản khi bước chân trên những lối mòn xuyên qua các khóm cây.
 
Cảnh vật xung quanh nhà dòng cũng như trong thị trấn làm cho mình tưởng nhớ đến cảnh vật ở một số thành phố ở các tiểu bang miền trung Hoa Kỳ. Không chỉ cảnh vật thiên nhiên mà các kiểu nhà cửa cũng có những điểm tương đồng. Ngày xưa nhiều người Âu châu di cư qua Hoa Kỳ, mang theo lối kiến trúc xây nhà của họ đến lục địa mới nên ở Mỹ có nhiều thành phố cỗ mang đậm nét Âu châu. Lối xây đường xá tại Đức cũng giống như ở Mỹ nên người ta có thể chạy qua những con đường mà khó phân biệt là mình đang ở trên đất nước nào.
 
San Augustin, Đức, 22.10.2022


Nhật ký từ Đức (1)


Mình đã từng đi Âu châu một số lần nhưng đây là lần đầu tiên mình đi Đức. Chuyến bay hãng hàng không của Thái đáp xuống thành phố Munich lúc hơn 7g sáng sau gần 12 tiếng đồng hồ bay từ Bangkok. Nhưng Munich không phải là đích điểm. Mình chỉ quá cảnh ở đây rồi lên máy bay để đi tiếp tới Cologne. Nhà dòng Ngôi Lời tại Đức chỉ cách Cologne hơn 10km. Mình quá cảnh khoảng 8 tiếng đồng hồ ở Munich. Vì tìm mua vé máy bay giá tiết kiệm nhất có thể nên bay chuyến 1 giờ sáng và quá cảnh nhiều giờ ở Munich. Nhưng mình không ngại điều này vì ở trong sân bay mình vẫn có thể làm việc và nghỉ ngơi như ở nhà. Mình đã quen với việc làm việc bất cứ ở nơi nào qua máy tính. Đây là thời đại kết nối kỹ thuật số nên người ta có thể liên lạc với nhau và hợp tác từ xa.

Mình lên đường đi Đức sau những ngày khá bận rộn tại Bangkok. Vừa trở lại Thái Lan ngày cuối tháng 9 thì mình phải bắt tay vào việc cộng tác với các cha VN tại TL để tổ chức ngày hội ngộ di dân diễn ra ngày CN 16.10.2022 vừa qua. Theo suy nghĩ của mình thì sự kiện đã diễn ra tốt đẹp trong tình trạng các điều kiện không mấy thuận tiện, như thời gian tổ chức chỉ vài tuần, và số anh chị em di dân Việt Nam tại Thái Lan đã giảm đáng kể sau thời gian đại dịch. Ngoài ra sinh hoạt di dân cũng chỉ vừa mới bắt đầu trở lại gần đây, và nhiều nhóm cũng chưa khởi động trở lại vì thiếu thành viên hoặc thiếu lãnh đạo. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của quý cha trong Uỷ ban di dân, đặc biệt cha tân chủ tịch Phê-rô Lê Quốc Hùng, SVD, cũng như sự cố gắng làm PR cho sự kiện qua hai trang FB của Liên Hiệp Công giáo Việt Nam tại Thái Lan và trang cá nhân của mình thì số người tham dự đã đông hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu.
Đối với một cộng đoàn nhỏ bé và thiếu thốn về vật chất cũng như nhân sự, việc tổ chức sự kiện vừa qua thể hiện một nỗ lực lớn đối với cộng đoàn. Có thể có ai đó sẽ có những mong đợi lớn hơn từ cộng đoàn di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng thiết nghĩ bản chất của những người di dân, đặc biệt là di dân lao động bất hợp pháp là những người yếu thế, sống và làm việc bên lề xã hội, cần sự chăm sóc, nâng đỡ, thấu hiểu và thông cảm từ những người khác, đặc biệt là lãnh đạo Giáo hội và xã hội, thì bất kể sự thiếu sót gì trong khâu tổ chức cũng cần phải được đánh giá dưới sự nhận thức về tính chất và thực trạng của một cộng đoàn như thế này. Còn nếu người ta có những yêu cầu cao hơn nữa thì thiết nghĩ họ nên đặt câu hỏi với chính bản thân là tại sao?

Vừa xong sự kiện ngày hội ngộ di dân thì mình quay sang chuẩn bị cho sự kiện webinar ra mắt tập sách chuyên đề tiếng Anh về truyền thông của Hội thánh trong thời đại dịch mà mình làm chủ biên. Tập sách có sự tham gia viết bài của hơn 20 tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có một số tác giả Việt Nam. Ngoài ra còn có những tác giả từ Úc, Ấn Độ, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v. Đây là tập sách nghiên cứu chuyên đề quy mô nhất mà mình biên tập từ trước đến nay mà mình đã thực hiện với hết cả tâm huyết trong suốt thời gian hơn một năm. Vì muốn cho những nghiên cứu trong tập sách được nhiều người tiếp cận, nên mình đã quyết định phổ biến tập sách dưới dạng điện tử, mọi người có thể tải xuống miễn phí từ trang web của TT nghiên cứu ARC mà mình đang điều hành.

Chương trình ra mắt sách online kéo dài hai tiếng đồng hồ và có hơn 100 người tham dự. Ngoài việc giới thiệu sách thì một số tác giả cũng đã chia sẻ về nội dung của bài viết của mình cho mọi người thấu hiểu hơn về chủ trương và nội dung của tập sách. Trong số người tham dự online có một số anh em Dòng Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Úc, kể cả cha Giám tỉnh. Đây là một niềm khích lệ lớn đối với mình khi có người anh em trong dòng ủng hộ và nâng đỡ tinh thần. Người ta thường nói “bụt nhà không thiêng” nên thường sự công nhận đến từ bên ngoài không phải đến từ những người thân cận. Mình cũng đã từng trải qua kinh nghiệm này nên thấu hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ. Tuy nhiên, mình chủ trương làm vì đam mê và hoài bảo thăng tiến bản thân, không phải để được công nhận và tăng bốc nên những điều này không bao giờ làm mình cảm thấy nhụt chí hay nản lòng. Dù sao đi nữa thì mình luôn nhận được rất nhiều lời nói và cử chỉ nâng đỡ cần thiết nên đủ cho mình cảm thấy tự tin để tiến tới.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh sáng nay, mình nhìn ra ngoài cửa sổ thấy thời tiết tại Đức đã vào thu, có nhiều cây đã thay đổi màu lá. Nhìn những hàng cây với lá vàng lá đỏ gợi lại cho mình kỷ niệm những ngày còn sống ở Hoa Kỳ. Cũng vào thời điểm nay, thời tiết trở nên mát dịu hơn, êm đềm hơn sau những ngày hè nóng bức. Thời còn ở Chicago mình chỉ thích hai tháng trong năm, đó là tháng 10 của mùa thu và tháng 5 của mùa xuân khi cảnh vật thật ôn hoà và dễ chịu. Mình nghĩ rằng những ngày tới ở Đức mình cũng sẽ phần nào tìm lại được cảm xúc nhẹ nhàng của những ngày mùa thu êm đềm mà mình đã từng trải nghiệm.

Munich, ngày 21.10.2022