Nhìn lại 3 tuần tại Úc châu


Hôm qua mình trở lại Thái Lan sau chuyến đi Úc kéo dài 3 tuần tới hai thành phố Sydney và Melbourne. Điều mình đã làm ngay sau khi trở lại Thái Lan là đi cắt tóc ở tiệm cắt tóc thường xuyên của mình để lấy lại “khí thế” sau khi trải qua 24 tiếng đồng hồ khá mệt mỏi để di chuyển từ các sân bay khác nhau trên đường quay lại Thái Lan. Từ sân bay Bangkok, thay vì đi thẳng về nhà thì mình ghé vào tiệm hớt tóc gần trạm xe điện Đại học Kasetsart để cắt tóc. Khi bước vào, anh chủ tiệm cắt tóc thấy mình nhìn có vẻ mệt mỏi nên nói: - Hôm nay nhìn anh không tươi tỉnh như mọi hôm. Chắc chuyến đi khá vất vả.

Mình trả lời: - Thực ra chỉ chuyến đi về mới mệt, chứ toàn bộ chuyến đi thì không mệt. Vì tôi đã có những ngày rất vui vẻ và tốt đẹp tại Úc châu.

Thực vậy, thực hiện chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, mình đã cố gắng biến chuyến đi Úc lần này thành một trải nghiệm ý nghĩa không chỉ liên quan đến công việc chuyên môn của mình mà còn là cơ hội để gặp gỡ với những người trong hội dòng Ngôi Lời cũng như những người thân quen tại Úc.

Mặc dầu mình bước xuống sân bay Sydney khi thành phố này đang trải qua thời gian mưa to, lũ lụt và giá lạnh giữa mùa đông, nhưng chỉ vài ngày sau đó thì thời tiết cũng có phần tốt lên. Mưa nhiều nhưng không quá to. Có những ngày còn có nắng giúp cho trời đông phần nào bớt băng giá. Những ngày có nắng, bầu trời Úc châu rất tuyệt vời với một màu xanh thăm thẳm vì không khí ở đây rất khô, không có độ ẩm cao như tại Thái Lan hay Việt Nam.

Hai tuần đầu mình lưu lại ở cơ sở chính của Dòng Ngôi Lời tại ngoại ô Sydney. Bên cạnh việc tham dự hội thảo của tổ chức truyền giáo học quốc tế (IAMS), mình còn có dịp để ngồi trò chuyện, thảo luận với các học giả Ngôi Lời từ các nơi đến tham dự sự kiện hội thảo. Trong đó có Lm. Stephen Bevans, một thần học gia nổi tiếng trong lĩnh vực thần học truyền giáo, đồng thời cũng là thầy giáo của mình thời còn học chương trình thần học tại Hoa Kỳ. Mình có thể ngồi nói chuyện với cha Stephen hàng giờ không chán vì ngài có lối trình bày những suy tư thần học sâu sắc một cách rất dễ tiếp thu và cảm nhận được. Mặc dù đã gần 80 tuổi, nhưng trí óc ngài vẫn luôn minh mẫn, nên ngài luôn được mời để tham gia viết bài cho những tập sách, tạp chí hoặc thuyết trình trong các sự kiện khác nhau. Ngoài ra còn cha Christian Tauchner từ Đức. Ngài là tổng biên tập của tạp chí Verbum là tạp chí học thuật của Dòng Ngôi Lời.

Một trong những điều thú vị thời gian lưu lại tại nhà dòng cũng là cơ hội để gặp gỡ, dùng bữa và trò chuyện với các cha trong nhà hưu dưỡng cũng như các thành viên đang đảm trách các chức vụ khác nhau trong hội dòng từ giám tỉnh cho đến các thành viên trong hội đồng bề trên. Các cha già luôn thao thức về sứ mạng của hội dòng trong thời gian tới, không muốn bao nhiêu nỗ lực của các thế hệ nhà truyền giáo Ngôi Lời đi trước bị lãng quên. Dĩ nhiên các lãnh đạo của hội dòng hiện nay cũng mang cùng một thao thức nên các ngài không ngừng tìm ra những phương cách để phát triển mục vụ của hội dòng cũng như đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội qua những nỗ lực của các thành viên trong dòng.

Sau khi chương trình hội thảo đã kết thúc, mình còn có thêm thời giờ để đi thăm một số gia đình người Việt mà mình quen biết tại Úc châu. Đối với văn hóa người Việt ở khắp nơi thì những cuộc gặp gỡ luôn nằm trong khuôn khổ của một bữa ăn với những món ăn thức uống ngon nhất mà chủ nhà có thể dọn ra để cho vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mặc dù có những ngày đang giữa tuần làm việc, nhưng các giáo dân sẵn sàng thu xếp thời giờ, thậm chí nghỉ làm việc để đón tiếp mình và các cha/thầy tới thăm. Có người còn xin nghỉ việc vài ngày để đưa mình đi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng tại vùng Sydney như là vùng núi Blue Mountains cách thành phố hơn 100km.

Từ ngày 16-24 tháng 7, mình đi Melbourne và lưu lại ở học viện của dòng Ngôi Lời có tên là Dorish Maru College, nằm ở Boxhill, một thành phố nhỏ ở ngoại ô vùng Melbourne. Ở đây có các thầy khấn tạm đang học tập tại Yarra Theological Union. Vì ơn gọi địa phương khan hiếm nên toàn bộ các thầy đều đến từ các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico, Indonesia, Trung Quốc, Philippines. Khi mình đến Boxhill, học viện mới đón thêm 4 thầy từ Việt Nam – hai người trong khuôn khổ chương trình trao đổi ơn gọi của Dòng Ngôi Lời, và 2 người đến để thực tập truyền giáo trong thời gian hai năm. Trong thời gian tới dự tính sẽ có thêm người gia nhập học viện sau thời gian dài ở đây trải qua tình trạng người ra đi truyền giáo sau khi học xong, nhưng không có thêm người tới học vì hoàn cảnh đại dịch không cho phép người nước ngoài nhập cảnh Úc. Sau khi trải qua thời gian đại dịch với bầu khí tại học viện khá ảm đạm, tinh thần của các cha trông coi học viên xem phấn khởi hơn khi thấy thêm khuôn mặt trẻ trong nhà nguyện và trong bàn ăn.

Trong chuyến đi Úc lần này, mình đã đặt mục tiêu bỏ ra một số ngày để ở lại đây vì mình muốn gặp gỡ, trò chuyện và khuyến khích các thành viên trẻ trong dòng trong việc học tập cũng như hướng tới việc học cao hơn sau khi đã hoàn tất chương trình thần học. Ngoài ra, trong những lần trước tới Úc, mình chưa có nhiều thời gian để sống trong cộng đoàn ở đây, nên muốn dùng cơ hội này để tìm hiểu nhiều hơn về chương trình đào tạo và sinh hoạt của học viện của tỉnh dòng.

Ở Melbourne cũng như ở Sydney, ngoài những sinh hoạt ‘nội bộ’ thì còn thêm những bữa ăn, những chuyến đi tham quan, những buổi gặp gỡ với những người khác – từng quen có, mới quen có. Có người từng gặp ở Úc hoặc ở Thái Lan, và có người chỉ từng gặp gỡ trò chuyện qua mạng xã hội. Vì những lần giao lưu này mà một thành phố dường như không quen thuộc đối với mình đã trở thành gần gũi và thân quen hơn. Cảm giác gần gũi không phải vì mình đã quen thuộc với đường xá hay cảnh vật tại vùng Melbourne, nhưng vì mình biết rằng, lần sau nếu mình có trở lại đây thì sẽ có những con người để mình có thể liên lạc và ghé thăm. Khi mình có được mối tương quan với người khác thì cảm giác xa lạ ở một nơi chốn nào đó sẽ phần nào tan biến.

Thành công nhất của mình trong 3 tuần tại Úc là mặc dầu mình đã đi lại rất nhiều và có rất nhiều sinh hoạt và cuộc gặp gỡ, nhưng mình vẫn làm được một số việc quan trọng như viết lách, biên tập, và trả lời những email quan trọng liên quan đến công việc. Chính vì mình biết sắp xếp thời giờ trong mỗi ngày để làm những việc cần thiết nên mình cảm thấy an tâm hơn trong các sinh hoạt khác. Tuy nhiên, không phải điều nào cũng tốt trong chuyến đi tới Úc lần này. Vì không thể thực hiện giờ giấc và chế độ ăn uống như thường nhật tại Thái Lan nên mình đã lên một vài cân thịt cần phải khắc phục trong những ngày tới. Dù sao đó cũng không phải là cái giá quá đắt cho một trải nghiệm vô cùng quý giá về mặt tri thức, tình cảm, tinh thần và xã hội.

Bangkok, ngày 26.7.2022

Chúa Nhật yên bình tại nhà dòng ở Sydney

 

Sau hai ngày có nắng đẹp với bầu trời xanh thắm thì hôm nay những cơn mưa lớn nhỏ cùng với gió lạnh đã trở lại thành phố Sydney và những vùng ngoại ô lân cận. Điều này không ảnh hưởng đến mình vì mình đã có kế hoạch ở nhà dòng nguyên ngày Chúa Nhật để nghỉ ngơi, viết lách, và trò chuyện với các nhà truyền giáo của dòng đang hưu dưỡng.

Vì thế mà sau khi thức dậy sau một giấc ngủ khá ngon, mình đã pha một ly cà phê để uống rồi bắt đầu làm việc trên vi tính. Mình thích làm việc vào giờ sáng vì đây là thời điểm trong ngày mà mình có sự tập trung nhiều nhất. Sáng nay mình viết một bài ngắn để gửi cho Thánh bộ truyền thông Vatican về đề tài “môn đệ truyền giáo và mạng xã hội”. Đây là một trong nhiều đề tài mà Thánh bộ truyền thông đang tham khảo ý kiến từ những chuyên gia trong quá trình hình thành và thực hiện một văn kiện về truyền thông mạng xã hội trong thời gian tới. Sau khi nhận được đề tài từ Bộ truyền thông, mình đã suy tư và sáng hôm nay đã viết ra những suy tư đó trong một bài viết ngắn.

Đến 9g sáng, mình ngừng làm việc và đi tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật trong nhà nguyện của dòng. Mỗi ngày thường và ngày CN đều có Thánh lễ trong nhà nguyện và có giáo dân từ bên ngoài tới tham dự.  Sau giờ lễ mình chào hỏi và trò chuyện với một vài giáo dân mà mình quen biết từ những lần mình tới Úc và lưu lại nhà dòng để tham dự các cuộc họp.

Đến giờ trưa, mình ngồi ăn trưa và trò chuyện với các cha già. Có cha từng phục vụ tại Papua New Guinea hàng chục năm. Có cha từng phục vụ tại Nam Mỹ. Dĩ nhiên có cha đã phục vụ tại Úc nhiều năm trước khi về hưu. Cha Frank từng hoạt động trong lĩnh vực đối thoại liên tôn nói với mình rằng ngài rất vui khi thấy mình tích cực làm công tác nghiên cứu và viết lách. Ngài cũng rất quan tâm về những bài viết của mình cũng như các hoạt động của mình qua nguồn tin từ tỉnh dòng.

Buổi chiều mình thường ít có tập trung để làm những việc đầu óc nên mình tập thể dục trong phòng ‘gym’ của dòng. Ở đó có một ít dụng cụ, mặc dù không nhiều, nhưng cũng đủ để cho mình vận động với những bài tập để giảm thiểu tác động của những bữa ăn khá phong phú và nhiều chất dinh dưỡng kể từ khi đến Úc – không chỉ những bữa ăn ở nhà dòng hoặc nơi hội thảo mà còn những bữa ăn ở các nhà giáo dân Việt Nam mà mình tới thăm những ngày qua. Trưa nay mình quyết định ăn mì tôm với trứng, không phải vì thích ăn đạm bạc mà vì sợ bội thực.

Đến giờ ăn tối, mình lại vào phòng ăn và ngồi chung với các cha già, vừa dùng bữa vừa trò chuyện. Tối Chúa Nhật trong phòng ăn còn có rượu vang cho các cha thưởng thức. Tối nay mình cũng đã gặp cha Nick là cha phó giám tỉnh vừa mới có chuyến đi ở Brisbane (phía bắc Úc châu) về. Đáng ra tháng trước cha Nick đi kinh lý tại Thái Lan với cha giám tỉnh, nhưng trước ngày đi vài ngày thì phát hiện bị nhiễm vi-rút corona nên đã phải hủy chuyến đi. Mình đã không thể gặp ngài tại Thái Lan như dự định, nhưng cuối cùng cũng đã gặp ngài tại Sydney.

Ngồi trong bàn ăn với những món ăn ngon, ly rượu vang, và nói chuyện với các nhà truyền giáo kỳ cựu, mình cảm thấy thật ấm cúng và hạnh phúc. Bây giờ bên ngoài trời vẫn tiếp tục mưa. Mình sẽ nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ngày hội thảo cuối cùng vào ngày mai.

Sydney, ngày 10.7.2022

Tham dự hội thảo về truyền giáo học (ngày 3)

 

Trong ngày hội thảo hôm nay, mình cũng đã có cơ hội để thuyết trình đề tài mà mình đã chuẩn bị đó là đề tài “Sứ vụ đối thoại liên tôn của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số”. Việc tham gia thuyết trình và trao đổi kiến thức trong những cuộc hội thảo quốc tế là những dịp quan trọng trong đời sống và công việc của một người làm nghiên cứu. Khi mình chia sẻ về những suy tư và khám phá trong việc nghiên cứu, mình có cơ hội để phổ biến kiến thức đồng thời nhận được những phản hồi hoặc những lời chất vấn, phê bình để giúp mình suy tư sâu sắc hơn hoặc có những phương hướng để hoàn thiện đề tài nghiên cứu.

Những năm qua, do đại dịch Covid-19 nên hầu hết các chương trình hội thảo mà mọi người có thể tập trung ở một không gian vật lý dường như đã bị hủy bỏ. Thay vào đó là những chương trình hội thảo trực tuyến qua các nền tảng như Zoom hoặc Google Meet. Theo mình thì cả hai hình thức đều có những lợi thế và yếu thế. Tham gia trực tuyến có thể giúp mình tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức mà vẫn tiếp cận được với những kiến thức được truyền đạt qua các bài thuyết trình. Tuy nhiên, chỉ có khi tham dự trực tiếp thì mới có cơ hội để có những cuộc gặp gỡ, làm quen bên lề cũng như trong giờ hội thảo.

Những ngày qua, mình đã gặp nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cũng như nhà nghiên cứu trẻ đến từ các quốc gia và giáo phái Ki-tô giáo khác nhau. Khi tiếp xúc với nhau, mọi người chia sẻ trên tinh thần là những nhà tri thức đang thao thức với những vấn đề quan trọng trong Giáo hội và xã hội. Dường như không có sự phân biệt về tôn giáo, chức vị hoặc bằng cấp. Không có sự chú tâm đến ai là linh mục, mục sư, hay giáo dân. Những câu hỏi trong các câu chuyện thường là: “Bạn ở đâu?” “Bạn nghiên cứu lĩnh vực gì?” hoặc “Bạn thuyết trình đề tài gì?” Tâm điểm đối với mọi người là những vấn đề liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của sứ mạng Ki-tô giáo, không phải những yếu tố nhằm phân loại người này người nọ. Nếu có phân loại đi chăng nữa thì chì là phân loại các lĩnh vực của toàn bộ các đề tài được thuyết trình trong chương trình hội thảo.

Hai ngày qua mình có cơ hội gặp gỡ một nghiên cứu sinh trẻ đến từ Hoa Kỳ. Anh ta cho hay, việc tham dự chương trình hội thảo rất ngẫu nhiên vì anh chỉ được vị giáo sư của mình mời đi trước đó hai tuần. Đây là lần đầu tiên anh có cơ hội tham dự một chương trình quốc tế và đầy tri thức như thế. Mặc dầu việc lắng nghe nhiều bài thuyết trình mấy ngày liền là một thách đố lớn, nhưng anh cảm thấy vô cùng thú vị khi được tiếp cận với các học giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây là lần đầu tiên anh được đắm mình trong môi trường đầy tính học thuật như vậy. Anh cũng chia sẻ rằng, khi nghe các bài thuyết trình và được tiếp xúc với các học giả, anh cũng có thêm nguồn cảm hứng để hướng tới con đường học thuật và nghiên cứu trong tương lai của mình.

Cá nhân mình cũng thế. Nhờ vào việc tham dự chương trình hội thảo mà ý chí dấn thân trên con đường này tiếp tục được nung nấu, nhằm mình có thể hăng say hành trình phục vụ Giáo hội và tha nhân trong lĩnh vực mà mình đã chọn.

Sydney, ngày 9.7.2022

Đến Sydney trong những ngày mưa gió


Mặc dù chuyến bay của hãng hàng không Thai Airways từ Bangkok đến Sydney bị trễ hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng mình cũng đã hạ cánh an toàn tại sân bay Sydney vào 10g30 tối giờ địa phương tối thứ 2, ngày 4 tháng 7 vừa qua. Thủ tục nhập cảnh nhanh chóng và trôi chảy, khác với sự phức tạp mà mình hình dung trong đầu khi chuẩn bị đến Úc trong thời đại dịch Covid-19.

Cha Việt và một chủng sinh người Việt tên Cường đã ra đón mình tại sân bay rồi đưa mình thẳng về nhà dòng cách sân bay khoảng hơn 30km. Cha Việt cho biết những ngày qua và những ngày tới, cả vùng Sydney trời mưa liên tục và có gió lạnh (Úc châu đang giữa mùa đông). Tuần trước có nơi còn bị lụt. Và mọi thứ đều đúng như cha Việt nói. Hai ngày qua, bên ngoài trời mưa dường như suốt ngày. Mặc dù không mưa lớn, nhưng bầu khí lúc nào cũng ướt át khiến việc đi lại không mấy thuận tiện.

Tuy nhiên, mình cũng không có kế hoạch đi lại nên phần lớn thời gian mình gặp gỡ với các cha thầy trong nhà mẹ Dòng Ngôi Lời tại Úc. Ngoài ra mình cũng gặp gỡ một số chuyên gia thuộc Dòng NL cũng đã đến Sydney với mục đích như mình – đó là tham dự chương trình hội thảo về truyền giáo học của tổ chức International Association of Mission Studies từ ngày 7-11/07. Chương trình hội thảo này được tổ chức bốn năm một lần. Đáng ra sự kiện đã diễn ra vào năm 2020, nhưng vì hoàn cảnh dịch bệnh nên mãi đến 2022 mới được thực hiện.

Sáng hôm nay mình và các cha cũng đã có một giờ gặp gỡ các chủng sinh Ngôi Lời để chia sẻ về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội trong thời đại mới. Các chủng sinh của dòng, bao gồm các thầy đến từ các nước Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Mexico đang có những ngày nghỉ giữa kỳ học nên có cơ hội để đi thăm một số cơ sở của dòng tại Úc châu cũng như tham dự những buổi huấn luyện tại nhà mẹ trong tuần này.

Hai đêm qua mình cũng được hai gia đình Việt Nam tại Úc mời tới nhà cùng với một số cha/thầy trong dòng để ăn tối và gặp gỡ. Một gia đình mình đã quen từ năm 2006 khi lần đầu tiên mình tới Úc để nhận bài sai. Còn một gia đình mình mới làm quen không lâu qua mạng xã hội và tối hôm nay là lần đầu tiên được gặp mặt. Mặc dù lần đầu tiên gặp mặt, nhưng vì đã trò chuyện với nhau nhiều lần qua Facebook nên có cảm giác như là người thân quen từ lâu, không bỡ ngỡ hay ngần ngại. Với lại những người trong gia đình cũng là những người mà nhiều anh em SVD thân quen nên cảm giác gần gũi đã có sẵn.

Mình đến Sydney nhiều ngày hơn chương trình hội thảo vì đã 4 năm mình mới có dịp trở lại Úc nên tận dùng cơ hội này để kết nối với một số người mà mình thân quen tại Úc. Bên cạnh đó, mình cũng tận dùng thời gian này để kết nối với một số thành viên SVD đang học tập và phục vụ tại Úc, đặc biệt là lớp trẻ để chia sẻ kinh nghiệm cũng như một số kiến thức trong lĩnh vực mà mình quan tâm.

Nếu thời tiết cho phép mình cũng sẽ bỏ ra ít thời gian để đi tham quan một số nơi tại Sydney và Melbourne. Tuy nhiên, cho dù mình có đi đâu thì công việc của mình đều mang theo trong máy vi tính nên mình phải sắp xếp thời giờ để làm việc mỗi ngày vài giờ đồng hồ để tránh tình trạng công việc bị dồn lại. Người ta vẫn nói là vui chơi không quên trách nhiệm. Mình ý thức được điều này nên luôn cố gắng tổ chức sinh hoạt hằng ngày để đạt được những điều cần làm để duy trì được sự thăng bằng trong đời sống cá nhân và công việc.

Ngày mai, chương trình hội thảo chính thức bắt đầu. Hứa hẹn những ngày tới, mình sẽ gặp gỡ được nhiều học giả quốc tế, được giao lưu, chia sẻ, và trao đổi kiến thức với nhiều người về lĩnh vực truyền giáo học. Sau những ngày đại dịch, việc các tham dự viên có thể đến với nhau trong một không gian vật lý để bàn thảo về các vấn đề quan trọng trong sứ vụ Ki-tô giáo là một dịp rất ý nghĩa. Rất tiếc hoàn cảnh vẫn chưa cho phép nhiều người đến tham dự trực tiếp nhưng phải qua nền tảng Zoom. Đây là một thực trạng cho thấy rằng xu hướng lâu dài của các chương trình gặp gỡ, hội thảo như thế này đề phải tạo điều kiện cho sự tham gia bằng cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.


Sydney, Úc châu, ngày 6.7.2022