Những điều nên biết về Lễ Hội Songkran




Lễ hội Songkran là lễ hội lớn nhất tại Thái Lan cũng như ở các nước Phật giáo Tiểu thừa tại vùng Đông Nám Á. Lễ hội này đánh dấu năm mới của người Thái, trùng vào ngày 13 tháng 4 dương lịch. Tuy nhiên thường lễ hội được ăn mừng trong 3 ngày, từ 13-15. Từ “Songkran” có nguồn gốc trong từ “Samkranti” trong ngôn ngữ Sanskrit (Ấn Độ), có nghĩa là “biến đổi” vì đây là thời gian mặt trời di chuyển từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ.

Như Tết Nguyên Đán của Việt Nam, Tết Songkran là tết đoàn viên. Vì thế, người  vùng quê đang làm việc tại các thành phố thường sắp xếp để trở về quê để ăn mừng lễ hội với người thân và bạn bè. Tại thủ đô Bangkok, trong các ngày Songkran sẽ không diễn ra tình trạng kẹt xe như mọi ngày trong năm, và mọi thứ trở nên êm đềm hơn.

Vào ngày đầu tiên của lễ hội, người Thái có truyền thống đi chùa để làm phúc, phóng sinh và cầu an. Ngoài ra họ còn cúng lương thực cho các vị sư khất thực trên đường phố.  Nghi thức tôn giáo quan trọng nhất là nghi thức tắm Phật trên chùa. Trong các gia đình, con cái, cháu chắt cử hành nghi thức chúc lành cho cha mẹ, ông bà. Trong nghi thức này, người trẻ sẽ lấy nước thơm đổ lên tay của người lớn rồi nói lời chúc thọ và những lời chúc tốt đẹp khác. Sau đó người lớn chúc lại cho người trẻ và lấy nước xoa lên tay hoặc đầu của người trẻ để thể hiện lòng yêu mến. Trong chậu nước dùng để cử hành nghi thức, người Thái thường bỏ vào những cánh hoa như hoa khùn (hoa bò cạp vàng) hay hoa lan để trang trí.

Ngoài các nghi thức và sinh hoạt mang tính tâm linh và truyền thống thì Lễ hội Songkran hầu như được người nước ngoài biế tới rộng rải như một lễ hội vui chơi bằng nhiều hình thức. Cách vui chơi phổ biến nhất là ra đứng trước nhà để xối nước lên nhau hoặc bắn nước vào nhau bằng súng nước. Không chỉ xối nước lên nhau mà người ta còn xối nước lên những người đi qua trên đường.

 
Chính quyền địa phương trên cả nước thường cho tổ chức những khu vực mà hàng trăm đến hàng chục ngìn người có thể tụ tập để vui chơi trong 3 ngày lễ. Tại Bangkok, những tụ điểm nổi tiếng nhất là ở khục vự Tây ba lô Khao San, phố Silom, và trung tâm RCA trên đường Rama 9. Ngoài sinh hoạt té nước thì người Thái Lan còn tổ chức nhiều sinh hoạt khác như văn nghệ, diễu hành, thi hoa hậu hoặc thi tài năng.

Trên thực tế, mỗi vùng miền trên đất nước Thái Lan sẽ có những sinh hoạt khác nhau, mang tính chất địa phương. Tỉnh Chiangmai ở miền bắc Thái Lan là một trong những nơi thu hút nhiều du khách đến vui chơi vì họ tổ chức các sinh hoạt rất công phu, đầy màu sắc và mang đậm tính chất văn hóa miền bắc. Người Thái ở vùng đông bắc có truyền thống xây các chùa cát như một sinh hoạt vừa mang tính tâm linh vừa mang tính vui chơi mà mọi người trong gia đình có thể tham gia. Người miền nam Thái Lan thường thực hiện 3 quy tắc trong dịp lễ là: (1) Làm việc và tiêu tiền càng ít càng tốt; (2) không làm hại người khác hay súc vật; và (3) không nói dối trong ngày lễ. Đối với người miền trung Thái Lan, thì một trong những việc nhiều người làm trong dịp lễ là cúng cát cho chùa để cộng tác cho việc xây dựng chùa chiền trong năm tới.

Rất tiếc là ý nghĩa tâm linh và truyền thống của Lễ hội Songkran cũng phần nào bị lưu mờ trong thời đại mới vì nhiều người trẻ không còn coi trọng các nghi thức và sinh hoạt văn hóa và tôn giáo mà chỉ quan tâm đến việc vui chơi. Nhiều du khách đến Thái Lan trong dịp lễ hội cũng chỉ thấy những cuộc chơi trên đường phố mà không mấy hiểu biết về ngày lễ và các giá trị của nó. Vì việc ăn chơi được nhấn mạnh nên ở nơi tụ tập đông người thấy nhiều người ăn mặc hở hang, nhảy múa phản cảm. Nhiều cô gái bị sờ soạng, thấm chí bị tấn công tình dục trong đám đông. Việc ăn chơi hiển nhiên phải có bia rượu nên nhiều vụ ẩu đả xảy ra ở trong các cuộc liên hoan trong các quán xá cũng như trên đường phố. Tai nạn giao thông dẫn đến thương tích và tử vong tăng vọt cũng là một trong những hậu quả không thể tránh được trong những ngày lễ.

Tóm lại, Lễ hội Songkran là một dịp vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Thái Lan và các nước láng giềng. Tuy nhiên, để cho ngày lễ không mất đi những giá trị và vẽ đẹp của nó thì những người lãnh đạo trong xã hội và tôn giáo cần phải lưu tâm tới việc giáo dục tâm linh và nhân bản cho giới trẻ và biết cách tổ chức các sinh hoạt vui chơi một cách lành mạnh và an toàn.

Bangkok, ngày 11.4.2018

No comments: