Hy vọng mong manh ở Thakhek, Lào







Đã hơn ba ngày rồi từ khi sự cố sập hầm muối xảy ra gần thành phố Thakhek, Lào. Đến bây giờ thì trong ba nạn nhân chỉ có một bạn tên Điệp là đã được đưa về quê hương để an táng. Hai người còn lại, một bạn tên Trang, một bạn tên Hội thì vẫn đang bị chôn sâu 150 mét dưới hầm mà chưa tìm ra được. Gia đình và bạn bè của hai bạn trẻ dường như đã hết hy vọng. Họ tổ chức cầu nguyện và thắp nhang ngay ở hiện trường. Tai nạn xảy ra đã làm cho họ đau khổ, nhưng việc chưa tìm được người càng làm sự việc thảm khốc hơn.

Một người bạn của Trang chia sẻ dòng trạng thái: “Bạn đi đâu rồi sao không nói gì hết vậy. Mới kêu tui về chơi đó mà sao ai cũng đăng ảnh lên tìm bạn thế. Thật sự thì tui không tin được mà.  Đừng để gia đình bạn bè buồn chứ. Tỉnh dậy về đi được không bạn. Mình còn nợ bạn mà..không phải ai cũng hi vọng mong bạn trở về đó sao..Lạy Mẹ xin cầu bầu cùng Chúa ban phép lành cứu rỗi bạn của chúng con.”

Vụ tai nạn thương tâm này làm cho mọi người nhớ lại rằng cuộc sống của những lao động Việt Nam tại Lào không hề dễ dàng. Tôi đã từng đến Thakhek hai lần để dạy học trong Đại Chủng Viện của Lào. Trong những lần này tôi đã có nhiều cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với anh chị em lao động ở đây.  Vào ngày Chúa Nhật tôi cũng dâng lễ cho họ ở nhà thờ lớn trong thành phố.

Có một điều tôi nhận thấy khi ngồi trên cung thánh nhìn xuống là hầu hết những người đi lễ là thanh niên, có rất ít đàn bà con gái. Đa số những người làm việc tại Lào làm nghề xây dựng hoặc là thợ mộc nên việc đàn ông con trai chiếm đa số là hiển nhiên. Phần lớn đến từ Nghệ An. Số ít là người Nam Định hoặc đến từ các tỉnh miền bắc khác.

Một điều khác tôi đã nhận ra làm tôi nhớ mãi là khi trao Minh Thánh Chúa trong nghi thức rước lễ, tôi nhìn vào những bàn tay đưa ra nhận bánh thánh thì thấy có rất nhiều bàn tay chai sạn do lâu ngày làm những công việc nặng nhọc. Có những bàn tay bị trầy xước hoặc còn dín những vết sơn rửa chưa sạch.

Những bàn tay đó giúp cho tôi hiểu rằng cuộc sống mưu sinh của họ ở đất Lào khó nhọc như thế nào. Tuy nhiên, vào ngày Chúa Nhật họ gác tất cả mọi việc qua một bên, đặt xuống những đồ nghề máy móc họ sử dụng hằng ngày để đến nhà thờ với Chúa. Và với những bàn tay chai sạn đó, họ đưa ra để đón nhận tấm Bánh Thánh trắng tinh nhỏ bé nhưng chứa đầy hồng ân và sức mạnh của Ngài, để qua thứ lương thực thiêng liêng đó, họ có thêm tinh thần và nghị lực để tiếp tục phấn đấu thêm một tuần lễ nữa trong đời sống và công việc.

Tôi chưa bao giờ được gặp ba bạn trẻ xấu số tên Điệp, Trang và Hội. Nhưng nhìn vào hình của họ và vào trang facebook cá nhân của họ thì không thể không cảm thấy đau nhói trong lòng và nuối tiếc cho những tương lai đã bị vụt tắt quá đột ngột. Cuộc sống của họ khó nhọc thật, nhưng đó vẫn là cuộc sống chất chứa nhiều niềm vui và hạnh phúc. Họ ra đi có gia đình thương tiếc, có bạn bè nhớ mong, và đối với hai bạn vẫn đang bị chôn dưới hầm, có nhiều người vẫn đang trông mông đợi chờ. Cho dù ở hiện trường đã có những que nhang được thắp lên để tưởng nhớ về họ, nhưng vẫn có những ai đó đang nuôi hy vọng, cho dù thật mong manh, là sẽ có phép mầu xảy ra, để hai người bạn trẻ tên Hội và tên Trang ấy lại trở về từ lòng đất.

Bangkok, ngày 27.7.2016

Đi gia hạn visa




Hôm nay mình đi gia hạn visa tại sở di trú ở Udon Thani. Cán bộ phục vụ mình là một người đàn bà chừng 35 tuổi. Cô mở hồ sơ của mình ra xem, thấy visa của mình thuộc visa truyền giáo (tiếng Thái dịch nguyên văn là rao truyền đạo). Cô cán bộ hỏi: - Anh làm việc ở Thái bao lâu rồi?

Mình trả lời: - Gần 10 năm rồi.

Cô vừa nói vừa cười: - Anh muốn thành người Thái hả?

Mình trả lời: - Có người nói tôi nhìn cũng giống người Thái đó mà.

Cô cán bộ mở hộ chiếu mình ra thấy quốc tịch Hoa Kỳ nên thắc mắc: - Vậy anh là người có dòng máu Mỹ hay chỉ là quốc tịch Mỹ thôi.

- Tôi là người gốc Việt, nhưng tôi sống ở Hoa Kỳ.

- Uhm. Nhìn anh giống người Việt hơn.

Cô cán bộ bắt qua chuyện công việc: - Vậy tổ chức của anh có trả thuế không?

- Điều đó tôi cũng không biết nữa. Tôi làm việc trong tổ chức tôn giáo, nhưng vấn đề điều hành không phải là trách nhiệm của tôi nên tôi không rõ lắm.

-Thế anh có lương cao không?

- Tôi không có lương nào cả. Tôi là tu sĩ làm việc không lương.

- Vậy làm sao anh có tiền để chi tiêu?

- Bề trên cung cấp cho tôi những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.

- Thế anh đi chơi thì sao?

-Khi tôi cần đi lại để họp hành, hoặc thỉnh thoảng có kỳ nghỉ phép thì tôi xin phép bề trên và tổ chức của tôi giúp tôi những chi phí cần thiết.

Cô cán bộ sở di trú không hỏi gì thêm nữa, chỉ tập trung vào làm hồ sơ của mình. Sau khoảng 15 phút việc gia hạn visa của mình đã hoàn tất. Cô đóng dấu vào hộ chiếu gia hạn visa đến ngày 16.7.2017. Một điều vô cùng may mắn cho mình là cô không bắt mình phải trở lại sau một tháng mới đóng dấu như theo luật hiện hành. Đúng theo quy tắc của việc làm visa truyền giáo thì người xin gia hạn visa chỉ được đóng dấu một tháng, sau đó trở lại mới được đóng một năm. Nhưng điều này mình đã không phải làm mà đã được đóng dấu một năm ngay từ lần đầu. Điều này quả là may mắn vì phải trở lại sau một tháng có nghĩa là phải đi thêm một chuyến từ Bangkok đến Udon Thani để lo công việc. Chi phí đi lại để làm visa còn cao hơn chi phí visa gấp mấy lần.

Thế là vấn đề thủ tục đã hoàn tất cho thêm một năm phục vụ tại Thái Lan. Xong visa tâm trạng thoải mái hơn. Và mình có thể chuẩn bị cho những sinh hoạt sắp tới, đặc biệt chuyến đi Hàn Quốc vào tháng 8 để tham dự chương trình hội thảo về truyền giáo. Khi chào ra về, cô cán bố sở di trú nói: - Chúc anh đi Hàn Quốc vui vẻ nhé.

Nong Bua Lamphu, ngày 7.7.2016

Sứ vụ Ngôi Lời trên đất Thái




Dòng Ngôi Lời cũng như các dòng khác thường có những cuộc tĩnh tâm định kỳ trong năm. Tĩnh tâm cộng đoàn là dịp để cho các thành viên trong hội dòng gặp gỡ để cùng nhau chia sẻ và cầu  nguyện hầu bồi dưỡng đời sống tâm linh của từng người cũng như xây dựng mối tương quan thân thiết giữa các anh em trong dòng.

Sáng hôm nay mình ra sân bay từ rất sớm để lên chuyến bay đầu tiên đến Udon Thani. Khi đến sân bay, cha Hùng đã có mặt để đón mình rồi đưa về nhà chính của cộng đoàn tại tỉnh Nong Bua Lamphu cách sân bay khoảng 40 km. Cũng đã khá lâu mình mới có dịp trở lại nhà cộng đoàn vì thời gian qua mình về Mỹ cũng như bận một số công việc nên không thể có mặt tại những chương trình tĩnh tâm chung. Chủ để để suy niệm và chia sẻ cho cuộc tĩnh tâm lần này được lấy từ thư của thánh Phao-lô đến tín hữu Corinto “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách tôi” (2 Cor. 5:14). Đây cũng là chủ đề của Tổng tu nghị của hội dòng dự kiến sẽ diễn ra năm 2018. Nhưng thời gian này mỗi cộng đoàn Ngôi Lời trên khắp thế giới đang được kêu gọi để tổ chức những chương trình tĩnh tâm nhằm suy niệm về đề tài cũng như đóng góp những suy nghĩ về những câu hỏi mà tổng quyền hội dòng đưa ra.

Trong những giờ tĩnh tâm, các anh em đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như cảm nhận của mình về đời sống cộng đoàn cũng như công việc mục vụ và truyền giáo ở những nơi khác nhau trên đất nước Thái Lan. Qua lời chia sẻ của mỗi người cũng như kinh nghiệm cá nhân của mình trong gần 10 năm phục vụ ở Thái Lan, mình đã nhận ra một đặc điểm khá quan trọng về sứ vụ của dòng Ngôi Lời tại Thái Lan. Đặc điểm mà Thiên Chúa đã quan phòng ban cho dòng Ngôi Lời trên đất Thái đó là một sứ vụ đi “khai hoang” hoặc là tái thiết lập những nơi mà người ta dường như đã lãng quên hoặc không mấy quan tâm tới. Chính từ lúc hai tu huynh Ngôi Lời đầu tiên đặt chân đến Thái Lan cách đây 16 năm và khởi hành sứ vụ truyền giáo trên đất nước này thì hai thầy đã chọn một tỉnh lẻ khá nhỏ bé để phục vụ. Lúc đó tỉnh Nong Bua Lamphu chưa có nhà thờ, chưa có sự hiện diện của bất cứ một dòng tu nào. Thỉnh thoảng chỉ có linh mục từ giáo phận đến dâng lễ cho giáo dân ở một căn nhà của một gia đình Công giáo trong phố. Vì thấy nhu cầu có nhà thờ để thờ phượng Chúa, thầy Damien đã gom góp ngân quỹ để xây ngôi nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Nong Bua Lamphu. Bên cạnh việc xây nhà thờ thầy con xây trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV.

Những năm sau đó mình cũng như các anh em linh mục Ngôi Lời đã lần lượt đến Thái Lan để cộng tác vào sứ vụ của dòng trên đất Thái. Cũng như thầy Damien các anh  em Ngôi Lời dường như luôn được Đức Giám Mục yêu cầu phụ trách những giáo điểm nhỏ bé, xa xôi nơi mà thiếu thốn mọi thứ từ vật chất đến nhân sự. Có nơi nhà thờ rất cũ kỷ bị bỏ bê nên hư hỏng không xứng đáng một ngôi nhà thờ phượng. Có nơi vì thiếu sự hiện diện và quan tâm của vị mục tử nên giáo dân ngày càng thưa thớt,  nhiều người không còn đến nhà thờ như trước. Có nơi nhân sự quá thiếu thốn đến nổi tìm một người dạy giáo lý cho các em thiếu nhi cũng không ra. Và cũng có nơi giáo dân quá nghèo khó đến nổi họ chỉ có thể xin lễ bằng một nãi chuối hay một vài con cá bắt được từ dưới sông.

Toàn là những nơi như vậy nên các anh em khi chấp nhận sứ vụ thường phải xây dựng không chỉ cơ sở vật chất mà còn phải xây dựng cộng đoàn và những sinh hoạt tâm linh để vun đắp và củng cố đức tin cho mỗi thành viên trong cộng đoàn. Có người anh em khi đối phó với hoàn cảnh xem ra quá vô vọng cũng trở nên nhụt chí và chán nản. Nhưng sự dấn thân và cố gằng cũng dần mang lại những kết quả tốt đẹp trong công việc. Nhà thờ được sửa sang nhìn khang trang hơn. Giáo dân trở lại nhà thờ ngày càng nhiều hơn. Vì thấy kết quả gặt hái được từ nỗ lực của anh em mà cũng có những vị mạnh thường quân nhiệt tình giúp đỡ.

Hôm nay mình là người được bề trên giao cho trách nhiệm điều hành chương trình chia sẻ nên mình đã kết thúc bằng nhận định rằng: Có lẽ việc phải đến những nơi xa xôi, hẻo lánh, hoặc những nơi thiếu thốn về mọi mặt đã trở nên chuyện thường tình của một nhà truyền giáo Ngôi Lời tại Thái Lan. Điều này đã xảy ra ngay từ những ngày đầu tiên các nhà truyền giáo Ngôi Lời đặt chân đến Thái Lan. Và nó vẫn đang diễn ra chính trong lúc này với nhiều anh em đang làm việc ở các điểm truyền giáo khác nhau trong giáo phận. Có lẽ chúng ta cần phải cảm tạ Chúa vì Ngài đang dùng chúng ta một cách đặc biệt, đó là mang điều mới mẻ tới những nơi cũ kỷ và bị bỏ quên. Đó là tạo nên một điều mà trước đây chưa hiện diện ở nơi mình đã được sai đến. Những thách đố và khó khăn chính là những món quà và hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vì thế chúng ta phải cảm nhận niềm vui sâu sắc vì con đường thập giá chính là con đường của Chúa. Đó là con đường mà những người khác đã từng bước qua và đó là con đường chúng ta đang đi trên. Quan trọng là chúng ta biết dìu dắt nhau trên con đường chất chứa gia nan để giúp nhau san sẻ những khó nhọc cũng như nâng đỡ nhau khi yếu đuối.

Nong Bua Lamphu, ngày 6.7.2016

Chuyện dạy học





Bình thường tối thứ hai mình lái xe lên Đại chủng viện ngủ để sáng thứ ba khỏi phải đối phó với tình trạng kẹt xe khi đi dạy ở ĐCV. Nhưng tối hôm nay trời mưa nên mình bổng nhiên trở chứng làm biếng. Thật ra mưa không lớn, chỉ lắc rắc, nhưng mình không muốn đi.

Mình ở nhà một mình chờ các thầy gởi bài tập qua email để chấm bài. Mỗi tuần mình giao cho trách nhiệm đọc tài liệu rồi tóm tắt và nộp qua email. Mình có vài lý do tại sao yêu cầu các thầy nộp bài qua email mà không nộp bằng giấy như bình thường. Lý do thứ nhất là thời buổi này mình thấy không cần phải sử dụng giấy tờ nếu không cần thiết. In bài ra giấy thì vừa tốn giấy vừa tốn mực trong khi mình có thể kiểm tra bài hoàn toàn trên máy tính bảng của mình rất nhanh chóng. Thứ hai là nếu ai nộp bài hay không nộp bài thì sẽ có bằng chứng trong hộp inbox nên không có trường hợp nộp mà không nhận được. Mình cho hạn chót gởi bài là 10g tối ngày thứ hai nên cứ tầm 6 giờ tối trở đi là cái máy điện thoại của mình bắt đầu báo hiệu có điện thư cho đến những giây phút cuối của hạn nộp bài.

Đa số các bài mình đều kiểm tra trước khi vào dạy để xem mức độ tiếp thu tài liệu của các thầy ở mức nào. Tất cả tài liệu đều bằng tiếng Anh nên việc đọc và hiểu đối với nhiều thầy không phải chuyện đơn giản. Có khi tài liệu khó quá các thầy nộp bài tóm tắt ý chính mình đọc mà cứ tưởng như các thầy tóm tắt một tài liệu nào khác chứ không phải tài liệu mình cung cấp. Biết là khó nhưng cũng phải làm vì ĐCV đang triển khai việc dạy các môn triết và thần bằng tiếng Anh để nâng cao chất lượng giáo dục của học viện. Ngoài ra ở Thái Lan vẫn còn khá thiếu thốn sách vở chuyên đề về thần học nên buộc phải sử dụng tài liệu tiếng Anh mới học được.

Nghĩ cũng tội nghiệp cho các thầy. Sách vở tiếng Thái thì thiếu. Tiếng Anh của các thầy thì chưa đạt tới mức cao trong khi chính sách của ĐCV là sử dụng tiếng Anh trong việc giảng dạy và học tập. Có lẽ còn nhiều năm nữa chương trình giáo dục mới ổng định và có sự tương đồng giữa khả năng của người học và yêu cầu của chương trình. Còn trong khi này thì mọi người cần phải kiên nhẫn. Giáo sư phải kiên nhẫn khi học trò chưa đáp ứng được hết yêu cầu của môn học. Ngược lại học trò cũng phải kiên nhẫn và cần cù học hỏi, rèn luyện khả năng về ngoại ngữ  để tiếp thu được những kiến thức quan trọng, sâu sắc của các học giả nước ngoài mà họ tiếp cận trong các môn học của mình.

Bangkok, ngày 4.7.2016

Nhà cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok




Sau hơn một tháng thì ngôi nhà cộng đoàn Ngôi Lời đầu tiên tại Bangkok đã tương đối ổn định. Gọi là nhà cộng đoàn nhưng nó cũng chỉ là một căn nhà phố mà mình đã tìm thuê với một trệt hai tầng. Và gọi là cộng đoàn nhưng hiện tại cũng chỉ có mình và một bạn trẻ dự tu đang ở tại đây. Trong tương lại gần sẽ có thêm một anh em Ngôi Lời đến ở và làm mục vụ tại Bangkok. Dù chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé nhưng đầy đủ tinh thần của Lời Chúa Giê-su rằng ở nơi nào có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy sẽ ở giữa anh em.

Căn nhà mà mình thuê là một căn nhà trống nên thời gian qua mình đã phải trang trí cho nó với những thứ cần thiết như bàn ghế, tủ áo quần, kệ sách, đồ dùng trong nhà bếp v.v. Hình như đây là lần đầu tiên mà mình có cơ hội trang trí và mua sắm cho chỗ ở của mình. Từ trước đến nay mình chỉ ở những nơi đã có đồ đạc sẵn nên không cần phải suy nghĩ về cách trang trí hay sửa sang nhà cửa.

Mua sắm đồ mới cho đủ một căn nhà thì phải nói là quá tốn kém. Cũng may là ngoài ngân sách nhà dòng cung cấp thì còn có một số người ủng hộ để có thêm tiền mua những thứ cần thiết. Và có một gia đình người Thái có rất nhiều đồ đạc như bàn ghế họ không dùng đến nên đã tặng cho cộng đoàn. Thế là trong nhà bốn cái bàn làm việc, bộ bàn ăn, và chén ly bát đều hoàn toàn được người khác cho. Có dòng các seour dọn nhà còn cho hai thanh giường nữa. Đó là chưa kể có người từ Việt Nam tặng cho những tượng ảnh để làm bàn thờ và nhà nguyện.

Thế là cả tháng qua việc hoàn thiện căn nhà của cộng đoàn cứ diễn ra liên tục. Giai đoạn đầu thì làm tổng vệ sinh, sơn quét lại phòng tiếp khách, sửa lại hệ thống bơm nước, thay những ổ điện bị hư hỏng… Giai đoạn sau thì trang trí cho nhà nhìn sáng sủa hơn và mát mẻ hơn, có không gian dâng lễ trang nghiêm hơn. Sức lực cho những công việc này chủ yếu đến từ các anh chị em Việt Nam sinh sống trong khu vực đến phụ giúp. Không có họ tận tình giúp đỡ thì mình cũng coi như bất lực. Mới tối hôm nay có một ân nhân người Thái mang đến cho hai bàn làm việc. Hai cái bàn này họ từng dùng trong văn phòng công ty của họ. Bây giờ họ không dùng nữa nên biếu lại cộng đoàn. Nhưng khi đưa đến thì phát hiện ra hai bàn cở khá to, to hơn những cái bàn làm việc bình thường mà mình đã từng thấy. Mới đầu mình nghĩ có lẽ phải kêu xe để trả bàn lại cho họ vì không thể nào có thể đưa nó lên lầu trên để sử dụng được. Nhưng sau đó nhờ ba anh em Việt Nam đến giúp đỡ mà cả hai đều lọt vào những căn phòng tầng trên. Dĩ nhiên là vất vả lắm mới đưa hai cái bàn vừa to vừa nặng lên lầu, nhưng mình vừa mừng vừa an tâm khi không phải kêu xe để trả bàn lại cho người ân nhân đã có lòng tốt với cộng đoàn.

Hơn ba năm qua từ ngày mình hết làm quản xứ và chuyển về ở Bangkok thì chỉ ở trong ký túc của trường đại học hoặc trong phòng trọ. Đến bây giờ mới chuyển về nơi gọi là “nhà” vì có phòng ngủ, phòng tiếp khách, nhà bếp v.v. Mỗi lần nhìn xung quanh căn nhà mà mình đã tự tay đi thuê và trang trí, mình cảm thấy hạnh phúc vì tuy rằng căn nhà không phải lý tưởng lắm về địa điểm hay thiết kế, nhưng nó cũng sạch sẽ, gọn gàng, và ấm cúng. Sự ấm cúng của căn nhà không hẳn đến từ cách trang trí hay đồ vật mua sắm, nhưng đến từ sự đóng góp của nhiều tấm lòng để làm nên căn nhà của cộng đoàn. Người góp công, người góp của.

Hôm nay là thứ bảy đầu tháng nên mình tổ chức đọc kinh đền tạ trái tim Đức Mẹ trong nhà. Một số anh chị em đã đến tham dự. Cũng đã từ lâu mình ao ước có một nơi để tổ chức những chương trình cầu nguyện nho nhỏ, có một nơi để đón tiếp khách, để sinh hoạt… Cuối cùng thì điều đó cũng đã thành hiện thực. Ngày thứ bảy đầu tháng cũng là một dịp tốt để làm một trong những điều mà mình đã lên kế hoạch, và cũng là một dịp tốt để tạ ơn Chúa và Mẹ đã giúp cho mình trong suốt hơn một tháng qua để có được một nhà cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok.

Bangkok, ngày 2.7.2016