Nhật ký trên xe đò


Sáng sớm hôm nay cha Bình chở mình ra bến xe Union là nhà ga chính của thành phố để lên xe đi tiểu bang South Carolina. Hai ngày tròn lưu lại ở thành phố thủ đô Hoa thịnh đốn cũng đã kết thúc. Tuy là một chuyến đi nằm ngoại dự định nhưng lại là một trải nghiệm rất tuyệt vời, vì mình đã không chỉ được đến thăm cộng đoàn dòng Ngôi Lời tại đây mà còn được tham quan và tìm hiểu thêm về thành phố thủ đô của đất nước Hoa kỳ.

Cha Bình đã chia sẻ cho mình biết một điều rất thú vị về vị trí của nhà cộng đoàn Ngôi Lời. Đó là trong khu vực này có nhà cộng đoàn của hàng chục dòng tu cả nam lẫn nữ. Người ta còn gọi khu vực này là Rô ma thứ II vì có quá nhiều hội dòng tập trung ở đây. Lý do có lẽ vì gần đó có trường đại học Công Giáo Hoa Kỳ cũng như Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và một số học viện Công giáo khác. Ngay một bên nhà cộng đoàn dòng Ngôi Lời là nhà dòng Phanxico. Nhiều nhà dòng có chủng sinh hoặc thành viên đang học tại trường đại học Công giáo Hoa Kỳ nơi mỗi người phải mặc tu phục đến trường rất nghiêm túc. Tuy nhiên nếu ai không phải là tu sĩ mà chỉ là sinh viên bình thường thì mặc áo quần tự do như sinh viên ở các trường đại học khác. Một điều đáng tiếc là mặc dầu có những dòng tu có nhà cửa cơ sở rất khang trang nhưng số người ở trong đó lại quá ít vì ơn gọi tại Hoà Kỳ đã giảm hẳn trong thời gian qua. Dòng Ngôi Lời cũng từng có một cơ sở lớn với 60 phòng ngủ để cho các tu sĩ từ các nơi đến thuê ở trong thời gian đi học tai CUA, nhưng đã bán cách đây 5 năm vì không còn người sử dụng.

Trong những ngày này cảnh vật thật tuyệt vời. Hoa lá đang đâm chồi nẩy lộc khắp mọi nơi sau những ngày mùa đông băng giá. Ngoài những cây hoa anh đào còn có nhiều loại hoa khác cũng nở rộ trên đường phố, trong các công viên và trong những khu rừng thiên nhiên. Ở đây khi có trải nghiệm về sự khắc nghiệt của mùa đông thì người ta mới biết yêu quý những tia nắng ấm và những làn gió nhẹ của mùa xuân. Họ có thể ngồi bên dòng sông Potomac câu cá thả hồn theo dòng nước trôi, đạp xe qua những con đường xanh tươi và thanh bình của vùng ngoại ô, hoặc chỉ đơn giản nằm trên những thảm cỏ xanh nhìn ngắm cánh hoa anh đào nhẹ nhàng rơi. Tính chất của mùa xuân thật đặc biệt. Mùa xuân có sức sống nhưng không vồn vả. Có vẻ đẹp nhưng không phô trương. Mùa xuân tạo nên cho người ta niềm vui nhưng không cuồng nhiệt. Mọi thứ rất tiết chế và hài hoà. Sức mạnh của mùa xuân là thứ sức mạnh thu hút và quyến rủ con người chứ không áp đặc.

Chặng đường của mình hôm nay dài hàng trăm dặm kéo dài hơn mười tiếng đồng hồ trên xe đò đi qua ba tiểu bang. Một quãng đường xa mà đi đến đâu thì thấy mùa xuân đến đó. Mùa xuân đến trong thiên nhiên và trong lòng của những ai biết quý mến món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại là tác tạo tuyệt mỹ của Ngài. Cây cối biết mọc lá xanh tươi biết nở hoa tươi thắm là biết làm đúng theo chức năng và sứ mệnh mà Thượng đế đã giao phó cho nó. Con người cũng nên nhìn vào đó để ngộ ra những chân lý của cuộc sống và thấu hiểu vai trò, trách nhiệm của mình trên thế giới mà thực hành cho đúng với thánh ý của Ngài.

Trên xe Megabus, ngày 31.3.2016

Nhật ký trên không



Đã lâu lắm rồi mình mới có một chuyến bay xuyên nước Mỹ. Từ California ở miền tây Hoa Kỳ sang thủ đô Hoa Thịnh Đốn ở miền đông mất gần sáu tiếng đồng hồ trên hai chuyến bay. Đây sẽ là lần thứ hai mình đặt chân đến thành phố này, là trung tâm quyền lực của quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Lần đầu tiên đến Hoa Thịnh Đốn là tháng giêng năm 2000. Khi đó mình vẫn còn là một tập sinh của dòng Ngôi Lời. Toàn thể lớp nhà tập khi đó đang trên đường đi tĩnh tâm 30 ngày để cầu nguyện và suy niệm sâu sắc hơn về ơn gọi tu trì của mình trước khi đi đến quyết định có xin khấn lần đầu hay không. Đó là một cuộc tĩnh tâm trong thinh lặng theo phương pháp thánh Ignatio mà tập sinh trong nhiều hội dòng hay được trải nghiệm. Sau khi chương trình tĩnh tâm kết thúc cũng đã có một vài người trong lớp làm đơn xin về. Không phải về vì chịu không nỗi chương trình tĩnh tâm mà về vì những gì họ đã nhận ra trong những ngày chỉ có ăn, ngủ và cầu nguyện đó là họ được Chúa kêu gọi để sống một lối sống khác chứ không phải là những tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời.

Chuyến đi đến Hoa Thịnh Đốn lần này không nằm trong kế hoạch ban đầu của mình. Nhưng mình đã quyết định thực hiện chuyến đi này vì một người thuộc lớp đàn anh trong Dòng là cha Nguyễn Thanh Bình đã mời qua chơi vì thành phố đang vào tiết xuân rất đẹp với những cảnh vật xanh tươi. Hoa Thịnh Đốn cũng không quá xa nơi mình cần đến trong vài ngày nữa đó là thành phố Columbia, bang South Carolina. Ở đó mình sẽ tham dự một chương trình hội thảo về tôn giáo và môi trường được tổ chức tại trường đại học South Carolina. Thấy khá thuận tiện và cũng là một cơ hội hiếm có để đi tham quan thành phố trung tâm hành chính nước Mỹ nên mình đã nhận lời mời của cha Bình tới Hoa Thịnh Đốn.

Từ ngày trở về Mỹ thăm gia đình lần này đây là lần đầu tiên mình có chuyến đi xa. Hơn một tháng qua mình ở nhà để được gần gũi ba mẹ, các anh chị và các cháu. Mình cũng ở nhà để làm những công việc nghiên cứu, viết lách, và chuẩn bị nội dung cho các môn học mà mình sẽ dạy tại Thái Lan sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Chuyến đi này cũng là chuyến đi vừa kết hợp công việc với việc đi thăm những người thân quen, hội dòng...để nối kết mối tương quan với nhau. Ngồi máy bay chặng đường từ California qua Nevada thật đáng sợ vì gió mạnh và máy bay cứ lắc lư rung chuyển. Nhưng giờ này mình cũng đã sắp đến đích điểm là Hoa Thịnh Đốn. Máy bay đang dần hạ cánh. Trời bây giờ đã gần 10g tối. Mỗi khi đáp xuống an toàn đều là lúc mình không quên cảm tạ Chúa đã chở che cho chuyến đi được bình yên.

Trên máy bay xuyên Mỹ, ngày 28.3.2016

Lễ hội tha thứ



 
Tối hôm nay mình đi giải tội ở một nhà thờ có rất đông giáo dân là người Việt. Để chuẩn bị cho lễ mừng Chúa Kitô Phục Sinh giáo xứ tổ chức hai đêm để cho giáo dân Việt Nam đến tham dự bí tích hòa giải. Có tất cả khoảng 20 linh mục đến để giải tội. Từ lúc 5h30 chiều các cha đã đến nơi nhà thờ để dùng thức ăn tối. Có các cha trong giáo phận cũng như ngoài giáo phận, dòng cũng như triều. Bữa ăn rất thân mật và vui vẻ. Những dịp đi giúp giải tội trong mùa Chay Thánh xem ra cũng là những cơ hội tốt lành để cho quý cha được gặp gỡ và trò chuyện trong tinh thần huynh đệ.

Đến bảy giờ tối chương trình giải tội bắt đầu. Mình đang chuẩn bị vào nhà thờ để ngồi thì có một người đàn ông đến nói với mình là anh rất muốn đi xưng tội, nhưng anh có một đứa con bị bệnh tự kỷ nên nó không ngồi yên một chỗ được. Mình hiểu ý anh nên đề nghị đứng vào góc tường rồi anh có thể xưng tội trong khi đứa con tự kỷ vẫn chay qua chạy lại trước mặt.

Giải tội cho người đàn ông đó xong, mình vào trong nhà thờ thì thấy các cha đã được chia “địa bàn” trên và xung quanh khu vực cung thánh. Mình được ban trật tự hướng dẫn đến một chỗ ngồi gần một vị linh mục đã cao tuổi. Mình không biết ngài nhưng trong bữa ăn mình nghe mọi người gọi ngài là “cha giáo.” Từ chỗ ngồi của mình có thể thấy cha giải tội rất “phong cách.” Khi người giáo dân đến, cho dù là thiếu nhi, thanh niên, hay cao niên, ngài luôn chào họ với một cái bắt tay. Trong khi cho lời khuyên, ngài hay thể hiện sự nhiệt tình và thân thiện bằng cái vỗ đùi nhẹ. Và khi “tiễn” họ về, ngài tặng cho một cái vỗ vai.  Nhiều người khi xưng tội với ngài xong đứng dậy ra về với nụ cười trên môi. Nhìn cách giải tội của vị linh mục cao tuổi làm mình nhớ lại lời nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: “Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn, nhưng là nơi mà lòng từ bi của Chúa thúc đẩy chúng ta hành động tốt đẹp hơn.”

Mặc dầu có khoảng 20 linh mục giải tội nhưng cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến người cuối cùng vì số giáo dân đến tham dự bí tích hòa giải rất đông. Người già 80, 90 tuổi cũng có. Những người thanh niên cũng có. Còn có những em thiếu nhi chỉ có thể nói tiếng Việt bập bẹ những vẫn cố gắng xưng tội bằng tiếng Việt. Thật tuyệt vời khi biết rằng trong những giờ đồng hồ đó rất nhiều người đã được hòa giải với Chúa và anh em qua bí tích thánh. Lòng thương xót và tha thứ của Chúa đã tuôn đổ xuống và tràn ngập tâm hồn của những người biết ăn năn thống hối vì những lỗi lầm làm mất lòng Chúa và những người xung quanh. Nhìn hàng chục linh mục ngồi chia đều khu vực cung thánh, chào đón những tội nhân, lắng nghe và cho họ những lời khuyên, nhân danh Chúa tha tội cho họ, rồi chúc lành cho họ trước khi ra về, mình có cảm nhận tối hôm nay không đơn thuần là một chương trình phụng vụ mà là một lễ hội tha thứ và thương xót—một lễ hội mà mọi người đến tham dự đã ra về trong niềm vui hân hoàn tràn trề.

Costa Mesa, CA, ngày 17.3.2016

Hành trình





Cách đây vài ngày mình đi tham dự lễ kỷ niệm 25 năm linh mục của một cha dòng Ngôi Lời. Cha Trọng là một trong những người Việt Nam đầu tiên gia nhập dòng Ngôi Lời tại Hoa Kỳ. Sau khi chịu chức, ngài được sai đi phục vụ tại Philippines, rồi Việt Nam và cuối cùng trở lại Mỹ. Với những sứ vụ khác nhau mà ngài được trao phó trên cánh đồng truyền giáo cũng đã đếm được 25 năm. Chặng đường dài như thế nhưng cha Trọng so sánh nó chẳng khác gì cuộc hành trình của hai môn đệ của Chúa Giêsu trên đường Emmaus. Có nhiều khi đi trong hoang mang và thất vọng với những hoài nghi và nỗi khổ. Nhưng cuộc hành trình không bao giờ cô độc vì bên cạnh luôn có những người cùng đồng hành. Đó là những người anh em cùng chia sẻ sứ vụ truyền giáo. Đó là những người giáo dân ở những nơi ngài đi đến. Đó là những chủng sinh trong chương trình đào tạo của hội dòng. Và trên hết, đó là chính Chúa Giêsu cùng sánh bước trên mọi nẻo đường của cuộc hành trình có khi chất chứa nhiều cam go, nhưng cũng tràn đầy hồng ân và yêu thương của Chúa.

Nghĩ về những chia sẻ của cha Trọng mình nhận ra rằng ý nghĩa của một chuyến đi không lệ thuộc vào quãng đường hay thời gian, nhưng là cảm nhận về sự hiện diện của những người đang cùng tiến bước với mình trên cuộc hành trình đó. Cho dù là ngắn hay dài thì cuộc hành trình chỉ thực sự có ý nghĩa khi mình nhận ra rằng đi là đi với Chúa và đi cùng với người anh em. Nếu có được điều đó thì mọi gian nan thử thách đều có thể vượt qua. Mọi thất bại có thể chấp nhận. Và mọi khổ nhọc đều trở nên hồng ân.

Costa Mesa, ngày 15.3.2016

Thiếu thương xót




Hôm qua mình đi dâng lễ Chúa Nhật ở một nhà thờ của người Việt xây dựng có cha chánh xứ cũng như cha phó đều là người Việt. Cha phó tên Toàn chính là người mời mình đến đồng tế với ngài và giảng trong thánh lễ. Thánh lễ có đa số là người lớn tham dự vì còn sớm, nhưng đông đủ đầy nhà thờ. Trước lễ cha Toàn hỏi mình muốn giảng ở bục hay muốn đi ra giữa giảng. Mình nói muốn ra đứng giữa và xin cái micrô không giây. Cha Tòan nói ở đây không có micrô này, chỉ có loại đeo tai. Nhìn cái micrô có cái cộng chìa ra từ chỗ đeo nơi vành tai tới gần miệng, mình cứ liên tưởng đến mấy ca sĩ trên sân khấu vừa hát vừa nhảy vũ đạo nên mới dùng loại micrô như vậy. Làm linh mục giảng lễ thì cũng chẳng phải múa máy gì cả. Có cái micrô to to cầm trên tay thấy nó đỡ trống trải và an toàn hơn. Nhưng nhập gia thì tùy tục, ở Mỹ dường như các nhà thờ đều dùng loại micrô này để giúp cho vị chủ tế không bị vướng mắc bởi những cái micro cồng kềnh hay cố định.

Hôm qua bài phúc âm thuật lại người phụ nữ ngoại tình bị người dân lên án đòi kết tội và được Chúa Giêsu tha thứ. Trong bài giảng, mình liên kết hành động của người dân đối với người phụ nữ với hành động của nhiều người giáo dân đối với nhau trong cộng đoàn giáo xứ. Họ thích lên án và bắt tội những người khác trong cộng đoàn, thậm chí bắt tội cả cha xứ. Dường như đi đâu mình cũng nghe kể chuyện về những cộng đoàn giáo dân Việt Nam bị chia rẻ, bị xáo trộn bởi những xung đột, kiện cáo lẫn nhau. Hiện tượng người Công giáo Việt Nam chia bè chia phái, thích chỉ trích nhiều hơn hành động, thích gây chiến nhiều hơn giải hòa hình như đã trở nên vấn đề cơm bữa của nhiều cộng đoàn giáo xứ ở nước ngoài cũng như trong nước. Điều này thật đáng tiếc và thật đáng buồn bởi vì lời truyền dạy của Chúa Giêsu rằng hãy yêu thương nhau để cho người khác nhìn vào có thể nhận ra đó chính là môn đệ của Ngài dường như đã bị lãng quên ở khắp nơi.

Tuần trước mình gặp một người cha bạn đang phục vụ ở một cộng đoàn nhỏ người Việt Nam. Cha bạn nói với mình rằng: “Hy vọng năm nay là năm thánh của Lòng Thương Xót Chúa những người giáo dân trong cộng đoàn sẽ được cảm hóa chứ tình trạng như trong lúc này thì căng thẳng quá.”  Vào nhà thờ, đặc biệt trong năm này người ta nghe nhiều về lòng thương xót Chúa, hát những bài thánh ca ca tụng tình yêu và lòng từ bi của Chúa, nhưng nhiều người không ý thức được rằng đó là cái tấm gương, cái “mô hình” mà họ phải đem ra áp dụng trong cuộc sống của chính mình. Vì thế mới tiếp tục diễn ra hiện tượng lên án và chỉ trích nhau ngoài nhà thờ rồi vào bên trong đọc kinh lòng thương xót như một vòng lẫn quẫn.

Costa Mesa, CA, ngày 14.3.2016


Ra đường gặp người tốt


Tối nay mình đạp xe đi tập thể dục tại câu lạc bộ thể hình. Đạp ra ngoài một lúc thì thấy bánh xe đạp mềm quá. Mình sực nhớ anh trai, người cho mình mượn xe đạp đã bảo rằng bánh non hơi cần phải đem đi bơm ở trạm xăng. Mình nhìn qua nhìn lại trên đường trạm xăng thì có, nhưng tiền thì không. Mình đi tập thể dục nên không mang tiền đi theo.

Mình thấy có một gia đình người Mexicô đang đi trên đường. Ông bố dẫn chiếc xe đạp. Mẹ đẩy xe nôi. Và thêm một bé gái khoảng tám tuổi đi bên cạnh. Ông bố vừa đi vừa hát cho đứa trẻ trong nôi nghe. Mình thấy ông có xe đạp nên tới hỏi: - Xin lỗi cho tôi hỏi ông có đồ bơm xe không? Xe tôi bị mềm lốp.

Ông trả lời: - Rất tiếc tôi không có. Nhưng anh có thể vào trạm xăng bên kia đường để bơm.

- Tôi nghe nói là bơm ở trạm xăng được, nhưng tôi đang đi tập thể dục mà không có mang tiền theo.

- Vậy để tôi cho anh tiền đi bơm.

- Như vậy thì phiền ông quá.

- Không sao đâu. Chỉ 50 xu thôi mà.

Đứa bé gái nói vào: - Không phải 50 xu đâu bố mà một đô mới đủ. Mà phải bỏ vào đồng 25 xu chứ loại tiền cắc khác máy không lấy.

Bà vợ ngồi xuống mở túi sách ra để lục những đồng 25 xu để đưa cho mình. Lục mãi mới tìm ra được bốn đồng 25 xu. Họ đưa cho mình. Mình vừa nhận vừa cảm ơn họ rồi băng qua đường vào trạm xăng.

Khi tới trạm xăng thì người coi tiệm nói rằng máy bơm này chỉ dùng cho xe hơi, chư xe đạp không bơm được vì áp xuất cao quá. Mình nghe như vậy nên không bơm nữa sợ nổ lốp thì nguy.

Mình đạp xe ra khỏi trạm xăng thì thấy hai bạn trẻ người Mỹ trắng đang khóa xe đạp của họ trước một nhà hàng. Họ chuẩn bị đi vào bên trong. Mình tới hỏi: - Bạn có đồ bơm xe đạp không?

Một trong hai bạn trẻ trả lời: - Chúng tôi không có. Nhưng anh có thể qua trạm xăng để bơm.

- Tôi vào rồi nhưng nhân viên nói bơm đó chỉ dùng cho xe hơi thôi.

- Đâu có. Xe đạp cũng bơm được.

- Tôi chưa bao giờ bơm bằng máy này cả. Bạn có thể giúp tôi không?

- Được thôi. Anh đưa xe qua đó đi rồi tôi theo sau.

Mình dẫn xe đạp trở lại trạm xăng, đến cái máy bơm hơi. Rồi bỏ vào trong đó 4 đồng 25 xu. Máy bơm hơi bắt đầu xì xào. Người bạn trẻ lấy ống dẫn hơi vào đút vào van xe đạp. Mới đầu hơi không vào mà bánh còn mềm hơn. Bạn ấy vặn qua vặn lại một lúc bánh xe mới bắt đầu căng lên.

Bơm xong, mình cảm ơn người bạn trẻ: - Thật là tuyệt vời. Cảm ơn cậu nhé.

- Không có chi cả. Giúp anh được là tốt rồi.

Mình leo lên chiếc xe đạp rồi tiếp tục đi đến câu lạc bộ tập thể dục. Bánh xe bây giờ đã tốt hơn, mặc dầu bánh trước vẫn còn hơi mềm so với bánh sau. Nhưng điều đó không làm cho mình khó chịu. Vừa đạp xe trên vĩa hè vừa cảm nhận sự mát mẻ của thời tiết về đêm, và vừa cảm thấy trong lòng dâng lên niềm vui vì trên đường từ nhà tới câu lạc bộ tập thể dục chỉ bốn cây số mà mình đã gặp được một gia đình tốt đã cho mình tiền, và một bạn trẻ tốt bụng đã giúp mình bơm xe đạp.

Costa Mesa, CA ngày 29.2.2016