Giới trẻ một giáo phận, hai kiểu giữ đạo





Các bạn trẻ đi lễ Chúa Nhật tại một nhà thờ ở Gp VinhAdd caption

Tối qua mình nói chuyện với một bạn trẻ đang ở quê Hà Tỉnh. Bạn ấy từng làm việc ở Thái Lan nhưng đã trở về Việt Nam để lo việc cá nhân. Bạn chia sẻ với mình rằng ở quê mỗi ngày bạn đi nhà thờ ba lần – Lễ sáng, 3 giờ chiều (đọc kinh Lòng Thường Xót Chúa), và ban tối. Những ngày này còn đi nghe ngắm và được rước Chúa hàng ngày. Bạn trẻ cảm thấy rất sốt sáng và hạnh phúc khi được sống trong môi trường đạo đức của cộng đoàn giáo xứ. Ở Thái Lan bạn chỉ có thời giờ đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật.

Lời chia sẻ của người bạn trẻ làm cho mình không khỏi phân vân. Nếu ở quê nhà người trẻ được huấn luyện để siêng năng đi nhà thờ, một ngày không chỉ một lần mà nhiều lần, nếu người trẻ luôn lấy nhà thờ làm trung tâm điểm của đời sống thường nhật, thì tại sao có quá nhiều bạn trẻ từ Giáo phận Vinh khi sang Thái Lan làm việc và sinh sống lại lơ là trong việc giữ đạo đến thế. Tại sao lại có trường hợp ban lãnh đạo nhóm giới trẻ phải đi gọi điện thoại từng người, phải gõ cửa từng phòng, còn hứa tới đón tận nơi mà vẫn từ chối đi lễ ngày Chúa Nhật. Lễ tiếng Thái không đi đã đành, lễ tiếng Việt cũng chẳng màng đến. Đã có quá nhiều lần mình nghe những bạn lãnh đạo nhóm nói với mình rằng: - Thưa cha nếu ở đây các bạn đi lễ hết thì chúng con trên 100 người, nhưng chúng con chỉ có 30-40 người thôi!

Gần đây trong một cuộc họp ban điều hành các nhóm và các vị linh mục tu sĩ linh hướng, một anh lãnh đạo yêu cầu các cha đi đến khu vực của mình để thăm viếng từng phòng trọ của các bạn trẻ Việt Nam để kêu gọi và khuyến khích họ đi lễ. Chưa nói đến việc các cha có sức và thời giờ để đi làm công việc này hay không vì trong cộng đoàn có mười mấy nhóm, trải dài trên bảy tỉnh thành trong khi mục vụ cho người Việt chỉ là công việc “làm thêm” của các cha ngoài sứ vụ chính mà hội dòng đã giao phó, thì ta phải đặt vấn đề: Nếu ở quê nhà, các cha xứ còn cấm không cho những giáo dân ăn mặc không chỉnh tề vào nhà thờ, thậm chí có người bị đuổi ra khỏi nhà thờ vì nhuộm màu tóc lòe loẹt, thì hỏi tại sao ở Thái Lan các cha cần phải đi gõ cửa từng phòng để kêu mời đi lễ? Tại sao lại có sự khác biệt trong cách giữ đạo giữa hai môi trường một cách khủng khiếp như vậy?

Hôm qua mình nói chuyện với một giáo dân người Thái mới đi du lịch Anh Quốc và Á Nhĩ Lan về. Vị giáo dân này kể cho mình nghe rằng ở Anh Quốc dường như đã bị trần tục hóa hoàn toàn. Còn người Công giáo ở Á Nhĩ Lan vẫn rất truyền thống và sùng đạo. Tuy nhiên, có nhiều người trẻ Á Nhĩ Lan khi sang Anh Quốc làm việc thì sống lối sống bê tha, không nhà thờ nhà thánh, ăn ở với nhau trước hôn nhân là chuyện bình thường. Nhưng vào những dịp lễ, họ đưa nhau về quê thì nhà ai nấy ở, và trở lại với lối sống nghiêm khắc của cộng đoàn. Sau kỳ nghỉ kết thúc, họ tiếp tục sang Anh và ăn ở với nhau như cũ.

Nghe chuyện của người trẻ Á nhĩ lan không làm cho mình khỏi liên tưởng đến những người trẻ GP Vinh sang Thái Lan làm việc và sinh sống. Khi ở quê, họ sống theo nề nếp của cộng đoàn, nhưng khi sang Thái Lan thì ăn cắp ăn trộm có, cờ bạc có, bắt cóc người để tống tiền có, gọp gạo nấu chung có, lập gia đình rồi mà vẫn ăn ở với người khác có, chỉ việc đi lễ ngày Chúa Nhật, cho dù là tiếng Thái hay tiếng Việt thì rất nhiều người lại không có.

Bangkok, ngày 24.3.2015

No comments: