Các bạn trẻ Việt Nam ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu |
Người Công Giáo Việt Nam ở miền trung và miền bắc
có một truyền thống rất tốt lành là ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu trong dịp
Mùa Chay Thánh. Ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, người Công giáo đi Đàng thánh
giá để suy niệm và sống lại cuộc hành trình đau khổ của Chúa Giêsu lên đồi
Calvê để hy sinh mạng sống cứu chuộc nhân loại. Mục đích của việc ngắm sự thương khó cũng thế.
Tuy nhiên, Đàng Thánh Giá chỉ có 14 chặng (chặng thứ 15 được bổ sung thêm sau
này để suy niệm về sự phục sinh của Chúa), trong khi những điều ngắm thì có 15 điều,
chỉ tập trung chủ yếu vào hai bối cảnh khi Chúa Giêsu bị đưa ra quan tòa và khi
Ngài bị đóng đinh trên thập giá. Lời ngắm dùng từ ngữ rất bình dị nhưng luôn
miêu tả rõ ràng hình ảnh và cảm xúc của Chúa Giêsu khi ngài phải trải qua sự phản
bội của người môn đệ, phải chịu những roi đòn ghê gớm từ quân dữ, và sự sĩ nhục
từ người Do Thái cùng sự đau đớn khủng khiếp khi bị đóng đinh trên cây thánh
giá. Ngắm thứ 10 kể rằng, “Bấy giờ nó bắt Đức Chúa Giê-su nằm ngửa trên Thánh
Giá, liền lấy búa đóng đinh tay tả, tay hữu thì nó buộc kéo hết sức, liền giãn
xương ngực ra, cho nên Đức Chúa Giê-su đau lắm ; đoạn nó lại kéo hai chân xuống,
cho đến lỗ nó làm đã sẵn mà đóng đinh vào. Bấy giờ các quan lấy một ván viết chữ
vào rằng : "Giê-su Na-gia-rét, là vua Giu-dêu", đoạn đóng ván ấy vào
Thánh Giá. Ý quan viết chữ ấy cho xấu hổ ? song lẽ ý Đức Chúa Trời khiến viết
chữ ấy cho thiên hạ biết Đức Chúa Giê-su, dù mà chịu hèn hạ làm vậy, thì cũng
là vua thật Giu-dêu, cùng hết mọi nước. Đoạn nó đào lỗ dựng Thánh Giá lên, khi ấy
dấu hai tay Đức Chúa Giê-su bởi xác nặng thì xếch ra, máu chảy xuống đất ròng
ròng.”
Lời ngắm đọc thấy thảm thương đã đành. Nhưng cái đặc
biệt của truyền thống không phải nằm ở nội dung của các sự thương khó mà nằm
trong cái cách ngắm là cả một nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt Nam. Người ngắm
đọc theo cung điệu với những chỗ nhấn và ngân giọng chính xác, khi trầm khi bổng
để truyền tải cảm xúc cho người nghe có thể cảm nhận được sự đau đớn tột cùng
mà Chúa Giêsu phải chịu đựng. Vì thế việc ngắm sự thương khó là một nghệ thuật
đặc trưng của người Công giáo Việt Nam nói chung và của từng vùng miền nói
riêng. Cũng giống như khi đọc kinh, người Việt Nam ở các vùng miền khác nhau xướng
tùy theo giọng địa phương thì việc ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu cũng thế.
Và vì ngắm không chỉ là một việc đạo đức mà còn là
một nghệ thuật nên ở nhiều giáo xứ người ta còn có tổ chức thi ngắm mà chỉ có
những người ngắm giỏi mới dám đi tranh tài. Trong những chương trình ngắm để cầu
nguyện cũng như để thi thố, người ngắm lên đứng trước cộng đoàn, xoay về hướng
bàn thờ. Nơi đó có đặt cuốn sách ngắm. Ngày xưa chưa có sách quốc ngữ thì người
ta dũng sách chữ nho còn gọi là chữ nôm. Bên cạnh người đứng ngắm có một vị “trọng
tài” cầm sách quan sát dò theo từng li từng tí. Bất cứ một cái lỗi nào cho dù
là sai một dấu chấm, dấu phẩy, phát âm sai hay làm một động tác nào không đúng
thì vị trọng tài cho vang lên một tiếng trắc. Ở nhiều nơi người ta sắp xếp một
đoàn thiên thần để đón rước người ngắm nguyện về lại chỗ ngồi một cách long trọng
nếu họ không bị một cái trắc nào. Nhưng nếu bị một trắc thì đoàn thiên thần rút
lui và người ngắm không được vinh dự đó. Nếu người ngắm bị ba cái trắc thì phải
ngừng ngay lập tức để cho người khác lên ngắm lại.
Mặc dầu việc ngắm nguyện là một sinh hoạt đạo đức
vô cùng nghiêm túc, nhưng cũng có không ít sự khôi hai gắn liền với nó. Khi người
Công giáo ngồi nói chuyện với nhau, họ hay kể về những điều hài hước liên quan
đến sinh hoạt này. Trong những cuộc thi ngắm, người ngắm hay còn nhận được những
tràng pháo tay chúc mừng như đã hoàn tất một tiết mục văn nghệ đặc sắc. Người
ngắm mà vụng về cũng có thể làm cho “khán giả” cười rồ lên. Có người kể rằng,
trong giáo xứ của họ, một lần kia có người lên đứng ngắm, nhưng đến một câu ngắm
thì đọc thiếu một chữ. Giáo dân phát hiện và bắt đầu xì xào bình luận vì không
thấy vị giám khảo đánh trắc. Vị giám khảo hiểu được tình huống nên giải trình
cũng bằng cung điệu của giọng ngắm cho ăn nhập với bài ngắm rằng, “Không phải
mô…Chỗ ni bị gián cắn mất rồi…” Ở vùng quê là thế. Trước đây người ta dùng sách
nghi thức cũ kỷ nên cũng dễ tạo nên những tình huống khôi hài trong đời sống đạo.
Người Công giáo từ hai vùng bắc và trung của Việt
Nam khi di cư vào nam cũng đã mang theo truyền thống tốt lành này theo mình và ở
các nhà thờ của họ, vào Mùa Chay vẫn thường xuyên nghe những tiếng ngắm buồn da
diết giúp cho giáo dân sống tinh thần mùa ăn năn thống hối. Việc ngắm thường
dành cho người lớn tuổi, đặc biệt là những ông cụ bà cụ. Ở Thái Lan thì không
có những người lớn tuổi. Chỉ có những người trẻ lao động di dân. Nhưng cứ đến
Mùa Chay Thánh thì các bạn trẻ ở nhiều khu vực khác nhau cũng tổ chức ngắm nguyện
để hòa nhập vào tinh thần của mùa phụng vụ. Mặc dầu xa quê không có những người
ngắm giỏi như ở quê nhà, không có những cuộc thi tài ngắm để chấm điểm, không
có người đánh trắc mỗi khi ngắm sai hay đoàn thiên thần rước về một cách vinh
quang khi ngắm tốt, nhưng chỉ có lòng đạo đức của các bạn để suy niệm và cầu
nguyện về sự thương khó của Chúa, để sống lối sống đạo đặc trưng của người Công
giáo Việt Nam trên đất khách quê người, và để chuẩn bị tâm hồn thật tốt để đón
mừng ngày lễ Chúa Kitô Phục Sinh.
Bangkok, ngày 23.3.2015
No comments:
Post a Comment