Sống đạo giữa đời - chuyện một sinh viên nghèo trả lại tài sản nhặt được


Mấy ngày qua nhiều người đã đọc tin tức về một chàng sinh viên gốc Hà Tĩnh đang theo học tại Đà Nẳng sau khi tình cờ nhặt được ví tiền với nhiều tài sản trong đó, đã trả lại mọi thứ cho chủ nhân của nó. Các bài báo đưa tin số tiền và tài sản có giá trị hơn 1,3 tỉ đồng. Thật ra thì trong ví ngoài giấy tờ thì tiền mặt chỉ là 15,5 triệu đồng và có thêm một chiếc Iphone 5s. Lý do nói là 1,3 tỉ đồng là vì trong ví còn có thêm hai sổ tiết kiệm ngân hàng với số tiền vừa nêu. Người bạn trẻ có tên là Lê Doãn Ý, 23 tuổi, một trong 6 người con trong một gia đình không khá giả. Còn người bị mất ví là chị Phạm  Ngọc Minh Thư, một người dân Đà Nẳng.  Sau khi Ý nhặt được cái ví này thì đã quyết định không giữ lấy nó mà đã liên lạc và trao lại giấy tờ và toàn bộ tài sản cho người đã đánh mất.

Một vài điều nhận xét về câu chuyện có hậu tốt này. Thứ nhất là các bài báo có vẻ hơi phóng đại về giá trị của tài sản. Mặc dầu trong ví có những thứ cộng lại là trên 1,3 tỉ thật, nhưng khó mà để cho người nhặt có thể chiếm đoạt được số tiền đó. Tài khoản ngân hàng không phải cứ mang sổ tiết kiệm đến nhà băng là rút ra được. Người rút tiền phải là chủ nhân tài khoản, phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh điều đó, và phải ký vào các giấy tờ thủ tục mới nhận được tiền. Ngoài ra, chủ  nhân tài khoản sau khi phát hiện mình bị mất sổ tiết kiệm chỉ cần liên lạc với ngân hàng để báo cáo và khóa tài khoản thì không ai có thể rút tiền ra khỏi tài khoản được. Vì thế, trên thực tế người nhặt tiền chỉ có thể lấy số tiền mặt, chiếc điện thoại Iphone 5s, và có thể được thêm một số tiền nữa nếu đòi chủ nhân cái ví phải bỏ tiền ra chuộc lại giấy tờ. Nhưng tất cả những thứ này cộng lại cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền mà báo chí đưa tin.

Nói như vậy không phải là để xem thường hành động đạo đức của Ý vì cho dù là 1,3 tỉ hay là một vài triệu đi nữa thì lòng tốt vẫn là lòng tốt. Trên thực tế nhiều khi người ta dễ trả lại 1,3 tỉ hơn là trả lại vài triệu đồng. Đó là vì 1,3 tỉ thì quá lớn và người nhặt được sẽ cảm thấy vô cùng bất an nếu tìm cách giữ hoặc trong trường hợp này chiếm đoạt số tiền đó (bằng cách tìm người giã mạo làm chủ nhân tài khoản để đi rút tiền). Nhưng với một chiếc điện thoại hoặc một số tiền nào không quá lớn thì nhiều người sẽ cảm thấy khá ung dung để giữ lấy sau khi nhặt được nó. Có thể họ sẽ tự nhủ: “Chừng này tiền cũng chả là bao. Người mà có tiền tỉ trong ngân hàng thì mất dăm ba triệu có nghĩa lý gì đối với họ?”

Điều này cho thấy cái lòng tốt của Ý được thể hiện không phải vì bạn ấy không giữ lấy 1,3 tỉ đồng, mà vì bạn ấy vẫn không giữ lấy số tiền 15,5 triệu và chiếc Iphone cho dù biết rằng chủ nhân của nó có đến tiền tỉ trong ngân hàng. Một con người thật thà, không tham lam thì cho dù số tiền nhỏ hay lớn đều tác động vào lương tâm họ như nhau. Và trước sự lựa chọn giữa điều đúng và điều sai thì một người có lương tâm khỏe mạnh và quân bình sẽ luôn chọn làm điều đúng đắn.

Điều thứ hai đáng chú ý trong bài báo về Ý là bạn ấy chỉ đến gặp chị Thư sau khi đã đi lễ Chúa Nhật để hoàn tất bổn phận của một tín hữu. Khi kết thúc mỗi Thánh lễ, linh mục luôn nói rằng: - Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an.

Nhiều người nghĩ rằng chúc đi bình an này là chúc đi về nhà bình an, đừng bị tai nạn giao thông hay gặp sự cố không may dọc đường. Có người nghĩ rằng câu chúc này cũng giống như những câu chúc khác mang tính nhân văn và lịch sự trước khi chào tạm biệt một ai đó.  Nhưng trên thực tế, đây không phải là một câu chúc suông nhưng là một mệnh lệnh. Trong sách lễ tiếng Việt có thêm chữ “chúc” vào để nghe cho có vẻ nhẹ nhàng êm tai. Nhưng thật ra cần phải nói là “Thánh lễ đã xong, anh chị em hãy lên đường!” Lên đường để làm gì? Không phải là lên đường đi chơi ở trung tâm mua sắm. Không phải lên đường để đi chụp hình tự sướng ở công viên giải trí. Không phải lên đường về nhà tụ họp bạn bè liên hoan. Mà lên đường để sống tinh thần của Thánh lễ trong đời sống hằng ngày. Tinh thần cầu nguyện, tinh thần chia sẻ, tinh thần sống Lời Chúa v.v. mà mọi người thực hiện trong một giờ đồng hồ trong nhà thờ cần phải được kéo dài và cụ thể hóa trong đời sống thường nhật – nơi trường học, nơi công sở, nơi gia đình, trên đường phố…

Bạn sinh viên Lê Doãn Ý đã làm điều này trong cuộc sống của mình. Sau khi đi lễ xong, Ý đã đến gặp chủ nhân của chiếc ví mà mình đã nhặt được để trả lại cho họ. Giữa hai hành động đi lễ và hành động trả lại ví tiền có sự liên kết với nhau cách chặt chẻ. Bạn ấy không chỉ giữ đạo bằng cách đi lễ, mà còn giữ đạo trong cuộc sống mỗi ngày. Đi lễ không phải chỉ là chu toàn bổn phận của một người có đạo, mà nó còn phải giúp cho mình sống đạo trong những tình huống cụ thể trong đời sống thực tế, đặc biệt là những tình huống bị cám dỗ về vật chất và thể xác. 

Thật ý nghĩa khi câu chuyện của bạn Ý diễn ra trong Tuần Thánh khi mỗi người Công Giáo đang cần phải nhìn lại thật kỹ lưỡng về cách sống đạo của mình cũng như mối tương quan với Thiên Chúa và người xung quanh. Có lẽ những tờ báo khi đưa tin về sự việc này cũng không nghĩ rằng câu chuyện của Ý có liên quan gì đến Tuần Thánh hay  mang tính chất tâm linh. Có lẽ họ chỉ cho rằng đây là một trường hợp điển hình về sự thật thà của một người nghèo, một tấm gương tốt cho mọi người noi theo. Nhưng nó còn hơn thế nữa. Câu chuyện này là một câu chuyện về sự trung tín trong chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ. Và đối với người Công giáo, nó là câu chuyện về sự đi đôi giữa việc giữ đạo và sống đạo. Cuộc sống của người Công giáo không thể chỉ là một Thánh lễ đứt quãng, mà phải là một Thánh lễ nối dài, từ chỗ ngồi ở hàng ghế gỗ trong nhà thờ, cho đến nơi hàng người đang chen chúc mua vé tàu lửa, cho đến giữa những dòng xe tấp nập trên đường phố, và trong bất cứ ngõ hẻm quanh co nào trong cuộc sống mỗi ngày. 

http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/chang-sinh-vien-tra-lai-so-tiet-kiem-hon-1-3-ty-dong-nhat-duoc-3175382.html

Bangkok, ngày 2.4.2015


No comments: