Nhìn lại những ngày Tết Ất Mùi

Chiều 30 Tết - Chuẩn bị nhà để đón Xuân 
 
Đêm giao thừa ở tu xá dòng Đaminh
 
Mồng một Tết

Lễ mồng hai tết với các bạn trẻ Việt Nam tại Petliu, tỉnh Chachaeongsao
 
 Lễ mồng ba Tết với các bạn trẻ Việt Nam nhóm Bangbon

Lễ Chúa Nhật, mồng bốn Tết với các bạn trẻ nhóm Praram 3
 
Du xuân tại khu du lịch Safari World ngày mồng 5 Tết.

Ai đó nói Tết trên đất khách quê người buồn, nhưng đối với mình thì không có cái Tết nào mà mình không tìm được niềm vui. Têt năm nay đối với mình đặc biệt hạnh phúc khi mình không chỉ được dâng các Thánh lễ tất niên và đầu năm với các anh em linh mục và các bạn trẻ, mà còn có những buổi tiệc liên hoan, ca hát, trò chuyện, và chúc mừng năm mới đến nhau. Và ngày mồng 5 Tết lại kết thúc những ngày lễ bằng một chuyến du xuân thật tuyệt vời. Làm sao có được một mùa Xuân đầy ý nghĩa? Thứ nhất phải nhận ra những dấu chỉ mùa xuân trong thiên nhiên. Thứ hai, tìm đến những người thân quen xung quanh mình. Thứ ba, hãy để cho tâm hồn hòa nhập vào tinh thần của ngày lễ. Và cuối cùng, hãy để cho Chúa Xuân hiện diện ở đó để Ngài thánh hóa tâm hồn của mình và mỗi mùa trong cuộc sống.

Bangkok, ngày 24.21.2015

Tết xa nhà

Đây là bầu khí mừng Tết ở nhà bố mẹ của mình năm nay. Cách đây hai năm được nghỉ phép về ăn Tết vơi gia đình. Đó là lần đầu tiên ở nhà trong ngày Tết sau 19 năm. Không biết khi nào mới có thêm dịp đón Xuân với bố mẹ, các anh chị và các cháu. Vừa rồi gọi điện thoại về mẹ nói trong nhà ta có 24 thành viên. Nếu có đầy đủ mọi người thì chẳn hai tá. Nhưng năm này thiếu 3 người nên còn 21. Mà 3 * 7 = 21. Dù hai tá hay 21 gì cũng là số đẹp hết.

 





Chuyện cây mai trên đất Thái Lan


Ở Việt Nam thì một trong những biểu tượng quan trọng nhất của ngày Tết là hoa mai. Ở miền nam thời tiết nắng ấm nên hoa mai nở rộ vào những ngày đầu xuân. Ở Mỹ những năm gần đây tại các tiểu bang có thời tiết ấm thì người ta cũng đã có hoa mai để ăn Tết. Thế mà từ ngày mình đến Thái Lan thì chưa thấy hoa mai trên đất Thái bao giờ. Mình thấy làm lạ tại sao Thái Lan có khí hậu như Việt Nam mà lại không thấy cây mai trong khi những cây khác như hoa phượng, hoa sứ, hoa sữa đều có cả. Khi nghĩ đến điều này thì trong lòng cảm thấy hơi thất vọng và một chút bức xúc. Chỉ còn vài ngày nữa thôi thì đến Tết rồi. Lại thêm một năm nữa thay vì có một chậu hoa mai thật để đón Tết thì lại phải chấp nhận một chậu hoa mai nhân tạo.

Thế mà tối hôm qua mình đang đi dạo lang thang trên facebook thì tình cờ thấy những tấm hình của một seour người Thái tên Sr. Scholastica đang khoe cây mai của mình đang nở hoa. Mình thấy làm lạ nên nhắn tin hỏi seour: - Seour ơi! Làm sao mà seour có cây hoa này vậy?

Sr. Scholastica trả lời: - Bố mẹ seour chặt cây này trong rừng mang đến tặng seour.

-    Bố mẹ seour chặt trong rừng à? Rừng ở đâu thế?

-    Rừng ở tỉnh Sri Saket.

Sri Saket là một tỉnh vùng đông bắc Thái Lan. Thế là cây hoa mai của Sr. Scholastica là một loại mai rừng. Và nó có sống tại Thái Lan. Nhưng nó không mấy phổ biến đối với người Thái. Seour Scholastica kể là sau khi bố mẹ seour mang tới cho seour thì seour đã đặt những nhành mai vào trong nước để cho nó ra nụ rồi nở hoa. Seour nói: - Seour phải mất hết một tháng nó mới chịu ra hoa đó.

Mình hỏi: Ở Thái Lan cây này gọi là cây gì vậy seour?

Sr. trả lời: Seour không chắc chắn, nhưng seour thấy người ta gọi nó là ต้นช้างน้าว (tôn cháng náo).

Mình thấy vậy nên vào google để dò xem thì đúng là cây mai quen thuộc của ngày Tết nguyên đán thật. Ở các tỉnh tại Thái Lan nó còn có những tên gọi địa phương khác nhau. Ở tỉnh Trat, nó được gọi là cháng nốm, ở tỉnh Roiet là cháng hổm, ở tỉnh Chanthaburi thì gọi là khả-mín phra tôn, v.v. Và còn nhiều tên địa phương khác nữa tùy theo mỗi vùng miền khác nhau.

Hóa ra ở Thái Lan người ta có cây hoa mai, chỉ có điều nó không là một biểu tượng cho bất cứ sự kiện văn hóa gì trong đời sống của người Thái. Nên nó không có vị trí quan trọng trong xã hội của họ. Ngược lại, có một loại cây hoa khác, cũng màu vàng thắm lại rất đặc biệt đối với người Thái. Đó là cây hoa bò cạp vàng thường nở rộ vào tháng 3, tháng 4, trùng với dịp lễ hội nước hoặc là năm mới của Phật giáo.

Thôi thì mình sống trên đất Thái nên phải chấp nhận sự khác biệt về văn hóa vậy. Dù sao đi nữa thì vẫn cảm thấy vui vì đã phát hiện ra tại Thái Lan cũng có cây mai, mặc dầu sự phát hiện này xảy ra sau hơn tám năm trên xứ người và hơi cận ngày Tết nên không kịp để kiếm cho mình một cây ăn Tết. Nhưng quyết tâm năm sau sẽ có hoa mai ăn Tết.

Bangkok, ngày 16.2.2015

Cảm thức về tội


Trong bất cứ hội dòng hoặc giáo phận nào cũng có những dịp đặc biệt để cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, ngay cả đức giám mục tham dự nghi thức hòa giải. Lý do có những sinh hoạt này là để nói lên tầm quan trọng của bí tích hòa giải ngay cả đối với những người trong đời sống tu trì. Có lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ rằng ngài đi xưng tội hai tuần một lần. Ngài nói, “Các linh mục cũng cần phải xưng tội, ngay cả vị giám mục. Chúng ta đều là những tội nhân. Đức giáo hoàng cũng đi xưng tội hai tuần một lần vì chính ngài cũng là tội nhân. Vị tư tế lắng nghe những gì cha nói, ban cho cha những lời khuyên, và ban phép tha tội cho cha. Tất cả chũng ta đều cần điều này.”

Lý do chúng ta đi xưng tội là vì chúng ta biết rằng mình là tội nhân. Chúng ta bước vào tòa giải tội vì chúng ta nhận thức rằng mình không được trong sạch. Trong sách Phúc Âm, những người mắc bệnh phong cùi bị cho là  những người ô uế, là những tội nhân. Họ phải tuân theo luật của người Do Thái là phải bị cách ly khỏi xã hội, và khi đi đến đâu thì phải hô to để thông báo cho mọi người biết rằng mình là người ô uế để kịp xa lánh.

Đối với người mắc bệnh phong cùi thời xưa thì đã bị luật lệ ép buộc phải luôn nhớ đến vị trí thấp hèn và ô uế của mình. Còn ngày nay, bệnh phong cùi không còn nữa, và cái luật lệ gò bó mang tính xâm phạm giá trị con người cũng không còn nữa. Vì thế việc chúng ta có bị ô uế hay không là không phải do bất cứ một điều luật nào định đoạt mà là do chính lương tâm của mình tự mách bảo. Tuy nhiên, cái vấn đề của thời nay là không phải chúng ta thiếu điều luật, mà là chúng ta dường như đã mất đi tiếng nói lương tâm. Nhiều thập niên về trước, cố Đức Giáo Hoàng Piô XVII đã khẳng định rằng, “Cái tội lớn nhất của thế kỷ chính là sự mất mát cảm thức về tội lỗi.”

Và vì không còn cảm giác tội lỗi nên cũng không thấy có nhu cầu muốn làm sạch tội. Đối với người mắc bệnh phong hủi đến gặp Chúa Giêsu thì vì ông ta biết mình ô uế nên ông ta mới ao ước được tẩy rửa. Và ông ta tin rằng chính Chúa Giêsu có thể làm được điều đó cho mình. Còn đối với nhiều người trong chúng ta, vì không thấy mình dơ bẫn nên không cảm thấy cần được làm sạch. Và vì không thấy cần được làm sạch nên không cần chạy đến Chúa để xin được tẩy rửa. Như thế, chúng ta bỏ qua vô số cơ hội để đến với Chúa và lãnh nhận những ơn huệ từ sự tha thứ của Ngài qua lời nói vủa vị linh mục “Cha tha tội cho con.” Thật đáng buồn cho chúng ta khi ngày nay, mặc dầu thân xác chúng ta toàn vẹn và sạch đẹp, nhưng tâm hồn của chúng ta lại đang mắc bệnh phong hủi; và còn đáng buồn hơn nữa là chúng ta không hề nhận ra điều đó.

Bangkok, 14.2.2015

Ơn Chúa Thánh Thần


Cứ mỗi tháng một lần ở nhà thờ Đức Mẹ Phù Trợ các Tính Hữu tại Bangkok có một sinh hoạt rất tốt lành, đó là chương trình Lectio Divina. Người hướng dẫn chương trình này hàng tháng chính là ĐGM Prathan, thuộc GP Surat Thani. Mặc dầu GP của ngài ở miền nam nước Thái, nhưng mỗi tháng ngài đều đến Bangkok để chủ tọa sinh hoạt Lectio Divina tại đây.

Chương trình được chia thành nhiều phần, nhưng có lẽ một trong những phần ấn tượng nhất là phần cầu nguyện đặt tay sau giờ Chầu Thánh Thể kết thúc ngày sinh hoạt. Lúc đó giáo dân xếp hàng và ngồi vào những chiếc ghế trước cung thánh để được đặt tay.Ý nghĩa của việc cầu nguyện đặt tay là để cho người tín hữu được lãnh nhận Chúa Thánh Thần và những bông trái của ngài để sống đời sống đức tin một cách hoàn hảo và tích cực.

Trong cách thức của người Thái, việc cầu nguyện đặt tay diễn ra không rầm rộ. Khi các linh mục (hoặc ĐGM) đang đặt tay thì giáo dân đọc kinh hoặc hát kinh cầu Chúa Thánh Thần. Đối với những tín hữu được đặt tay thì họ chấp tay trước ngực theo phong tục tốt lành của người Thái và cầu nguyện trong thinh lặng. Mình dành thời gian khoảng 30 giây đến 45 giây để đặt tay cho mỗi người. Đối với đa số các tín hữu thì không có điều gì đáng ghi nhận xảy ra trong khi đang đặt tay. Nhưng không phải ai cũng thế.

Ngày hôm qua, mình cũng đến giúp trong nghi thức đặt tay như thường lệ. Khi mình đặt tay lên một người đàn ông tên Sứa thì chỉ ít giây sau thì ông ta đã ngất đi và không còn ngồi được trên ghế. Những người xung quanh phải gúp cho ông ta nằm xuống và sau một hồi mới tỉnh lại. Đối với trường hợp của ông Sứa thì lần nào cũng thế. Hễ linh mục tới đặt tay là ông ta bị ngất. Hôm qua cũng như thế.

Sau khi chương trình kết thúc, mình ra phía sau nhà áo để chuẩn bị ra về. Ông Sưa đến gặp mình và cầm tay rồi nói: - Sao tay cha cảm thấy mát?

Mình không hiểu tại sao ông nói như vậy, nhưng cũng gật đầu rồi trả lời "Vâng" cho qua chuyện. Ông Sứa lại nói tiếp: - Tôi cứ tưởng tay cha phải nóng, nhưng  tôi thấy nó lại mát. Lúc nãy khi cha đặt tay lên đầu tôi tôi thấy tay cha nóng lắm kia.

Khi đó mình đã hiểu ý của ông Sứa nên đáp lại: - Có lẽ lúc đó sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang chuyền vào người ông nên ông thấy có sức nóng. Còn bây giờ thì đã trở lại bình thường rồi.

Mình cũng không hiểu được cảm nhận của từng tín hữu như thế nào khi họ được đặt tay. Một vài người như ông Sứa thì ngất đi mãi một hồi sau mới tĩnh lại. Có người thì không ngất nhưng thân thể run lên như bị xúc động. Có người thì ngã đầu ra sau và cần phải có người đứng đỡ. Nhưng đó chỉ là số ít.

Việc đặt tay cầu nguyện là một hành động đã có từ thời xa xưa, và ngay trong sách Kinh Thánh cũng có nói về điêu này.  Ngày nay trong các giáo phái Ki-tô giáo đều có hình thức đặt tay cầu nguyện như một hành động tâm linh sâu sắc. Tuy nhiên tác động của nó trên từng người không giống nhau. Đối với mình, phản ứng của mỗi người trước việc đặt tay không mấy quan trọng. Điều quan trọng là qua lời cầu nguyện của mình họ được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần để đời sống tâm linh của họ được thăng tiến, giúp họ sẵn sàng trở nên những chứng nhân cho Chúa.

Bangkok, ngày 7.2.2015

Áo đen


Người ta nói chiếc áo không làm nên thầy tu thì cũng đúng. Nhưng có chiếc áo thì ai cũng biết đó là thầy tu. Cái khổ là có chiếc áo rồi thì phải hỏi đó là áo màu gì nữa. Ở bên Mỹ, các linh mục thường mặc áo màu đen. Nếu đi tham dự tiệc cưới hoặc tham dự những chương trình mà cần phải ăn mặc sang trọng hơn một tí thì choàng thêm cái áo vét màu đen nữa. Thế là đen từ đầu tới chân, chỉ có cái cỗ côn là điểm nhấn màu trắng.

Nhưng đến Thái Lan thì dường như chẳng thấy ai mặc áo màu đen cả. Đa số mặc áo màu nhạt, có khi thì màu trắng, có khi màu xanh nhạt, có khi màu mỡ gà hoặc màu xám. Nếu mình có mặc áo màu đen thì cũng không ai nói gì vì dù sao thì hình ảnh linh mục trong tu phục màu đen người ta cũng đã thấy nhiều trên phim ảnh nước ngoài. Nhưng đối với người Thái thì màu đen đi liền với những sự kiện buồn như là đám tang. Nên nếu đi ăn đám cưới mà vị linh mục mặc tu phục màu đen cũng có thể làm cho một số người cảm thấy khó chịu.

Ở Việt nam thì người ta vẫn thấy các linh mục tu sĩ trong tu phục màu đen. Áo chùng thâm của các cha xứ đều là màu đen. Và tu phục của nhiều hội dòng cũng như thế, ví dụ dòng Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên áo sơ mi thì thấy cũng nhiều màu với tông nhạt như tại Thái Lan vậy.

Bản thân mình không hay mặc áo sơ mi của các linh mục khi đi học, đi công việc bên ngoài, hoặc đi làm mục vụ giới trẻ. Nhưng khi cần mặc thì mình cũng có áo để mặc. Và từ khi đến Thái Lan thì mình cũng đã có những chiếc áo màu trắng, màu xanh, v.v. để chọn. Nhưng có lẽ mình vẫn thích nhất là chiếc áo màu đen.

Bangkok, ngày 4.2.2015

Đời sống thánh hiến



Nếu trong tháng hai cả thế giới quan tâm đến một ngày đặc biệt là ngày Valentine, ngày tình nhân, thì trong giáo hội Công giáo cũng có một ngày khác quan trọng không kém. Đó là ngày Đời Sống Thánh Hiến, trùng với dịp Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh (ngày 2.2.2015). Năm phụng vụ này cũng là năm được ĐGH Phan-xi-cô ấn định là Năm Đời Sống Thánh Hiến và ngài đã gởi một tông thư đến tất cả những ai đang sống trong đời sống tận hiến. Trong bức thư, ngài nhắc nhở rằng: "Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất, như chúng ta đã quyết tâm khi tuyên khấn không? Chỉ khi nào được như vậy, thì chúng ta mới có thể và buộc phải thương yêu trong sự thật và lòng lân tuất hết mọi người mà ta gặp trên đường, bởi vì chúng ta đã học biết nơi Người tình yêu là gì và yêu như thế nào: chúng ta sẽ biết yêu bởi vì chúng ta có chính trái tim của Người."

Thật vậy ngày tình nhân thì những người nam nữ thể hiện và bày tỏ tình yêu cho nhau. Tình yêu của họ cho dù mãnh liệt đến bao nhiêu thì cũng chỉ là tình yêu thu hẹp giữa hai cá nhân. Còn ngày đời sống thánh hiến cũng là ngày tình yêu, nhưng là thứ tình yêu giữa một người dâng mình cho Chúa với Chúa Giê-su, và điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì tình yêu của Thiên Chúa thì không bao giờ thu hẹp và hạn chế. Liên kết với trái tim của Ngài đồng nghĩa với việc gắn bó với hết mọi người, bởi vì trong trái tim của Ngài ghi khắc hình ảnh của toàn thể nhân loại.

Đó là một áp lực và là một trọng trách, nhưng cũng là một niềm vui trong đời sống thánh hiến. Sống vì Chúa là sống cho mọi người. Sống trong tình yêu của Chúa cũng là sống với hết mọi người. Vậy thì làm sao có thể cô đơn hay bị cô lập? Sống đời sống thánh hiến đối với tôi như làm một dòng nước chảy ngang qua con sông cuộc đời. Nó sẽ cứ hòa nhập vào những biến cố thăng trầm trong cuộc sống, nó sẽ hiện diện ở những khúc quanh co của cuộc đời, có khi nó còn sẽ bị ô nhiễm bởi môi trường sống. Nhưng dòng nước thì vẫn luôn là dòng nước. Và sau khi nó đã làm xong sứ mệnh của nó trên đời, thì những giót nước sẽ tan biến rồi bay lên trời.

Bangkok, ngày 2.2.2015

Chuyện học tập


Tối nay mình phải thực hiện một bài thuyết trình trước các giáo sư và sinh viên trong khoa. Đề tài của bài thuyết trình của mình là "Sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên trong sự đau khổ của kiếp luân hồi." Mình thuyết trình 30 phút. Sau khi thuyết trình xong, mình bị chất vấn hơn một giờ đồng hồ với hàng loạt câu hỏi đến từ các giáo sư trong hai khoa triết và tôn giáo học. Có một số câu hỏi khá hóc búa. Mình cố gắng moi óc để trả lời với kiến thức về Phật giáo mà mình có. Cuối cùng cuộc chất vấn cũng kết thúc. Mình trở về chỗ ngồi với tâm trạng hoang mang về hiệu quả của việc nghiên cứu của mình.

Tan lớp, mình bước ra khỏi giảng đường vào thang máy cùng những người khác, Sr. Emily trong khoa triết nói : - Chúc mừng cha vì bài thuyết trình tối hôm nay.

Mình bất ngời, nhìn seour nói: - Chắc chưa tới lúc để nhận được lời chúc mừng đâu seour à. Tôi còn nhiều bài thuyết trình nữa phải làm, mà thấy tối hôm nay có vẻ hóc búa quá.

Seour Emily trả lời: - Nhưng tôi thấy bài thuyết trình của cha hôm nay thật tốt. Cha đã nghiên cứu và trình bày rất sâu sắc.

Mình cảm ơn seour vì lời động viên cho mình. Thang máy xuống lầu một. Mình bước ra bên ngoài đi về hướng cổng trường để lấy xe đạp chạy về phòng. Mình đi cùng hướng với một thầy tu Phật giáo từ Miến Điện. Đang lúc hai người cùng đi thầy nói với mình: - Cảm ơn bài thuyết trình của cha. Tôi đã học hỏi được rất nhiều về đề tài của bài thuyết trình.

Nghe được lời phản hồi của vị tu sĩ Phật giáo, mình cảm thấy thật vui. Trước đó mình đã nhận được niềm vui từ lời phản hồi của một nữ tu Công giáo, nhưng niềm vui dường như được nhân đôi khi đến từ một vị tu trì Phật giáo.

Hai người đang đứng nói chuyện với nhau ở cổng nhà trường thì một người khác trong khoa triết đến và nói rằng: -Bài thuyết trình vừa rồi thật tốt. Cha hiểu rất nhiều về Phật giáo.

Mình nói: - Mà tôi thấy mọi người hỏi tôi nhiều thứ quá nên tôi e ngại rằng tôi đã chuẩn bị không tốt.

Ông ấy trả lời: - Cha đã thể hiện vai trò của mình rất thành công. Việc của họ là chất vấn. Và việc của cha là trình bày quan điểm.

Sau khi nhận được những phản hồi tích cực đến từ ba người đó, trong lòng cảm thấy thật nhẹ nhỏm. Những băn khoăn chợt tan biến trong phút chóc. Thật ra mình vẫn nhận ra những khuyết điểm và những điều chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng trong bài thuyết trình của mình cần phải được khắc phục trong bài luận án ts. Nhưng dầu sao đi nữa bị chất vấn thật nhiều không hẳn là thất bại. Nó cũng là điều tốt giúp cho mình phải suy nghĩ và phân tích sâu sắc hơn để đưa ra một sản phẩm nghiên cứu chất lượng và ý nghĩa. Học hỏi là một hành trình, và những thách thức là phương tiện để thăng tiến về kiến thức lẫn suy tư.

Bangkok, ngày 29.1.2015