Bác Sắm-Àng


Mình có quen một bác người Thái tên là Sắm-ang. Hôm nay là ngày bổn mạng thánh quan thầy Monica của bác. Sáng nay trong khi đang đi bộ đến trường, mình gọi điện thoại cho bác và nói: - Con chúc mừng bổn mạng bác nhé.

Mình chưa kịp nói xong lời chúc, bác Sắm-ang đã cắt lời: - Ồ, cha là linh mục duy nhất gọi điện thoại tới chúc mừng bác đó. Bác vui quá.

-    Thì con biết hôm nay là ngày mừng thánh Monica, là bổn mạng của bác và con gái của bác nữa, nên con gọi tới chúc mừng bác.

-    Đúng rồi. Bác cảm ơn cha nhiều lắm. Trước đây khi cha Wanlop chưa mất thì năm nào ngài cũng gọi điện thoại chúc mừng bác. Nhưng từ ngày cha Wanlop mất thì chỉ có cha gọi tới thôi.

-    Thì con cũng biết vậy nên mới không quên gọi cho bác. Sáng nay con cũng đã dâng lễ cầu nguyện cho bác và chị nữa đó.

-    Bác thì ngày nào bác cũng cầu nguyện cho các linh mục hết, đặc biệt là các linh  mục trẻ, để không bị “mèo” tha đi. Phải mất bao nhiêu năm mời đào tạo được một linh mục mà để cho “mèo” tha đi thì uổng lắm phải không cha?

-    Có lẽ vậy đó bác. Bác thật là quan tâm đến các cha. Thay mặt cho các linh mục con cảm ơn bác nhiều nhé.

-    Đâu có gì phải cảm ơn. Miễn sao cha cứ làm một linh mục thánh thiện của Chúa là được.

Mình tắt điện thoại mà trong lòng cảm thấy thật vui. Thỉnh thoảng mình mới gọi điện thoại tới hỏi thăm và trong dịp đặc biệt thì gọi tới chúc mừng bác Sắm-ang. Nhưng hằng ngày mình lại được hưởng phúc từ lời cầu nguyện của bác. Thế mới thấy một vị linh mục phải cho đi rất nhiều, nhưng ngược lại cũng nhận được rất nhiều, còn hơn là những gì mình cho đi nữa. Dường như không có sự hy sinh nào mà không có phần thưởng của nó, và đời sống cho đi của một tu sĩ thật là hạnh phúc.

Bangkok, ngày 27.8.2014


Chuyện còn lại trong vụ tai nạn

Trong vụ tai nạn ngày 2 tháng 6, ngòai cha Giacobe và các bạn trẻ Việt Nam còn có thêm một nạn nhân đò là anh tài xế người Thái ở tuổi ngoài 30. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, anh đã có vợ và có một con. Vợ anh cũng đang mang thai người con thứ hai. Theo như lời kể của một bạn trẻ Việt Nam đã từng làm việc với anh thì anh tài xế là một người điển trai, tính tình hiền lành, không rượu chè, không hút thuốc. Anh luôn luôn nói chuyện lịch sự và vui vẻ với khách trên xe.
Cách đây vài ngày, mình gọi cho vợ của anh là cô La-ong. Lý do mình gọi cho cô ta là vì trong quỹ Hiệp Hội có một số tiền đã trích ra để giúp cho cô là thân nhân của nạn nhân trong sự cố tai nạn. Cô La-ong rất biết ơn sự giúp đỡ của Hiệp Hội đối với gia đình cô. Cô La-ong cho hay, sau vụ tai nạn xảy ra do quá căng thẳng và buồn sầu nên cô đã bị xẩy thai. Vì bây giờ đơn phương độc mã nên đứa con còn lại cũng đã đưa về miền nam Thái Lan để cho chị gái chăm sóc. Còn cô La-ong tiếp tục ở Bangkok để mưu sinh. Vào ngày thứ bảy vừa qua, sau khi mình chuyển tiền hỗ trợ cho cô, thì cô đã gọi điện thoại lại để cảm ơn. Và cô cũng cho hay là mới trưa hôm đó, cô đã mất đi người mẹ ruột của mình do bệnh tật.
Thế là cô La-ong, chỉ nội trong vòng chưa đây 3 tháng, đã mất đi người chồng, người con, và người mẹ của mình. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã cầu nguyện nhiều cho cha Giacobe, các bạn trẻ bị thiệt mang trong vụ tai nạn, cũng như gia đình của họ. Nhưng có lẽ chúng ta đã phần nào lãng quên anh tài xế và người vợ góa một con của anh ta. Họ cũng là những nạn nhân đáng thương trong vụ tai nạn thảm khốc này. Nỗi khổ của cô La-ong cũng không kém nỗi khổ của gia đình các nạn nhân khác. Ở đây có một người vợ trẻ đã mất chồng, và có một đứa trẻ cũng đã mất cha. Cuôc sống của hai mẹ con từ nay sẽ khó khăn và vất vả hơn. Thiết nghĩ những lời cầu nguyện bình an và chia sẻ cũng nên hướng về gia đình nhỏ bé này để họ có thể vượt qua nỗi khổ tâm vì sự mất mát quá lớn lao.
Bangkok, ngày 25.8.2014

Đi & Về


Các bạn trẻ Việt Nam ở Thái Lan hay hỏi mình: - “Tết này cha có về Việt Nam không?” hoặc “Lâu này cha có về Việt Nam chơi không?” Trước đây mỗi lần được hỏi như vậy thì mình luôn có một chút lúng túng. Không phải lúng túng về nội dung của câu hỏi mà vì cái chữ “về”. Mỗi khi mình có một chuyến đi Việt Nam thì mình luôn nói là mình “đi” chứ không phải là “về”. Nếu là về thì về Hoa Kỳ. Nơi đó có cha mẹ, các anh chị, các cháu và những người thân yêu khác. Cho dù mình không sinh ra ở Mỹ, nhưng vì mình đã sống phần lớn cuộc đời của mình tại Mỹ nên mình coi đó như là “quê” của mình, nơi mà cứ mỗi ba năm là mình được phép thực hiện một chuyến trở về để thăm gia đình theo hiến pháp của Dòng Ngôi Lời. Từ khi mình rời khỏi Hoa Kỳ để sang truyền giáo tại Thái Lan thì mình đã chỉ có được hai chuyến như thế.

Ngược lại mình đã đi Việt Nam khá nhiều lần, có khi đi theo một phái đoàn các linh mục Thái Lan để tham quan Việt Nam; có khi đi để hướng dẫn một đoàn giáo dân người Thái đi hành hương Việt Nam; có khi đi vì công việc của nhà dòng hoặc các công việc mục vụ khác. Chuyến đi Việt Nam lần này là để thăm và động viên gia đình của các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông tại Thái Lan vào tháng sáu vừa qua. Nhưng ngoài ra, mình cũng đã có giờ để đi thăm nhiều gia đình khác nữa, đa số là các gia đình có con em đang hoặc từng làm việc tại Thái Lan. Ở mỗi nơi họ đón tiếp mình thật nhiệt tình. Họ lấy làm rất vui khi có mình đến thăm cho dù mỗi nơi mình chỉ ở lại được một lúc. Họ lấy làm rất phấn khởi khi mình có thể sắp xếp thời giờ để dùng cơm với gia đình. Và họ cảm thấy rất hạnh phúc khi mình có điều kiện để dâng lễ trong giáo xứ của họ.

Sự thân thiện và lòng nhiệt tình của những người giáo dân Việt Nam làm cho mình nhiều khi cũng cảm thấy khó xử khi phải từ chối lời mời chân thành của họ để ở lại dùng bữa hoặc nghỉ qua đêm ở nhà của họ. Biết họ mời nhiệt tình nên việc phải từ chối là một nỗi buồn cho mình, nhưng điều đó thì không thể tránh được vì thời giờ không cho phép. Tuy nhiên, cái lòng hiếu khách, đặc biệt là đối với các linh mục của người giáo dân Việt Nam, dường như đã ngày càng làm cho mình cảm thấy những chuyến “đi” Việt Nam trở nên như những chuyến “về” nhiều hơn. Khi nói đến về thì người ta liên tưởng đến việc về với yêu thương, về với sự gần gũi, về với sự đầm ấm của những người thân quen. Người ta cũng về với những cảnh vật và lối sống quen thuộc. Nếu xét theo khái niệm đó thì những chuyến đi Việt Nam của mình không còn là những chuyến đi nữa mà trên tinh thần là những chuyến về thực thụ. Cho dù là Khánh Hòa nơi mình được sinh ra, hay Sài Gòn nơi mình đã có những năm thực tập trong quá trình đào tạo để trở nên nhà truyền giáo, hoặc là ở Hà Tĩnh-Nghệ An nơi mình thực hiện những chuyến đi để thăm viếng những người thân quen, những chuyến đi đã trở nên những chuyến về thật vui vẻ và thoải mái. Mình đã nghiệm ra rằng yếu tố quyết định cho một cuộc hành trình mang tính chất là một chuyến về không hẳn phải là nơi mình sinh ra, cũng không hẳn là nơi mình đã ở lâu nhất, mà là tình cảm và sự gắn bó với những con người ở nơi đó mang đến cho mình. Vì thế cho dù có đi Mỹ hay là đi Việt Nam, mỗi chuyến đi đều là những chuyến về. Đi Hoa Kỳ là về thăm gia đình. Đi Việt Nam là về với quê hương nơi mình sinh ra và những con người luôn luôn đón tiếp mình thật nồng hậu. Đi Thái Lan là trở về với đời sống và công việc truyền giáo của mình. Và nói cho cùng thì mọi người đều đang trên một chuyến về thật vĩ đại, đó là chuyến về với nguồn cội của mình, là Thiên Chúa, là nước trời. Ở đó có đời sống vĩnh cửu và tình yêu vô biên. Có lẽ nếu suy nghĩ thật kỹ thì trong cuộc sống của mình không có chuyến đi nào cả mà chỉ có những chuyến về -- về với những người anh em đồng loại, về với chính mình, và về với Thiên Chúa.

Trên chuyến bay Thai Airways từ Sàigòn trở về Bangkok,  ngày 15.8.2015
Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời

Khép lại một câu chuyện


Cuộc hành trình đi thăm gia đình các nạn nhân đã kết thúc. Đêm nay là đêm cuối cùng của mình ở GP. Vinh. Chuyến đi 10 ngày khắp Hà Tĩnh và Nghệ An đã đưa mình đến hết 14 gia đình các bạn trẻ đã thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tai nạn giao thông tại Thái Lan vào đầu tháng sáu vừa qua. Đến từng nhà mình không lưu lại được lâu vì thời giờ không cho phép. Nhưng mình tin rằng sự hiện diện của mình cùng với cha Giuse Ngợi, vị quản xứ đầy nhiệt huyết của giáo xứ Trại Lê đã mang lại phần nào niềm an ủi cho các gia đình. Mặc dầu vụ tai nạn đã qua đi, nhưng nỗi đau mất mát người con, người chồng, người mẹ thì vẫn con đó. Đối với hai bạn còn sống thì vết thương tích trong tâm hồn cũng như thể xác vẫn chưa phai. Có lẽ còn rất lâu thì nỗi buồn mới tan đi cho dù nó cũng đã phần nào nguôi ngoai.

Mình đến với các gia đình với một thông điệp rất đơn giản, đó là họ không đơn độc trong biến cố thảm thương này. Phía sau họ còn có các cha, các seour, các vị ân nhân, và còn nhiều người khác nữa đang quan tâm và cầu nguyện cho họ. Cho dù không phải lúc nào họ cũng nhận được sự khích lệ cần có từ mọi người để vượt qua thử thách quá lớn lao này, nhưng chắc chắn họ cũng không phải đương đầu với nó một cách đơn phương độc mã. Trên hết, họ còn nhận được lòng thương xót của Chúa vì mặc dầu Ngài đã không làm cho sự thật về vụ tai nạn thay đổi, biến nó thành một giấc mơ mà khi thức giậy thì mọi sự hoàn toàn không giống như những gì trong cơn ác mộng; nhưng Ngài đã ban những ơn cần thiết để giúp cho sự đau khổ dễ chịu đựng hơn và cây thập giá dễ gánh vác hơn cho những người còn sống. Mình và cha Ngợi đã đi hàng chục, hàng trăm cây số đến từng gia đình một để thể hiện và nói lên điều đó với mọi người. Mình tin chắc rằng họ đã cảm nhận được điều mà mình muốn nói.

 Giờ đây mình chuẩn bị trở lại Thái Lan. Mình trở lại với công việc học tập, việc nghiên cứu để làm luận án, những công việc mục vụ của mình. Trong lòng cảm thấy bình yên hơn. Bình yên vì mình tin rằng mình đã làm tất cả những gì có thể để thực hiện công việc mà Chúa đã gởi gắm đến cho mình trong thời gian vừa qua. Bình yên vì mình đã đại diện cho rất nhiều người để giúp bù đắp lại sự tổn thương mà một số vị mục tử giáo xứ của các nạn nhân đã gây ra khi họ đã không thật sự quan tâm đến gia đình các nạn nhân trong biến cố đau thương này. Các vị ấy dường như không hiểu rằng sự thờ ơ và thiếu quan tâm của họ đã làm cho sự đau đớn trong tâm hồn của các gia đình trở nên nhức nhói hơn. Ngược lại, chỉ một vài lời động viên, một lời cầu nguyện công khai trong Thánh lễ, một cử chỉ yêu thương và bác ái lại có thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Nỗi đau sẽ dịu xuống; nỗi thất vọng sẽ mau tan biến; nỗi khỗ sẽ mau được chữa lành.

 Chuyến đi của mình đã kết thúc và cũng có thể nói từ nay mình đã có thể khép lại một chương sách trong cuộc đời truyền giáo của mình. Khép lại không có nghĩa là lãng quên hoặc gạt qua một bên. Một câu chuyện tiểu thuyết sẽ không bao giờ hoàn hảo nếu như một trang giấy bị xé ra và quăng đi. Nhưng khép lại có nghĩa là cuộc sống phải tiếp diễn vì trái đất thì không ngừng xoay và thời gian không bao giờ đứng lại. Sau vụ tai nạn này, những người chồng và vợ trẻ còn sống sẽ phải tiến tới trong cuộc sống, chăm lo cho những đứa con thơ dại của mình. Và những đứa trẻ ấy cũng sẽ phải lớn lên, sẽ phải học tập, sẽ phải bước vào xã hội mà không có sự dẫn dắt của cả mẹ lẫn cha như những đứa trẻ khác.  Những người cha người mẹ của các nạn nhân sẽ phải tiếp tục lo lắng cho gia đình giờ đã thiếu đi một nguồn thu nhập quan trọng. Mình cũng thế, mình sẽ tiến tới trong đời sống và công việc đang chờ mình vì còn quá nhiều điều phải làm. Tuy nhiên, trong một gốc nào đó trong tâm trí của mình thì hình ảnh của cha Giacôbê và các bạn trẻ đã được ghi lại. Những ký ức về họ khi còn sống và những hình ảnh của họ khi đã chết đã được khắc sâu trong tâm trí của mình. Thỉnh thoảng mình sẽ nhớ tới họ, nhớ tới sự việc đã xảy ra, để cầu nguyện cho linh hồn của họ được mau hưởng nhan thánh Chúa, cầu nguyện cho các gia đình của họ được bình an, và cầu nguyện cho chính mình đừng bao giờ quên dấn thân với bất cứ một công việc gì mà Thiên Chúa gởi đến cho mình.

 Vinh, ngày 13.8.2014

Bình thản



Thế là đã bước qua một tháng mới. Tháng 7 xem ra đi qua nhanh hơn tháng 6. Trở lại với việc nghiên cứu, ngày ngày đọc sách về triết lý nhà Phật vừa giúp cho mình có thêm kiến thức mà cũng giúp cho mình ngộ ra một số điều trong cách sống và tôi luyện bản thân. Mỗi sáng mình đi dạy học. Mình dạy lớp tiếng Thái cho sinh viên đến từ trường đại học Loyola ở Hoa Kỳ. Nghĩ cũng buồn cười. Người Việt dạy tiếng Thái cho người Mỹ. Nhưng thế giới thời nay là thế. Không còn mấy điều chỉ trắng với đen. Người ta ngày càng thấy nhiều màu xám trong cuộc sống. Sự thiếu rõ ràng và bất ngờ đôi khi làm cho người ta hoang mang, nhưng cũng có thể mang lại sự thú vị trong cuộc sống nếu biết nhìn về nó cách tích cực. Với một cái nhìn đúng đắn ta có thể vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với một chút điềm tỉnh ta có thể loại bỏ rất nhiều bức xúc và ức chế trong lòng. Nghĩ cho cùng thì không có lời chỉ trích nào quá nặng đến nỗi ta phải tự ái mà mất đi bình tĩnh. Không có sự mất mát nào quá khủng khiếp mà ta không thể nào vực lên được. Và cũng không có hoàn cảnh nào quá bi đát mà ta không thể tìm thấy một chút niềm vui trong cuộc sống. Đối với mình điều quan trọng hơn hết là tìm cho được sự quân bình và ung dung trong cuộc sống. Con người thì thường khi yếu đuối. Mình dễ bị kích động khi cảm thấy bị xúc phạm, dễ buồn sầu khi đương đầu với sự mất mát, và dễ hoài nghi khi chứng kiến quá nhiều lừa lộc trong cuộc sống. Nhưng nếu ta có thể vượt qua những yếu đuối đó thì cuộc sống sẽ chất chứa sự thanh bình cho dù xung quanh có diễn ra nhiều cơn giống tố.

Bangkok, ngày 1.8.2014