Hôm nay lễ mừng Đức Mẹ Fatima. Mình ngồi nhớ lại kỷ niệm về Mẹ. Mẹ Fatima đã đồng hành với mình suốt cả một quãng đường thật dài trong cuộc đời truyền giáo. Mình nhớ năm 2008 khi mình mới nhận xứ tại một nhà thờ ở vùng đông bắc Thái Lan, đời sống cộng đoàn ở đó thật buồn tẻ. Ngoài Thánh lễ Chúa Nhật có vài chục người đến tham dự thì chẳng có một sinh hoạt nào khác. Ngay cả việc dạy giáo lý cho thiếu nhi cũng không có vì trong cộng đoàn không có người dạy. Mình phải tìm cách để xây dựng đời sống cộng đoàn cho sống động hơn. Sinh hoạt đầu tiên mình nghĩ đến là việc đọc kinh Mân Côi mỗi thứ bảy đầu tháng. Nhưng thay vì tụ tập đọc kinh ở nhà thờ thì mình kêu gọi đọc kinh Mân Côi ở các gia đình trong giáo xứ. Đây là cơ hội để cho giáo dân có dịp thăm viếng nhau và cũng là dịp để mỗi gia đình đón Đức Mẹ về nhà mình.
Để đọc kinh Mân Côi cộng đoàn thì phải có tượng Đức Mẹ. Khi ấy mình vừa mới đến. Nhà thờ không có bất cứ một ngân quỹ nào cả. Mỗi tháng giáo phận chỉ cung cấp cho mình 9,000 baht (300 USD) để trang trải cho tất cả các chi phí của giáo xứ kể cả những nhu cầu hằng ngày của cha xứ. Nên để có tiền mua tượng Đức Mẹ thì không thể dùng vào số tiền đó được.
Một ngày nọ mình đi tham dự lễ ở nhà thờ chánh tòa giáo phận. Sau lễ mình ngỏ lời hỏi một bác Việt Kiều: - Thưa bác, cho con hỏi ở đây muốn mua tượng Đức Mẹ thì mua ở đâu?
Bàc trả lời: - Phải mua từ Bangkok mang lên.
Mình hỏi tiếp: - Vậy một tượng Đức Mẹ khoảng bao nhiêu tiền?
- Thưa cha, tùy theo kích thước ạ. Mà cha muốn mua tượng cở nào?
- Thưa bác, không lớn lắm ạ. Con chỉ cần một tượng nhỏ nhỏ để có thể đưa đi đọc kinh ở các gia đình giáo dân một cách thuận tiện.
- Vậy cha thích Đức Mẹ nào?
- Con muốn có Đức Mẹ Fatima.
- Sao cha không chọn Đức Mẹ Mân Côi? Cha định tổ chức đọc kinh Mân Côi ở các gia đình mà.
- Dạ thưa bác con quen Đức Mẹ Fatima từ lâu rồi nên con thấy gần gũi với Mẹ Fatima ạ.
Mình tiếp tục kể cho bác Việt Kiều nghe tại sao mình thích Đức Mẹ Fatima: - Trước đây con từng là thành viên trong Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở nhà thờ của con ở bên Mỹ. Ở bên đó hầu hết các đoàn thiếu nhi ở nhà thờ Việt Nam là Thiếu Nhi Thánh Thể. Nhưng ở nhà thờ con không có Thiếu Nhi Thánh Thể mà lại có Thiếu Nhi Fatima. Con gia nhập từ năm học lớp 8 cho đến khi lên đại học. Bác biết không, con là thành viên đầu tiên của Phong Trào Thiếu Nhi Fatima được làm linh mục đó. Vì vậy nên con muốn tiếp tục phổ biến linh đạo Fatima nơi con đang phục vụ.
Nghe mình kể xong, bác Việt Kiều nói: - Như vậy thì tốt quá. Tôi rất ủng hộ cha trong điều này. Vậy để tôi cúng cho nhà thờ cha một tượng Mẹ Fatima nhé. Tôi nghĩ cha mua tượng nhỏ nên không nhiều tiền đâu. Tôi sẽ đặt mua và gởi đến cha nhé.
Sau đó không lâu bác Việt kiều đã tặng cho mình một bức tượng Mẹ Fatima. Và từ đó Mẹ Fatima đã đồng hành với mình trong suốt thời gian mình phục vụ tại nhà thờ thánh Micae, tỉnh Nong Bua Lamphu. Cứ mỗi thứ bảy đầu tháng, giáo dân trong cộng đoàn tụ họp với nhau để đọc kinh Mân Côi. Có khi thì đọc ở nhà các giáo dân, có khi thì tụ tập đọc kinh ở nhà thờ. Mẹ Fatima đã đồng hành với đoàn con nhỏ bé của Mẹ, trong đó có những trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV, có những bạn trẻ Việt Nam đến sinh sống và làm việc trong vùng, và có những người giáo dân Thái vẫn còn đang cố giữ gìn đức tin Công giáo giữa một xã hội Phật giáo ngày càng bị trần tục hóa.
Sau 5 năm phục vụ tại nhà thờ thánh Micae, mình được trao phó một sứ vụ mới. Mình chia tay ngôi nhà thờ nhỏ bé và những người giáo dân tốt lành để đến Bangkok, rồi bắt đầu một chặng đường mới trong đời sống truyền giáo. Mình đã gởi gắm cộng đoàn lại cho Đức Mẹ tiếp tục trông nom. Thời gian qua hình như linh mục quản xứ ở đó không còn tổ chức đọc kinh Mân Côi mỗi thứ bảy đầu tháng nữa mà chỉ có trong tháng 10 là tháng Mân Côi. Không biết Mẹ có buồn không khi mỗi thứ bảy đầu tháng Mẹ không được đứng trên bàn thờ nhìn xuống đàn con thân yêu của Mẹ nữa. Nhưng dù sao đi nữa mình tin rằng Mẹ cũng sẽ không bỏ những con cái của Mẹ vì họ rất cần sự yêu thương và đùm bọc của Mẹ. Giáo xứ nghèo, nhỏ bé, và những người con của Mẹ phải đương đầu với vô số thách đố và cạm bẫy trong cuộc sống. Chắc Mẹ không nỡ bỏ mặc cho họ phải tự mình chống chọi giữa đại dương bao la tràn ngập sóng gió mà sẽ che chở bằng một tình yêu dù im lặng nhưng rất sâu đậm và bền bỉ.
Bangkok, ngày 13.5.2014