Về Mỹ được hơn một tuần trong kỳ nghỉ mình có một số cảm nhận về đời sống ở đây. Có lẽ những cảm nhận của mình không phải mới lạ vì nó cũng đã được nêu lên bởi những người khác đến thăm Mỹ lần đầu, nhưng mình là người đã lớn lên trên đất nước này, đã hấp thụ văn hóa và lối sống ở đây. Vì thế mà những cảm nhận của mình có phần nào làm cho mình bất ngờ, không phải bất ngờ với xã hội Mỹ, nhưng bất ngờ vì mình đã thay đổi rất nhiều từ ngày mình rời khỏi đất nước này để đi đến sống và làm việc ở một đất nước và văn hóa khác.
Trở lại Mỹ, mình không bất ngờ khi thấy trong xóm, ai nấy đều sống riêng tư, những cánh cửa nhà luôn đóng kín, và những tấm màn che khuất tất cả những sinh hoạt gì có thể đang diễn ra bên trong. Bước ra trước nhà cũng ít thấy ai đi lại, chỉ thỉnh thoảng có người từ nhà ra xe để đi đâu đó. Có thể nói ở đây rất yên bình, trật từ, và văn mình. Mình đi một vòng xung quanh xóm để hít thở không khí sau nhiều giờ lẩn quẩn trong nhà mà không có một cánh cửa nào được mở cho dù chỉ he hé vì trời lạnh. Thay vì cảm nhận được sự yên bình, trong lòng bổng tràn ngập cảm giác cô đơn -- cô đơn vì không nghe được tiếng xe máy rú quen thuộc mỗi lần mình ngồi nơi cái ghế trước hiên nhà xứ ở Thái Lan để hóng mát hoặc là để trò chuyện với ai đó đến thăm; cô đơn vì không có ai để chào hỏi, không có những học sinh đang ngồi đầy nhốc trên những chiếc xe công cộng đi học về mỗi chiều. Mọi sự đều quá thinh lặng và trật tự.
Mình đi nhà thờ ngày Chúa Nhật, xin được đồng tế với cha quản nhiệm. Thánh lễ cũng trật tự như vậy, từ lúc giáo dân bước vào nhà thờ, đi rước lễ, cho đến lúc ra về, họ rất trật tự. Ca đoàn hát trong Thánh lễ cũng đúng phụng vụ hoàn toàn. Cha chủ tế dâng Thánh lễ hoàn toàn đúng theo các quy tắc phụng vụ. Những thừa tác viên nghiêm túc và vô cùng trật tự. Khi nhập lễ, họ xếp thành hàng để tiến vào nhà thờ cùng với các em giúp lễ và linh mục. Họ không mặc đồng phục, nhưng mọi người đều có màu đen giống nhau, đàn ông thì đồ veston, đàn bà thì cũng đồ tây. Đến giờ rước lễ, họ cũng xếp thành hàng tiến lên cung thánh để nhận bánh và rượu để cho giáo dân rước lễ một cách vô cùng nghiêm trang. Sau khi nghi thức hiệp lễ xong, họ xếp thành hàng tiến về chỗ ngồi.
Mình quan sát những gì diễn ra trước mắt với thái độ khâm phục. Thật văn minh và nghiêm trang. Nhưng sao trong lòng mình lại cảm thấy trống rỗng quá, xa lạ quá. Có lẽ mình là khách nên chưa quen với mọi sự ở đây. Hay vì mình mới đến nên chưa thể hòa nhập vào không khí của cộng đoàn. Nhưng hòa nhập cách nào? Mình nghe nói ở Mỹ bây giờ linh mục không thể chạm vào bất cứ ai, đặc biệt là các trẻ dưới tuổi vì thành niên vì vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Còn trong cộng đoàn Việt Nam thì mỗi lần giáo dân nhìn thấy có cha đồng tế trong Thánh lễ thì trong đầu ngay lập tức liên tưởng đến việc quyên góp. Mình cảm thấy ái ngại, thiếu tự tin. Mình ước gì mình chỉ đang ngồi dưới hàng ghế giáo dân thay vì trên cung thánh. Có lẽ như thế thì tư tưởng sẽ thoải mái hơn.
Thế đó, cảm giác "xa lạ" đã trở thành cảm giác bao quát cho những ngày đầu tiên mình trở lại Mỹ -- xa lạ với cách người ta giao tiếp với nhau, xa lạ với cái bận rộn của những người sống trong xã hội này đến nỗi họ có rất ít thời giờ để thăm hỏi và gặp gỡ nhau, xa lạ với cái trật tự được phát huy tối đa để bù đắp lại cho cái thiếu thốn trong mối tương quan giữa con người với con người. Hình như văn minh và trật tự bao nhiêu thì người ta càng xa cách và khép kín bấy nhiêu. Càng ít gặp nhau, ít trao đổi với nhau, ít va chạm với nhau, thì những xung đột và rối rắm càng được hạn chế. Có lẽ đó là phương thức sống của người Mỹ, và người Việt ở Mỹ cũng ngày càng hấp thụ lối sống đó. Riêng mình thì mình không hợp với lối sống này. Mình thích sống trong một xã hội mà người thân và bạn bè có thể gặp nhau không chỉ vào ngày cuối tuần hoặc một ngày lễ đặc biệt nào đó mà thôi. Mình thích sống một nơi mà đôi khi mọi sự không hoàn toàn sạch sẽ, trật tự, hoặc có những va chạm trong mối quan hệ, nhưng đó là những điều làm cho cuộc sống thú vị và không nhàm chán.
Costa Mesa, ngày 21.1.2013
No comments:
Post a Comment