Nỗi buồn trong đời sống linh mục truyền giáo


Tuần trước mình nhận được một số câu hỏi từ một chương trình Radio Công giáo ở bên Hoa Kỳ phỏng vấn mình về đời sống linh mục truyền giáo. Câu hỏi đầu tiên hỏi về những nỗi vui buồn trong đời sống linh mục. Mình có thể liệt kê khá nhiều nỗi vui, riêng nỗi buồn thì không có bao nhiêu. Thực ra mình cảm thấy rất hạnh phúc với đời sống là linh mục truyền giáo vì nó luôn có những sự phiêu lưu, những điều bất ngờ và thú vị xảy ra làm cho mình không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Nhưng nghĩ lại thì đôi khi cũng có một vài nỗi buồn nho nhỏ mà mình đã trãi nghiệm. Sáng thứ bảy hôm nay, mình sách máy ra quán cà phê gần nhà thờ để thử xem trong đời sống của mình có những nỗi buồn nào. Mình phát hiện ra có hai điều.

Thứ nhất là ở trên đất truyền giáo mình dường như không có bạn bè. Mình biết rất nhiều người, phục vụ rất nhiều thành phần, quan hệ với rất nhiều đối tượng khác nhau. Mình có nhiều mối quan hệ tốt, có thể nói là thân thiết. Nhưng những mối quan hệ này không phải là bạn bè. Mình không có ai để có thể ngồi uống chai bia, nói phét mà không cần phải giữ chừng mực. Đối với giáo dân phải thể hiện tính cách của một cha xứ, đối với những người trẻ phải giữ tính cách của một linh mục và một người làm gương. Đối với người Phật giáo phải giữ phong cách của một lãnh đạo Công giáo. Đối với các linh mục tu sĩ trong giáo phận phải giữ phong cách của một thành viên nghiêm chỉnh. Tóm lại mối quan hệ nào cũng đòi hỏi một cách thể hiện chính mình, đòi hỏi mình phải ý thức rằng mình là ai, mình quan hệ với họ với mục đích gì, và mình phải làm như thế nào để cho mối quan hệ đó được tốt. Rốt cuộc mình không có bạn, mà khi ngồi với họ không cần phải nghĩ nhiều đến tính cách hoặc hành động.

Thứ hai là những khi bị bệnh là lúc dễ bị cảm thấy cô đơn. Có lẽ khi bệnh hoạn điều an ủi nhất cho bất cứ ai đó là có người thân bên cạnh. Họ quan tâm đến sức khỏe của mình. Họ nấu cho mình chén cháo, pha cho mình ly nước gừng với mật ong mà không cần mình phải nhờ. Nhưng đời sống của mình bây giờ thì không có điều đó. Dĩ nhiên là cũng có người để làm những điều đó cho mình nếu mình nhờ tới hoặc "kêu" làm. Nhưng cái cảm giác nâng chén cháo của một người tự làm cho mình và một người bị nhờ làm cho mình thì rất khác nhau.

Ngoài hai điều này mình không thể nghĩ ra thêm nữa. Có lẽ mình cũng đã rất may mắn.

Nong Bua Lamphu, ngày 16 tháng 5, 2012




Mục vụ trong tù


Thái Lan là một đất nước Phật giáo nên việc họ mời một linh mục vào tù để có những chương trình cho tù nhân không phải là một chuyện đơn giản. Nhưng mình rất may mắn là ở Nong Bua Lamphu, mình đã gây được uy tín với ban giáo dục tù nhân nên đã được mời để cộng tác trong việc đào tạo các tù nhân. Ngoài việc dạy tiếng Anh cho các tù nhân, mình đã được mời đến để chia sẻ với các tù nhân về vấn đề tâm linh theo quan điểm Kitô giáo.

Đó là điều mình đã làm trong ngày thứ năm vừa qua khi mình có dịp sinh hoạt và chia sẻ với một nhóm tù nhân khoảng ba mươi người về Thiến Chúa và tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Trong số các tù nhân tham dự chương trình chia sẻ có một số tự xưng mình là Tin Lành, nhưng đa số là Phật giáo. Vì biết đây là cơ hội hiếm có nên trong thời gian hai tiếng đồng hồ, ngoài 30 phút sinh hoạt, mình đã cố gắng tận dùng thời giờ còn lại để giới thiệu một hình ảnh Thiên Chúa vô cùng yêu thương, nhân hậu và tha thứ đến với các tù nhân vốn rất cần những thứ ấy trong cuộc sống của họ. Qua những lời giải thích, những câu trích từ Kinh Thánh, những hình ảnh, video clip và thánh ca, mình cố gắng cho các tù nhân hình dung được một Thiên Chúa cao cả mà lại rất gần gủi, đầy uy quyền mài lại rất âu yếm.

Trong hai giờ đồng hồ, những anh chàng thanh niên nhìn rất cứng rắn, thân hình khắc đầy những nét xâm với đủ kiểu hình ảnh, đã có những giây phút cười rất hồn nhiên với những trò chơi sinh hoạt vui tươi, những giây phút lắng đọng tâm hồn với những bài thánh ca, và những giây phút bình an khi lắng nghe những câu Thánh Kinh nói về tình yêu Chúa. Mình đang hy vọng rằng đây là một sinh hoạt mà mình sẽ có thể làm được mỗi tháng một lần để mục vụ cho các tù nhân ngày càng tốt đẹp hơn.

Nong Bua Lamphu, ngày 19.5.2012

Đi giúp tĩnh tâm giới trẻ


Có một phòng trào gọi là Jesus Youth bắt nguồn từ Ấn Độ cách đây hơn 25 năm theo chiều hướng canh tân đặc sủng. Các thành viên rất tích cực trong đời sống đạo đức cũng như sinh hoạt truyền giáo. Tại Thái Lan các thành viên trong phong trào đã có mặt một số năm qua, nhưng đa số là người Ấn Độ học hành và làm việc tại Thái Lan. Họ rất muốn tiếp cận với giới trẻ Thái nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên việc phổ biến phong trào và linh đạo của phong trào nhằm thu hút thêm các thành viên bản xứ không dễ dàng chút nào. Thời gian gần đây có phần nào tiến bộ vì các thành viên trong phong trào nỗ lực hơn trong việc xây dựng mối quan hệ với giáo hội địa phương và qua đó tìm đến các bạn trẻ Thái Lan. Mình cũng đã làm quen với nhóm JY tại Thái Lan từ khi đến đây, nhưng cho đến năm ngoái mình mới thực sự hỗ trợ cho nhóm trong vai trò “animator” hoặc là một linh hướng.

Một trong những sinh hoạt mà JY đã tổ chức đó là cuộc tĩnh tâm dành cho giới trẻ Thái Lan diễn ra cuối tuần vừa qua tại trung tâm tĩnh tâm của GP Khorad. Có giới trẻ người Thái cũng như một nhóm các bạn trẻ từ Lào đến tham dự. Khóa tĩnh tâm hầu hết là bằng tiếng Anh. Chỉ có các thánh lễ được dâng bằng tiếng Thái. Ngoài ra những bài chia sẻ đa phần là bằng tiếng Anh nên cần phải được chuyển dịch ra tiếng Thái. Đó cũng là một điều mà mình phải đảm trách. Vì thế mình đã khá phải vất vả trong ba ngày qua vì không chỉ là một linh hướng để góp ý cho chương trình tĩnh tâm mà còn là thông dịch viên thường trực từ sáng sớm cho đến chương trình cuối cùng trong ngày là giờ chầu Thánh thể.

Mặc dầu mệt nhưng mình cảm thấy rất vui vì ba ngày tĩnh tâm đã đạt được mục tiêu ban đầu, đó là giúp cho các bạn trẻ có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá nhân. Đa số các bạn trẻ đi tĩnh tâm đã từng tham dự các chương trình cắm trại và những sinh hoạt khác trong giáo xứ hoặc giáo phận, nhưng rất ít đã từng tham dự các chương trình tĩnh tâm và có những kinh nghiệm tâm linh sâu xa. Nhiều bạn trẻ đã cầu nguyện một cách sốt sắng và tha thiết dưới sự hướng dẫn của người giúp tĩnh tâm và những bài ca nguyện bằng tiếng Anh và tiếng Thái vô cùng sống động. Có thể nói ở Thái Lan chưa từng có một chương trình tĩnh tâm giới trẻ Công giáo như thế này, vì phong cách của phong trào canh tân đặc sủng chưa được mấy phổ biến trong giáo hội Công giáo ở nước này. Mặc dầu người hướng dẫn chỉ giới thiệu một vài nét của phong trào canh tân đặc sủng vì không muốn các bạn trẻ cảm thấy quá xa lạ, nhưng nhữn gì đã làm thì đã có kết quả rất tốt đẹp và đã giúp các bạn trẻ có một kinh nghiệm cầu nguyện mới lạ khác hẳn với kinh nghiệm trước đây. Đó là một điều rất thú vị.

Tối hôm nay mình đã trở về giáo xứ từ Khorad. Mặc dầu phải ngồi xe nhiều giờ đồng hồ và cảm thấy mệt sau những ngày giúp chương trình tĩnh tâm, nhưng mình lại cảm thấy rất vui trong tâm hồn. Mình đã thực sự có những ngày cuối tuần bổ ích, và mặc dầu mình không phải là người đi tĩnh tâm, nhưng qua những thay đổi trong tâm hồn của mình, chính bản thân mình cũng cảm thấy như mình đã trải qua những ngày tĩnh tâm vậy. Quả như là một viên đá mà ném trung hai con chim cùng một lúc.

Nong Bua Lamphu, ngày 13.5.2012

Đi hành hương La Vang





Cuối cùng thì mình cũng đã làm được một điều mà mình đã ước muốn trong vài năm qua, đó là hướng dẫn một đoàn giáo dân người Thái Lan đi hành hương tại thánh địa La Vang và các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam. Mặc dầu trên thực tế chuyến đi hành hương diễn ra từ ngày 30 tháng 4 cho đến ngày 3 tháng 5 không phải là công sức của mình tổ chức, mình chỉ là linh mục được ban tổ chức hành hương của nhà thờ chánh tòa GP Udon Thani mời đi làm linh hướng cho đoàn cũng như hướng dẫn đoàn khi đi đến các địa điểm tôn giáo như các nhà thờ.
Chương trình hành hương không quá dài, chỉ có hai ngày là để đi thăm các nhà thờ Công giáo cũng như tham quan một số điểm du lịch tại Huế và Quảng Trị. Còn hai ngày còn lại là ngồi trên xe đi từ Thái Lan đến Việt Nam và trở lại. Đó là những ngày rất dài vì phải ngồi xe rất nhiều giờ đồng hồ. Con đường xuyên Lào thì gặp phải ổ gà ổ voi nhiều vô kể.

Vì chương trình có hạn chế nên mình đã đề nghị ban tổ chức hành hương đi ba địa điểm, đó là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và nhà thờ chánh tòa Phủ Cam tại Huế, và dĩ nhiên là thánh địa La La Vang. Các giáo dân đã rất thích thú khi được thăm viếng các nhà thờ Việt Nam và rất vui mừng khi tại nhà thờ Phủ Cam đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của cha chánh xứ, đó là cha Antôn Dương Quỳnh. Ở La Vang đoàn cũng đã được cha chánh xứ là cha Giacobe Hiền chào đón và chúc lành cho đoàn. Tại La Vang mình đã được cha Hiền tạo điều kiện để được dâng lễ ngay tại tượng đài Đức Mẹ. Không khí trong buổi lễ bằng tiếng Thái thật ấm cúng và sốt sắng vì cả mình và các giáo dân thực sự cảm nhận được sự linh thiêng nơi Đức Mẹ đã hiện ra.

Một điều đã xảy ra tại cả ba nhà thờ đó là việc mua những đồ lưu niệm như tượng ảnh, tràng hạt, v.v. Việc này đã diễn ra rất sôi nổi và khôi hài. Khi trên xe, nhân viên hướng dẫn tour đã khuyên mọi người rằng họ không cần đổi tiền Thái sang tiền Việt vì bây giờ ở Việt Nam người ta nhận tiền Thái hết cả, và luôn sẵn sàng ra giá bằng tiền Baht cho du khách dễ dàng mua đồ. Vì thế rất ít người trong đoàn đổi tiền. Nhưng khi đến nhà bán đồ lưu niệm của các nhà thờ thì các seour không hề ra giá bằng tiếng Thái và cũng không biết đổi tiền Việt qua tiền Thái như thế nào. Còn đối với các giáo dân người Thái thì họ rất lúng túng khi nghe giá bằng tiếng Việt. Nhưng vì những tượng ảnh tại Việt Nam rất đẹp và có nhiều thứ để chọn cho nên các giáo dân người Thái vô cùng thích thú. Họ đua nhau hỏi giá để mua cho được những thứ đồ đó. Vì thế mình phải "ra tay" để giúp các thầy các seour trong việc bán hàng cho khách. Mình không chỉ là người cho khách biết những món hàng họ muốn mua bao nhiêu tiền Thái (bằng cách cầm máy tính sẵn trong tay và bấm liên tục) mà còn là người thu và thối tiền cho khách. Các seour chỉ biết trả lời những câu hỏi về giá cả, đi lấy hàng cho khách và gói. Thoạt dầu các seour cũng lúng túng không biết để cho mình làm kiểu này thì lời hay lỗ, nhưng cuối cùng thì không có cách nào khác để bán hàng nên các seour cũng vui vẻ để cho mình tung hoành.

Thật ra mình đã trấn an các seour là bảo đảm không lỗ, vì mình đổi tiền Việt qua tiền Thái với mức rất vừa phải cho các seour. Còn đối với khách thì họ luôn bảo là hàng rẻ, và nếu hàng có giá 92 baht thì họ cũng chẳng tiếc gì khi trả luôn 100 baht mà không cần phải thối lại. Các giáo dân luôn buông câu, "Thôi cúng cho nhà thờ vậy." Từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế cho đến tại thánh địa La Vang, không ai rời khỏi nhà bán đồ lưu niệm mà trong tay không có những bao hoặc hộp đựng những tượng ảnh và những đồ lưu niệm khác. Chỉ tội nghiệp một chú chủng sinh ở Dòng Chúa Cứu Thế, ngày 1 tháng 5 tất cả các cha các thầy đã di La Vang tham dự lễ của GP, một mình chú được giao trách nhiệm ở nhà để tiếp khách. Chú lại không ngờ sẽ có một cuộc "tấn công" nhà bán đồ lưu niệm bởi các du khách người Thái nên vô cùng lúng túng. Nhưng với sự hỗ trợ của mình thì mọi việc cũng đã êm xuôi và mọi người rời khỏi nhà sách một cách vui vẻ.

Sáng nay, sau khi ăn sáng tại khách sạn gần cửa khẩu Lao Bảo, đoàn đã lên xe để về lại Thái Lan. Trên xe mình đã mời mọi người chia sẻ cảm nhận khi đi hành hương La Vang. Tất cả những người chia sẻ đã rất ấn tượng với kinh nghiệm mà mình đã có được. Họ ấn tượng với chuyến đi với cái giá rất mềm mà được ăn uống, ngủ nghỉ ở những nơi thật chất lượng. Họ ấn tượng vì được đi thăm viếng nhà thờ và cầu nguyện ở những nơi thật linh thiêng. Nhiều người khi mình hỏi họ có đạt được cái mà họ mong muốn khi tham gia chuyến hành hương này không thì họ đã trả lời rằng, họ đã nhận được còn nhiều hơn những gì họ mong muốn nữa.

Đây là một điều mình rất bất ngờ vì ngày đầu tiên mình đã cảm thấy e ngại vì trên xe có nhiều người lớn tuổi, họ chưa bao giờ đi xa. Mình biết chuyến đi sẽ rất dài. Xe bắt đầu lăn bánh lúc 3 giờ sàng, mà đến 7 giờ tối mới đến Huế. Thời giờ ở cửa khẩu cũng rất lâu vì đến VN phải đi qua 4 lượt cửa khẩu. Mình sợ rằng các thành viên trong đoàn sẽ cảm thấy mệt mỏi và cằn nhằn. Thế nhưng họ đã rất vui vẻ và kiên nhẫn. Và thay vì mệt mỏi thì họ đã rất phấn khởi và thỏa mãn với chuyến đi hành hương đến Việt Nam đầu tiên mà giáo dân tại Udon Thani đã tổ chức. Nhiều người nói sẽ tiếp tục đi nữa nếu có tổ chức tiếp.

Riêng mình thì mình đã rất vui khi không chỉ là làm linh hướng cho đoàn, dâng lễ và hướng dẫn đoàn trong các sinh họat tâm linh, mà còn là người giúp bán hàng cho những người đi hành hương, và còn là người dẫn họ đi ăn trứng vịt lộn trên vĩa hè vào mổi tối sau khi chương trình du lịch chính thức đã kết thúc.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.5.2012