Nhật ký từ Manila (2)


Sau những ngày công tác ngắn ngủi tại Philippines, mình đã trở lại sân bay quốc tế Manila để trở về Bangkok. Chuyến đi Philippines lần này ít ngày nhưng rất hiệu quả. Mình đã gặp gỡ với các nhà nghiên cứu tại hai trường đại học Santo Tomas (Manila) và St Louis (Baguio City) để trao đổi về phương cách triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy và hỗ trợ việc nghiên cứu và phổ biến nghiên cứu trong các lĩnh vực Tôn giáo và Truyền thông Xã hội trong bối cảnh Philippines. Bởi vì TT ARC chủ trương thúc đẩy nghiên cứu trong bối cảnh Á châu, nên việc thành lập ARC Philippines sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động của TT tại đây.

Sau khi gặp gỡ các nhà nghiên cứu, mình đã tìm ra được một người để đảm trách vai trò lãnh đạo (điều phối viên) cho ARC Philippines, là một tiến sĩ thần học đang giảng dạy tại đại học St Louis ở Baguio City. Bên cạnh đó, tại Manila một nhóm giảng viên đại học Santo Tomas cũng sẽ cộng tác để giúp cho tạp chị học thuật của ARC được đăng ký chính thức với hệ thống SCOPUS. SCOPUS là một trong những cơ sở dữ liệu của các bài báo khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau có uy tín nhất thế giới. Khi một tạp chí đã được SCOPUS hoặc một cơ sở dữ liệu chấp nhận đồng nghĩa rằng các bài viết được đăng trong tạp chí có mặt trong hệ thống sở hữu chất lượng đáng tin cậy về mặt khoa học. Một tạp chí được SCOPUS công nhận sẽ thu hút nhiều tá giả muốn đóng góp bài vở. Tuy nhiên, để được đăng trong tạp chí mỗi bài viết sẽ phải trải qua một quá trình thẩm định khá khắt khe.

Trong vai trò là tổng biên tập của tạp chí học thuật “Religion and Social Communication” (Tôn giáo và Truyền thông Xã hội,” đây là mục đích mà mình đã và đang hướng tới từ khi bắt đầu đảm nhiệm vai trò cách đây vài năm. Đến nay đã trải qua 20 năm tạp chí được phát hành, nên mình nghĩ đã đến lúc làm những gì cần thiết để được đưa vào các hệ thống dữ liệu quốc tế. Mình đến Philippines lần này với niềm hy vọng tìm ra cộng sự để giúp hiện thực hoá nguyện vọng này. Nếu thành công, tạp chí sẽ giúp phục vụ nhiều hơn các đối tượng nhà nghiên cứu tại Á châu cũng như trên toàn thế giới.

Manila, ngày 14.11.2022

Nhật ký từ Manila (1)

Mới trở về từ Âu châu chỉ vài ngày thì hôm qua mình lại lên đường đi Manila, Philippines để họp với các cộng sự trong trung tâm nghiên cứu ARC do mình điều hành. Những ngày qua mình ngủ không tốt, không biết do thay đổi múi giờ, nhiều suy nghĩ trong đầu, hay ‘phong thuỷ’ của phòng ngủ mà mỗi tối mình chỉ thiếp đi được vài tiếng đồng hồ. Nhưng giấc ngủ ngắn ngủi đó cũng không mấy chất lượng vì không sâu. Sáng thứ tư đáng ra mình phải lái xe lên đại chủng viện để dạy học, nhưng vì cảm thấy không khoẻ vào buổi sáng nên đã gọi lên văn phòng xin dạy online. Mình sợ rằng người không tỉnh táo, khi lái xe đi hoặc về mà buồn ngủ thì sẽ có nguy cơ gây ra tai nạn. Cũng may thời nay các chủng sinh cũng đã quen với việc học online nên sự thay đổi này không mấy gây khó khăn gì. Khi ở Âu châu, tuần trước mình cũng đã dạy học online. Tuy nhiên, do múi giờ cách nhau tới 7 tiếng, nên mình phải vào mạng từ lúc 2 giờ sáng, trong khi ở Thái Lan thì 9 giờ sáng.
 
Chuyến đi Philippines lần này mình chỉ có mục đích đơn giản là kết nối với các cộng sự nhằm thúc đẩy một số hoạt động mà mình muốn triển khai cho trung tâm vào năm 2023. Một trong những hoạt động quan trọng là xây dựng thư viện trực tuyến bao gồm những tập sách và bài viết của Lm Josef-Franz Eilers, SVD. Ngài là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông xã hội, và cũng là người thành lập trung tâm ARC vào năm 1999 khi còn là thư ký của văn phòng truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục Á châu. Sau khi qua đời đầu năm 2021 ở tuổi 88, cha Eilers đã để lại nhiều tập sách và bài viết về truyền thông xã hội mà ai nghiên cứu hoặc theo học lĩnh vực này đều phải tham khảo.
 
Tuy nhiên, nhiều cuốn sách của ngài hiện đang được một nhà xuất bản tại Philippines giữ bản quyền nên ARC cần phải xin phép nxb thì mới đưa lên mạng được. Đây cũng là một điều mà mình không biết phía nxb có sẵn sàng hỗ trợ hay không. Mình cũng hy vọng rằng với nguyện vọng phổ biến kiến thức vô vị lợi của ARC, nxb sẽ đồng cảm và ủng hộ cũng như cho phép ARC sử dụng các tác phẩm của cha Eilers. Có được điều này sẽ rất bổ ích cho nhiều người ở các quốc gia mà không thể dễ dàng tiếp cận được với sách của ngài.

Tối hôm qua và trưa nay mình đã gặp hai cha D. và cha V. Cả hai đều là người Việt nhưng một người đến từ Việt Nam và một người đến từ Đ. Một người đang đi học và một người thì đang giảng dạy tại trường Đại học giáo hoàng Santo Tomas. Trong các cuộc gặp gỡ này, mình đã có dịp trao đổi với hai cha về những hoạt động mà mình dự tính cho ARC và cả hai đều sẵn sàng hỗ trợ mình với những gì có thể trên tinh thần phục vụ Giáo hội, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông xã hội là một trong những chủ trương chính của ARC. Thời gian qua, cả cha D. và cha V. cũng đã có những đóng góp giá trị cho ARC qua những chuyên môn của mình nên mình tin rằng các ngài sẽ còn đồng hành với ARC trong nhiều công việc khác nữa trong tương lai.

Những ngày ở Philippines, ngoại trừ một chuyến đi tới Baguio City cách Manila 250km để gặp hai cộng sự quan trọng tại trường đại học Saint Louis thì mình sẽ nghỉ tại nhà chính của tỉnh dòng Ngôi Lời tại Manila. Mình hy vọng rằng qua chuyến đi ngắn ngày và với việc gặp gỡ trực tiếp các cộng sự tại Philippines, những công việc mà mình muốn triển khai cho ARC sẽ sớm được hình thành.
 
Manila, ngày 11.11.22

Nhật ký từ Đức (5): Suy tư về một cuộc hội thảo



Mình kết thúc chuyến đi 16 ngày tới Đức và Hà Lan sau những ngày tham dự chương trình hội thảo chủ đề “missio dei” (sứ vụ của Thiên Chúa). Chương trình được tổ chức bởi tỉnh dòng Ngôi Lời tại Đức, cụ thể là các viện truyền giáo học và nhân chủng học trực thuộc hội dòng tại Đức. Chương trình được tổ chức với một hình thức khác với những chương trình hội thảo học thuật mà người ta từng chứng kiến. Một tham dự viên diễn tả sự kiện như là một “retreat for scholars” (cuộc tĩnh tâm cho giới học thuật), vì từ đầu tới cuối không hề có một bài thuyết trình nào liên quan đến chủ đề.
 
Thường thì trong các chương trình hội thảo, ban tổ chức sẽ mời một số chuyên gia thuyết trình các đề tài và gợi ý cho tham dự viên thảo luận. Tuy nhiên, trong lần này thì ban tổ chức chỉ đưa ra những câu hỏi hoặc khái niệm chính để cho các tham dự viên chia sẻ trong nhóm nhỏ, rồi báo cáo và thảo luận trong nhóm lớn. Theo cha Christian, một trong hai người chủ chốt trong việc xây dựng chương trình thì cách “thả người vào ao nước” như vậy có thể khiến cho mọi người cảm thấy thiếu định hướng và chới với. Tuy nhiên, nó cũng tạo điều kiện cho mọi người cùng nhau suy tư, trăn trở và tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi nềng tảng về khái niệm missio dei.

Quả thực hình thức thảo luận cũng như chủ đề xem ra đơn giản lại trở nên một thách đố lớn cho các tham dự viên. Khi nói tới sứ vụ của Thiên Chúa khiến cho chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi căn bản đòi hỏi sự suy tư thần học rất sâu sắc như: Thiên Chúa là ai? Thiên Chúa hoạt động trong thế giới như thế nào? Sự liên quan giữa missio dei và sứ mạng/sứ vụ của Chúa Giê-su như thế nào? Missio dei được đặt trên nền tảng của Ba ngôi Thiên Chúa như thế nào? Thiên Chúa mong muốn gì nơi con người? Giáo hội đóng vai trò gì trong sứ vụ của Thiên Chúa? Vai trò của Giáo hội đòi hỏi Giáo hội phải tự hiểu về chính mình như thế nào? Căn tính của Giáo hội là gì?
 
Riêng với một hội dòng với mục đích truyền giáo như Dòng Ngôi Lời thì có những câu hỏi thiết yếu khác như: Sự nhận thức về tính chất và mục đích của missio dei đòi hỏi hội dòng và các thành viên phải điều chỉnh cách hoạt động của mình như thế nào? Những phương cách hoạt động nào phù hợp với missio dei? Làm thế nào để chúng ta có thể phân định nhằm biết rằng hoạt động của mình phù hợp với missio dei? Các chủ trương quan trọng của Dòng Ngôi Lời những năm qua, điển hình chủ trương “đối thoại ngôn sứ” và “giao thoa văn hoá” được bắt nguồn từ khái niệm missio như thế nào? Hội dòng đã thực suy tư một cách sâu xa về mối liên quang giữa khái niệm missio dei và các đường hướng của hội dòng hay chưa?
 
Ngoài ra còn có những câu hỏi như: Sự thấu hiểu về missio dei ảnh hưởng đến cách Giáo hội tương quan với các tôn giáo khác như thế nào? Vai trò và vị trí của các tôn giáo khác dưới lăng kính của missio dei là gì? Khi áp dụng khái niệm missio dei một cách toàn diện thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng cơ cấu của Giáo hội và các tổ chức trong Giáo hội, cách đào tạo các lãnh đạo và thành viên trong Giáo hội, cách tổ chức các hoạt động mục vụ và loan báo Tin Mừng, và cách ứng phó với những vấn đề nan giải về công lý hoà bình, môi trường, di dân, v.v.?

Đối với mình thì cuộc hội thảo đã gợi lên cho mình nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Bởi vì trong số tham dự viên có những khác biệt về chuyên môn, văn hoá, ngôn ngữ nên mặc dù có sự đa dạng và thú vị, nhưng lại tạo nên một số ngăn cản trong việc đào sâu suy tư một cách chuyên môn và có hệ thống. Ngoài ra, tính “tự phát” của chương trình cũng khiến cho mình đặt câu hỏi rằng ban tổ chức sẽ làm gì sau chương trình hội thảo này để cho những suy tư và vấn đề được mổ xẻ trong những ngày qua được tiếp tục tìm hiểu một cách có hệ thống nhằm giúp hội dòng có những tài liệu hoặc đường hướng để đưa ra lối hoạt động của mình trong tương lai. Ngoài ra, suy tư thần học về missio dei từ Dòng Ngôi Lời có thể đóng góp gì cho Giáo hội nói chung nhằm giúp Giáo hội sống đúng với căn tính và sứ mạng của mình? Nếu không có những bước tiếp theo thì e rằng, cuộc hội thảo lần này cũng sẽ không khác gì nhiều nhiều cuộc hội thảo khác ở khắp mọi nơi – người ta tụ họp với nhau, trao đổi với nhau, rồi sau đó ra về, nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đấy.
 
Trong phần phát biểu cuối cùng của mình trong hội thảo, mình đã nói lên đề xuất ban tổ chức và các chuyên gia thần học trong Hội dòng tiếp tục theo đuổi những vấn đề mà chương trình hội thảo lần này gợi lên hoặc chưa đáp ứng được nhằm xây dựng và thúc đẩy nhiều hơn sự hiểu biết và nhận thức về khái niệm missio dei – một khái niệm mà dường như nhiều người khi nghe qua đều cảm thấy đồng lòng, nhưng khi được yêu cầu để phân tích thì không dễ dàng diễn tả một cách rõ ràng. Sự mơ hồ và thiếu đồng nhất trong cách thấu hiểu về khái niệm chính là điều khiến cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội nói chung, cách riêng các tổ chức và cá nhân trong Giáo hội, mang tính cảm tính, chủ quan, và có thể đi ngược với Thánh ý của Thiên Chúa. Bản thân mình sẽ còn phải nỗ lực và suy tư nhiều hơn nữa mới có thể đan dệt những gì mình đã nhận được từ cuộc hội thảo cũng như những gì mình sẽ tìm hiểu trong thời gian tới trở thành một câu chuyện và dòng tư tưởng hợp lý và ý nghĩa nhằm phục vụ cho ơn gọi và hoạt động truyền giáo của mình sau này.

Cologne, Đức, ngày 6.11.2022


Nhật ký từ Đức (4)




Hôm nay mình chính thức bước vào chương trình hội thảo chủ đề “Missio Deo” (Sứ vụ của Thiên Chúa) là mục đích tại sao mình tới Đức lần này. Chương trình hội thảo được tổ chức tại Đức nhằm quy tụ các thần học gia và chuyên gia trong Dòng Ngôi Lời, cũng như một số các dòng khác để tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ, và bàn thảo về ý nghĩa của khái niệm “Missio Deo”. Mặc dù khái niệm này đã ra đời 70 năm trước, nhưng trên thực tế đến bây giờ vẫn có nhiều vấn đề thần học chưa rõ ràng hoặc mang tính hệ thống về nó. Chính vì thế mà chương trình hội thảo này được tổ chức để cho các tham dự viên có cơ hội đưa ra những suy tư và ý kiển nhằm đào sâu khái niệm, đặc biệt là trong bối cảnh của Giáo hội và thế giới ngày nay.

Đến tham dự chương trình lần này có nhiều thành viên quan trọng trong nhà dòng, trong đó có cha Bề trên tổng quyền và thư ký truyền giáo của hội dòng đến từ Rô-ma, thần học gia Stephen Bevans từ Hoa Kỳ, cựu bề trên tổng quyền Antonio Pernia đến từ Philippines, và nhiều chuyên gia khác từ Đức cũng như các quốc gia khác.
 
Mình cảm thấy rất may mắn khi được mời tham dự hội thảo cùng với các chuyên gia trong hội dòng, đặc biệt với chủ đề rất quan trọng này. Mặc dù lĩnh vực chuyên môn của mình là tôn giáo học không phải truyền giáo học, nhưng là thành viên của một hội dòng truyền giáo cũng như là một người làm công tác nghiên cứu, thiết nghĩ việc tìm hiểu và học hỏi cặn kẻ hơn về khái niệm “missio dei” là một điều rất bổ ích cho chính mình. Mình tin rằng, sự nhận thức rõ ràng hơn về khái niệm sẽ giúp mình hoạt động đúng đắn và hiệu quả hơn trong công việc tại Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy và các công tác học thuật mà mình đang thực hiện.
 
Cha Christian Tauchner, người đứng ra tổ chức chương trình có giao cho mình một trách nhiệm trong những ngày hội thảo, đó là đóng vai trò “người lắng nghe” để đúc kết và nêu bật những ý tưởng quan trọng, đáng ghi nhớ từ các thành viên. Vì thế, mình sẽ cố gắng lắng nghe một cách tận tâm, nhằm có cơ hội học hỏi từ các bậc tiền bối, đồng thời có nội dung để “báo cáo” lại với mọi người trong cuộc hội thảo khi được yêu cầu.

Siegburg, ngày 2.11.2022