Tổ chức sự kiện trong thời buổi dịch
Corona
Trên thế giới hàng ngày có vô số sự kiện
được lên kế hoạch và thực hiện. Cho dù là sự kiện to hay nhỏ thì ai cũng muốn
những chương trình mình tổ chức được thành công tốt đẹp. Mình cũng không ngoại
lệ. Hơn một năm qua, mình làm việc chuẩn bị cho một chương trình hội thảo quốc
tế về tôn giáo và truyền thông tại Bangkok với những tham dự viên là các chuyên
gia đến từ các nước trong vùng Châu Á. Chương trình dự kiến sẽ diễn ra từ ngày
9-12 tháng 3 tại trường đại học St. Louis.
Để chuẩn bị cho chương trình hội thảo,
mình cùng với các thành viên khác trong ban quản trị TT nghiên cứu Á châu về
tôn giáo và truyền thông xã hội đã cật lực kêu gọi các chuyên gia đóng góp những
bài tham luận chuyên môn theo chủ đề của chương trình. Ngoài ra ban quản trị
cũng liên lạc với trường đại học tại Bangkok để tổ chức sự kiện, đồng thời tìm
nguồn ngân sách để trang trải các chi phí liên quan.
Mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp thì đột
nhiên tình hình dịch virus Corona bùng nổ tại Trung Quốc rồi lây lan qua các quốc
gia láng giềng. Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi cơn dịch, đặc biệt trong lĩnh vực
du lịch mà lượng khách Trung Quốc là một phần to lớn trong thu nhập của ngành.
Mặc dầu Thái Lan hiện không phải là ổ dịch
và trong số 35 người bị phát hiện nhiễm virus thì chưa có ai tử vong và 17 người
đã hồi phục, nhưng Thái Lan vẫn gây quan ngại đến một số nước khác. Ví dụ
Israel đã ra quy định là ai có mặt ở Thái Lan 14 ngày trước khi đến Israel sẽ bị
từ chối cho nhập cảnh. Có người từ Ấn độ cho hay chính quyền Ấn độ cũng đã quy
định phải cách ly những người đến từ vùng Đông Nam Á trên 20 ngày khi họ nhập cảnh
để phòng ngừa lây lan virus.
Vì những quan ngại này mà có nhiều tham
dự viên từ Ấn độ đã xin rút tên khỏi danh sách tham dự hoặc xin được tham dự
online. Một chuyên gia ở Ấn độ nói rằng, “Không phải tội sợ bị nhiễm virus khi
đến Thái Lan, nhưng vì chính sách của Ấn độ quá nghiêm khắc. Tôi không thể bỏ
ra 20 ngày để cách ly trong khi cơ quan của tôi chỉ cho tôi 12 ngày nghỉ phép trong
một năm.”
Vì có thay đổi đột ngột nên những ngày
qua mình phải liên lạc các chuyên gia khác để thay thế vào chỗ trống. Ngoài ra mình
cũng làm việc với trường đại học để yêu cầu họ hỗ trợ về mặt kỹ thuật để cho một
số người có thể tham dự hội thảo qua mạng thay vì có mặt trực tiếp như dự định.
Mặc dầu có những khó khăn trong khâu tổ
chức do tình hình dịch, nhưng mình đã quyết định phải tiến hành với sự kiện đã
được lên chương trình hai năm qua. Cơn dịch virus Corona không chỉ ảnh hưởng đến
hoạt động của trung tâm nghiên cứu mình điều hành mà còn rất nhiều nhiều cá
nhân và tổ chức khác nữa. Trong vài tháng nữa còn có những sự kiện vô cùng to lớn,
điển hình là Thế vận hội mùa hè tại Tokyo. Chắc chắn ban tổ chức các sự kiện
này đang rất hồi hộp và lo lắng về những gì phía trước.
Trong thời buổi khó khăn ai cũng phải
thích nghi bằng cách này hay cách khác. Nhưng điều tốt nhất là mọi người tiếp tục
tiến tới với những gì mình có thể, cho dầu phải thận trọng hơn, cũng như phải
chấp nhận những điều khó khăn và bất tiện. Cá nhân mình nghĩ rằng việc thích ứng
với thực trạng không phải là để cho mọi thứ trở nên tê liệt hay là mang thái độ
hoang mang quá đáng. Đó là lý do tại sao mình sẽ không hủy chương trình hội thảo.
Và mình còn tin rằng nó sẽ là một sự kiện ý nghĩa và tốt đẹp như mình mong muốn.
Bangkok, ngày 24.2.2020